Hai mươi năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam: Từ UNESCO đến cộng đồng

(TGDS). Hôm nay, 26/12/2023, tại Bảo tàng Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo "Hai mươi năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam: Từ UNESCO đến cộng đồng". Hội thảo do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 20 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, hướng tới kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội DSVH Việt Nam và 20 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2004 - 23/11/2024).

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, các nhà quản lý, đại diện các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa, đại diện một số cộng đồng, nghệ nhân và người thực hành di sản văn hóa phi vật thể.

Diễn đàn đối thoại đa chiều và khách quan

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS. TS Đỗ Văn Trụ, cho biết: Năm 2003, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã thông qua Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể - Văn bản mang tính pháp lý quốc tế và là sự cam kết của các quốc gia thành viên về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Đây là văn bản đề cập khá toàn diện các khía cạnh về di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có một nội dung đặc biệt quan trọng là khẳng định vai trò của cộng đồng, phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Ngày 05/9/2005, Việt Nam chính thức tham gia Công ước và trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới gia nhập Công ước quan trọng này và đã 2 lần trúng cử vào Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của Công ước. Tinh thần của Công ước đã bước đầu vận dụng vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và vào thực tiễn hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở nước ta, với những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận.

Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS. TS Đỗ Văn Trụ, phát biểu đề dẫn hội thảo

"Hội thảo nhằm góp phần đánh giá việc thực hiện Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003 của UNESCO trong 20 năm qua; liên hệ với Luật Di sản văn hóa; chỉ ra sự tác động của Công ước đối với công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam. Hội thảo mong muốn sẽ tạo ra một diễn đàn đối thoại đa chiều và khách quan, chia sẻ thông tin, thảo luận, nhận diện các thách thức, những mặt tồn tại của việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong bối cảnh phát triển, hiện đại hóa, chuyển đổi xã hội và công nghệ. Đây cũng sẽ là cơ hội để chia sẻ các trường hợp điển hình về thực hành tốt và bài học kinh nghiệm trong bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam. Từ đó đề xuất các khuyến nghị và kế hoạch hành động, nhằm nâng cao hiệu quả trong bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa." – PGS.TS Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh.

Nâng cao hiệu quả trong bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam

Tại hội thảo, nhiều ý kiến, tham luận được đưa ra, nhận diện các thách thức, những mặt tồn tại của việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong bối cảnh hiện đại hóa, chuyển đổi xã hội và công nghệ; qua đó chia sẻ những trường hợp điển hình và bài học kinh nghiệm trong bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam.

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, các nhà quản lý, đại diện các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa, đại diện một số cộng đồng, nghệ nhân và người thực hành di sản văn hóa phi vật thể

Ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết: Với các di sản văn hóa phi vật thể trình và đã được UNESCO ghi danh vào các Danh sách, thực hiện cam kết, Bộ VHTTDL đã trực tiếp thực hiện và chỉ đạo các địa phương có di sản thực hiện các biện pháp bảo vệ di sản theo cam kết; ban hành Kế hoạch hành động quốc gia đối với từng di sản, đồng thời chỉ đạo các tỉnh, thành phố có di sản được ghi danh xây dựng các dự án, đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Tính đến nay, qua công tác kiểm kê, đã có gần 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê. 534 Di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản được UNESCO ghi danh vào các Danh sách (bao gồm 13 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 02 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp), phân bố ở hầu khắp các tỉnh, thành phố. 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú", trong đó có 131 Nghệ nhân nhân dân và 1.750 Nghệ nhân ưu tú.

Theo TS Phạm Thị Lan Anh - Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), từ năm 2013, Hà Nội bắt đầu đẩy mạnh công tác lập danh mục, tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Kết quả đã kiểm kê, Hà Nội có 1.793 di sản, trong đó, di sản về lễ hội chiếm nhiều nhất (1.200); đến nay, Hà Nội có 32 di sản được ghi danh là di sản văn hóa của thế giới và quốc gia.

TS Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch Hội DSVH tỉnh Phú Thọ, cho biết: Sau khi Hát Xoan Phú Thọ được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực cùng cộng đồng quyết tâm thực hiện cam kết bảo vệ di sản Hát Xoan trong tình trạng bảo vệ khẩn cấp với những biện pháp cụ thể. Sau khi Hát Xoan được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Phú Thọ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của di sản. Bên cạnh đó, để công nhận danh hiệu cao quý cho các nghệ nhân nắm giữ vốn di sản Hát Xoan Phú Thọ, chính là tôn vinh công lao những “Báu vật nhân văn sống”, đồng thời, đề cao nhận thức về vai trò, vị trí của các nghệ nhân trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản, tỉnh Phú Thọ ban hành Quy chế xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ và đã triển khai xét tặng 4 đợt. Tính đến hiện tại, danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ đã 73 được UBND tỉnh Phú Thọ phong tặng cho 86 nghệ nhân, 6 nghệ nhân hát Xoan được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và 31 Nghệ nhân hát Xoan được phong tặng, truy tặng Nghệ nhân ưu tú.

Bài học kinh nghiệm từ thực hiện Công ước 2003 xây dựng Luật Di sản văn hóa

Đánh giá kết quả 20 năm thực hiện các cam kết bảo vệ di sản, TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, việc triển khai thực hiện Công ước bảo vệ di sản của UNESCO tại Việt Nam là một quá trình đầy khó khăn, thách thức. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (2009) có định nghĩa mới, trong đó nêu cao vai trò của cộng đồng. Từ những quy định trong Luật, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định Quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Sau 3 đợt phong tặng vào các năm 2015, 2019, 2022, có 1.881 nghệ nhân trên các lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân.

TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

TS Lê Thị Minh Lý cũng chia sẻ 3 bài học kinh nghiệm từ thực hiện Công ước 2003 xây dựng Luật Di sản văn hóa của Việt Nam ở lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, đó là: Định nghĩa và nhận diện di sản văn hóa phi vật thể; loại hình di sản văn hóa phi vật thể; chính sách với chủ thể và người thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Nhấn mạnh đến vai trò của chủ thể, cộng đồng trong bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, TS Lý cho biết, dựa trên điều 15 của Công ước về Sự tham gia của các cộng đồng, nhóm người và cá nhân, Thủ tướng chính phủ Việt Nam đã ban hành nghị định Quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Chính sách này đối với nghệ nhân là điểm mới, quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên nếu chỉ vì danh hiệu cùng với việc hệ thống hóa, hành chính hóa quy trình phong tặng một cách cứng nhắc sẽ làm mất đi sự sáng tạo khuyến khích để phát triển. Bên cạnh đó, ngoài các danh hiệu phong tặng các chủ thể/nghệ nhân có công trong việc trao truyền di sản văn hóa phi vật thể chưa có các hình thức khen thưởng khác cho những người có thành tích lớn bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể như nhà tài trợ, nhà nghiên cứu, nhà thiết kế, sáng tạo....

Bài và ảnh: Hoàng Quỳnh

Top