Kéo co Hòa Loan: Bắt nguồn từ sự tích dải yếm “gói đá” đánh giặc

Mỗi dịp Tết đến Xuân về người dân thôn Hòa Loan, (xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) lại tưng bừng mở Lễ hội Kéo co. Đối với người dân Hòa Loan, hết kéo co mới là hết Tết. Kéo co Hòa Loan theo quan niệm của người dân vùng này không chỉ dành cho người đang sống mà còn dành cho cả người “ở thế giới bên kia"!

Kéo co xuất xứ từ dải yếm!

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, thôn Hoà Loan là quê hương của nữ tướng Lê Thị Ngọc Trinh. Bà là một dũng tướng của Hai Bà Trưng. Trong trận đánh ở Gò May (Lũng Hoà), gươm của bà bị gãy, bà đã lấy dải yếm thắt lưng  bọc đá cuội vào trong làm vũ khí, ngồi trên lưng ngựa quăng thẳng vào quân giặc. Trong giờ phút gay cấn hai bên giằng co quyết liệt, dải yếm văng ra xa bay về phía thôn Hoà Loan, còn hòn đá rơi về phía thôn Lũng Ngoại. Theo sự tích đó, cứ vào dịp Tết Nguyên đán truyền thống hàng năm, thôn Lũng Ngoại tổ chức chơi trò “hú đáo”, còn thôn Hòa Loan tổ chức kéo co để tưởng nhớ nữ tướng Lê Thị Ngọc Trinh và kỳ tích chiến công củadùng thắt lưng bọc đá đánh giặc, giữ nước.

Lễ hội kéo co được diễn ra vào các buổi chiều, từ ngày mồng 4 đến ngày mùng 8 Tết Nguyên đán hằng năm ở sân đình làng. Mọi thủ tục tế lễ, chia dây, đánh dấu cõi… được thực hiện đúng nghi thức truyền thống các cụ xưa để lại. Trước khi tổ chức kéo co, cụ Từ làm lễ xin nhà Thánh. Bốn ông Đông, Tây (Ban hành lễ) vào làm lễ rồi ra ngoài đem theo cờ hội đi kiểm tra dây kéo. Khi kiểm tra xong quay lại trình nhà Thánh, nổi ba hồi trống hội và thông báo chuẩn bị kéo co. Tổ trưởng tổ kéo co làm trọng tài, hai người đứng giữa cõi điều hành việc kéo co, hai người ở đích để xác nhận kết quả. Khi dây chấm đích thì hạ cờ, kết thúc “hiệp” .Kéo xong mỗi “hiệp” lại tế một lần để bắt đầu “hiệp” kéo mới.

Người tham gia cứ xúm vào kéo đến khi kín dây thừng thì thôi

Kéo co được chia làm hai bên: Đình Đông và Đình Giếng. Đình Đông của họ Dương, đình Giếng thuộc họ Đào (hai họ lớn nhất của làng). Còn lại họ Nguyễn, họ Phạm kéo bên đình Giếng cùng họ Đào; họ Khổng, họ Bùi kéo bên đình Đông cùng họ Dương. Như vậy cả làng ai cũng được tham gia kéo co, không phân biệt già trẻ, gái trai, dâu rể. Khách đến hội làng cũng được tham gia trò chơi . Khách đến từ hướng Đông thì kéo cho họ Dương, đến từ hướng Tây thì kéo cho họ Đào.

Dây kéo là dây song mật (thân cây mây ở trên rừng, có màu vàng như mật). Hằng năm, bắt đầu từ rằm tháng Chạp Âm lịch, dây song sẽ được ngâm xuống nước để chuẩn bị kéo co trong những ngày Tết. Dây song có chiều dài từ 60 đến 70m được nối lại với nhau. Có thể chập đôi hoặc thậm chí chập ba cây song thành một, ở giữa đôi khi còn được luồn vào một sợi dây cáp để tăng độ bền chắc cho dây kéo. Một quy định luôn được tuân thủ nghiêm ngặt khi kéo co là gốc của dây song luôn đặt về hướng Đông, ngọn về hướng Tây.   

