Công tác tuyên truyền Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ
Trên địa bàn Nghệ An - Hà Tĩnh có vốn dân ca vô cùng quý giá, đó là nơi bảo lưu, chứa đựng mật mã kho tàng Dân ca Hò - Ví - Giặm. Nằm trong dòng chảy của dân ca Việt Nam, dân ca xứ Nghệ được bảo tồn và phát triển từ thế hệ này đến thế hệ khác. Dân ca xứ Nghệ có vị ngọt ngào, duyên dáng riêng làm say đắm lòng người. Dân ca xứ Nghệ thường phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại, hàm súc về ca từ và ý vị trong từng lời thơ. Và cũng chính vì thế mà dân ca xứ Nghệ dễ đi vào cuộc sống, làm rung động trái tim con người. Có thể nói, dân ca xứ Nghệ như sợi chỉ xe duyên đối với những con người bám đất, bám làng và gợi nhớ, gợi thương đối với những người con khi xa quê hương đất Tổ. Mỗi lời hát dân ca như mỗi lời hay ý đẹp, khuyên dạy mọi người về đạo đức, lối sống, về tình bạn, tình yêu, tình thuỷ chung vợ chồng về lao động sản xuất.
Trước sự tác động của giao lưu văn hoá trong xu thế hội nhập, dân ca xứ Nghệ cơ bản vẫn giữ được bản sắc độc đáo, không bị lai tạp. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển xã hội, do chịu sự tác động của nhiều yếu tố lịch sử, xã hội và kinh tế thị trường nên Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ đang đứng trước những thử thách lớn. Ít nhiều bị tách khỏi môi trường diễn xướng để trở thành sinh hoạt văn nghệ có tính chất biểu diễn. Một số làn điệu cổ đang bị lãng quên và mai một dần, số nghệ nhân dân gian cũng ngày một ít đi theo thời gian. Do vậy, dân ca xứ Nghệ đang đứng trước nhu cầu cấp thiết phải làm gì để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá nghệ thuật dân ca truyền thống, bảo vệ bản sắc riêng để không bị dị hóa trước các luồng văn hóa trong cơ chế thị trường. Việc ra đời của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ như một luồng gió mới, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, nghệ nhân hoạt động, cống hiến vì dân ca xứ Nghệ. Trung tâm là nơi nghiên cứu, gìn giữ, bảo tồn, phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ, thể nghiệm sân khấu hoá dân ca, xây dựng tác phẩm nghệ thuật phục vụ nhu cầu, hưởng thụ văn hoá tinh thần của người dân.
Để bảo tồn và phát huy vốn Dân ca Hò - Ví - Giặm xứ Nghệ, bên cạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu thì việc tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Ở đây chúng tôi chia Vấn đề tuyên truyền, quảng bá Dân ca Hò - Ví - Giặm trên các phương tiện thông tin đại chúng ra các nhóm như sau: Tuyên truyền, quảng bá Dân ca Hò - Ví - Giặm trên phương tiện báo chí, trên phương tiện Phát thanh - Truyền hình, và đưa dân ca vào trường học.
1. Trên phương tiện báo chí
Báo chí là một phương tiện truyền thông rộng khắp trong mọi tầng lớp nhân dân. Thế nhưng, lâu nay trên báo chí của địa phương chưa có một chuyên mục cố định nào giới thiệu về dân ca Nghệ Tĩnh, thi thoảng có một đôi bài được viết theo chủ quan người viết mà thôi.
Điều này đã làm cho công tác bảo tồn và phát huy dân ca gặp nhiều khó khăn và hiệu quả chưa cao. Để bảo tồn và phát huy Dân ca Hò - Ví - Giặm xứ Nghệ trong xã hội hiện nay thì vấn đề tuyên truyền, quảng bá trên báo chí là công việc hết sức cần thiết và cấp bách. Cụ thể, cần có bài viết giới thiệu về dân ca, bài phỏng vấn các nhà nghiên cứu đầu ngành, nghệ nhân, nghệ sĩ và phải có bài nghiên cứu chuyên sâu hơn về dân ca cả lời cũ, lời mới. Kết hợp tổ chức các cuộc thi dân ca (sáng tác lời mới cho dân ca), làm cho dân ca xưa có sức sống trong thời hiện đại.
