Đại học Quốc gia Hà Nội: Giải mã lợi thế của chương trình đào tạo bậc cử nhân đầu tiên ở Việt Nam về di sản

Với phương châm liên ngành để phát triển bền vững, Khoa Các khoa học liên ngành (CKHLN) trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã đón đầu xu thế đào tạo của Thế kỷ 21 bằng việc cho ra mắt ngành Quản trị tài nguyên di sản, chương trình đào tạo bậc cử nhân đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam về lĩnh vực này hiện nay.

KHÔNG KÉN CHỌN NGƯỜI HỌC
Không gò bó trong phạm vi 1 khối học nào nhất định, mà việc xét 9 tổ hợp thuộc các khối A, C, D chính là cánh cửa rộng mở cho tất cả các bạn đến với ngành này. Đây là lựa chọn tối ưu cho các bạn trẻ và cả các bậc phụ huynh luôn mang trong mình nỗi lo: học khối này nên thi ngành gì, học trường nào? Đồng thời, ngành quản trị tài nguyên di sản ra đời cũng xóa nhòa ranh giới về tư duy một khối chỉ dành riêng cho nhóm ngành nhất định, như: Khối A dành cho nhóm ngành kinh tế, kinh doanh, khối D dành cho thương mại, ngoại giao… Nay, với sự lựa chọn đầy thuyết phục này, các bạn khối Văn Sử Địa vẫn có thể trở thành những người vận hành công việc ngành di sản với tư duy của một nhà quản trị.  
Ngành Quản trị tài nguyên di sản không đo ni đóng giày cho một tính cách nào của người học như chúng ta vẫn thường hay tư duy. Các bạn năng động đã có những học phần như: Quản trị doanh nghiệp liên quan đến di sản; Tổ chức sự kiện, lễ hội văn hóa; Truyền thông tích hợp cho di sản; Du lịch di sản bền vững; Hướng dẫn du lịch di sản… Những bạn sống nội tâm, hướng đến những điều sâu thẳm đã có những hướng tiếp cận: Bảo tàng; Di sản cộng đồng; Quản trị nguồn nhân lực trong các tổ chức và cơ quan di sản; Bảo tồn & phát huy các giá trị di sản… 

KHÔNG LO THẤT NGHIỆP
    Đây là lợi ích lớn nhất mà người học đạt được khi lựa chọn Quản trị tài nguyên di sản. Các bạn có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp theo các định hướng khác nhau, có khả năng làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến di sản, du lịch, thương hiệu... ở cả khối nhà nước, khối tư nhân và các tổ chức phi chính phủ như: Giảng dạy và nghiên cứu tại các cơ quan nghiên cứu, đào tạo về di sản, văn hóa và du lịch; Làm việc trong hệ thống các cơ quan quản lí di sản, văn hóa, du lịch từ trung ương đến địa phương; Làm công tác bảo tàng tại Bảo tàng các tỉnh và thành phố; Các doanh nghiệp dịch vụ của công nghiệp di sản, du lịch nhà nước và tư nhân; Các cơ quan thông tấn, báo chí và truyền thông, các tổ chức phi chính phủ; Với những kiến thức và kỹ năng của chuẩn đầu ra, các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp hoàn toàn có thể coi di sản là một lĩnh vực khởi nghiệp.
Hơn thế nữa, danh sách các “đối tác vàng” đón nhân lực của ngành Quản trị tài nguyên di sản mà Khoa CKHLN đã ký kết hợp tác là những cái tên có thể bảo chứng cho vị trí tương lai của các bạn: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Nhân học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam… Và sẽ không chỉ dừng lại ở đó, Khoa vẫn từng bước tiếp cận và ngày càng mở rộng các cơ hội việc làm cho các bạn trong quá trình học tập thông qua các hoạt động nghiên cứu, dự án hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước.