“Cứ xúm vào đến kín dây kéo thì thôi”

Điều độc đáo ở kéo co Hòa Loan là số lượng người tham gia không hạn chế, có thể lên tới vài trăm người, khi nào kín dây kéo thì thôi. Trò chơi không đặt nặng việc thắng thua và cũng không có giải thưởng.  Bên thua sẽ vào lễ và công đức vào đình, coi như là treo giải để lần sau sẽ thắng lại.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Chi bộ thôn Hòa Loan: “Trước sân đình rộng, trò chơi kéo co diễn ra hết hiệp nọ đến hiệp kia. Mỗi hiệp không quy định về thời gian mà tùy thuộc vào sự cam go, quyết liệt của hai bên. Đã có những giải kéo hai bên giằng co nhau đến cả tiếng đồng hồ mới phân thắng bại. Những tiếng hô giữ nhịp, hò reo náo nhiệt cả một vùng khiến không khí vui vẻ, dân làng ai ai cũng đều thấy phấn chấn”.

Đặc biệt kéo co Hòa Loan không chỉ dành cho người dương mà còn cho cả “người dưới âm”. Theo thông lệ, từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 8 Tết là dân làng tham gia kéo co, ngày mùng 9 dây song sẽ được để ra bên ngoài để “người dưới âm” kéo. Chiều mùng 10 Tết diễn ra thủ tục “Du dây” làm phép do các cụ cao niên trong làng thực hiện. Trước tiên du dây về bên Đông 3 lần, sau đó du về bên Tây 3 lần nữa là cuộn dây lại cất đi và đóng cửa Đình, kết thúc lễ hội. “Người ở thế giới bên kia” như cũng hòa vào hội cùng “người dương” mà chẳng còn sự cách biệt. Ông bà tổ tiên cùng về vui với con cháu và như cũng “tham gia” vào trò chơi cộng đồng như hồi mình còn “oanh liệt”.

Sức sống của di sản dài lâu trong cộng đồng

Lễ hội kéo co Hòa Loan được hình thành từ khi nào thì không ai còn nhớ. Những người cao tuổi trong làng nhớ rằng, trò chơi được tổ chức từ những năm 1946 đến 1965. Trong chiến tranh rồi qua thời khó khăn bao cấp, hội vui đã từng bị dừng lại. Đến năm 1993 kéo co được khôi phục và duy trì đều đặn hàng năm cho đến ngày nay. Tết ở làng  Hòa Loan hôm nay không thể thiếu trò chơi kéo co. Trò này thiêng liêng nhưng vẫn vui, sôi động, thu hút nhiều thanh niên ở làng khác cùng đến tham gia. Anh Nguyễn Trường Giang chia sẻ: “Em ở thôn Lũng Ngoại (thôn láng giềng) nhưng tết năm nào cũng lên Hòa Loan tham gia kéo co. Hội kéo co Hòa Loan rất đông, hầu như cả làng từ già, trẻ, gái, trai đều tham gia. Tết mà không tham gia kéo co ở Hòa Loan thì mất vui”.

Hội kéo co đã ăn sâu vào tâm trí nhiều thế hệ người làng Hòa Loan. Món ăn tinh thần này đã đồng hành với bao thế hệ dân làng vào dịp đầu năm mới. Người xa quê mấy chục năm vẫn nhớ đến lễ hội kéo co. Kéo co không chỉ thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc mà còn là nguồn động viên khích lệ rất lớn để người dân hăng say lao động sản xuất xây dựng quê hương trong dịp đầu xuân mới. Ông Nguyễn Văn Lai, nguyên Chủ tịch xã Lũng Hòa bày tỏ: “Tôi tin rằng khi đã được tham gia cộng đồng kéo co Việt Nam và quốc tế, sẽ là cơ hội nâng cao nhận thức cho cộng đồng kéo co ở Hòa Loan, để di sản này sống mãi trong cộng đồng và sẽ được trao truyền từ đời này sang đời khác”. Các cấp chính quyền ở Hòa Loan, Vĩnh Tường cùng ngành Văn hóa cũng đồng hành với nhân dân trong việc duy trì tổ chức và quảng bá về hội kéo co độc đáo Hòa Loan với bạn bè và những hội kéo co ở các địa phương khác và cả những hội kéo co ở nước khác...

NCS.Đường Ngọc Hà

CN Nguyễn Thị Phương

 

Top