Hát ống, hát ví Bắc Giang

Bắc Giang từ lâu đã được biết đến là cái nôi của những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Nơi đây ngày càng có nhiều thêm những di sản vật thể và phi vật thể được tìm hiểu để bảo tồn và phát huy. Hát Ống - hát Ví là một hình thức sinh hoạt cộng đồng độc đáo ở thôn Hậu - xã Liên Chung - huyện Tân Yên - Bắc Giang. Lối hát giao duyên này tưởng chừng bị lãng quên từ lâu giờ đây đang ngân vang trở lại.

Hát Ống (hay ví ống) là tên gọi của một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc đã ra đời và tồn tại hàng trăm năm nay trong cộng đồng làng Việt, đặc biệt là ở xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang - nơi được coi như cái nôi của lối hát rất chân quê mà giàu cảm xúc này. Từng có lúc hát Ống Tân Yên nổi tiếng gần xa, lan truyền khắp các vùng phụ cận. Từ thời phong kiến, những người thợ cày, thợ cấy, thợ gặt đã cùng nhau cất lên lời hát ngợi ca lao động, ngợi ca vẻ đẹp quê hương, tình làng nghĩa xóm, tình yêu đôi lứa... Những cuộc hát Ví này họ đối đáp với nhau có khi hàng tuần trăng. Cũng theo các bậc cao niên trong thôn Hậu, hát Ống có cách đây hàng vài trăm năm, xuất phát từ niềm vui trong lao động sản xuất, dần dần được phát triển với nhiều loại hình như hát họa, hát đố, hát giao duyên, chia tay…

Không có những lời cổ, tích cổ như hát Quan họ hay hát Chèo, hát Ống - hát Ví có thể thay đổi nhịp điệu một cách linh hoạt và lời bài hát thay đổi theo ngẫu hứng và sự phản ứng của người hát. Hát Ống - hát Ví thực chất là một hình thức hát đối đáp, giao duyên, kết bạn…. Người hát có thể sáng tác lời bài hát ngay trong lúc lao động, nghỉ ngơi và hát cho nhau bất kỳ lúc nào. Có lẽ vì thế mà lời bài hát hết sức gần gũi, mộc mạc và dễ thuộc. Mỗi khi nam nữ hát với nhau, họ có thể quên đi bao mệt mỏi, nhọc nhằn trong cuộc sống bề bộn lo toan. Cứ như thế hàng trăm năm nay mỗi khi vui, lúc buồn họ lại cất cao những lời hát ngọt ngào mà mộc mạc. Không chỉ độc đáo ở hình thức, hát ống còn thú vị ở chỗ: tùy hoàn cảnh, tùy hứng thú mà người hát còn có thể thêm bớt từ ngữ, biến đổi sao cho linh hoạt dựa trên những câu hát cổ, hoặc là sáng tác thêm.

Cái tên hát Ống nghe lạ mà quen bởi thực chất đó chính là lối hát Ví, hát giao duyên đối đáp qua lại vốn phổ biến trong dân gian xưa nay. Hát ống cũng mang những đặc trưng của các hoạt động sinh hoạt âm nhạc cộng đồng truyền thống như: được truyền từ đời này sang đời khác, hình thức diễn xướng đơn giản, gắn liền với cảnh quan thiên nhiên và sinh hoạt đời thường của người nông dân. Hát Ống, với bản chất là hát Ví, có giai điệu và ca từ mộc mạc, giọng hát như giọng thơ, thường là thể thơ lục bát dễ nhẩm, dễ thuộc. Nhưng điểm khác biệt và độc đáo là ở chỗ người ta sử dụng những chiếc ống hát được nối với nhau vừa để truyền âm, vừa để động tác khi hát trở nên duyên dáng hơn, cuốn hút hơn.

Hát Ống về hình thức vẫn là hát Ví, nhưng hai bên hát thông qua một dụng cụ là hai chiếc ống bằng tre có đường kính từ 7-10cm, dài chừng 15-20cm thông hai đầu, một đầu được bịt bằng da ếch, liên kết hai ống với nhau bởi một sợi dây tơ tằm buộc vào hai chiếc kim khâu. Tuỳ thuộc vào cự ly hát mà sợi dây dài hay ngắn, thường là từ 60 - 70 sải tay. Khi hát, âm thanh làm các màng da ếch rung lên, tín hiệu âm thanh truyền qua sợi dây tới đầu ống bên kia, người nghe dù đứng xa hàng chục mét vẫn nghe rõ tựa như phát ra từ loa nhỏ. Cứ thế, cứ thế, sợi tơ mỏng mảnh khẽ rung lên, truyền đi những âm điệu ngọt ngào, khiến cả người hát lẫn người xem đều thích thú, say mê. Trong ký ức của nhiều người dân làng Hậu, xã Liên Chung bây giờ vẫn ghi nhớ hình ảnh những buổi hội làng hoặc sinh hoạt văn nghệ ở đình, chùa, những đêm trăng thanh gió mát, nam thanh nữ tú trong làng lại ngân nga những câu hát đượm tình quê hương, thắm tình người. Đã có nhiều mối lương duyên giữa trai gái trong ngoài thôn được se nên cũng từ những sợi tơ ấy.

