Di tích lịch sử đền Bản Thổ

Di tích đền Bản Thổ được xây dựng từ thời Nguyễn trên một vùng đất cao ráo, thoáng đãng, ngoảnh mặt về hướng Đông. Phía sau có hồ Vực Mấu, xa xa phía trước có dòng sông Mai hiền hòa, uốn lượn, hai bên phải, trái có các công trình kiến trúc tâm linh như: Đền Bình An - chùa Bảo Minh, khu mộ tổ họ Văn… tạo thành tuyến du lịch tiềm năng vừa sinh thái, vừa tâm linh trong tương lai.

Hiện nay, đền Bản Thổ tọa lạc tại thôn 2, xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An cách thành phố Vinh – Trung tâm kinh tế, chính trị văn hóa của tỉnh Nghệ An khoảng 76 km về phía Bắc, cách thị xã Hoàng Mai 8 km về phía Tây Nam.

Căn cứ vào bài trí thờ phụng cho biết đền Bản Thổ thờ thần chủ là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, ngoài ra còn phối thờ các vị thần như: Tứ vị thánh nương, Đông chinh vương Dực thánh vương, Cao Sơn Cao Các, Bạch Y đại vương, Hoan quận công Hồ Hữu Nhân và các vị thành hoàng trong vùng.

Đền Bản Thổ tọa lạc tại thôn 2, xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.

Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là con trai đời thứ 8 của Vua Lý Thái Tổ. Là người thông minh hiếu học, đức trọng tài cao, yêu nước thương dân sâu sắc. Năm 1039 ông được Nhà vua cử vào trông coi việc tô thuế tại vùng đất Nghệ An với tước hiệu Uy Minh Thái Tử. Tính nghiêm cẩn và liêm trực, không tơ hào của dân nên ông được nhân dân Hoan Châu mến mộ. Năm 1041 ông được bổ nhiệm làm Tri châu Nghệ An với  tước hiệu Uy Minh Hầu Lý Nhật Quang. Lúc này, Nghệ An là một vùng biên ải phía Nam của nước Đại Việt, việc quản lý còn lỏng lẻo. Nhiều cuộc nổi dậy ở địa phương có tính chất phản loạn, gây sự phiền nhiễu cho nhân dân, Triều đình phải nhiều phen dẹp loạn. Nhưng sau khi Lý Nhật Quang được cử làm Tri châu, tình hình xã hội ở Nghệ An dần dần ổn định, kỷ cương phép nước được lập lại...Đây là điểm mốc quan trọng khẳng định vai trò và ảnh hưởng to lớn của Lý Nhật Quang với vùng đất Nghệ An. Năm 1044, Vua Lý Thái Tông đã phong cho Lý Nhật Quang từ tước Hầu lên tước Vương thành Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và ban cho ông thành Tiết Việt (Tức là có quyền thay mặt Nhà vua, được Vua tin cậy và uỷ thác quyền định đoạt mọi chuyện chính sự tại Nghệ An).

Với trọng trách được giao, đứng đầu và trị nhậm Nghệ An, Lý Nhật Quang đã thể hiện tài kinh bang tế thế, dùng uy để chế ngự, dùng ân để vỗ yên, dùng chính sách khoan giản và an lạc, tức là khoan dung, giản dị, gần gũi nhân dân, minh bạch các chế độ tô thuế, lấy việc dân no ấm yên vui hạnh phúc làm gốc của việc cai trị. Trị nhậm một vùng biên viễn được coi là khó khăn, thử thách như Nghệ An song Lý Nhật Quang luôn tỏ ra là một vị quan tận tâm với Triều đình, thương yêu dân như con. Với tài kinh bang tế thế, Lý Nhật Quang đã có nhiều chính sách ổn định chính trị xã hội, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng khiến cho vùng đất Nghệ An dưới thời ông được yên ổn. Vì vậy, không những nhân dân Nghệ An mến phục, nhớ ơn mà các bộ tộc phía Tây, phía Nam cũng phải kiêng nể. Theo sự tích đền Qủa Sơn (Đô Lương) có chép: “Ngài ở châu 19 năm (3 năm làm việc thu thuế, 16 năm làm Tri châu), trừng trị bọn gian, khen thưởng người lành, khai khẩn đất hoang, chiêu mộ lưu dân, bọn vô lại phải im hơi, người dân ở với Vương được yên nghiệp. Ngài thường qua lại vùng này, vùng khác, dạy nghề làm ruộng, nuôi tằm, trồng cây cối, nuôi gia súc, có nhiều chính sách có lợi cho dân, làm cho nhân dân đoàn kết. Người đến kiện tụng thì lấy liêm sỷ, lễ nghĩa giảng dạy làm cho giác ngộ, ai nấy đều cảm hóa, không bàn đến chuyện kiện cáo nữa”.

