Hội nghị BCH Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ V: Bàn nhiều vấn đề về tăng cường sự liên kết trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá

Ngày 18-8-2018, tại Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, TP Thái Nguyên, đã diễn ra Hội nghị Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hoá Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2014-2019.

Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có các Ủy viên Ban Chấp hành, đại diện các Công ty, các Trung tâm trực thuộc Hội; đại diện Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và các cơ quan liên quan, cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu phát biểu tại Hội nghị

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội đọc báo cáo của BCH

Hội nghị đã nghe PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, trình bày Báo cáo Tổng kết hoạt động Hội từ tháng 8-2017 đến tháng 8-2018 và Phương hướng hoạt động năm 2019. Theo đó, về công tác tổ chức xây dựng Hội, Hội đã tiếp nhận thêm 1 công ty thành viên và doanh nghiệp thuộc Hội, thành lập 4 tổ chức Hội; ban hành Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp di sản văn hoá Việt Nam"; phối hợp với UBND huyện Cẩm Giàng tổ chức Hội thảo khoa học "Giá trị Cụm Di tích Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương"; góp ý một số văn bản về lĩnh vực văn hoá theo đề nghị của Bộ VHTTDL và các cơ quan có liên quan; phối hợp cùng Công ty CP Truyền thông CMA và một số cơ quan tổ chức thành công Chương trình "Lễ dâng hương báo công Đức Thánh Trần"; Hội và Tạp chí Vietnam Heritage tổ chức Triển lãm Ảnh Di sản Việt Nam; phối hợp Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh nghiên cứu, xác minh và cung cấp những tư liệu liên quan đến những lần Bác Hồ về thăm Bắc Ninh. Hệ thống cơ quan ngôn luận của Hội ngày càng nâng cao tính chuyên nghiệp, tính phản biện những vấn đề thời sự về di sản văn hoá, tích cực đổi mới cả về nội dung và hình thức... (Xin xem toàn văn Báo cáo đăng trên Tạp chí điện tử: thegioidisan.vn).

Các đại biểu dự Hội nghị

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị và Tọa đàm đều nhất trí với những nội dung nêu trong Báo cáo; đồng thời, từ hoạt động thực tiễn ở cơ sở, nhiều ý kiến đã giới thiệu những kinh nghiệm, cách làm có hiệu quả trong việc phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, thu hút sự tham gia của cộng đồng và đóng góp của các doanh nghiệp,…trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, cũng như chia sẻ với những khó khăn đối với hội xã hội - nghề nghiệp phải tự lo kinh phí, phương tiện,…để tổ chức các hoạt động.

TS Lưu Minh Trị, Ủy viên Thường vụ Hội, Chủ tịch Hội DSVH Thăng Long - Hà Nội

Theo TS Lưu Minh Trị, Ủy viên Thường vụ Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Chủ tịch Hội DSVH Thăng Long - Hà Nội, vị trí xã hội của Hội ngày càng được khẳng định rõ nét, thể hiện qua hoạt động phản biện, khoa học và liên kết; các cơ sở Hội phong phú, nhiều trung tâm thuộc Hội hoạt động tích cực với nhiều công trình văn hóa phi vật thể rất hay. TS cũng đề nghị Trung ương Hội phát động phong trào thi đua tiến tới Đại hội lần thứ 4 Hội Di sản Văn hóa Việt Nam (nhiệm kỳ 2019-2024) để toàn thể hội viên tham gia.

 

Ủy viên BCH Hội - TS Lê Thị Minh Lý

Ủy viên BCH Hội, Chủ tịch Hội DSVH Quảng Bình Lê Hùng Phi

Ủy viên Thường vụ Hội, Chủ tịch Hội DSVH TP Hồ Chí Minh Lê Tú Cẩm

Tại Hội nghị, ThS Lê Thị Tú Cẩm, Ủy viên Thường vụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP Hồ Chí Minh bày tỏ niềm phấn khởi vì Hội có nhiều hoạt động ngày càng đa dạng, phong phú; khai thác mọi loại hình di sản văn hóa. Bà cho rằng, mối quan hệ phối hợp là bài học sống còn, nếu không có phối hợp và đa dạng hóa các loại hình di sản thì không thể hoạt động được. Trong thời gian tới, Hội cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp để tổ chức các hoạt động. Bà cũng đồng quan điểm với TS Lưu Minh Trị là cần tạo phong trào thi đua trong toàn Hội tiến tới Đại hội. Bà cũng cho biết, tiềm lực hoạt động trong lĩnh vực di sản ở khu vực phía Nam còn rất mạnh mẽ và mong rằng Trung ương Hội tiếp tục mở rộng các hoạt động của Hội đến khu vực này…

Ủy viên BCH Hội Lê Trí Dũng (Đồng Nai)

Ủy viên BCH Hội Đồng Khắc Thọ (Thái Nguyên)

TS Trần Hữu Sơn, Ủy viên Thường vụ Hội DSVH Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam

TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Hội DSVH Việt Nam, đánh giá cao những hoạt động của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, đặc biệt là hệ thống cơ quan ngôn luận. Theo ông, so với nhiều hội xã hội nghề nghiệp khác, thậm chí so với một số hội được Nhà nước cấp kinh phí, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam có nhiều hoạt động, mô hình thiết thực và hiệu quả hơn cùng mạng lưới liên chi hội, chi hội, câu lạc bộ, đơn vị thuộc Hội rộng khắp các tỉnh, thành trên cả nước...

