Giá trị di sản văn hóa đền Bạch Mã
Ngày 02 tháng 10 năm 2020, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “Giá trị di sản văn hóa Đền Bạch Mã”, nhân dịp hoàn thành cơ bản Dự án trùng tu, tôn tạo Di tích đền Bạch Mã, giai đoạn từ tháng 6 năm 2019 đến tháng 9 năm 2020, nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2020), 66 năm ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954 – 10-10-2020) và chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Cuộc Tọa đàm “Giá trị di sản văn hóa Đền Bạch Mã” lần này, một lần nữa nhằm góp phần làm sáng rõ thêm các giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật của Di tích Đền Bạch Mã, đánh giá những kết quả đã đạt được trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị Di tích Đền Bạch Mã.
Trước khi chính thức bước vào nội dung của cuộc Tọa đàm, đại diện lãnh đạo Thành phố, quận Hoàn Kiếm, Ban Tổ chức và đại diện các đại biểu đã tiến hành nghi thức làm lễ dâng hương tại Đền Bạch Mã.
Khách tham quan đền Bạch Mã
Tham dự cuộc Tọa đàm có đại diện lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, đại diện các cơ quan hữu quan của Trung ương, Thành phố Hà Nội, quận Hoàn Kiếm, 10 phường thuộc quận Hoàn Kiếm; các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa có liên quan, đại diện của cộng đồng, đại diện các nhà tài trợ và đại diện một số cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.
Ban Tổ chức Tọa đàm đã nhận được 22 bài tham luận liên quan đến chủ đề cuộc Tọa đàm, xung quanh 5 cụm vấn đề về Di tích Đền Bạch Mã: Về lịch sử đền Bạch Mã; về kiến trúc Đền Bạch Mã; về Tượng thờ, Thần chủ, di sản Hán - Nôm của Đền Bạch Mã; về lễ hội và tín ngưỡng thờ của Đền Bạch Mã; về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Đền Bạch Mã.
Toàn cảnh Tọa đàm
GS.TS Đinh Khắc Thuân trình bày Báo cáo đề dẫn Tọa đàm
Toàn bộ các bài tham luận đều được in trong tập Tài liệu của Tọa đàm.
Tại cuộc Tọa đàm hôm nay, các đại biểu đã nghe bài phát biểu của đồng chí Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa; Báo cáo đề dẫn của GS.TS Đinh Khắc Thuân, tham luận của 5 nhà khoa học đại diện cho từng cụm vấn đề và ý kiến phát biểu của 5 đại biểu.
Các ý kiến trình bày tại Tọa đàm rất phong phú, đa dạng, khẳng định và gợi mở nhiều vấn đề.
Từ tình hình và kết quả cuộc Tọa đàm “Giá trị di sản văn hóa Đền Bạch Mã”, thay mặt Đoàn Chủ tịch, tôi xin phép được tóm lược một số vấn đề chính sau đây:
1. Đền Bạch Mã, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội là một Di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng của Thủ đô và của cả nước.
Đền Bạch Mã (Đông Trấn) cùng với Đền Voi phục - Thủ Lệ (Tây Trấn), Đền Kim Liên (Nam Trấn), Đền Quán Thánh -Trấn Vũ (Bắc Trấn), tạo thành Tứ trấn của Thăng Long - Hà Nội.
Đền Bạch Mã có lịch sử lâu đời, gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của Thăng Long - Hà Nội, đã được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa từ năm 1991.
2. Lịch sử Đền Bạch Mã có nguồn gốc từ thời Bắc thuộc. Sau khi Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư ra xây thành Thăng Long vào năm 1010, đền được xây dựng lại và được gọi là Đền Bạch Mã. Trong Tứ trấn Thăng Long, Đền Bạch Mã có niên đại sớm nhất. Trải qua hơn 1.000 năm lịch sử, Đền đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Lần mới nhất gần đây là từ tháng 6 năm 2019 đến tháng 9 năm 2020 khá quy mô.
3. Đến nay vẫn chưa biết được diện mạo kiến trúc Đền Bạch Mã thời Lý; dáng dấp kiến trúc Đền Bạch Mã hiện nay mang đặc trưng kiến trúc Triều Nguyễn thế kỷ XIX, khá quy mô, gồm: Phương môn, Phương đình, Tiền tế, Trung tế và Hậu cung.
4. Gắn liền với Di tích Đền Bạch Mã, hiện nay còn bảo quản được nhiều di vật quý: 18 bia đá cổ, 17 đạo sắc phong của Triều đình Nhà Nguyễn, nhiều đồ thờ tự quý khác và nhiều thư tịch có liên quan được lưu giữ tại Viện Hán - Nôm.
5. Thần chủ thờ ở Đền Bạch Mã từ thời Lý là thần Long Đỗ - Đô Thành Hoàng của Kinh đô Thăng Long và của cả nước. Tượng Thần chủ Long Đỗ bằng đồng hiện đặt tại khám thờ ở Hậu cung, có từ thời Nhà Lê, thế kỷ XVII.
