Ghi chú cho một bảo vật Quốc gia

Đó là chiếc bảo ấn, vừa được Chính phủ nước ta ra Quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia đầu năm 2013: Môn hạ sảnh ấn.

Với Quyết định này, thiết nghĩ là rất xứng đáng, vì đây là quả ấn duy nhất của Việt Nam còn lại đến hôm nay, có niên đại thuộc Thời Trần. Sở dĩ, tôi nhấn mạnh đến sự “duy nhất còn lại” vì nó hiện hữu tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, còn năm 1999, Giáo sư Hà Văn Tấn có tìm thấy dấu tích của một quả ấn thời Trần khác, hiện lưu lạc ở đất Quảng Tây (Trung Quốc): “Bình Tường thổ châu chi ấn”, được đúc vào niên hiệu Đại Trị thứ 5 (1362). Dấu tích ấy được Giáo sư tìm qua một chuyên khảo của một học giả Nhật Bản, tên là Tanigu Chifusao, nên dù có trăm phần sự thật, thì vẫn chỉ là một tài liệu lịch sử, vô cùng có ý nghĩa, đã được nhiều nhà nghiên cứu trong nước quan tâm, mà bài viết này, tôi chỉ nhắc đến để độc giả có thêm thông tin.

Môn hạ sảnh ấn được phát hiện năm 1962, tại xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ấn cao 8,5cm; hình vuông 7cm x 7cm; nặng 1,4kg. Lạc khoản trên ấn có hai dòng chữ Hán:

- Bên trái: “Môn hạ sảnh ấn”;

- Bên phải: “Long Khánh ngũ niên, ngũ nguyệt, nhị thập, tam nhật tạo”.

Mặt ấn hình vuông 7,3cm x 7,3cm, đúc 4 chữ triện Môn hạ sảnh ấn.

Như vậy, niên đại của ấn đã được xác định rõ, ngày 23 tháng 5 năm Long Khánh thứ 5, đời Trần Duệ Tông 1377.

Chữ khắc trên mặt ấn cho chúng ta biết, đây là con dấu của một chức quan Thời Trần, phụ trách Môn hạ sảnh.

Môn hạ sảnh là một trong tam sảnh (Thượng thư sảnh, Trung thư sảnh và Môn hạ sảnh) xuất hiện từ khá sớm và đã được chuyên gia ấn chương học Nguyễn Công Việt bỏ công khảo cứu khá kỹ. Tuy nhiên, để độc giả hiểu thêm giá trị của chiếc ấn này, tôi xin tóm lược ý kiến của ông như sau: Nhà Trần thiết lập Thượng thư sảnh và Môn hạ sảnh. Thượng thư sảnh có nhiệm vụ giúp tể tướng quản lý các việc có liên quan tới quan chức, chức Hành khiển Thượng thư đứng đầu. Môn hạ sảnh là cơ quan thân cận của vua, có nhiệm vụ giữ bảo ấn, chuyển lệnh của vua tới các quan, nhận lời tấu lên vua và các công việc lễ nghi trong cung; chức trưởng của cơ quan này đều gắn với chữ Hành khiển. Hành khiển là chức rất lớn, bao trùm cả chức Lệnh Thị Lang, Tả Hữu ty, Lang trung…

Cũng theo Nguyễn Công Việt, chức Môn hạ sảnh Thời Trần đều do những đại thần tài giỏi đảm nhiệm. Năm Khai Thái thứ 6 (1329), Trần Minh Tông phong Vũ Nghiên Tả làm Nhập nội Hành khiển Môn hạ Hữu ty Lang trung. Năm Khai Hựu thứ 11 (1339), Trần Hiến Tông lấy Trương Hán Siêu làm Môn hạ Hữu ty Lang, rồi sai ông cùng Nguyễn Trung Ngạn biên soạn Hoàng triều đại điển và khảo đính bộ Hình thư để ban hành.

Các đại thần tài cao, đức trọng, tuy đã làm ở Sảnh, còn được kiêm nhiệm chức vụ khác, như Hành khiển Phạm Sư Mạnh được Vua Trần Duệ Tông phong thêm chức Tri khu mật viện sử. Hay, Nguyễn Nhiên, dẫu không có tài, nhưng là công thần, được Trần Nghệ Tông trả ơn cho làm Hành khiển Tả tham tri chính sự. Sự việc này, về sau đã bị sử thần Ngô Sĩ Liên phê phán.

Quả ấn Môn hạ sảnh được đúc năm 1377 và được đóng trên những văn bản hành chính quan trọng từ Thời Trần Phế Đế về sau. Tuy nhiên, cho đến nay, không một văn bản nào còn lại, để biết tên họ những đại thần gắn với quả ấn này.

