Đầu xuân khám phá chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ (còn có tên khác là chùa Linh Mụ) nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km, trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, xã Hương Long, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, là địa chỉ thu hút đông du khách đến tham quan, thưởng ngoạn và gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng, nhất là vào những ngày đầu năm mới. Đến viếng chùa là quên hết mệt nhọc, nóng bức hay đường xa, chỉ còn sự thanh bình, thư thái, mát dịu trong tâm hồn.
Là một ngôi chùa gắn liền với những di tích và danh lam thắng cảnh của Cố đô Huế, chùa Thiên Mụ nổi tiếng và thu hút du khách bốn phương không chỉ bởi những câu chuyện huyền thoại kỳ bí mà còn một vẻ đẹp cổ kính thâm nghiêm, cộng với sự bình yên thơ mộng. Thiên Mụ là ngôi chùa được xây dựng sớm nhất ở thành phố Huế. Lịch sử kể rằng, khi vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm Trấn thủ Quảng Nam, Chúa Nguyễn Hoàng - vị chúa Nguyễn đầu tiên của Đàng Trong đã đích thân đi xem xét địa thế để chuẩn bị cho cơ đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn. Trong một lần cưỡi ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn, Chúa Nguyễn Hoàng bắt gặp một ngọn đồi nhỏ bên dòng sông Hương tên là Hà Khê. Nhận thấy thế đất giống như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại nên năm 1601, Chúa đã cho xây dựng một ngôi chùa trên đồi, quay mặt ra sông Hương và đặt tên là Thiên Mụ.
Chùa Thiên Mụ. Ảnh: Kientrucsuvietnam.vn
Năm 1862, vì mong có con nối dõi, Vua Tự Đức - vị vua thứ 4 của Triều Nguyễn đã đổi tên chùa thành Linh Mụ, có nghĩa là Bà mụ linh thiêng vì sợ tên Thiên Mụ phạm đến Trời (Thiên có nghĩa là Trời). Tuy nhiên, sau năm 1869, người dân được sử dụng cả hai tên Thiên Mụ và Linh Mụ để gọi ngôi chùa.
Dưới các đời chúa Nguyễn, chùa Thiên Mụ Huế đã trải qua nhiều lần tu sửa lớn, trong đó, nổi bật là cuộc trùng tu mở rộng quy mô dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Ngoài ra, Chúa Nguyễn Phúc Chu còn cho đúc Đại Hồng Minh - một chiếc chuông lớn, nặng trên hai tấn vào năm 1710, trên chuông có khắc một bài minh. Đến năm 1714, Quốc chúa tiếp tục đại trùng tu hàng loạt công trình kiến trúc quy mô như điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh... Chúa cũng đích thân viết bài văn, khắc vào bia đá lớn nói về việc xây dựng các công trình kiến trúc ở chùa.
Với quy mô được mở rộng và cảnh đẹp tự nhiên, ngay từ thời đó, chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong. Trải qua bao biến cố lịch sử, chùa Thiên Mụ đã từng được dùng làm đàn Tế Đất dưới Triều Tây Sơn (khoảng năm 1788), rồi được trùng tu tái thiết nhiều lần dưới triều các vua nhà Nguyễn. Năm 1844, nhân dịp mừng Lễ “bát thọ“ (mừng sinh nhật thứ tám mươi) của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ Vua Gia Long, bà nội của Vua Thiệu Trị), Vua Thiệu Trị kiến trúc lại ngôi chùa một cách quy mô hơn: Xây thêm tháp Từ Nhân (sau đổi là Phước Duyên), đình Hương Nguyện và dựng 2 tấm bia ghi chép thơ văn của Nhà vua. Đình Hương Nguyện phía trước tháp. Trên nóc đình có đặt Pháp luân - bánh xe Phật pháp - biểu tượng của đạo Phật. Nhưng năm 1904, đình đã bị sụp đổ bởi một trần bão lớn. Đến năm 1907, Vua Thành Thái cho xây dựng lại chùa nhưng quy mô không còn lớn như trước. Hiện nay, chùa Thiên Mụ nắm giữ hai kỷ lục Việt Nam là Ngôi chùa có tấm bia thời Lê Trung Hưng lớn nhất và Tháp bát giác cổ cao nhất chùa. Ngoài ra, chùa cũng được xếp hạng vào danh sách 20 thắng cảnh của đất Thần Kinh và là điểm đến không thể thiếu trong các tour du lịch Huế.
Tháp Phước Duyên - Tháp chính trong chùa Thiên Mụ. Ảnh: http://travel.anandi.vn
Từ bốn thế kỷ nay, chùa Thiên Mụ với tiếng chuông sớm chiều ngân nga, vang vọng, những cảnh đẹp tuyệt vời trong bình minh, hoàng hôn hay những đêm trăng thanh, gió mát đã tượng trưng cho vẻ đẹp hiền hòa, thơ mộng của xứ Huế. Tiếng chuông chùa đã đi vào câu ca dao, điệu hò, để lại trong lòng người Huế và bạn bè gần xa thiết tha với Huế.
Chùa Thiên Mụ như một chứng nhân lịch sử diễn ra trên đôi bờ sông Hương. Ngôi chùa vẫn luôn tồn tại trong tâm thức người dân Huế nói riêng và đời sống văn hóa người Việt Nam nói chung. Mặc dù không có nhiều tượng Phật như các chùa khác nhưng nhìn tổng quan, khuôn viên chùa như một cung điện, dinh thự của các bậc vua chúa, quan lại xứ Huế ngày xưa. Vãn cảnh chùa, du khách như đang đi vào không gian của trăm năm, thanh tịnh và thơ mộng. Khách bước qua khỏi cổng chùa đã thấy lòng lắng lại, tĩnh tâm, bỏ lại đằng sau những phiền muộn, lo âu.
Trung Hiếu (tổng hợp)