Để những công việc này có hiệu quả cao thì Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ (trước đây là Nhà hát Dân ca Nghệ An) phải kết hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, lên kế hoạch chương trình để các chuyên mục đó được giới thiệu cố định (1tháng/1 số hoặc 2 tháng/1 số) và thường xuyên trên trang báo giúp công chúng theo dõi và tìm hiểu về dân ca được đầy đủ và hiệu quả hơn.
2. Trên phương tiện Phát thanh - Truyền hình
2.1. Trên sóng Phát thanh
Từ 2003 về trước, có mục Sân khấu truyền thanh (17h chiều thứ 7 với thời lượng 30 phút) giới thiệu tổ khúc về sân khấu dân ca nhưng sau này do lực lượng viết dân ca ít đi không đủ kịch bản nên chuyên mục này dừng lại.
Từ trước tới nay trên sóng Phát thanh cũng đã có những chuyên mục cố định: 15 phút dân ca vào sáng thứ 2, 4, 6 và 30 phút dân ca vào 11h và 17h thứ 3 với nội dung: giới thiệu phân tích dân ca, các bài hát dân ca, giới thiệu các nhà nghiên cứu, nghệ nhân ba miền trong đó có dân ca xứ Nghệ.
Chương trình dân ca được giới thiệu trên sóng Phát thanh dù đã cố định nhưng chưa nhiều lắm. Và dù ít hay nhiều người theo dõi thì cũng không được bỏ chương trình. Vì như thế cũng là đáng quý lắm rồi.
Để bảo tồn và phát huy vốn Dân ca Hò - Ví - Giặm xứ Nghệ cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá dân ca trên sóng phát thanh. Bên cạnh việc duy trì cố định thường xuyên các chuyên mục phát sóng lâu nay thì cần mở trại sáng tác lời mới cho dân ca nhằm thúc đẩy quá trình sân khấu hóa dân ca xứ Nghệ.
2.2. Trên Truyền hình
Trong xã hội ngày nay, truyền hình đang là phương tiện trao đổi thông tin vào bậc nhất đối với quần chúng nhân dân.
Từ trước tới nay nhiều chuyên mục về dân ca được giới thiệu trên Truyền hình và đã đạt được những hiệu quả nhất định trong công tác tuyên truyền, quảng bá dân ca đến người dân. Năm 1996, Đài Phát thanh - Truyền hình phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin mở chuyên mục: Dạy hát dân ca trên sóng Phát thanh - Truyền hình hàng tháng. Chương trình giảng dạy rất công phu, phân tích, giới thiệu từng thể loại, minh họa từng bài hát, từng trích đoạn vở diễn. Những người có tên tuổi tham gia giảng dạy như Nhạc sĩ Thanh Lưu, Phan Thành, Nghệ sĩ Danh Cách, NSƯT Đình Bảo, Lệ Thanh và NSƯT Tiến Dũng. Thông qua chuyên mục này nhiều làn điệu mới được phát huy, một số làn điệu khi đưa vào sân khấu hóa dân ca được phát triển hơn. Ví dụ: làn điệu Tứ hoa, hát Khuyên… Từ năm 1999 đến nay, Đài phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Văn hoá - Thông tin tổ chức được hai đợt thi hát dân ca trong trường học. Cuộc thi thành công tốt đẹp, để lại trong lòng khán giả, những người hâm mộ dân ca một tình cảm đẹp, tình yêu đối với Đảng, Bác Hồ, quê hương - đất nước thông qua các làn điệu dân ca các miền vừa mượt mà, vừa sâu lắng. Bên cạnh đó, Đài đã tổ chức được nhiều chương trình giao lưu âm nhạc: Hẹn hò trên dòng sông; Tạp chí Văn hóa Văn nghệ cuối tuần; Đượm tình khúc hát dân ca, nối vòng tay biển; Đượm tình khúc hát Lăm Vông; chương trình Âm nhạc và tuổi trẻ (2003 - 2006: Đài kết hợp với các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh); chương trình thiếu nhi: Quê hương trong em (2000 - 2004: Đài kết hợp Tỉnh Đoàn tổ chức); Tuổi trẻ Nghệ An làm theo lời Bác (2004 - 2005: Đài kết hợp Tỉnh Đoàn tổ chức)… Các chương trình này tuy có đề tài, chủ đề khác nhau nhưng đều giống nhau ở tỉ lệ hát dân ca trong mỗi chương trình - được xem như tiêu chí bắt buộc, đặc biệt chú ý đến dân ca xứ Nghệ .
