Đền Trúc - Ngũ Động Thi Sơn

Có một địa danh phong cảnh thiên nhiên hữu tình, núi non trùng điệp, hang động độc đáo và không kém phần linh thiêng. Đó chính là Khu Danh thắng - Di tích lịch sử văn hóa Đền Trúc - Ngũ Động Thi Sơn thuộc xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đền không chỉ nổi tiếng về cảnh đẹp mà còn có lễ hội hát Dặm giàu ý nghĩa, tôn vinh Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt.

Các cụ già trông coi đền Trúc kể lại: xưa kia nơi đây bạt ngàn trúc mọc: Trúc xanh như tóc, trĩu xuống khắp miền. Năm 1089, đoàn chiến thuyền của Lý Thường Kiệt khi chinh phạt phương Nam đi qua thôn Quyển Sơn, bỗng một trận gió lớn ào ào thổi tới, bẻ gãy cả cột buồm rồi cuốn lá cờ lớn của đoàn quân lên đỉnh núi. Lý Thường Kiệt bèn cho thuyền dừng lại, cùng quân sĩ lên bờ sửa lễ tế trời đất cầu đại thắng. Lần đó, thắng lớn trở về, Lý Thường Kiệt đã cùng đoàn quân lên đây làm lễ tạ ơn, khao thưởng ba quân và mở hội cho dân làng mừng chiến thắng. Sự kiện lá cờ bị gió cuốn đã khiến Lý Thường Kiệt đặt tên cho ngọn núi là Cuốn Sơn. Về sau, để tưởng nhớ công lao của vị tướng tài, dân làng Cuốn Sơn đã lập đền thờ Lý Thường Kiệt ở chính nơi ông đã mở hội đền thờ đó chính là đền Trúc bây giờ. Lễ hội Đền Trúc được mở vào dịp đầu xuân hàng năm từ mùng 10 tháng Giêng đến mùng 6 tháng Hai Âm lịch. Nét nổi bật nhất của lễ hội là trò hát Dặm gồm 30 tiết mục với hơn 1.000 câu thơ tương truyền do Lý Thường Kiệt sáng tác... Đến bây giờ những câu hát Dặm đã được các nghệ nhân nơi đây mang đi giới thiệu tới 16 quốc gia trên thế giới. Ngoài hát Dặm, hội đền Trúc còn có hát Bỏ bộ, hát Đúm. Tối tối, trai gái đến tuổi trưởng thành đến đền lễ tạ rồi tản ra xung quanh hát đối đáp tỏ tình.

Đền Trúc nhìn hướng ra con sông Đáy hiền hòa. Ngôi đền được dựng giữa khu rừng trúc rộng hàng chục mẫu, nên mang tên đền Trúc. Sau ngót ngàn năm, rừng trúc giờ không còn nguyên như xưa nữa, nhưng xung quanh Đền, vẫn muôn ngàn bóng trúc. Với sự biến đổi của thời gian ngôi đền chỉ còn giữ được một số nét căn bản. Ngôi đền được dựng bằng gỗ lim, cao trên 6m. Nhà tiền đường là một công trình 5 gian. Hệ thống vì kèo biến thể kiểu giá chiêng đồng rường con nhị xuất hiện vào cuối thế kỷ 17 và phổ biến vào cuối thế kỷ 19. Ba gian hậu cung được xây dựng cùng một phong cách với nhà tiền đường, có 2 đầu bịt đốc, lợp ngói nam, xây bằng gạch thất, bắt mạch để trần. Trên hệ thống cửa có chạm trổ theo các đề tài tứ quí.

Cổng vào đền Trúc (Ảnh: TL)

Cổng đền gây ấn tượng với những họa tiết, chữ và đôi voi đắp nổi hướng mặt về phía nhau. Giữa sân đền có hai trụ lớn uy nghiêm nằm giữa cùng hai trụ nhỏ ở bên có lẽ đây là cổng đền xưa kia.

