“Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”

Họa sỹ Nguyễn Sáng (1923 – 1988), đã để lại cho nền mỹ thuật Việt Nam nhiều tác phẩm xuất sắc, trong đó những tác phẩm hội họa cách mạng tiêu biểu của ông như: “Tình quân dân”, “Giặc đốt làng tôi”, “Thanh niên thành đồng”, “Giờ học tập”, “Thành đồng tổ quốc”…Đặc biệt nổi lên là tác phẩm đồ sộ “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” sáng tác năm 1963, chất liệu sơn mài, kích thước 112,3 x180cm. Ông vẽ tác phẩm này để tri ân, tưởng nhớ những đồng đội ở Điện Biên Phủ, sinh thời ông rất tự hào về tác phẩm này của mình. Họa sĩ Mai Văn Hiến nhận xét “Đây là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của hội họa hiện đại Việt Nam”.

Việc tái hiện chân thực hình ảnh một cuộc kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, bức tranh là đỉnh cao của dòng nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa, là triết lý sâu xa của cuộc sống trong cái bi thương vẫn toát lên vẻ đẹp anh hùng của người sẽ được đứng trong hàng ngũ của những người cộng sản. Bức tranh khi mới hoàn thành bị nhiều ý kiến phản đối, có thể vì những định kiến trong hoàn cảnh thực tại lúc đó khi đánh giá về nội dung và hình thức biểu hiện của tác phẩm, mọi người chắc luôn muốn hình ảnh của người chiến sỹ phải hoàn mỹ về hình thức bên ngoài (Trong hoàn cảnh thực tại lúc bấy giờ chúng ta cũng không thể chê trách được). Tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao về nghệ thuật tạo hình cùng kỹ thuật sơn mài truyền thống, lối dùng ít màu, vẽ mỏng, ít lớp. Toát lên từ bức tranh là màu vàng nâu của đất thành hào, mảng lớn mà không thô, nét thẳng mà không cứng. Nguyễn Sáng bằng tài năng đã xử lý khéo léo cặp tương phản của hình và màu, nét thẳng ngang của tường hào đối lập với nét dọc của dáng người chiến sỹ. Sự đối lập giữa mảng sáng của nền, mảng trời với mảng nâu đậm vách hào tạo sự đan xen của mảng hình, sáng - tối, nóng - lạnh tạo cân bằng cho bố cục và điểm nhấn không gian tập trung. Với lối diễn vừa khái quát ước lệ, trong xử lý hình mảng, không gian và ánh sáng, vừa hiện thực ở hình tượng nhân vật và chủ đề. Không diễn tả nhiều chi tiết, song người xem vẫn cảm nhận được không khí trang nghiêm của người chiến sỹ chuẩn bị được kết nạp là Đảng viên mới. Bố cục người và không gian cận cảnh, tập trung diễn tả nhóm nhân vật trọng tâm, không gian được mở rộng với mảng đường hào mở ra ở phía sau, một chiến sĩ đang ra trận chiến. Khi xem ta thấy được cận hình mà không chật, không gian nhỏ mà vẫn gợi ra nhiều hướng của chiến hào Điện Biên. Họa sĩ rất giỏi thể hiện cái động trong cái tĩnh và ngược lại cho nên bức tranh khuôn khổ không lớn nhưng ta thấy không gian như rộng mãi. Vách chiến hào được vẽ bằng màu nâu đất, khoảng trời nhỏ bé trên cao được vẽ bằng màu vàng sậm tạo không khí căng thẳng đến ngộp thở. Màu vàng ở nền đất tương phản với màu da của các nhân vật, nổi bật lên sự thô ráp, khỏe mạnh của những người chiến sĩ và cũng cho thấy sự vất vả, gian khổ trên chiến trường. Trong đường hào ngoằn ngoèo, rích rắc ấy, các nhân vật bố cục liên kết theo chiều ngang, tạo khối chắc khỏe, giản lược bớt các đường cong lượn. Bố cục với những mảng miếng lớn, khúc triết và tuyến nhân vật dàn hàng ngang, gần như loại bỏ xa gần, tương quan sáng tối ước lệ không gò theo ánh sáng thật, ưu tiên lợi thế mảng phẳng của sơn mài. Lối kết hợp giữa cách tạo hình Âu Châu với chất liệu tạo hình phương Đông, chất dân gian đã tạo ra chất dân tộc rất hiện đại. Giá trị của tác phẩm còn ở ngôn ngữ nghệ thuật dân dã, mộc mạc mà hiện đại trong cấu trúc tác phẩm, sự tương phản sáng tối, các mảng miếng đậm nhạt rất vừa độ, đường nét mạnh mẽ, phóng khoáng toát lên chất bi, hùng, trong đó chất hùng, chất tráng ca đã nêu bật chủ đề tác phẩm đó là khí thế chiến thắng tất yếu của những con người quả cảm. Qua đó, Nguyễn Sáng đã tạo cho tác phẩm Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ vừa đẹp vừa đậm chất sử thi và chất anh hùng ca. Có thể cảm nhận được không gian trang nghiêm của toàn bộ khung cảnh buổi kết nạp Đảng, được diễn ra chóng vánh trong không gian chiến hào.

Bức tranh sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sỹ Nguyễn Sáng được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2599/QĐ-TTg ngày 30-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, tác phẩm đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

ThS Lê Quốc Huy

Top