Hội thảo khoa học 55 năm thực hiện Di chúc của Bác

Kỷ niệm 55 năm ngày Bác đi xa, 55 năm thực hiện Di chúc của Người, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức Hội thảo: “55 năm ngày Bác đi xa - 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969-2024)”.

Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, hoạt động thực tiễn, đại biểu các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, nguyên cán bộ, cán bộ khoa học của Khu di tích và Bảo tàng Hồ Chí Minh cùng đông đảo lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, bà Lê Thị Phượng, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chia sẻ, xét ở khía cạnh di sản văn hóa, Khu Di tích có những đặc thù hoàn toàn khác biệt, công tác bảo tồn nơi đây được thực hiện trong điều kiện như một kho mở hoàn toàn, vừa làm công tác bảo quản giữ gìn, vừa phát huy giá trị. 55 năm qua, Khu Di tích của Người tại Phủ Chủ tịch đã đón gần 90 triệu khách từ khắp mọi miền đất nước và từ khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đến thăm, trong đó có nhiều đoàn nguyên thủ, nhiều đoàn khách cấp cao đã để lại những dòng cảm tưởng trân trọng. Hội thảo này tổng kết hành trình 55 năm vinh dự, tự hào thực hiện nhiệm vụ chính trị thiêng liêng bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và cũng là dịp để lắng nghe những kỷ niệm và bài học kinh nghiệm của thế hệ đi trước; tiếp thu ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà khoa học.

Bà Lê Thị Phượng, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo

Từng là một trong những chiến sĩ cảnh vệ được trực tiếp phục vụ bên Bác cho tới khi Bác trút hơi thở cuối cùng, ông Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Phụ trách Ban Di tích, chia sẻ niềm vinh dự, trọng trách được phân công và những kỷ niệm về Bác mà ông mãi không quên trong cuộc đời. 

Ông Đoàn nhớ từng chi tiết trong những chuyến công tác cùng Bác: Bác đi bầu cử Hội đồng nhân dân Khu phố Ba Đình tại điểm bầu cử Nhà Thuyền Hồ Tây trên đường Thanh Niên; Bác tham dự cuộc mít tinh trọng thể của Thủ đô Hà Nội chào mừng sự ra đời của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, tổ chức tại Hội trường 11 Ba Đình và chuyến đi công tác cuối cùng trong cuộc đời của Bác Hồ, ngày 12/8/1969, Bác đến gặp gỡ, thăm hỏi, động viên và nghe Đoàn cán bộ Ngoại giao ta từ Pari mới về báo cáo kết quả hoạt động công tác đấu tranh ngoại giao.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Phụ trách Ban Di tích, chia sẻ niềm vinh dự, trọng trách được phân công và những kỷ niệm về Bác

Tại Hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học khẳng định giá trị, ý nghĩa và ưu thế đặc biệt của Khu Di tích Phủ Chủ tịch; sự nỗ lực cố gắng của các thế hệ cán bộ; phục vụ khách trong nước và quốc tế đến tham quan học tập tại Khu di tích. Trên cơ sở nhìn nhận công tác bảo quản, phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh trong hoạt động thực tiễn hiện nay, đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể, thiết thực, có tính thuyết phục cao, những giải pháp mang tính định hướng để bảo tồn lâu dài và phát huy giá trị Khu di tích trong thời kỳ mới.

Theo GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, Khu Di tích cần tiếp tục quảng bá, lan tỏa nội dung, giá trị, ý nghĩa di sản Hồ Chí Minh tại nơi đây với đông đảo đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, phủ nhận di sản Hồ Chí Minh tại Khu di tích về Người tại Phủ Chủ tịch trên các phương diện. Đó là cách làm cho giá trị di sản Hồ Chí Minh ngày càng thực chất và trở thành nền tảng tư tưởng vững chắc của Đảng mà không thế lực thù địch nào có thể xuyên tạc, phủ nhận.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam (ông cũng nguyên là cán bộ Khu Di tích, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh), cho rằng: Khu Di tích nên có lộ trình xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể cho 5-10 năm tới. Xem xét, đánh giá cụ thể thực trạng của Khu Di tích hiện nay so với Hồ sơ Khu Di tích đã được xây dựng trước đây, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời; để từ đó thấy được cái gì còn được bảo tồn nguyên vẹn như xưa, cái gì đã bị thay đổi và thay đổi đến mức độ nào; làm rõ nguyên nhân vì sao có sự thay đổi đó. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung trưng bày nội thất, tài liệu, hiện vật các nhà di tích, đảm bảo phát huy giá trị một cách hệ thống, đồng bộ, toàn diện Khu Di tích, trong đó có di tích Nhà làm việc của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Vận dụng các kết quả nghiên cứu qua các đề tài khoa học cấp Bộ, cấp cơ sở đã thực hiện và được đánh giá nghiệm thu trong những năm qua vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn của Khu Di tích. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, xác minh, tư liệu hoá các di tích, các hiện vật gắn liền với từng di tích, thực hiện việc số hoá, nhằm làm sáng tỏ hơn các giá trị của di tích và hiện vật, tạo cơ sở cho công tác nghiên cứu khoa học và tuyên truyền-giáo dục.

