Hàng Giấy - Phố nghề đất Thăng Long - Hà Nội

Hà Nội xưa từng có tới hàng chục phố Hàng mà tên phố gắn liền với những mặt hàng thủ công được các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh ngay tại chỗ. Ngày nay, phần lớn các phố Hàng vẫn còn tên nhưng nghề xưa gắn với tên phố thì đã mai một, Hàng Giấy là một con phố như vậy.

Sự ra đời của Thăng Long - Hà Nội với 36 phố phường gắn liền với các làng nghề thủ công thuộc tứ xứ: Đông, Đoài, Nam, Bắc. Cư dân các làng nghề từ những xứ này giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành các phố nghề, phường nghề, góp phần tạo nên đặc trưng “Khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ”.

Không chỉ là con phố mang đậm dấu ấn của một Hà Nội cổ kính, phố Hàng Giấy còn là cái nôi của nghề làm giấy với tuổi đời lên đến cả trăm năm. Phố Hàng Giấy có chiều dài hơn 200m, là con phố nhỏ thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Giấy nằm trong khu phố Cổ, chạy theo hướng Bắc Nam, đầu Bắc cắt với phố Hàng Đậu, đầu Nam tiếp theo là phố Đồng Xuân.

Từ phố Đồng Xuân nhìn ra phố Hàng Giấy, xa xa ta thấy tháp nước Hàng Đậu ngày nay (trên bưu thiếp in nhầm tên phố). 

Thời Lê, khi Thăng Long chỉ có 36 phường thì đoạn đầu phố thuộc phường Hòe Nhai, đoạn cuối thuộc phường Đồng Xuân. Sang thời nhà Nguyễn, từ 36 phường Thăng Long bị chia nhỏ ra 250 phường, thôn. Lúc này đoạn đầu Hàng Giấy thông sang Hàng Cót nằm trên bờ sông Tô và thuộc làng Đồng Thuận. Đoạn giữa và cuối thuộc phường Đồng Xuân.

Trước năm 1915, đường phố này chưa có vỉa hè, mặt đường trải gạch vụn, không có cây cối quang cảnh một con đường giáp ngoại ô, còn nhiều nhà lá lẫn với nhà tường gạch lợp tôn, chưa có nhiều nhà lợp ngói, nhà có gác cũng là nhà kiểu cũ lối chồng diêm, nhà xây chưa theo vạch thẳng hàng. Trong phố chỉ có những cửa hàng nhỏ bày dưa cà mắm muối ngay trước cửa, mấy hàng xén nhỏ, vài ông lang bắt mạch bốc thuốc trong nhà. Phố còn hẻo lánh, khi chưa có Bốt cảnh sát ở đầu phố thì dân phố phải thuê tuần phiên canh gác, những ngày có phiên chợ Đồng Xuân, người Kẻ Bưởi đem giấy bày bán ở hai bên đường đi chỗ gần ngã tư Hàng Khoai.

Những năm thập niên mười đầu thế kỷ 20, mặt đường vẫn còn trải đá, chưa có vỉa hè, đèn đường, chưa có mấy nhà xây có gác. Người  trong phố một số là gia đình công chức nhỏ hoặc nhân viên sở tư, sống nền nếp, kín đáo. Rất ít cửa hàng khang trang. Có một số cửa hàng bán giấy bút, giấy bản, bút lông, một số nhà làm kẹo bột, vài ba cửa hàng Đông y.

Năm 1925, người Pháp vẫn còn chụp được tấm ảnh cổng ngôi đình này. Đình vốn thờ thần Bạch Mã. Đời Lê, phố này là nơi tập trung nhiều tửu điếm, trà đình, ca quán. Sau này, khi người Pháp chiếm Hà Nội, quy hoạch lại đường phố thì các ca nữ vẫn trụ lại ở đây, tập trung vào đoạn đầu phố Hàng Giấy. Bấy giờ các cụ gọi là các cô đầu Hàng Giấy.

Chiến sự cuối năm 1946 đầu năm 1947, phố Hàng Giấy ở vào vị trí địa đầu Liên khu I, những nhà có gác cao đều được chiến sĩ ta dùng làm nơi quan sát và phục bên trong bắn tỉa lên Cầu Sắt nơi có lính pháo đóng giữ. Địch đã nã pháo và ném bom vào phố này làm đổ nát nhiều nhà cửa. Đến thời kỳ thực dân Pháp tạm chiếm (năm 1948-1954), những nhà bị tàn phá mới được xây lại.

Phố Hàng Giấy ngày nay.

Những năm đầu thế kỷ 20, người trong phố chủ yếu là những gia đình công chức nhỏ hoặc nhân viên sở tư, sống nền nếp, kín đáo, rất ít cửa hàng khang trang. Có một số cửa hàng bán giấy bút, giấy bản, bút lông, một số nhà làm kẹo bột, vài ba cửa hàng thuốc Đông y.

Như tên gọi của mình, phố Hàng Giấy gắn liền với nghề làm giấy lâu năm, từ xa xưa đến ngày nay, nghề làm giấy ở con phố vẫn được gìn giữ và phát triển. Phố Hàng Giấy xưa kia bày bán các loại giấy do thợ ở làng Bưởi, làng Cót làm ra như giấy lệnh, giấy sắc, giấy bản, giấy moi, giấy bổi, giấy quyến, giấy tàu bạch… Mặt trước các tòa nhà cổ ở phố vẫn còn những chữ đắp nổi tên các cửa hiệu buôn giấy nổi tiếng trước kia.

Ngày nay, tuy hoạt động sản xuất và buôn bán giấy ở phố Hàng Giấy không còn được tấp nập như trước, thế nhưng, vẫn còn một vài cửa hàng còn lưu giữ và phát huy cái nghề trăm tuổi này của con phố.  Đặc biệt phải kể đến ngôi nhà số 58 có tên Hiệu Ích Ký, ngày xưa, cửa hiệu vừa bán giấy, bán sách tây, vừa mở nhà in sách, lại vừa làm nhà xuất bản, còn ngày nay hoạt động sản xuất giấy vẫn được cửa hiệu phát triển cho ra đời nhiều loại giấy đa dạng. Phố Hàng Giấy vẫn còn trong lòng những người Hà Nội xa quê, gợi nhớ về một phố nghề xưa ở vùng đất Thăng Long - Hà Nội.

Phương Ly (t/h)

Top