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Phó Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam, TS Nguyễn Thế Hùng

Ở khía cạnh quản lý nhà nước, TS Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL), Phó Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam thông tin, thời gian vừa qua, Cục Di sản Văn hóa đã tích cực hoàn thiện hệ thống pháp lý ngành Di sản văn hóa, góp phần đổi mới hoạt động và phát huy giá trị di sản văn hóa. TS Hùng cũng cho hay, sự liên kết giữa các cơ quan Nhà nước, đặc biệt ở các địa phương với các hội nghề nghiệp nói chung và với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nói riêng còn thiếu chặt chẽ, thời gian tới, Cục sẽ điều chỉnh, tăng cường phối hợp để mối liên kết này phát huy được hiệu quả mạnh mẽ hơn. Giải đáp băn khoăn của ông Lê Hùng Phi, Chủ tịch Hội DSVH tỉnh Quảng Bình về vấn đề xét tặng Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, TS Hùng cho rằng, Nghị định đã quy định rõ thành phần Hội đồng xét tặng có sự tham gia của đại diện các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Vì vậy, nếu tỉnh, thành nào không mời Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tham gia Hội đồng xét tặng thì Hội phản ánh lại để Cục có văn bản điều chỉnh theo đúng quy định.  

Kết luận Hội nghị, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội nghị và khẳng định, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã và đang khẳng định vị trí, vai trò của một hội xã hội nghề nghiệp, được các cơ quan Nhà nước và Bộ VHTTDL đánh giá cao. Đối với một tổ chức xã hội nghề nghiệp như Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, việc tăng cường và đa dạng hoá các hình thức phối hợp với các tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội để có nguồn lực triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá là vô cùng cần thiết và thực sự mang lại hiệu quả. Các Hội thành viên, các câu lạc bộ, cơ sở của Hội đã làm được rất nhiều việc, trong đó có những đơn vị xây dựng được “thương hiệu” như: Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa kiểm kê di sản một cách bài bản, khoa học; Công ty TNHH Một thành viên Bảo tồn Di sản Văn hóa chuyên đúc tượng, phù điêu… Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã ban hành Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp di sản văn hóa Việt Nam”. Việc xét tặng Kỷ niệm chương cần làm nghiêm túc, xem xét những đóng góp tích cực của hội viên và các tổ chức, cá nhân thực sự có đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc…

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội trao Bằng khen cho Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam  

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội trao Bằng ghi công cho ông Nguyễn Văn Mạc và ông Trần Đăng Khoa (bên trái)

Cũng nhân dịp này, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã trao Bằng khen cho Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam về những đóng góp trong công tác xây dựng Hội; trao Bằng ghi công cho ông Nguyễn Văn Mạc, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Bảo tồn Di sản văn hóa và Nhà báo Trần Đăng Khoa, Phó Tổng Biên tập phụ trách nội dung Tạp chí Thế giới Di sản (in và điện tử) đã có đóng góp vào việc xây dựng, sửa chữa và nâng cấp Trụ sở Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

Buổi chiều cùng ngày, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong cuộc sống đương đại”. Thông qua 2 nội dung chính: Đánh giá thương hiệu, điểm đến, thu hút khách tham quan tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Bảo tồn, phát huy sáng tạo từ nghề thủ công truyền thống và nguyên liệu tự nhiên thân thiện với môi trường, Hội thảo đánh giá thực trạng và nhận diện thương hiệu điểm đến của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, khả năng đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khách tham quan và tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của cộng đồng dân cư, học sinh trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng nguyên liệu tự nhiên trong sản xuất, nghề truyền thống để phát triển bền vững. 

Ủy viên BCH, TS Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam

Phó Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam, PGS.TS Phạm Mai Hùng

Ủy viên BCH, TS Phạm Quốc Quân

Ủy viên BCH, GS.TS Trương Quốc Bình

Ủy viên BCH Huỳnh Ngọc Vân (TP Hồ Chí Minh)

Bên lề Hội nghị và Hội thảo còn có các hoạt động phụ trợ như: Tham quan và nghe giới thiệu về trưng bày Bảo tàng; Trình diễn hầu đồng; Chợ vùng cao phía Bắc Việt Nam và ẩm thực dân tộc; Giao lưu văn hóa, văn nghệ 18 câu lạc bộ dân ca Hà Nội, Thái Nguyên; tham dự và giao lưu cùng các nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể; tham quan Không gian văn hóa Trà Tân Cương; tham quan Khu Bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải.…

Các đại biểu nghe giới thiệu trưng bày Bảo tàng tại Không gian văn hóa Trà Tân Cương

Các đại biểu tham quan Làng chè Tân Cương

Các đại biểu xem một số tiết mục văn nghệ của đồng bào Tày tại Khu Bảo tồn Làng dân tộc sinh thái Thái Hải 

Đồng bào Tày tại Khu Bảo tồn Làng dân tộc sinh thái Thái Hải biểu diễn văn nghệ

Hội nghị Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ 5, nhiệm kỳ III (2014-2019) và chuỗi hoạt động di sản văn hóa phong phú, đa dạng do Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam phối hợp tổ chức đã khép lại, để lại trong lòng đại biểu về dự Hội nghị từ khắp mọi miền của Tổ quốc ấn tượng sâu sắc về một hội nghị có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực.

Ủy viên Thường vụ, Chánh Văn phòng Hội, Nhạc sỹ Hồ Hữu Thới, cảm ơn và tặng hoa các nghệ sĩ tham gia giao lưu văn nghệ

Bài: Q.Hương

Ảnh: Trần Hiệp, Thanh Bình

 

Top