“Cần hết sức quan tâm đến di sản ký ức, khai thác những câu chuyện, kỷ niệm, hồi ức của các nhân chứng lịch sử. Nếu không làm khẩn trương vấn đề này thì sẽ là một thiệt thòi lớn vì hiện nay, nhân chứng ngày càng ít đi, nhiều người không còn nữa, những người còn sống thì tuổi tác đã cao, trí nhớ có hạn” – PGS.TS Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh.

TS Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu Di tích phát biểu tại Hội thảo

Dưới góc nhìn đối ngoại, ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành “điểm đến”, “điểm nhấn” trong các chuyến thăm chính thức Việt Nam của lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế. Trong bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp, khó lường hiện nay thì những giá trị về hòa bình, giải phóng dân tộc, giai cấp, xã hội, con người; bình đẳng giữa các dân tộc; thúc đẩy hiểu biết, xây dựng lòng tin trong quan hệ quốc tế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gây dựng ngày càng giữ vai trò quan trọng và có sức cuốn hút. Giới thiệu về Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch thực sự trở thành điểm quan trọng, một biện pháp ngoại giao văn hóa có tính đặc sắc và ý nghĩa tô điểm trong mỗi hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

TS Phan Thị Kim Oanh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, thông tin, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, toàn bộ di tích, hiện vật, sân vườn, tường rào bao xung quanh liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 15 năm Người sống tại Khu Phủ Chủ tịch đã được tiến hành vẽ khoanh vùng bằng bản đồ Khu vực 2-9-1969 và chụp ảnh hiện trạng, ghi chép, thống kê đăng ký vào sổ kiểm kê di tích. Sau ngày tái lập VPCTN, Phủ chủ tịch đã được dùng làm nơi làm việc của các đời Chủ tịch nước và là trụ sở của Văn phòng Chủ tịch nước. Đến nay Phủ chủ tịch và Khu di tích đã được bảo tồn, tu bổ đảm bảo quy định của Luật Di sản và yêu cầu hội nhập quốc tế của giai đoạn mới. Việc quảng bá, phát huy giá trị của Khu di tích được hai cơ quan VPCTN và Khu di tích phối hợp triển khai nhịp nhàng và có nhiều kết quả. Phát huy giá trị của di tích được tập trung vào việc học tập, quán triệt và khuếch trương tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ hội tụ ở lời dạy của Bác “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công, Vô tư”...

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe tâm sự trực tiếp của những người nguyên là cán bộ lãnh đạo Khu Di tích, lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh: TS Trần Viết Hoàn (nguyên Giám đốc Khu Di tích), ông Đỗ Hoàng Linh (nguyên Phó Giám đốc phụ trách Khu Di tích), TS Nguyễn Thị Tình (nguyên cán bộ Khu Di tích, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh) về những kỷ nniệ, những bài học không thể quên trong cuộc đời khi được công tác tại một di tích gắn với cuộc đời và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh.   

Ông Đỗ Hoàng Linh, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Khu Di tích phát biểu tại Hội thảo

TS Nguyễn Thị Tình, nguyên cán bộ Khu Di tích, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo

Tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương khẳng định, các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã ghi nhận, đánh giá cao công tác bảo tồn các di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và Bộ VHTTDL giao phó. 55 năm qua, tập thể viên chức, người lao động Khu Di tích đã đoàn kết, tận tụy, nỗ lực cao nhất để bảo tồn nguyên vẹn các di tích, tài liệu, hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi này. Có thể khẳng định, đây là một trong số ít các di tích trong cả nước giữ gìn được sự toàn vẹn nguyên gốc, hạn chế đến mức thấp nhất mọi tác động ảnh hưởng từ môi trường, hoàn cảnh xã hội và con người và đã trở thành “địa chỉ đỏ”, thành trường học thực tiễn, sinh động để học tập về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...  

Quỳnh Hương

Top