Để tưởng nhớ công lao vị danh tướng kiệt xuất này, sau khi ngài mất, nhân dân đã lập nhiều đền thờ ngài và tôn ngài làm Thành hoàng, làm đại phúc thần của cả châu, cả chốn hồi ty ở trong châu đều lập đền riêng để thờ ngài. Tiếng tăm uy đức của Lý Nhật Quang còn lan sang cả nước láng giềng “nhân dân man di đều tin phục, người Chiêm Thành tưởng nhớ công đức của ngài bèn lập đền thờ dưới chân núi Tam tòa, tôn là Tam tòa đại vương”

Tứ vị Thánh nương là một trong những vị thần được cư dân vùng ven biển ở Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng lập nhiều đền thờ phụng. Riêng trên đất Nghệ An, hiện đã thống kê được trên 30 ngôi đền thờ Tứ vị Thánh nương, một trong số đó có đền Bản Thổ (xã Quỳnh Trang).

Năm 1279, Tướng quân Mông Cổ là Trương Hoàng Phạm đem quân đi đánh ở Nhai Sơn. Quân Tống bị quân Nguyên đánh tan, binh sỹ bị dồn xuống biển chết hơn 10 vạn. Vua Tống đem gia quyến cùng hơn 800 quân lính, bề tôi lên thuyền trốn ra biển. Thế cùng lực tận, lại bị quân giặc đuổi theo truy bức gấp rút, Quan Tả Thừa tướng Lục Tú Phu ôm Vua Tống Đế Bính nhảy xuống biển tự tử. Đoàn thuyền trên đường vượt biển, chẳng may gặp sóng to gió lớn, đẩy thuyền trôi dạt, Đại tướng Trương Thế Kiệt cùng bao quân lính bị chết đuối, chỉ còn Hoàng hậu và hai cô công chúa may sao ôm lấy một mảnh ván thoát chết. Sóng gió đã đẩy ba mẹ con trôi dạt vào Cửa Cờn. Một nhà sư trụ trì ở chùa Cốc, buổi chiều đi dạo trên bãi cát ven biển, thấy ba mẹ con thập tử nhất sinh liều mình ra cứu, rồi đem ba mẹ con vào chùa chăm sóc và nuôi dưỡng tử tế. Một thời gian sau, ba mẹ con họ đã phục hồi sức khỏe, lấy lại dung nhan vốn có của mình. Trước vẻ đẹp tuyệt trần của Hoàng hậu, Sư động lòng trắc ẩn nên đã liền gieo mình xuống biển tự tử.

Sau khi Sư chết, Hoàng hậu khóc than rằng: “Chúng ta vì S­ư mà được sống, nay Sư­ vì chúng ta mà phải chết, sao nỡ yên tâm”. Hoàng hậu nói xong, bèn nhảy xuống biển tự tử. Mất mẹ, hai cô công chúa khóc than thảm thiết, nghĩ rằng sống bơ vơ nơi đất khách quê người, không cha mẹ, không bà con thân thích, rồi cũng trắm mình xuống biển chết theo. Nhân dân đã lo liệu chôn cất ba mẹ con Hoàng hậu cùng vị Sư rất chu đáo, rồi lập đền bốn mùa hương khói thờ phụng.

Hàng năm, bà con đều tới dự Lễ hội Đền Bản Thổ.

