Khói nhang ngày Tết, nét đẹp văn hóa của người Việt

Thắp hương ngày Tết là một tục lệ, là cách để người sống giao hòa cùng người thân đã mất, mỗi năm một lần về ăn Tết đầm ấm bên gia đình và đã trở thành nét đẹp văn hóa tồn tại hàng ngàn năm qua trong mỗi gia đình Việt.

Chẳng biết tục lệ thắp hương có từ bao giờ và do ai sáng lập. Theo các nguồn tài liệu, cây nhang có nguồn gốc từ bán đảo Ả-Rập, được các lái buôn người Hy Lạp chuyên chở sang bán tại các nước châu Á, khoảng từ thế kỷ thứ 11. Cây nhang này có mùi thơm dịu, được chiết xuất từ một giống cây mọc ở miền Nam bán đảo Ả-Rập. Còn theo Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục, cây nhang có nguồn gốc từ Tây vực, đốt hương nghĩa là cầu cho quỷ thần giáng cách. Khi xưa, tục Tàu tế tôn miếu chỉ dùng cỏ tiêu (cỏ thơm) trộn với mỡ mà đốt cho thơm, chưa có đốt hương.

Thắp hương ngày lễ Tết là phong tục truyền thống của người Việt

Đến đời Vũ đế nhà Hán, Vua sai tướng sang đánh nước Hồn Gia (xứ Tây vực, thuộc Ấn Độ). Vua nước ấy đầu hàng, dâng một tượng thần bằng vàng cho Vua Vũ đế đem về đặt trong cung Cam Toàn. Người nước Hồn Gia cũng tế thần ấy, không phải dùng đến trâu, bò mà chỉ đốt hương lễ bái mà thôi. Từ đó, Tàu mới có tục đốt hương. Sách xưa còn chép rằng: Thứ sử Giao Châu - Trương Tân thường đốt hương ở Cát Lập tịnh xá để đọc đạo thư. Tục đốt nhang ở ta có lẽ bắt đầu từ đó. Rồi cùng với quá trình phát triển của đạo Phật, tập tục đốt nhang du nhập vào nước ta ngày càng phổ biến.

Ngày cuối năm, khi đi mua sắm các thứ để chuẩn bị cho ngày Tết, không ai không mua vài ba hộp nhang về cúng Phật, cúng ông bà tổ tiên của mình. Khó ai diễn tả nỗi xúc động khi vào khoảnh khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới, cả gia đình quây quần bên nhau, thắp trên bàn thờ vài nén nhang thơm để cùng tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ, những người kính yêu đã khuất. Sự lẩn khuất của làn khói trắng, mùi thơm nhẹ lan tỏa, làm cho ta thấy ấm cúng và gắn bó với nhau nhiều hơn.

Trong tâm thức của mỗi người Việt Nam đều tin tưởng ở thế giới bên kia, trong khoảng không gian vô định, có những hình ảnh, những con người đang hướng về chúng ta, đang ở bên chúng ta hằng ngày. Và khi thắp nén nhang lên, ta có thể tâm sự với họ, sưởi ấm với cả thế giới này và cả với thế giới vô hình kia nữa.

Nhiều người có thói quen khi đi xa về, thường thắp nhang trên bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà tổ tiên trước, rồi mới ngỏ lời thăm hỏi, mới bắt đầu làm một công việc gì đó. Với người sắp đi xe, đi tàu cũng thường thắp nhang để cầu nguyện mong khi lên đường được bình an.

Người Việt đã quen chọn số lẻ (1, 3, 5, 7, 9) cho nén nhang khi dâng cúng. Hoặc có thể người ta cũng đốt cả nắm nhang chứ không chọn số chẵn (2, 4, 6, 8). Còn theo lý giải của nhà Phật thì những số lẻ mang nhiều ý nghĩa linh thiêng. 

Có nhiều quan niệm khác nhau về các con số. Số 7 và số 9 được tượng trưng cho “vía” của con người, khi muốn xin ơn cho cá nhân (thì nam thất, nữ cửu). Số 3 thì có nhiều quan niệm khác nhau. Có thể là tam bảo (Phật - Pháp - Tăng), tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới), tam thời (Quá khứ - Hiện tại - Tương lai), Tam vô lậu học (Giới - Định - Tuệ) của nhà Phật... Có lẽ vì vậy mà ở sân chùa cũng thường có 3 đỉnh hương to. 

Số 5 là 5 phương trời đất, 5 hướng thần linh. Nhưng dù là con số nào đi chăng nữa thì việc thắp nhang cũng chính là dâng tâm mình giữa trần gian đối với những bậc tâm kính, những người đã khuất.

Ngày Tết đi chùa lễ Phật, hái lộc đầu năm, cũng dễ bắt gặp những hình ảnh rất quen thuộc: Những cụ ông, cụ bà, nam thanh nữ tú tay cầm nhang, miệng lâm râm khấn vái cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng, phúc lộc thọ khang ninh... Đây là một nét văn hóa đẹp được tồn tại từ rất lâu, đem lại cho người ta một sự thanh thản và bình yên trong tâm hồn.

Mùa xuân là mùa có nhiều hội hè, mùa tảo mộ, thanh minh. Ngày xuân cũng là thời gian họp mặt của những người trong gia đình, cùng nhau đi viếng chùa cầu phúc... Những nén nhang được thắp lên và mọi người cảm thấy ấm lòng. Cùng với những phong tục truyền thống khác, nén nhang đã góp phần tạo nên và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt.

Nguyễn Hùng

Top