Khu Di tích Nhà Lớn

Nằm bên Vịnh Gành Rái và phía Nam rừng Sác, Khu Di tích Nhà Lớn ở xã đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu được biết đến là một quần thể kiến trúc cổ dân gian quý hiếm. Được xây dựng từ năm 1910 và trùng tu vào năm 1991, đến nay quần thể di tích này vẫn còn nguyên vẹn và lưu giữ toàn bộ phong tục, tập quán của đạo ông Trần - người đã có công lập ấp Bà Trao, nay là xã Long Sơn...

Ông Trần tên thật là Lê Văn Mưu, sinh năm 1856 quê gốc ở Giang Thành, Hà Tiên (Kiên Giang). Ông vốn là một tín đồ của Đạo giáo "Tứ ân hiếu nghĩa" là chi phái sinh ra từ Giáo phái "Bửu Sơn Kỳ Hương" do Phật thầy Tây An lập ra. Lúc sinh thời ông thường cởi trần, tóc búi tó, đi chân đất lao động suốt ngày nên người dân quen gọi là ông Trần.

Năm 1900, ông cùng khoảng 20 người trong gia tộc đi bằng thuyền buồm dừng chân ở chợ bến Long Điền. Nhận thấy phía Nam đảo núi Lứa (Long Sơn) chưa có người khai phá, ông bèn chọn nơi này mở đất lập nghiệp và truyền đạo. Sau khi đến đây, ông quy tụ một số người đi theo khai khẩn đất hoang. Ông là người thông thạo về nghề nông và có tài tổ chức nên dân bốn phương quy tụ đến với ông ngày càng đông. Ông tổ chức cho dân khai phá đất đai, hình thành các khu ruộng theo kiểu bậc thang để tận dụng địa hình đất đai của khu vực.

Nhà Lớn tại xã Long Sơn, Vũng Tàu, nơi thờ đạo Ông Trần. Một quần thể kiến trúc gồm đền thờ, nhà phố, nhà hội, chợ... (Ảnh: TL)

Năm 1910, ông cho xây dựng bên trong Nhà Lớn, năm 1927 ông Trần lại cho xây dựng thêm Lầu Cấm làm tiền điện hai ngôi nhà khách để tiếp khách từ phương xa tới. Tiếp đến ông cho xây dựng Lầu Dài để tống, trên lầu bày bàn thờ lễ nghi, đồng thời cho xây dựng 6 dãy nhà phố làm nhà ở cho những người phương xa đến lập nghiệp. Xây chợ cho dân buôn bán, xây nhà Long Sơn hội để hội họp việc làng và xây dụng nhà trường đón thầy giáo về dạy chữ Quốc ngữ cho trẻ nhỏ, mở mang dân trí.

Khi ông mất, trong dân gian hình thành tín ngưỡng đạo ông Trần. Không có kinh kệ, chuông mõ cũng như tệ mê tín dị đoan, đạo ông Trần chỉ có những lời dạy truyền khẩu giữ gìn truyền thống tốt đẹp của tổ tiên với 5 chữ: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín.

Trên diện tích khoảng 2ha, Di tích Nhà Lớn chia làm 3 khu: đền thờ; nhà hội, trường học, chợ, nhà bảo tồn Ghe Sấm và khu lăng mộ Ông Trần. Đây là di tích bằng gỗ đồ sộ nhất nước được làm bằng các loại gỗ lim, sến, trắc, bá gụ... Kiến trúc Nhà Lớn Long Sơn là biểu hiện sinh động và rất ấn tượng đối với du khách về sự pha trộn tín ngưỡng dân gian địa phương với Nho giáo và Lão giáo. Toàn bộ quần thể di tích được xây dựng bởi gạch, ngói và gỗ thành các dãy nhà gần như liên thông với nhau. Nơi đây còn lưu giữ nhiều bộ sưu tập cổ vật quý báu như: bộ bàn ghế bát tiên gồm 8 ghế và 1 bàn hình chữ nhật đã trên 200 năm tuổi, tương truyền là bộ bàn ghế của Vua Thành Thái. Bên cạnh đó, còn có nhiều cổ vật trang trí nội thất thờ tự như bao lam, hoành phi, câu liễn sơn son thếp vàng... đặc biệt là bộ tủ thờ gồm 33 cái, được cẩn xà cừ, chạm khắc tinh xảo. Tất cả cổ vật nơi đây thể hiện khả năng nghệ thuật điêu khắc, trang trí của các nghệ nhân từ nhiều nơi trên đất nước.

Nhà Lớn do Ông Trần (tên thật là Lê Văn Mưu), người từ nơi khác tới Long Sơn khai hoang vào khoảng năm 1900. Người dân quen gọi Ông Trần vì lúc sinh thời, khi lao động ông thường cởi trần và đi chân trần. (Ảnh: TL)

Sau khi ông Trần mất đi, con cháu ông và những tín đồ trong đạo vẫn duy trì và gìn giữ nhưng nét văn hóa xưa. Những người theo đạo ông Trần vẫn để tóc dài, búi tó mặc đồ bà ba đen và đi chân đất. Hàng ngày có "hội làng", người dân trong xã tự giác luân phiên nhau đến quét dọn, đèn nhang cúng kỉnh trong Nhà Lớn gọi là "vô phiên" hoặc "phiên ngũ thường". Mỗi phiên có 6 người: 1 người hầu phiên và 5 người phiên ngũ. Ngoài ra còn có những người làm công quả gồm cả đàn ông lẫn đàn bà. Mọi người đến làm giúp nhà lớn đều tự nguyện không lấy công. Số người này có khi chỉ một, hai người nhưng có khi hàng trăm người tùy theo công việc.

Trải qua một thế kỷ, Nhà Lớn Long Sơn vẫn còn đó, những nét văn hóa của đạo ông Trần vẫn được con cháu và người trong đạo gìn giữ như chính con người họ. Những người nơi đây vẫn mộc mạc chân chất và giàu tình nhân ái. Mỗi độ xuân về, Nhà Lớn lại chuẩn bị những phần quà là sách vở, tặng cho những em học sinh nghèo mà hiếu học và gạo cho những hộ nghèo trong xã.

Hàng năm, vào ngày vía ông Trần (20 tháng 2 Âm lịch) và ngày Trùng cửu (9 tháng 9 Âm lịch), Nhà Lớn Long Sơn tổ chức lễ hội rất lớn, thu hút hàng chục ngàn người khắp Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ về tham dự.

(Ảnh: TL)

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc biệt, ngày 3-8-1991, Nhà Lớn Long Sơn đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. Hiện nay, Khu Di tích Nhà Lớn trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách mỗi lần đến Bà Rịa – Vũng Tàu.

                                                                                                             Văn Ba (Tổng hợp)

Top