Đền ở Cửa Cờn (làng Phương Cần) thờ Tứ vị Thánh nương; đền ở dưới chân núi Quy Lĩnh (làng Phú Lương) thờ vị Sư. Cả hai ngôi đền này nổi tiếng linh thiêng nên các vị minh quân dưới triều đại phong kiến Trần, Lê khi cầm quân đi chinh phạt giặc phương Nam đều ghé qua đền làm lễ cầu đảo và đều được linh nghiệm, giành thắng lợi. Cuối thời Trần, dân Phương Cần (Quỳnh Phương) rước bài vị của vị Sư được thờ ở đền Quy lĩnh về hợp tế nên gọi là đền “Tứ vị”.

Năm Hưng Long thứ 20 (1312), Vua Trần Anh Tông thân chinh mang quân đi đánh Chiêm Thành, đến cửa biển Cần Hải, gặp sóng to gió lớn phải dừng lại, đêm ấy Nhà vua nằm mộng thấy thân nhân bảo rằng: “Thiếp là Cung phi nhà Tống, bị giặc bức bách, lênh đênh sóng gió, trôi dạt vào đây, Thượng đế phong cho làm thần Biển ở đây đã lâu, nay xin giáng công thánh thượng đi đánh giặc”. Sáng hôm sau, Vua Trần Anh Tông tỉnh dậy liền hỏi tả, hữu xung quanh; biết rõ sự tích, Nhà vua sắm sữa lễ vật vào đền kính tế, cầu xin âm thần phù trợ. Trận đánh ấy quân ta thắng to, trên đường về, Vua Trần Anh Tông ghé thăm đền, phong sắc cho thần là “Quốc gia Nam Hải Đại Càn Thánh nương”và đã ban cấp thêm vàng, bạc để sửa sang, nâng cấp xây dựng lại đền với quy mô lớn hơn. Sau khi đền được phong cấp và thần được phong sắc, nổi tiếng linh thiêng thì nhiều nơi xin rước “Tứ vị” về thờ vọng. Một trong những số đó, xã Quỳnh Trang cũng đã xây đền, rước chân hương, lập bài vị thờ Tứ vị Thánh Nương cho đến ngày nay.

Cùng với vị thần được thờ trên, đền Bản Thổ còn phối thờ các vị phúc thần, thành hoàng làng đã có công bảo quốc, hộ dân, giúp làng trong cuộc sống như: Đông chinh vương Dực thánh vương, Cao Sơn Cao Các, Bạch Y đại vương, Hoan quận công Hồ Hữu Nhân và đang trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh hấp dẫn, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài xã về chiêm bái, thưởng ngoạn.

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, đền Bản Thổ là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, gắn liền với lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. Trong phong trào 1930 - 1931, đền Bản Thổ là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xã và là nơi hội họp, sinh hoạt của chi bộ Đảng Nhị Yên. Hàng năm tại đền diễn ra nhiều kỳ lễ trọng và các ngày sóc, vọng nhưng tiêu biểu hơn cả là lễ Khai hạ diễn ra vào ngày 7 tháng Giêng Âm lịch. Hiện nay, di tích vẫn còn lưu giữ được một số hạng mục công trình bái đường, hậu cung, các tài liệu hiện vật quý các sắc phong, long ngai, bài vị và hoạt động văn hóa tâm linh vẫn được duy trì thường xuyên.

Với những giá trị về lịch sử - văn hoá, về nhân vật thờ, công trình kiến trúc cổ kính, linh thiêng, đền Bản Thổ, xã Quỳnh Trang xứng đáng được UBND tỉnh cấp Bằng xếp hạng Di tích lịch sử theo Quyết định số 6379/QĐ-UBND ngày 28-12-2017. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ và nhân dân xã Quỳnh Trang, vừa nhắc nhở mọi người ý thức chung trong việc bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa của dân tộc, tri ân tưởng nhớ các vị thần để tiếp tục đầu tư, tôn tạo và phát huy tốt giá trị di tích xứng tầm với giá trị lịch sử - văn hóa tâm linh của di tích.

Thanh Khương

Top