Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung
Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này có nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và tại một số quy định liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể, di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu và bảo tàng.
Chính sách quản lý nhà nước về di sản tư liệu lần đầu tiên được đưa vào Luật Di sản văn hóa
Sự thiếu những quy định pháp luật về di sản tư liệu khiến cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị loại hình di sản này gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các hoạt động mới chỉ dừng lại ở mức độ lập hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh, các hoạt động sưu tầm, kiểm kê, nhận diện, bảo quản, phát huy giá trị... chưa có cơ chế, hành lang pháp lý để triển khai đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Do vậy, chính sách quản lý nhà nước về di sản tư liệu được xây dựng là chính sách mới, lần đầu tiên được đưa vào trong Luật Di sản văn hóa, thể hiện được sự thống nhất trong quản lý di sản văn hóa.
Nội dung tập trung về hoạt động quản lý di sản tư liệu, gồm: nhận diện, quản lý, ghi danh, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; Di sản tư liệu phải được kiểm kê với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về di sản văn hóa ở Trung ương và cấp tỉnh để lựa chọn, ghi danh vào các Danh mục Di sản tư liệu của quốc gia, khu vực và thế giới; Quy định trình tự, thủ tục kiểm kê, số hóa, chuyển đổi số, bảo vệ, phát huy giá trị và đề nghị ghi danh di sản tư liệu của Việt Nam; Quy định thẩm quyền phê duyệt các dự án, đề án về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; Quy định về việc làm bản sao di sản tư liệu; Quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sở hữu di sản tư liệu sau khi được ghi danh vào các Danh mục Di sản tư liệu của quốc gia, khu vực và thế giới.
Thêm mới quy định về việc triển khai các biện pháp bảo vệ phù hợp (như lập và triển khai kế hoạch, chương trình, đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản...) sau khi di sản được kiểm kê, ghi vào các danh sách của UNESCO, Danh mục quốc gia, có chính sách đảm bảo cơ chế thực thi nhằm tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Bổ sung các quy định nhằm điều chỉnh các hoạt động liên quan đến di sản tư liệu như: giao Chính phủ quy định chi tiết việc lựa chọn di sản tư liệu có giá trị để đăng ký vào Danh mục của quốc gia, khu vực và thế giới về di sản tư liệu; việc thống kê, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu của Việt Nam.
Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt chủ trì buổi họp báo.
Thay đổi, mở rộng chính sách đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể
Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã có nhiều điểm mới, quan trọng, bao quát và phù hợp hơn trong chính sách đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể.
Lần đầu tiên, khái niệm về nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể và nhiều khái niệm khác liên quan được đưa vào Luật, như: Nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể; Chủ thể di sản văn hóa phi vật thể; Người thực hành. Cùng với đó, các chính sách liên quan tới đối tượng này cũng được đưa vào Luật như: Tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nghệ nhân có công lao bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là nghệ nhân người dân tộc thiểu số, nghệ nhân sinh sống ở miền núi, biên giới, hải đảo, nghệ nhân là người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; Chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể; Trợ cấp sinh hoạt hằng tháng và ưu đãi khác đối với nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú...
Quy định cụ thể về mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước
Luật Di sản văn hóa hiện tại chưa có các nội dung quy định về việc mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước, đồng thời, trong các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 mới chỉ quy định về việc tặng cho tài sản.
Dự thảo Luật quy định cụ thể việc mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước và quy định những ưu đãi chính sách thuế nhằm khuyến khích cá nhân, tổ chức cùng tham gia trong việc này. Những quy định cụ thể này không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, “chảy máu” ra nước ngoài, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc, đồng thời, góp phần đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa - một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Bổ sung quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam
Tại dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), việc quy định nội dung Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam tại Điều 92 sẽ là căn cứ pháp lý thành lập Quỹ, giải quyết khó khăn hiện nay của ngành Di sản văn hoá. Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam được thành lập sẽ huy động phần đóng góp của các đối tượng hưởng lợi từ hoạt động di sản, huy động nguồn kinh phí từ xã hội hóa và cùng với một phần ngân sách nhà nước triển khai các hoạt động di sản văn hóa một cách chủ động, chuyên nghiệp góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng phát triển kinh tế, hỗ trợ hoạt động truyền thông về di sản văn hóa trong cộng đồng...