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố như thời lượng phát sóng chương trình quá dài, có chương trình lại truyền hình trực tiếp, khó khăn về kinh phí,... vì thế một số chương trình phải dừng lại. Mặc dù vậy, thông qua các chương trình này dân ca xứ Nghệ cũng được truyền bá sâu rộng hơn trong mọi tầng lớp nhân dân. Thời gian tới, Đài dự định tổ chức đợt dạy hát dân ca trên Truyền hình lần thứ hai cho thế hệ sau được học và những người Nghệ xa quê theo dõi, thưởng thức, nhớ về cội nguồn, quê hương. Điều quan trọng đặt ra cho các chương trình là phải hướng tới đối tượng tiếp nhận, chương trình phải phù hợp với mọi lứa tuổi từ thế hệ trẻ đến người già và phải quan tâm tới ngày, giờ phát sóng, thời lượng chương trình làm sao để được đông đảo các tầng lớp tham gia thưởng thức. Thường sau bữa cơm trưa, cơm chiều sẽ có nhiều khán giả theo dõi hơn. Điều này nếu có sự đầu tư điều tra của ngành thì công việc chắc chắn sẽ hiệu quả hơn nhiều. Hơn nữa, nếu Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ đặt một chuyên mục riêng về dân ca trên Truyền hình thì chắc rằng sẽ không đủ kinh phí. Vì thế hàng tháng có thể lồng ghép dân ca vào các chuyên mục khác (chuyên mục Gặp gỡ cuối tuần - gồm: giới thiệu tác giả tác phẩm, giới thiệu gương mặt trẻ triển vọng, giới thiệu ca khúc mới). Trung tâm nên kết hợp với Đài trong chuyên mục này để những người làm nghiên cứu dân ca có tiếng nói của mình. Việc làm này vừa hiệu quả mà kinh phí cũng không quá nhiều.
Để tổ chức tốt việc tuyên truyền, quảng bá Dân ca Hò - Ví - Giặm trên Đài Phát thanh - Truyền hình phải có sự hỗ trợ, phối hợp giữa các ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Đài Phát thanh - Truyền hình và các cơ quan thông tấn báo chí. Trên thực tế, Đài truyền hình đã tổ chức được 2 cuộc thi hát dân ca trên truyền hình. Ở lần đầu, có UBND tỉnh đứng ra chủ trì, Đài kết hợp với Sở Văn hóa, Sở Giáo dục - Đào tạo nên hiệu quả cao. Nhưng ở lần 2, UBND tỉnh không còn chủ trì và ít được quan tâm từ cấp trên nên kết quả chưa tốt lắm. Vì vậy để tuyên truyền - quảng bá thành công các chương trình dân ca trên truyền hình, ngoài việc được cung cấp, hỗ trợ kinh phí cần có sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh, và các ban ngành liên quan phối hợp thực hiện (như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục - Đào tạo, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ, Trung tâm Văn hoá tỉnh..).
Để dân ca xứ Nghệ được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thì không chỉ là nhiệm vụ của riêng Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ, của ngành Văn hóa mà là nhiệm vụ chung của cả hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đặc biệt để đẩy mạnh quá trình bảo tồn và phát huy Dân ca Ví, Giặm thì cơ quan thông tấn báo chí, Đài Phát thanh - Truyền hình, ngành Văn hóa, ngành Giáo dục... cùng bắt tay vào cuộc để tuyên truyền, quảng bá dân ca sâu rộng vào mọi tầng lớp nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng, nhân dân Việt Nam và thế giới nói chung và quan trọng hơn là xây dựng một kế hoạch tuyên truyền hàng tháng, hàng quý, hàng năm thật chi tiết và có tính khả thi cao để tuyên truyền cho Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ.
