Khai mạc Triển lãm “Da cam - Lương tri và Công lý”

Nhân kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2016), sáng ngày 03/8/2016, tại Hà Nội, Hội nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam, Binh chủng Hóa học, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Thư viện Quân đội đã phối hợp tổ chức Lễ khai mạc triển lãm chuyên đề “Da cam – Lương tri và Công lý”.

Tham dự Triển lãm có đại diện Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam; đại biểu các cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và các cơ quan có liên quan.

Với hơn 400 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, Triển lãm giới thiệu 4 chủ đề lớn:

Chủ đề 1 - Thảm họa và nỗi đau: Trưng bày những hình ảnh, hiện vật phản ánh tính chất nguy hiểm, mức độ thiệt hại của chất độc hóa học mà quân đội Mỹ gây ra ở Việt Nam. Tiêu biểu là hình ảnh, tư liệu như: Máy bay C123 đang phun rải chất độc hóa học tại miền Nam Việt Nam; Bản đồ công tác 20P đánh dấu vị trí phun rải chất độc da cam ở hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị do chính Tỉnh trưởng của chính quyền Sài Gòn ký tên và đóng dấu. Những hình ảnh nạn nhân bị dị dạng, dị tật do di chứng chất độc da cam như: ông Bùi Ngọc Bé - cựu Thượng úy đặc công Quân khu Sài Gòn - Gia Định; cặp song sinh dính nhau Việt và Đức tại Sa Thầy, tỉnh Kon Tum; ông Đỗ Đức Địu ở xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình trở về từ chiến trường năm 1975, ông lập gia đình và có 15 người con đều bị di chứng chất độc da cam/ dioxin, hiện nay còn 3 người con tật nguyền, 12 người đã chết,…

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm "Da cam - Lương tri và Công lý"

Chủ đề 2 - Nỗ lực khắc phục hậu quả: Trưng bày thể hiện những nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra. Tiêu biểu là: Quyết định của Thủ tướng về việc thành lập Uỷ ban quốc gia điều tra hậu quả chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam (15-10-1980); Lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động vì nạn nhân chất độc da cam giữa Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Binh chủng Hóa học; Hình ảnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius dự Lễ công bố hoàn thành giai đoạn 1 dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng ngày 3-5-2016,…

Thiếu tướng. TS Nguyễn Xuân Năng phát biểu khai mạc triển lãm.

Chủ đề 3 - Vòng tay nhân ái: Trưng bày giới thiệu những hoạt động của Đảng, Nhà nước, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, cá nhân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài; các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng quốc tế ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân da cam cả về vật chất, tinh thần. Tiêu biểu là: Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kêu gọi dư luận quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam; Quyển sổ lưu 2148 chữ ký ủng hộ vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt của sinh viên Phân viện Báo chí và Tuyên truyền,…

Đại biểu tham quan triển lãm.

Chủ đề 4 - Khát vọng vươn lên: Trưng bày giới thiệu những nỗ lực và cố gắng phi thường, những tấm gương điển hình vượt khó vươn lên của các nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam. Đó là hình ảnh Nguyễn Thanh Tùng - nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam bị mù cả hai mắt biểu diễn tại thành phố Cahors (Pháp), ngày 31-10-2005; Trần Thanh Sơn (sinh năm 1984) ở Ninh Thuận nhận bằng Thạc sĩ ngành Công nghệ thông tin - Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh,tháng 5-2014; Xe lăn của nạn nhân Chu Quang Đức - một trong mười gương mặt trẻ của Thủ đô được vinh danh năm 2012,…

Một số hiện vật được trưng bày.

Ngoài ra, Triển lãm còn có phần trưng bày sách, các công trình khoa học, các bài báo, tạp chí của tác giả trong và ngoài nước viết về chủ đề da cam/ dioxin. Triển lãm “Da cam - Lương tri và Công lý” là hoạt động thiết thực kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam. Qua triển lãm, người xem hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của chất độc da cam/ dioxin và hậu quả của chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam, nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam. Trên cơ sở đó có những hành động thiết thực để chia sẻ, ủng hộ, xoa dịu nỗi đau của những nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam./.

Thuận Nguyễn

Top