Do đó, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam là cần thiết để đảm bảo thúc đẩy phát triển đột phá trong lĩnh vực di sản văn hóa. Dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi lần này đã thể hiện rõ về các nguồn thu là: vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp; Nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật đã được quy định.
Quy định xếp hạng, ghi danh, quản lý di sản văn hoá có địa bàn phân bố từ 02 địa phương trở lên, hồ sơ đa quốc gia
Các quy định về thủ tục và thẩm quyền ghi danh, xếp hạng di sản văn hóa trong Luật Di sản văn hóa hiện hành chỉ quy định di sản phân bố theo địa giới hành chính đơn lẻ từng địa phương. Tuy nhiên, trong thực tế, phạm vi di sản văn hóa lại mang tính liên cộng đồng và khu vực, không đồng nhất với địa giới hành chính, một số di sản văn hóa được phân bố trên phạm vi liên tỉnh, thậm chí đa quốc gia. Do đó, Luật đang thiếu những quy định để tiến hành các thủ tục ghi danh, xếp hạng, thực thi các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có phạm vi phân bố liên tỉnh, đa quốc gia, cụ thể:
Đối với di sản văn hoá phi vật thể phân bố trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, việc ghi danh, ghi danh bổ sung và hủy bỏ ghi danh quy định tại điểm a khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 13; nghiên cứu, tư liệu hóa quy định tại khoản 2 Điều 16 dự thảo Luật.
Đối với di tích phân bố trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, việc xếp hạng và hủy bỏ xếp hạng di tích, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ xếp hạng, xếp hạng bổ sung, hủy bỏ quyết định xếp hạng và bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ khoa học di tích quy định tại Điều 24; Điều 25; việc quản lý, sử dụng di tích được quy định tại khoản 4 Điều 32 dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) còn có quy định cụ thể về: Bảo vệ di sản văn hoá có nguy cơ mai một, thất truyền; Về bổ sung việc phân cấp thẩm quyền cho địa phương trong việc bảo quản, sửa chữa nhỏ, tu sửa cấp thiết di tích; Về thẩm quyền đối với các công trình thực hiện trong khu vực bảo vệ của di tích và điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ di tích; Việc phát huy giá trị di tích; Về thăm dò, khai quật khảo cổ dưới nước và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước; Về đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình, trưng bày bảo tàng công lập; Về sử dụng, khai thác di sản văn hoá.
Bộ VHTTDL họp báo thường kỳ quý III năm 2024 Ngày 03-10, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Họp báo thường kỳ quý III năm 2024. Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt chủ trì Họp báo. Trong quý III năm 2024, ngành VHTTDL đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên nhiều phương diện. Trong lĩnh vực văn hóa, Bộ đã tập trung tổ chức các sự kiện có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng. Nhiều hoạt động văn hóa tiêu biểu đã được tổ chức như Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc tại Quảng Ngãi, Hội diễn tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông lần thứ XIX tại Trà Vinh và nhiều chương trình tập huấn, hội nghị về văn hóa. Về lĩnh vực thể thao, Bộ đã tập trung cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024 với 16 vận động viên tranh tài ở nhiều môn thể thao. Mặc dù không đạt được huy chương tại Olympic, Bộ đã chỉ đạo rút kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho ASIAD 20 năm 2026 và Olympic năm 2028. Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam đã giành được 1 Huy chương Đồng tại Paralympic Paris. Trong lĩnh vực du lịch, theo thống kê, tổng lượng khách quốc tế trong 8 tháng ước đạt hơn 11,4 triệu lượt, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm 2023. Khách du lịch nội địa ước đạt 89,5 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch trong 8 tháng ước đạt 586,1 nghìn tỷ đồng. Bộ đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Tại buổi họp báo, lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước của Bộ cũng đã giải đáp những vấn đề được báo giới quan tâm như chính sách đối với việc phong tặng nghệ nhân, số hóa dữ liệu lễ hội, xây dựng Nghị định văn học và khó khăn trong đấu thầu kịch bản phim. |
Bài và ảnh: Hoàng Quỳnh Hương