Nét độc đáo của hát Ví ở xã Liên Chung còn thể hiện ở sự phong phú về ngôn từ, khả năng ứng biến linh hoạt trong từng hoàn cảnh của đôi bên khi đối đáp. Trong cuộc hát Ống, hát Ví đôi khi còn là những sự so tài cao thấp giữa các đội hát (phường hát). Phường này, người này hát lên những câu đối để phường kia hay người kia đối lại hay giải đáp. Nếu đối đáp được thì đó là một sự thỏa đáng, còn nếu không thì bên thua coi đó là một món nợ hẹn lần sau đáp lại. Cũng có khi trong hát Ống, hát Ví giao lưu còn là những câu bông đùa, giễu cợt, trêu chọc giữa người này với người kia để thử tài ứng đáp. Bên bị trêu chọc cố gắng suy nghĩ tìm ra câu hát sao cho thỏa đáng, nếu không bên nghe sẽ bị coi là thua và chịu đến lần sau. Đây cũng là nét đặc trưng rất riêng biệt của hát Ví, hát Ống so với các lối hát khác.

Hát Ống, hát Ví đã trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử nên có một thời gian dài bị mai một. Tuy nhiên, bằng những câu hát ngẫu hứng trên đồng ruộng, khi tát nước, khi vơ cỏ, hoặc những buổi sinh hoạt văn nghệ quần chúng, hoặc những lời ru của bà, của mẹ cho con cháu nghe, người dân ở Tân Yên vẫn có những cách tuyệt vời để giữ gìn hát Ví, hát Ống. Mặt khác, nhiều nghệ nhân, nhiều người sưu tầm tâm huyết với bộ môn nghệ thuật này cũng dày công kiên trì, tìm hiểu và ghi chép lại được hàng nghìn lời hát cổ. Và để khôi phục, gìn giữ loại hình văn hóa dân gian đặc sắc này, tháng 4 - 2012, Câu lạc bộ hát Ví, hát Ống Liên Chung được thành lập. Quá trình phục dựng điệu hát này cũng vất vả. Ban đầu vài ba thành viên lớn tuổi tập hợp nhau lại, sau dần kết nối thêm nhiều người đam mê ca hát. Cho đến nay CLB hát Ví, hát Ống đã có 31 thành viên với đủ thành phần, lứa tuổi. Thời điểm nhộn nhịp nhất vào tháng 3 Âm lịch, sau khi đón Tết, các lễ hội được tổ chức, có các đơn vị mời đến để giao lưu, khi thì tổ chức hội thi… Bên cạnh đó, Câu lạc bộ đã không ngừng sưu tầm những bài hát cổ, phân loại và truyền dạy cho hội viên. Thôn Hậu, xã Liên Chung, có  trên 400 hộ dân, với hơn 1700 nhân khẩu - nơi đây là cái nôi sản sinh và nuôi dưỡng nhiều “hạt nhân” văn nghệ mang đậm chất dân gian truyền thống. Đặc biệt, có nhiều cụ trong làng đã “gắn bó” cả đời mình với những làn điệu hát Ví, hát Ống của tổ tiên. Không những vậy, hiện có nhiều trẻ em thôn Hậu đã “tình nguyện” học và tham gia sinh hoạt vào CLB hát Ví - hát Ống Liên Chung. Sau 1 năm phục dựng, Câu lạc bộ đã đi diễn khắp nơi, đặc biệt các hội thi văn hóa các dân tộc miền Bắc đều có giải, dù không cao nhưng đó là sự động viên tinh thần, niềm tự hào cho bà con xã Liên Chung.

Câu lạc bộ hát Ống, hát Ví xã Liên Chung được thành lập mang đến một sân chơi định kỳ và rộng rãi cho người dân. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy chính quyền địa phương đã quan tâm và tạo điều kiện trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa này. Khắp xóm làng Liên Chung giờ ngân vang những làn điệu hát Ví, hát Ống. Đó không chỉ là những buổi sinh hoạt của các câu lạc bộ, hay hoạt động tập dượt cho các tiết mục văn nghệ, mà loại hình diễn xướng độc đáo này đang hồi sinh và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong chính cuộc sống của người dân nơi đây. Nét đẹp văn hoá này ngày nay đã được khôi phục trở lại, nhưng phải làm sao để nó không bị mai một là một vấn đề cấp thiết được đặt ra, đòi hỏi phải có sự quan tâm của các nhà quản lý, đặc biệt là các nhà làm văn hoá để cho loại hình nghệ thuật này sẽ được sống mãi với thời gian và góp phần làm giàu cho văn hoá nhân loại.

Trần Hồng Chinh

Top