3. Đưa dân ca vào trường học
Ngoài việc chú trọng thành lập câu lạc bộ dân ca, đưa dân ca về với người dân lao động, thì dạy và học hát dân ca là một trong những nhiệm vụ cần thiết. Từ năm 1985, Trường Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An đã khởi xướng biên soạn giáo trình giảng dạy dân ca Nghệ Tĩnh và một số làn điệu dân ca các miền. Dân ca được đưa vào bộ môn Thanh nhạc và trở thành bắt buộc, mỗi học sinh ra trường đều biết hát dân ca. Năm 1996, Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin mở chuyên mục “Dạy hát dân ca” trên sóng Phát thanh - Truyền hình hàng tháng. Khán giả rất hâm mộ chuyên mục này. Năm 1999, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa - Thông tin, Đài Phát thanh - Truyền hình phối hợp ra Văn bản liên tịch số 137/CV - LT về tổ chức phong trào hát dân ca trong trường học. Từ đó, phong trào hát dân ca trong các trường ở các cấp học thật sự phát triển rầm rộ. Các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên,… là những huyện đạt tỉ lệ cao nhất đưa dân ca vào trường học. Khắp các trường dấy lên một phong trào thi đua học và hát dân ca giữa các lớp, các trường với nhau. Một số trích đoạn dân ca đặt lời mới của các em thực sự đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng khán giả tại cuộc thi chung kết “Em yêu khúc hát dân ca” như: “Lê Hồng Phong - Nguyễn Thị Minh Khai”, “Mai Thúc Loan” của Trường THCS Lê Hồng Phong, “Lý trưởng, mẹ Xeo” của Trường Đặng Thai Mai và đặc biệt các vở diễn gắn liền với văn học như “Chí Phèo, Thị Nở”, ‘’Gia đình chị Dậu”... Chương trình Đưa dân ca vào trường học đã tạo cho các em một sân chơi bổ ích, hưng phấn trong học tập, sáng tạo và thêm yêu nghệ thuật ca kịch truyền thống. Từ đó dân ca được nhân rộng trong nhiều cuộc thi khác như: “Học sinh, sinh viên với an toàn giao thông”, “Học sinh với phòng chống tệ nạn xã hội”, “Học sinh với bảo vệ môi trường”…
Tại sao chọn trường học là đối tượng chính để phổ biến dân ca? Như trên đã trình bày, để bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ có nhiều hình thức khác nhau, trong đó việc dạy và học được đặt lên vị trí hàng đầu. Dạy và học hát dân ca ở Trường Văn hoá Nghệ thuật chỉ đóng khung trong một số lượng rất ít hàng năm, sự lan toả năng khiếu vừa chậm, vừa không được nhiều. Dạy hát dân ca trên sóng Phát thanh - Truyền hình cũng rất cần thiết, nhưng vẫn còn hạn chế vì hệ thống bài bản không liên tục, sự tiếp nhận của người xem, người nghe khi được khi không. Tất cả những hình thức trên chủ yếu gợi lại nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ giá trị hát dân ca. Còn lực lượng lớn nhất để vừa làm khán giả, vừa làm người học, vừa làm người phổ biến, nhân rộng phong trào hát dân ca vẫn là các trường học từ phổ thông tiểu học đến phổ thông trung học, kể cả các trường đại học, cao đẳng và trung học dạy nghề.
Để dạy và học hát dân ca xứ Nghệ trong trường học đạt hiệu quả cao, cần phân loại đối tượng học sinh tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông trung học, từ đó xây dựng giáo trình phù hợp với lứa tuổi. Hướng dẫn cho học sinh biết cách vận dụng hơi thở thanh nhạc vào hát dân ca nguyên bản và các làn điệu cải biên. Cần có giáo trình riêng cho loại hát đặc thù.
Giáo viên dân ca cần giới thiệu và dạy bao nhiêu làn điệu gốc, bao nhiêu làn điệu cải biên. Giáo viên thanh nhạc cần cho học sinh luyện thanh mẫu âm cơ bản nào, ca khúc kĩ thuật nào cho phù hợp khi vận dụng kĩ thuật. Song song việc học hát thì giáo viên dạy kĩ thuật biểu diễn: Phần thực hành cần dạy trích đoạn để phối hợp những làn điệu mà học sinh đang học, giáo trình tránh tình trạng: Giáo viên dạy hát chủ yếu truyền khẩu những làn điệu gốc, mỗi người truyền dạy mỗi kiểu, làn điệu khó thì dạy năm đầu, bài dễ thì đưa vào năm cuối… làm cho học sinh rối tung rối mù không biết theo phương pháp nào.