6. Gắn liền với Di tích Đền Bạch Mã được biết trước đây có lễ hội Nghênh xuân, vừa mang tính cung đình, vừa mang tính dân gian đặc sắc, có nguồn gốc từ thời Lý, được tổ chức vào mùa xuân hàng năm, mang đậm dấu ấn của văn hóa nông nghiệp, đồng hành cùng tín ngưỡng của Đền Bạch Mã. Đây là một Di sản văn hóa phi vật thể rất có giá trị của Đền Bạch Mã; nhưng do các nguyên nhân khác nhau, lễ hội Nghênh xuân không được duy trì nữa.
7. Tuy Đền Bạch Mã có những ảnh hưởng văn hóa của người Hoa, nhưng Thần chủ Long Đỗ là vị Thần người Việt, bảo hộ cho sự thịnh vượng, đặc tính riêng của văn hóa người Việt. Đó là những nét đặc biệt trong giao thoa văn hóa hàng nghìn năm, nhưng vẫn giữ lại, tôn vinh những giá trị đặc biệt của Việt Nam.
8. Việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Đền Bạch Mã là một công việc khoa học lâu dài, liên quan đến nhiều lĩnh vực, do vậy công việc này không thể kết thúc bằng cuộc Tọa đàm hôm nay, mà cần phải được tiếp tục trong thời gian tới. Bên cạnh những vấn đề đã thống nhất và tương đối thống nhất, có một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn.
- Một là, cần làm rõ hơn mối quan hệ giữa Đền Bạch Mã với quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Kinh thành Thăng Long.
- Hai là, cần nghiên cứu, làm rõ giá trị nổi bật của Lễ hội Nghênh xuân Đền Bạch Mã, vấn đề giao thoa văn hóa.
- Ba là, cần có những giải pháp toàn diện để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Đền Bạch Mã.
9. Tuy còn có những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để làm sáng rõ hơn, nhưng phải khẳng định rằng Đền Bạch Mã là một Di tích đặc biệt quý giá, có giá trị tiêu biểu về nhiều mặt: lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh trên cả 2 khía cạnh di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, là Di tích quốc gia nằm trong Khu phố cổ cũng là Di tích quốc gia.
Ban Tổ chức cuộc Tọa đàm ghi nhận, hoan nghênh và đánh giá cao sự quan tâm của Thành phố Hà Nội, quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội, phường Hàng Buồm đối với Di tích có ý nghĩa này.
Hoan nghênh và ghi nhận sự chung tay góp sức của cộng đồng, các nhà tài trợ trong bảo vệ và phát huy giá trị của Di sản này.
Với những ý nghĩa và giá trị nổi bật của Đền Bạch Mã, Di tích này rất xứng đáng xây dựng Hồ sơ đề nghị xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Để làm được điều đó còn có nhiều việc phải làm mà trước hết phải khẳng định giá trị nổi bật của Di tích và thực hiện đúng quy trình làm Hồ sơ đề nghị xếp hạng Di tích Đền Bạch Mã là Di tích quốc gia đặc biệt
10. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Đền Bạch Mã là 2 mặt có quan hệ chặt chẽ với nhau. Bảo tồn Di tích Đền Bạch Mã phải gắn liền với việc phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô, của quận Hoàn Kiếm, đặc biệt là với Khu phố cổ Hà Nội, nơi có Di tích.
Với những lợi thế của mình, Di tích Đền Bạch Mã phải trở thành một điểm tham quan hấp dẫn thu hút đông đảo khách trong nước và quốc tế đến thăm Thủ đô và phố cổ Hà Nội, góp phần vào phát triển du lịch của địa phương.
Từ ý nghĩa đó, Ban Tổ chức Tọa đàm đề nghị với các cấp, các cơ quan, Ban, ngành chức năng của địa phương một số vấn đề sau:
Một là, cần tiếp tục tổ chức công tác nghiên cứu nhằm làm sáng rõ hơn, toàn diện hơn những vấn đề về lịch sử, văn hóa gắn liền với Di tích Đền Bạch Mã.
Hai là, có kế hoạch toàn diện và cụ thể để bảo vệ, bảo quản tốt Di tích Đền Bạch Mã.
Ba là, cần có kế hoạch và biện pháp tổ chức nghiên cứu, khôi phục lại Lễ hội Nghênh xuân, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữ lại những yếu tố truyền thống tốt đẹp và phù hợp với bối cảnh xã hội mới.
Bốn là, cần có kế hoạch toàn diện, cụ thể, phong phú, đa dạng để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về di sản này với nhân dân Thủ đô, đồng bào trong cả nước và bạn bè quốc tế.
Năm là, cần phải tiếp tục phát huy vai trò cộng đồng, thực hiện tốt phương châm xã hội hóa trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích Đền Bạch Mã.
Đặc biệt cần sớm biên soạn và xuất bản một cuốn sách bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, giới thiệu tương đối đầy đủ, toàn diện về Di tích Đền Bạch Mã, xuất bản các tờ gấp giới thiệu về Di tích, xây dựng phim tư liệu, tài liệu giới thiệu về Di tích; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên giỏi về chuyên môn, ngoại ngữ để phục vụ, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị Di tích.
Các đại biểu phát biểu tại Tọa đàm