Hội Lim - Người đi dùng dằng chẳng muốn về

Trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu xuân, chúng tôi về Hội Lim, về để gặp gỡ những liền anh, liền chị cất lên những lời ca ngọt ngào, giục giã lòng người trảy hội; về để chứng kiến một thế giới của thơ và nhạc, của không gian nao nức, xao xuyến với nón ba tầm, quai thao, dải yếm lụa sồi, khăn đóng, áo the hoa gấm…như ẩn chứa cả sức sống mùa xuân của con người và tạo vật; về để cảm nhận cái tình của người Quan họ.

Hội Lim 2018 - chuyên nghiệp hóa hơn trong khâu tổ chức

Theo truyền thống, lễ hội diễn ra vào 2 ngày là 12 và 13 tháng Giêng (tức 27 và 28-2-2018), tại 3 xã thuộc tổng Nội Duệ xưa, nay là thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão, trong đó trung tâm lễ hội là núi Hồng Vân (núi Lim), thị trấn Lim.

Ngày chính hội được mở đầu bằng Lễ rước sắc từ đình làng Đình Cả sang làng Lộ Bao và tế lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống tại các đình, đền, chùa ở các làng thuộc xã Nội Duệ, Liên Bão, thị trấn Lim với đoàn người dài tưởng như không dứt. Dù diễn ra trong không gian lễ hội rộng lớn với hàng vạn người tham dự nhưng nghi lễ thiêng liêng này không hề bị chìm lấp. Đoàn rước với sự tham gia của cả nghìn người quần áo chỉnh tề rước các đồ tế lễ, như cờ, ngựa, trống chiêng, binh khí, hương án, kiệu ông, kiệu bà, quan đám, bô lão, dân làng, du khách.. cùng hướng lên lăng Hồng Vân để làm lễ tỏ lòng nhớ ơn Tướng công Nguyễn Đình Diễn, người có công với dân, với nước, với việc duy trì, phát triển Lễ hội Lim, mở mang tập tục, truyền thống văn hóa quê hương.

Các nghệ nhân têm trầu cánh phượng

Ngay sau lễ rước, du khách lại trở về với các hoạt động đặc sắc của ngày hội. Để tái hiện không gian Hội Lim xưa, Ban Tổ chức đã dành một không gian khá lớn tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống thu hút sự tham gia, hưởng ứng của du khách. Với những du khách muốn thưởng thức nghe hát Quan họ cổ, trong không gian văn hóa đậm chất Kinh Bắc, du khách được lắng nghe các làn điệu Quan họ tại sân khấu trung tâm do các nghệ sĩ, nghệ nhân của các làng Quan họ, những người yêu dân ca Quan họ ở nhiều địa phương trình diễn. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức Quan họ bởi các gánh hát tại cửa đình, cửa chùa, hát Quan họ dưới thuyền, hát Quan họ truyền thống tại nhà chứa Quan họ thôn Lũng Giang, thị trấn Lim, hát giao lưu, hát đối đáp tại các lán trại Quan họ.

Hội Lim năm nay không còn cảnh chen lấn xô đẩy, tắc đường khi muốn lên chùa và đến các khu vui chơi giải trí khác mà thay vào đó là không gian thoáng đãng, trật tự. Không còn cảnh người ăn xin lê la nhếch nhách, hàng quán có quy mô, nghiêm túc, không thấy hiện tượng chèo kéo, tranh giành khách. Việc sắp xếp lại các khu dịch vụ bán đồ lưu niệm, khu ẩm thực, các dịch vụ kinh doanh khác như bán sách, tranh ảnh, băng đĩa hát Quan họ, các sản phẩm văn hoá như quần áo Quan họ, nón quai thao, tre, trúc, gốm sứ, sinh vật cảnh…thành từng khu vực khiến hội năm nay thêm an toàn, quy củ.

Trong ngày chính hội, trật tự ATGT tại Hội Lim được bảo đảm. Bắt đầu từ 6 giờ 30 phút sáng, công tác phân luồng giao thông đã được triển khai chặt chẽ. Các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ hướng dẫn các phương tiện ô tô đi vào đúng làn đường đã quy định, cấm không được ra vào khu vực lễ hội. Các phương tiện cá nhân khác cũng được Ban Tổ chức lễ hội hướng dẫn gửi vào các bãi gửi xe. Nhờ vậy, buổi lễ rước được diễn ra an toàn, thuận tiện, không có hiện tượng ùn tắc cục bộ như những năm trước.