Đội ngũ giáo viên dạy hát cần được tiêu chuẩn hóa. Giáo viên dạy hát nguyên gốc phải giới thiệu được đặc điểm, tính chất làn điệu, hoàn cảnh xuất xứ làn điệu, thủ pháp trong luyến láy, ngân rung, và có kiến thức về âm nhạc. Giáo viên dạy kĩ thuật thanh nhạc phải yêu dân ca, hiểu dân ca và phải biết hát dân ca. Phải tìm tòi nghiên cứu lối hát dân gian truyền thống, đưa kĩ thuật như thế nào cho nhuần nhuyễn, khỏi khô cứng để người nghe vẫn thấy được cái e, cái duyên của dân ca xứ Nghệ. Bên cạnh đó, học sinh phải tuân thủ theo giáo viên giảng dạy, luyện từ dễ đến khó và phải đo được khả năng tiếp thu của mình.
Các nhà trường nên sử dụng giờ hát nhạc hàng tuần để tập hát dân ca, ngoài ra còn tổ chức ngoại khóa, tập luyện ngoài thời gian học chính khóa. Có thể đưa học sinh đi tham quan làng hát Ví, Giặm (ví dụ: hát phường Vải…) mời các nhạc sĩ, nghệ sĩ… về dạy và trao đổi dân ca với các em.
Nên tổ chức thi hát dân ca giữa các lớp, các trường với nhau. Nhiều giáo viên đã sáng tạo dân ca lời mới phù hợp với nhà trường để tuyên truyền việc học tốt dạy tốt. Nhờ thế mà nhiều loại đối ca, hoạt ca, hoạt cảnh và kịch hát dân ca ra đời. Những thể loại này ra đời còn mang tính mộc mạc, sơ khai, chưa có nghệ thuật trau chuốt, nhưng dẫu sao cũng tạo được cái cớ để chuyển tải nội dung và các làn điệu dân ca kịp thời phổ biến trong trường học.
Để làm tốt những công việc trên đây, ngành Văn hóa cần tiếp tục phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo đẩy mạnh phong trào thi tìm hiểu và hát dân ca đi vào chiều sâu bằng cách xuất bản nhiều ấn phẩm, sách tham khảo, băng nhạc, băng hình làm tài liệu dạy và học trong nhà trường. Đồng thời tổ chức các cuộc tập huấn, mở trại sáng tác kịch bản, hội thảo, tọa đàm, tổ chức giao lưu, sinh hoạt câu lạc bộ theo từng chuyên đề đối với giáo viên, học sinh từng lớp, từng khối, từng khoa, từng trường và từng huyện, thành, thị trong tỉnh. Phấn đấu duy trì tổ chức thi tìm hiểu và hát dân ca hàng năm đối với cấp huyện và 2 năm 1 lần đối với tỉnh.
Phong trào đưa dân ca vào trường học tỉnh Nghệ An đã góp phần làm cho văn hóa thấm sâu trong mọi người, nhất là lớp trẻ thanh thiếu nhi, mà dân ca lại có sức cuốn hút lan tỏa giúp mọi người nhớ về truyền thống tốt đẹp của ông cha và càng thiết tha yêu thương đất nước mình hơn. Đồng thời phong trào đó cũng là mảnh đất phù sa cho kịch hát dân ca tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Ví, Giặm là tâm hồn, là con tim yêu thương, là trí tuệ uyên bác chỉ có miền địa linh nhân kiệt mới có; là tinh hoa được chắt chiu từ giai điệu trữ tình của âm nhạc, tinh túy của văn chương, vẻ đẹp của lao động sản xuất và văn hóa ứng xử ấm tình làng quê cộng lại, Ví, Giặm trở nên đặc biệt sâu sắc, quý giá và hiếm hoi vô cùng. Để có một ngày thế giới biết đến Ví, Giặm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An - Hà Tĩnh cần phải có kế hoạch bảo tồn và phát huy hợp lý… Tin rằng, nếu các nhà văn hóa thế giới được giới thiệu cặn kẽ về Ví, Giặm, sẽ không thể không tâm đắc, khi mà Nguyễn Du, Hồ Chí Minh cũng đã từng tâm đắc Ví, Giặm. Đơn giản vì những con người vĩ đại ấy cũng là Danh nhân Văn hóa Thế giới.
ThS Nguyễn Hồng Hà