Hội thảo khoa học: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giá trị lý luận và thực tiễn
Hội thảo do 5 cơ quan đồng phối hợp tổ chức: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đoàn Chủ tịch Hội thảo
Đến dự Hội thảo có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, TS Phạm Quang Nghị; Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu; Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, PGS.TS Trần Đức Cường cùng đông đảo các nhà khoa học, cán bộ, sinh viên các trường đại học tại Hà Nội. PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh; ThS Phạm Chí Thành, Q.Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật; PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham gia Đoàn Chủ tịch, trực tiếp điều hành Hội thảo.
TS Vũ Mạnh Hà đọc Báo cáo đề dẫn
Theo TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, mục tiêu của Hội thảo khoa học lần này là “làm rõ những giá trị lý luận và thực tiễn của bản Di chúc từ thực tế lịch sử của cách mạng Việt Nam 50 năm qua. Trên cơ sở đó tiếp tục khẳng định giá trị thực tiễn của bản Di chúc lịch sử và rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Từ đó, góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Các PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phạm Mai Hùng tham gia điều hành Hội thảo
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 102 báo cáo, tham luận khoa học của các nhà nghiên cứu, các GS, TS, các nhà quản lý trên rất nhiều lĩnh vực, ở khắp mọi miền của đất nước.
Các báo cáo, tham luận hoặc những phát biểu trực tiếp tập trung vào 05 chủ đề lớn:
1. Bối cảnh ra đời, quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh viết, sửa chữa, bổ sung vào bản Di chúc; quá trình công bố và xuất bản Di chúc.
2. Công tác trưng bày, tuyên truyền và phát huy giá trị của Di chúc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và hệ thống bảo tàng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước.
3. Giá trị lý luận và thực tiễn những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đề cập đến trong Di chúc, như: về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; về Đảng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng; về vấn đề con người và chính sách xã hội đối với con người; về bồi dưỡng thế hệ trẻ, xây dựng tương lai đất nước sau chiến tranh, về đoàn kết quốc tế, về xây dựng nền báo chí, xuất bản cách mạng; về vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam.
4. Những thành tựu mà nhân dân ta đã đạt được sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng…
5. Kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và sự vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người, nhất là các tư tưởng trong bản Di chúc vào thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong 50 năm qua.
Các đại biểu dự Hội thảo
Tại buổi Hội thảo sáng nay, sau các phát biểu chào mừng, khai mạc và báo cáo đề dẫn, các đại biểu đã nghe các báo cáo tham luận: Thiêng liêng biết mấy những lời của Bác (TS Phạm Quang Nghị, nguyên UVBCT, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội); Vấn đề nông dân trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); Chủ nghĩa xã hội và đổi mới trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên UV Hội đồng Lý luận Trung ương); Công tác bảo quản, gìn giữ và phát huy giá trị Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ông Đinh Hữu Long, Phó Cục trưởng Cục Lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng); Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng thông qua các hiện vật gốc của Bảo tàng (ThS Triệu Văn Hiển, UV BCH Hội Di sản Văn hóa Việt Nam); Tìm hiểu phong cách đặc sắc của Hồ Chí Minh trong Di chúc (PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết, Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền); “Điều mong ước cuối cùng” của Bác và mục tiêu phát triển đất nước trong những năm tới (PGS.TS Ngô Văn Thạo, Hội đồng Lý luận Trung ương).
Có 03 đại biểu phát biểu trực tiếp tại Hội thảo, gồm: PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Nhà sử học Dương Trung Quốc; ThS Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thừa Thiên Huế.
Các đại biểu đọc tham luận và phát biểu tại Hội thảo: TS Phạm Quang Nghị; GS.TS Hoàng Chí Bảo; PGS. TS Trần Đức Cường; ThS Triệu Hiển; Nhà sử học Dương Trung Quốc; PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết; ThS Lê Thuỳ Chi
Báo cáo đề dẫn và 102 báo cáo khoa học, nghiên cứu đã được BTC tập hợp in trong 2 tập kỷ yếu Hội thảo khoa học “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giá trị lý luận và thực tiễn” (1969 - 2019) để phục vụ nhu cầu của các nhà nghiên cứu, quản lý, cán bộ, nhân viên, học sinh, sinh viên và đông đảo quần chúng.
Hai tập Kỷ yếu của Hội thảo
Thông tin chi tiết về Hội thảo, mời các bạn đón đọc trên Tạp chí Thế giới Di sản (bản in) số tháng 8-2019, phát hành ngày 20-8-2019.
PV
Ảnh: Trần Hiệp