Di tích quốc gia Khu nhà Vương: Chủ sở hữu gửi Đơn tố cáo - Bộ VHTTDL chính thức lên tiếng

(TGDS): Như tin đã đưa, ngày 15-5-2019, UBND huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số CR 513310 cho Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật quốc gia Khu Nhà Vương.

Hậu sổ đỏ

Trong một diễn biến mới đây, trong nhiều ngày qua, thông tin từ báo chí cho biết, ông Vương Duy Bảo đã đại diện cho những người được thừa kế làm việc với Sở VHTTDL Hà Giang về những nội dung: Phân chia lợi ích từ việc thu phí tham quan; Quy chế quản lý Khu Di tích. Ông cũng đưa ra một thời hạn (15-6) nếu chưa đạt được sự thỏa thuận thì “con cháu họ Vương sẽ tạm thời đóng cửa Khu Di tích, không tiếp nhận khách tham quan” và chỉ mở lại khi đạt được sự thống nhất tỉ lệ phân chia nguồn thu từ vé tham quan.

Phía Sở VHTTDL Hà Giang cho biết đã có văn bản gửi đại diện những người được hưởng quyền thừa kế đề nghị cùng tham gia xây dựng Quy chế quản lý Khu Di tích này. Về quản lý, sử dụng nguồn thu từ phí tham quan, Sở nêu rõ sẽ mời đại diện dòng họ Vương làm việc cụ thể, thống nhất, sau đó trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu được phê duyệt sẽ đưa vào Quy chế.

Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật Khu Nhà Vương

Nhận xét về vấn đề này, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và luật sư nêu quan điểm: Thỏa thuận tỉ lệ phân chia nguồn thu từ bán vé tham quan là quyền của những người được hưởng thừa kế khu đất này. Tuy nhiên Khu Nhà Vương đã là Di tích cấp quốc gia thì phải chịu sự điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa: “Chủ sở hữu lẫn bên quản lý phải tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu di sản văn hóa” (Điều 14, 15) và nếu đã là điểm tham quan, du lịch thì còn phải chịu sự điều chỉnh của Luật Du lịch. Tức là việc quản lý, vận hành Khu Di tích này phải được thực hiện bởi cả hai bên: chủ sở hữu và nhà quản lý.

Đại diện chủ sở hữu gửi Đơn tố cáo lên Bộ trưởng Bộ VHTTDL

Trao đổi với Thế giới Di sản sáng nay, 13-6, ông Vương Duy Bảo cho biết, ông đề nghị chính quyền phải “minh bạch nguồn thu”. Thu bao nhiêu và chi tiêu như thế nào kể từ năm 2007 đến nay? Ông cũng cho biết, thay mặt những người được hưởng thừa kế, ông đã gửi Đơn tố cáo đến Bộ trưởng Bộ VHTTDL và Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL. Đơn tố cáo đề cập đến một số vấn đề liên quan đến việc bảo vệ, trùng tu, tôn tạo Khu Di tích này, như: Không cắm mốc giới để khoanh vùng bảo vệ (mãi đến tháng 3-2019 mới cắm mốc giới); Thay thế hệ thống hứng và dẫn nước mưa không đúng hiện vật gốc; Xây nhà vệ sinh trước cổng vào Khu Di tích và sát mộ bà Trương Mỹ Thuận (vợ ba ông Vương Chí Sình), chạm đến tâm linh, tín ngưỡng người Mông, gây bức xúc trong dòng họ, mặc dù dòng họ đã có ý kiến nhiều lần nhưng vẫn không được xử lý. Về nguồn thu, Đơn tố cáo nêu rõ: đã 12 năm, chính quyền huyện Đồng Văn tự đứng ra bán vé thu tiền khách vào tham quan Di tích. Vậy tiền này thu được bao nhiêu? Xử lý như thế nào?

Bộ VHTTDL chính thức lên tiếng

Hôm qua, 12-6, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã có Công văn gửi UBND tỉnh Hà Giang về việc “Quản lý Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật Khu Nhà Vương, tỉnh Hà Giang”.

Văn bản Bộ nêu rõ: Hiện nay, có thông tin liên quan đến việc một cá nhân là đồng sở hữu Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật quốc gia Khu Nhà Vương, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang dự kiến đóng cửa Khu Di tích. Về việc này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang thực hiện một số nội dung sau:

1. Khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đối với nội dung: “… Trao đổi, thống nhất với Gia tộc họ Vương rà soát, hoàn thiện lại quy chế và thực hiện việc quản lý, sử dụng Khu Di tích theo đúng quy định của pháp luật di sản và pháp luật khác liên quan…”.

2. Chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện việc bảo vệ, phát huy giá trị đối với công trình Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật quốc gia Khu Nhà Vương theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa; có kế hoạch quản lý, chống xuống cấp di tích; xây dựng kế hoạch quản lý tổng thể khu vực phía trước Khu Di tích Nhà Vương và một số hộ dân đang sinh sống trong khu vực bảo vệ II của di tích.

Như vậy, rõ ràng, từ việc xác lập quyền sử dụng đất đến việc quản lý, vận hành Di tích quốc gia Khu Nhà Vương sẽ còn rất nhiều công việc phải làm và rất cần sự thống nhất giữa những người thừa kế và cơ quan quản lý di tích địa phương.

Trao đổi với Thế giới Di sản trưa nay, ông Vương Duy Bảo cho biết, chiều nay 13-6, ông sẽ tiếp tục đại diện cho dòng họ làm việc với Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang và UBND huyện Đồng Văn. Ông cũng mong muốn buổi làm việc sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp để Di tích Khu Nhà Vương ngày càng phát huy được giá trị, phục vụ đông đảo người tham quan như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và ý kiến của Bộ VHTTDL.

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin về vụ việc này.                                                                   Ngọc Đăng

Có thể bạn quan tâm

Top