Tuy nhiên, thông qua Đại Việt sử ký tiền biên, Nguyễn Công Việt đã đọc được tên, họ, năm, tháng những đại thần giữ chức Hành khiển: Xương Phù thứ 5 (1381) cho Đào Sư Tính làm Nhập nội Hành khiển Hữu ty lang trung; Xương Phù thứ 8 (1384) sai Hành khiển ty là Trần Nghiên Dụ đốc thúc các Vận sứ của các Lộ vận chuyển lương đến đầu huyện Thủy Vĩ cấp cho quân…

Trong số những đại thần trên thì Trần Nghiên Dụ mới có thể là người quản lý Môn hạ sảnh và sử dụng Môn hạ sảnh ấn vì Môn hạ sảnh chính là Hành khiển ty, còn các chức hành khiển khác thì chỉ liên quan tới Môn hạ sảnh thôi. Quả ấn này được tạo tác năm 1377, nhưng mãi đến năm 1384 thì Trần Nghiên Dụ mới sử dụng, còn trước năm 1384 và sau Trần Nghiên Dụ là ai thì còn là ẩn số.

Vậy là, một lần nữa, từ những thông tin ngắn gọn về Môn hạ sảnh và người sở hữu quả ấn này trong một thời gian, độc giả sẽ thấy ngay được giá trị có một không hai của Môn hạ sảnh ấn, để rồi đồng thuận về quyết định công nhận nó là Bảo vật Quốc gia là hoàn toàn có cơ sở.

Thắc mắc của tôi về Môn hạ sảnh ấn lại nằm trong một câu chuyện khác, rất vô tình, xin được ghi chú, để tránh những hiểu lầm không đáng có, do hiện tượng “tam sao thất bản” vẫn thường gặp trong khá nhiều hồ sơ, do hoàn cảnh đất nước chiến tranh, do trình độ quản lý của chúng ta hạn chế và do sự xây dựng và tiếp thu tài liệu từ các thế hệ cán bộ của chúng ta còn nhiều điều bất cập.

Nhân chuyến công tác vào Bảo tàng Hà Tĩnh tháng 5 năm 2013, tôi được đồng nghiệp cho vào thăm kho bảo tàng và xem một vài chiếc ấn. Trong số ấy, có những chiếc cổ và quý, nhưng cũng có ấn mới. Thế nhưng, ngạc nhiên nhất là Môn hạ sảnh ấn cũng thấy ở đây, y hệt chiếc ấn của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, với những dòng lạc khoản và kiểu dáng trùng khớp, buộc tôi phải hỏi những quản thủ của Bảo tàng và được các chị cho hay, nó đã nằm ở hòm sắt này nhiều chục năm nay, nhưng không có một tài liệu gì ghi chép về nó. Sổ sách cũng không được ghi, phiếu đăng ký cũng không có và chỉ biết, được chia, sau khi tái tách tỉnh. Phải chăng có hai quả Môn hạ sảnh ấn?

So sánh hai tiêu bản, tôi thấy chiếc ấn ở đây được đúc bằng một loại đồng vàng có chất lượng xấu, kỹ thuật đúc không cao, còn để lại nhiều vết rỗ trên bề mặt. Màu đồng vàng không có lớp patin thời gian, dòng lạc khoản chữ Hán trên ấn sắc nét và thiếu chuẩn mực của thư pháp Thời Trần. Từ những tiêu chí so sánh trên đây, tôi cho chiếc ấn này là bản sao của Môn hạ sảnh ấn hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Vậy, tại sao lại là bản sao, khi chính nó được phát hiện ở Hà Tĩnh?

Có hai kịch bản xảy ra:

- Ấn được cán bộ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phát hiện và Bảo tàng Trung ương đã làm một bản sao cho Phòng Bảo tồn - Bảo tàng Hà Tĩnh, để trưng bày, nhân một sự kiện chính trị quan trọng nào đó của tỉnh, vì khi ấy chưa có thiết chế bảo tàng địa phương.

- Khả năng nhiều hơn, Môn hạ sảnh ấn được tìm thấy từ các cán bộ văn hóa tỉnh Hà Tĩnh, nhưng để đóng góp cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thời kỳ này đang chỉnh lý sau khi tiếp thu Bảo tàng Cổ vật Louis Finot, nên rất nhiều mảng về lịch sử dân tộc còn trống vắng, theo đó, địa phương đã tạo điều kiện tối đa cho nhiệm vụ chính trị này, chấp nhận bản sao, dành bản gốc cho Trung ương trưng bày.

- Thế nhưng, mọi hồ sơ sau đó đã không được hoàn tất, hoặc hoàn tất, nhưng công việc quản lý, lưu trữ không tốt do chiến tranh và nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác, khiến thế hệ hôm nay vô cùng lúng túng. Đó dường như là những câu chuyện xảy ra trên nhiều lĩnh vực ở đất nước ta trong quá khứ, gây nên nhiều lầm lẫn đáng tiếc. Với tinh thần ấy, tôi viết bài này để đính chính và mong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, cần phân tích để có được kết luận chắc chắn hơn, thành phần hợp kim, chắc chắn câu  trả lời sẽ được mỹ mãn hơn.

TS Phạm Quốc Quân

Top