KHÔNG HỌC LÝ THUYẾT SUÔNG

Tiêu chí hàng đầu mà Khoa đặt ra là chương trình đào tạo phải mang tính ứng dụng, sinh viên ra trường có cả kiến thức và kỹ năng đáp ứng nhu cầu của xã hội. Khó có ở đâu sinh viên học về di sản lại được tiếp cận với các học phần đầy lý thú như: Nghiệp vụ gây quỹ tài trợ, Kỹ thuật quay phim chụp ảnh, Xây dựng sản phẩm truyền thông. 

Với thời lượng 1 học kỳ dành cho thực tập và các bài tập thực hành đan xen sẽ là cơ hội để sinh viên tiếp cận với nghiệp vụ và ứng xử với di sản tại hiện trường. Quá trình ấy cũng là cơ hội để sinh viên chứng tỏ bản thân với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… tạo tiền đề cho cơ hội việc làm rộng mở sau này. 
Thực vậy, Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên di sản vật thể và phi vật thể vô cùng đa dạng và phong phú. Cả nước hiện có trên 40.000 di tích các loại được kiểm kê. UNESCO đã ghi danh 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên, 13 di sản văn hóa phi vật thể, đó là những tài sản không chỉ của Việt Nam mà còn là của nhân loại. Bên cạnh đó là 179 bảo tàng, lưu giữ gần 4 triệu hiện vật, trong đó có 215 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia, và đặc biệt không thể không kể đến sự đa dạng, phong phú của trên dưới 8.000 lễ hội trải dài trên khắp mảnh đất hình chữ S.
KHÔNG TIẾP CẬN ĐƠN NGÀNH

Với tiếp cận liên ngành, Cử nhân Quản trị tài nguyên di sản là chương trình đào tạo đầu tiên mang tính toàn diện và trực tiếp vào những thách thức thực tiễn của di sản ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh những kiến thức về quản lý, bảo tồn di sản, các bạn còn có tư duy kinh tế, khởi nghiệp để từ đó góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản theo hướng bền vững, cũng như thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo trong sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Chương trình đào tạo không chỉ cung cấp các kiến thức về di sản lịch sử, văn hóa mà cả về di sản, danh thắng thiên nhiên; không chỉ các kiến thức về KHXH&NV mà cả các kiến thức về KHTN, các kiến thức về quản trị, kinh tế, truyền thông, pháp luật.
Đặc biệt hơn, hiện nay sự phát triển của công nghệ thông tin và các giải pháp quảng bá trực quan, sinh động trên nền tảng công nghệ đang góp phần rất lớn vào quản lí, bảo tồn và quảng bá di sản. Có thể kể đến: Lăng Tự Đức được Google số hóa 3D, mô hình 3D phụ dựng diện mạo Điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long, sử dụng công nghệ thực tế áo để khám phá chùa Một Cột, dự án Kỳ quan Việt Nam với Hang Sơn Đoòng và Phong Nha-Kẻ Bàng…
Tất cả sẽ là của các bạn.
KHÔNG NGẠI VƯƠN RA THẾ GIỚI

Chuyên môn về di sản đã là vấn đề được thế giới quan tâm và tổ chức đào tạo từ nhiều năm về trước. Đặc biệt trước xu hướng giáo dục định hướng phát triển bền vững của Thế kỷ 21, di sản lại càng trở thành vấn đề nóng của toàn cầu. Mục tiêu chung của nền giáo dục thế giới là đào tạo các chuyên gia xây dựng giá trị từ những tài nguyên quá khứ. Bởi vậy, Khoa đã xây dựng nền móng cho các bạn trẻ Việt Nam bằng ngành Quản trị tài nguyên di sản. Từ những bước chân vững chãi đầu tiên này, các bạn có cơ hội học lên ngay tại Khoa với chuyên ngành Di sản học cũng như vươn ra thế giới thông qua các dự án quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Thông tin tuyển sinh 2021:
Đại học Quốc gia Hà Nội - Khoa Các khoa học liên ngành (Mã trường: QHK)
Ngành Quản trị tài nguyên di sản (Mã ngành: 7349002)
Xem thông tin về ngành mới của Đại học Quốc gia Hà Nội: http://sis.vnu.edu.vn/quantritainguyendisan/
Facebook: Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội

Top