Từ sân đền Trúc, đi bộ một quãng ngắn là tới cửa hang để vào thăm Ngũ động. Đây giống như một tòa lâu đài lớn với nhiều căn phòng được nối liền bởi các hành lang nhỏ mà mỗi căn phòng lại mang đến những cảm xúc đặc biệt khác nhau. Ngũ Động gồm 5 động liên hoàn kéo dài hàng trăm mét, ăn sâu vào trong lòng núi Cấm. Lối vào động lên cao, nhìn ra mặt sông Đáy. Lối ra nằm bên kia vách núi, do vậy không khí trong động rất thoáng mát. Động đầu tiên không rộng lắm, trông tựa giống như hàm ếch. Cảnh trí ở đây rất đặc biệt: Lúc bình minh ánh sáng rực rỡ rọi vào phản chiếu những sắc màu lung linh trên vách động; buổi trưa nắng lọt qua những khe lá trước động tạo thành màu xanh nhạt và buổi chiều là màu tím huyền ảo bởi ánh hoàng hôn. Từ động này, một ngách nhỏ sẽ dẫn du khách đến các động tiếp theo.

Đền Trúc thanh tịnh (Ảnh: TL)

Trong các động vô số thạch nhũ rất khác nhau về hình dạng, kích thước: Có cái mọc nhô lên từ mặt đất, có cái lại mọc từ vách động, trần động rủ xuống. Màu sắc nhũ, độ bóng, độ xốp của các nhũ rất đa dạng. Những hòn đá cổ, những nhũ đá mới ẩn sâu trong bóng tối khi có ánh sáng rọi vào do hơi nước phản chiếu ngời lên long lanh như châu ngọc... Với trí tưởng tượng phong phú, nhân dân địa phương đã đặt tên cho các tác phẩm thiên tạo: con rùa, con voi, con khỉ, con trai, bầu sữa mẹ, tòa sen, thiên nga, đức mẹ, Phật bà... và đặc biệt là hình lá cờ đại của Lý Thường Kiệt trên nóc động. Động 4 là động lớn nhất có thể chứa tới hàng ngàn người. Từ động 3 vào động 4, ta bắt gặp ở bên vách động một bức phù điêu nổi bằng nhũ đá diễn tả sinh động hình ảnh con người, thiên nhiên và nhiều con vật gần gũi trong đời sống hàng ngày. Một lối nhỏ cạnh đó dẫn ra giếng nước trong vắt có thể nhìn thấy đáy. Động 5 có ba cửa vào ra dàn thành hàng ngang, tách biệt với nhau bởi những cột nhũ đá to. Ba cửa này được trang trí bằng những chiếc rèm thạch nhũ từ trên trần động rủ xuống trông xa như miệng rồng.

Về thăm đền Trúc, du khách đừng quên ghé vào Cuốn Sơn (nay gọi là núi Cấm) kề bên. Có lẽ vì gắn bó với điềm linh ứng năm xưa nên ngọn núi có ý nghĩa tâm linh với dân trong vùng. Cũng vì thế mà núi Cấm vẫn giữ được nhiều nét nguyên sơ với hệ sinh thái phong phú. Trên đỉnh núi Cấm có một bàn cờ tiên tạo bằng đá. Tương truyền rằng, vào những đêm trăng sáng, thần tiên thường về đây mở hội, uống rượu, chơi cờ và ngắm cảnh trần thế. Gần bàn cờ tiên là một vũng vuông lõm sâu thường được gọi là huyệt Đế vương. Thời kháng chiến chống Pháp, Ngũ Động Sơn được dùng làm nơi để bộ đội đóng quân và cất giữ vũ khí, quân dụng.

Lối vào đền Trúc (Ảnh: TL)

Di tích đền Trúc có 32 sắc phong của các triều đại phong kiến. Ngày 20-1-1994, đền Trúc và Ngũ Động Sơn đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa. Ngày nay, đến thăm đền Trúc, ghé Ngũ Động Sơn, du khách sẽ như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh để sang năm, lại muốn lạc bước tìm về. Được biết, ngành Du lịch Hà Nam đã và đang tích cực đầu tư, tôn tạo các khu, điểm du lịch để thu hút khách và đền Trúc cùng Khu Danh thắng Ngũ Động Sơn là một trong những điểm nhấn quan trọng trong quy hoạch phát triển du lịch Hà Nam.

Trần Hoàng

Có thể bạn quan tâm

Top