Khi Quan họ được kết duyên

Dân ca Quan họ ngày càng khẳng định sức sống và sự lan tỏa sâu rộng khi các loại hình nghệ thuật khác đã tìm đến bầu bạn và tìm cách kết duyên với nó…

Từ Chầu văn và thơ

Có thể tìm thấy nhiều nét tương đồng giữa dân ca Quan họ và hát Chầu văn - hai loại hình dân ca đã xuất hiện từ lâu ở vùng Kinh Bắc xưa. Cũng như hò sông Mã ở Thanh Hóa, hát Xoan ở Phú Thọ, hát phường vải ở Nghệ Tĩnh,… các điệu hát Chầu văn và dân ca Quan họ đều do những người lao động sáng tạo ra và diễn xướng. Nếu một canh hát Quan họ có các chặng: Mời nước, mời trầu, giã bạn,… thì hát Chầu văn cũng có các chặng: Mời thánh nhập, kể sự tích và công đức của thánh mẫu, xin thánh mẫu phù hộ và đưa tiễn. Ngoài ra, ca từ của dân ca Quan họ và hát Chầu văn phần lớn là thể thơ lục bát.

NNDG Trần Nguyễn Thị Trung trong giá đồng Bà Chúa kho tại cộng đồng. Ảnh: MH

Bởi vậy, hát Chầu văn hiện nay cũng tiếp nhận một hệ thống làn điệu bài bản từ dân ca Quan họ. Nhắc đến Chầu văn mang âm hưởng của Quan họ, ở Bắc Ninh hẳn nhiều người sẽ nhắc đến nghệ nhân dân gian Trần Nguyễn Thị Trung, tên thật là Nguyễn Thị Chung, người được mệnh danh là “người đàn bà hai di sản” đã thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu với giá đồng Bà Chúa kho, Bắc Ninh, nổi tiếng với trang phục Quan họ và cung văn hát Chầu văn mượt mà. Có thể khẳng định, các làn điệu âm nhạc của Quan họ đã giúp hát Chầu văn ngày càng phong phú, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng.

Đây cũng là nguồn chất liệu dồi dào để các nhà thơ viết lên những vần thơ đậm chất Quan họ. Có thể nói, sự tác động của dân ca Quan họ đến thơ là một tất yếu, bởi trong dân ca Quan họ có những mạch ngầm cảm xúc rất phù hợp với mạch cảm xúc của thi ca.

Nghệ sỹ Xuân Hinh với nghệ thuật Chầu văn mang âm hưởng Quan họ trên sân khấu. Nguồn: youtube

Là người con sinh ra, lớn lên trên vùng đất Kinh Bắc, chính tình yêu và tâm hồn đồng điệu với những làn điệu Quan họ đã khơi nguồn cảm xúc để nhà thơ Nguyễn Phan Hách viết bài Làng Quan họ. Bài thơ này đã tái hiện được những nét văn hóa cổ truyền của không gian Quan họ với những: “Tháng Giêng mùa hát hội/Áo nâu ướp hương trầm/Nón thúng quai thao rủ/Buông dài nếp xống thâm”. 

Bên cạnh đó, Làng Quan họ còn là những vần thơ miêu tả về không khí chiến đấu chống Mỹ của dân tộc, lời ca Quan họ theo người chiến sỹ lên đường ra trận, người phụ nữ đưa chồng, tiễn người yêu cũng bằng câu hát: “Em tiễn anh lên đường/Đứng bên bờ em hát/Muốn gửi đi theo anh/Cả dòng sông trong mát.” 

Hay như ở bài thơ Chùa Huơng, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp cũng gửi gắm tình yêu thương vào miền quan họ vào hình ảnh cô gái đi lễ chùa với yếm thắm và nón quai thao. Đọc những câu thơ này, ai cũng có thể cảm nhận thấy rõ nét duyên và hồn của người quan họ: “Em đi cùng với me/Me em ngồi cáng tre/Thầy theo sau cưỡi ngựa/Thắt lưng dài đỏ hoe/Thầy me ra đi đò/Thuyền mấp mênh bên bờ/Em nhìn sông nước chảy/Đưa cánh buồm lô nhô/Mơ xa lại nghĩ gần/Đời mấy kẻ tri âm?”. 

… đến không gian nhạc đương đại

Thi ca và âm nhạc cũng là hai loại hình dễ đồng cảm và bén duyên. Chính vì vậy, bài thơ Làng quan họ của Nguyễn Phan Hách đã được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc thành bài hát Làng Quan họ quê tôi và bài Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp cũng được nghệ sỹ Trung Đức phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng Hôm qua em đi chùa Hương.

Liên khúc Quan họ Bắc Ninh với 2 ca khúc Vào chùa và Còn duyên trong hội diễn. Ảnh: Nguyễn Nhân

Không chỉ có những nghệ sỹ phổ nhạc cho thơ, mảng sáng tác ca khúc mang âm hưởng dân ca Quan họ cũng đã được nhiều nhạc sỹ sáng tạo thành công như Phó Đức Phương với Những cô gái quan họ, Ngọc Lĩnh với Một thoáng sông Cầu, Câu quan họ người ơi, Đức Miêng với Nón ba tầm, Gửi về quan họ, Nguyễn Trung với Tìm trong chiều Hội Lim, Hội Diềm, Trọng Tĩnh với Khúc giao duyên,  Ngô Quốc Tình với Miền lúng liếng

Trong số những nhạc sỹ này, có một người rất nặng lòng với dân ca Quan họ chính là nhạc sỹ Phó Đức Phương. Những năm tháng thiếu thời trên quê ngoại (làng Thanh Hoài, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã nuôi dưỡng cho ông niềm cảm xúc mạnh mẽ để viết lên bài hát đặc sắc mang âm hưởng dân ca quê hương.

Biểu diễn âm nhạc đương đại với âm hưởng Quan họ và trang phục Quan họ tại sự kiện ngoài trời. Nguồn: youube

Những cô gái quan họ là bài hát trữ tình, mượt mà nổi tiếng của Phó Đức Phương với cách hát nhấn nhá và nhả chữ đặc trưng từ làn điệu Quan họ. Ngoài ra, bài hát Về quê của ông cũng nhanh chóng dành được sự đồng cảm, yêu mến của nhiều nghệ sỹ và đông đảo công chúng yêu âm nhạc với âm hưởng ngọt ngào, lắng đọng, và lời ca mộc mạc, sâu đậm tình người, lung linh cảnh sắc làng quê,

Từ giai điệu đến ca từ của Về quê, nhạc sỹ Phó Đức Phương đã gửi gắm đến người đời một thông điệp nhân văn: “Nơi bền lâu là nơi lắng sâu, thiếu quê hương ta về, ta về đâu?”. Thông điệp ấy của ông cũng góp phần truyền cảm hứng và cổ động cho rất các nhạc sỹ tài năng khác như Lê Minh Sơn với ca khúc như “Người ở người về”... Điều đáng quý và giữa những xô bồ của đời sống âm nhạc hiện đại, họ đã tìm cho mình một con đường riêng là sáng tác những ca khúc mang đậm chất liệu dân gian, trong đó có những làn điệu dân ca quan họ thấm đẫm tình đất và tình người.

Phương Linh

Top