Tình người Quan họ

Hội Lim làm đắm say lòng người không chỉ ở lời ca, giọng hát du dương, mà cái tình người Quan họ mới đậm đà sâu lắng, khiến ai đã một lần về hội thì khó nguôi quên.

Dường như người Bắc Ninh ăn Tết với Quan họ, với khách thập phương về dự hội là chính. Sau Tết Nguyên đán dăm ba ngày, nhà nhà bắt tay sửa soạn cho hội. Trước tiên là sửa sang cây cảnh, quét rọn nhà cửa, mua thêm đồ ăn, thức uống. Đến mùng mười, nhà nhà gói thêm bánh chưng, bánh mật, bánh xu xê, có nhà còn giã bánh dầy, giò lụa, gói giò xào, cất thêm mẻ rượu nếp thơm để đón khách. Khách ở đây gồm cả khách quen và khách lạ. Khách quen là bạn của ông bà, cha mẹ, con cái đi làm ăn từ miền xa được mời về dự hội. Khách lạ gồm người thiên hạ ghé dự hội. Vào ngày hội, các nhà làm cơm khách đều sắp dư vài mâm để đón khách lạ. Đó là những vị khách mải vui hội, đến bữa chẳng tìm đâu ra hàng quán đàng hoàng. Thế là các gia đình cử người tản ra các ngả đường làng, mời về nhà mình từng tốp. Họ được tiếp đón, mời ăn, uống thân mật và trân trọng như bạn hữu. Hội Lim, nhà nào đón được nhiều khách, coi như nhà ấy đón được nhiều may mắn suốt một năm.

Quan họ là linh hồn của Hội Lim, vào ngày hội, quan họ không chỉ được hát ở nơi chính hội mà ở các cửa đình, cửa chùa, trên bến, dưới thuyền, mà ở các nhà dân cũng thấy có anh hai chị hai dùng dằng câu hát.

Ngồi trong lán hát, cùng chiêm ngưỡng trầu têm cánh phượng cay nồng, nghe những tâm tình của người Quan họ mà thấy thêm yêu, thêm quý xứ Kinh Bắc kiêu kỳ này. Dù tuổi cao nhưng các bà các mẹ vẫn sóng sánh áo mớ ba mớ bảy, hát những câu Quan họ say đắm lòng người.

Nếu các nam thanh nữ tú và các bạn trẻ muốn nghe hát, cùng giao lưu tại lán trại và sân khấu của lễ hội thì nhiều du khách yêu Quan họ lại đi tìm và nghe cho thỏa lòng với những canh hát thâu đêm tại nhà các nghệ nhân Quan họ làng Lũng Giang, Lũng Sơn, Đình Cả, Lộ Bao, Duệ Khánh. Canh hát giao duyên tại gia đình các nghệ nhân tinh tế, nồng hậu mời gọi du khách. Sau lời chào của người Quan họ, các liền anh liền chị phô diễn tài năng bằng những làn điệu Quan họ cổ, mỗi cử chỉ giao tiếp đều mang một sắc thái văn hoá cao thể hiện cách chơi hội độc đáo của người Quan họ vùng Lim.

Tiếng hát thánh thót, ngân nga, vang rền bay lên từ những ngôi nhà, mái đình rêu phong, hay ở ngay khoảng sân gạch xưa cũ màu thời gian. Nơi mà các nghệ nhân, ban ngày là những anh, những chị nông dân chân lấm tay bùn, nhưng đêm đến, khi Quan họ vào đám, họ lại đắm say, ngọt lịm với những câu hát, thậm chí mụ mị với Quan họ, từ bao đời nay.

Hội Lim đêm giã bạn, làng Lim không ngủ, nhà nhà vẫn sáng đèn làm cỗ đón khách bạn bè về vui hội, các lán hát vẫn dùng dằng câu hát người ơi người ở đừng về, đám thanh niên rồng rắn thả bộ bước chân lạo xạo trên đường làng, vẫn thấy bóng chị hai mớ ba mớ bảy mặt hoa da phấn dập dìu qua lại…

Câu hát Quan họ vẫn nhiệt thành vang lên, lan tỏa vào từng ngõ xóm, len lỏi vào trái tim những du khách thập phương trót nặng lòng với từng câu Quan họ. Và đến lúc phải về, cuộc chia tay thật khó dứt, vì lời ca bao giờ cũng như níu chân khách lại: Người ơi, người ở đừng về…

Bài và ảnh: Hoàng Vân

 

 

 

Top