Di tích khảo cổ Giồng Ca Vồ
Vào năm 1993, Ban Khoa học xã hội Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (Nay là Viện Nghiên cứu Văn hóa Xã hội TPHCM) đã khảo sát và thám sát tìm được một số mộ chum và đồ tùy táng. Đến năm 1994, tiến hành khai quật 230m2 diện tích. Tầng văn hoá dày đến 1,50m, gồm 4 lớp: đất canh tác đến độ sâu 0,3m; đất đỏ bazan từ 0,3-0,7m; đất đen xốp lẫn nhiều gốm than tro từ 0,7-0,9m; đất đỏ vàng nhiều gốm từ 0,9m-1,5m. Qua 2 lần đào thám sát và khai quật, các nhà khảo cổ bước đầu xác nhận đây là di chỉ cư trú sản xuất gốm là khu mộ táng của người xưa. Hiện đã tìm thấy gần 350 mộ chum và 10 mộ đất. Di vật trong mộ là hài cốt người, đặc biệt trong các mộ chum còn khá nguyên vẹn. Phần lớn di cốt trong chum được người cổ mai táng theo tư thế ngồi bó gối. Chum mai táng ở Giồng Cá Vồ có hai loại mộ cổ và mộ đất, trong đó mộ đất chiếm ưu thế, trên 90%, và hai loại này đều chưa thấy trong bất kỳ một di tích mộ chum nào ở Đông Nam Á. Số lượng chum nhiều, với sự thống nhất của phương thức và đồng nhất của loại hình chum mai táng, cho thấy táng thức của cư dân Giồng Cá Vồ đã tồn tại khá lâu dài và ổn định, như một truyền thống độc đáo ở khu vực Đông Nam Á. Các nhà khảo cổ xác định: đây là khu mộ táng thuộc văn hoá tiền khảo cổ học Sa Huỳnh, chủ nhân là cư dân bản địa, thể hiện rõ nét của chủng Mongoloid.
Tiến hành khai quật di tích Giồng Cá Vồ (Ảnh : TL)
Cùng với di cốt người là nhiều hiện vật phong phú về chất liệu, hình loại và công dụng được tìm thấy tại Khu Di tích Giồng Cá Vồ. Số lượng hiện vật thu được là: 21 khuyên tai hai đầu thú, 02 khuyên tai ba mấu, 1.046 hạt chuỗi đá, 09 vòng tay và nhiều mảnh vòng bằng đá, hơn 200 hạt chuỗi, 15 vòng tay bằng thủy tinh; 36 vòng tay, một số hạt chuỗi, 36 răng nanh thú, 8 công cụ bằng xương; 70 giáo, lao, lưỡi câu, rìu bằng kim loại. Đồ đồng có rìu, giáo, kim và nhiểu mảnh đồng. Đồ gốm cũng rất phong phú, có đủ các loại hình gốm thuộc văn hoá khảo cổ học Sa Huỳnh.
Các nhà khảo cổ học xác nhận, trên địa bàn thành phố TP Hồ Chí Minh có 132 công trình, địa điểm đã được xếp hạng di tích nhưng chỉ có 160 địa điểm mộ táng cổ niên đại cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20; trong đó đã xác định 12 ngôi mộ cổ đủ tiêu chí lập hồ sơ xếp hạng di tích, 21 ngôi mộ đưa vào danh mục quy hoạch bảo tồn. Và chỉ có 2 di tích khảo cổ được xếp hạng di tích quốc gia là Giồng Cá Vồ và Lò gốm Hưng Lợi (Quận 8, cho thấy Khu Di tích khảo cổ học Giồng Cá Vồ huyện Cần Giờ là vùng đất cổ, nơi ghi lại những dấu vết xa xưa của loài người qua các di chỉ khảo cổ học.
Mộ chum loại 1 hình cầu, đáy tròn (Ảnh : TL)
Ngày 13-04-2000, Bộ Văn hóa - Thông tin quyết định công nhận Di chỉ khảo cổ học Giồng Cá Vồ thuộc xã Long Hòa, huyện Cần Giờ là Di tích khảo cổ học nằm trong số những di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia cần được bảo vệ. Dự án Giồng Cá Vồ được trùng tu, phục nguyên và là một quy hoạch phát triển du lịch sinh thái cho cả huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Mục tiêu của dự án nhằm bảo quản, trùng tu, phục chế lại khung cảnh tự nhiên và khung cảnh xã hội vốn có của di tích, cảnh quan tự nhiên như các loại cây cỏ thực vật, sinh vật... Cùng lúc, các cảnh quan sinh hoạt và sản xuất của người xưa trên mảnh đất này cách nay hơn 2.000 năm sẽ được nghiên cứu phục dựng. Các ngôi mộ cổ cùng các hiện vật trong đó được khai quật, bảo quản và trưng bày tại chỗ làm cho khu di tích sống động hơn.
Khuyên tai hai đầu thú khai quật được tại di tích (Ảnh : TL)
Với lợi thế vừa có rừng, vừa có biển và là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Cần Giờ đã được Tổng Cục Du lịch chọn là một trong 29 điểm du lịch sinh thái của quốc gia. Việc quy hoạch phát triển Khu Du lịch Cần Giờ trong đó có việc trùng tu, phát triển Khu Di tích Giồng Cá Vồ vừa phù hợp với xu hướng phát triển TP Hồ Chí Minh hướng ra biển, vừa phù hợp với định hướng chung theo quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội huyện Cần Giờ giai đoạn từ đây đến năm 2020; trong đó ngành Du lịch Cần Giờ sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác trên địa bàn cùng phát triển.
Thành Đà (Tổng hợp)