Kết nối vì di sản vì cộng đồng
Ý tưởng lập hồ sơ và quá trình nghiên cứu di sản này đã bắt đầu từ năm 2014 với các di sản thuộc tỉnh Quảng Ninh. Càng nghiên cứu các nhà quản lý, các nhà khoa học càng thấy sự cần thiết phải mở rộng phạm vi di sản sang khu vực Bắc Giang và Hải Dương để đảm bảo tính tổng thể, toàn vẹn và các giá trị nổi bật của các di sản vốn đã có lịch sử hình thành, gắn kết và tồn tại cùng nhau từ lâu đời.
Hội nghị tập trung thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng nhất của hồ sơ Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử trình UNESCO
Ngày 5-6-2020 Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về việc cho phép 3 tỉnh nói trên triển khai các công việc để tiến hành xây dựng hồ sơ này.
Tháng 8-2020 một cuộc hội thảo khoa học chuyên đề về Di tích và Danh thắng Yên Tử, về những vấn đề liên quan đến nội dung và quy trình lập hồ sơ trình UNESCO được tổ chức tại Quảng Ninh với sự tham gia của gần 70 đại biểu và 40 tham luận.
Các đại biểu dự Hội nghị
Tiến thêm một bước nữa, nhằm tập trung thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng nhất của hồ sơ như: lựa chọn tiêu chí đề cử, xây dựng kế hoạch làm hồ sơ, phân công trách nhiệm và xác định vai trò, sự hợp tác của các cơ quan có liên quan, cuộc họp giữa đại diện 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương; đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch; đại diện Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử, Hội Khảo cổ học đã được tổ chức tại Yên Tử ngày 17-9-2020.
Thay mặt Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội đã phát biểu ý kiến tại Hội nghị.
Điểm mới khác với 8 hồ sơ di sản đã được UNESCO vinh danh trước đây, đề cử lần này là 3 tỉnh có chung quần thể di sản: vưà có di sản thiên nhiên, vừa có di sản văn hoá; vừa có di sản thông tin tư liệu vừa có di sản văn hoá phi vật thể. Ai cũng biết khu vực Yên Tử và vùng Đông Bắc nổi tiếng với các di sản của nhà Trần và Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
P.V