Cờ Người - Cờ Võ ở Bình Định
Kết hợp giữa võ và cờ
Nếu chưa tận mắt xem một ván Cờ Người, thì khó hình dung sự hấp dẫn vượt trội so với ván cờ tướng thông thường mà quân cờ làm bằng ngà hay gỗ trên một bàn cờ. Hiên một vài địa phương trong nước cũng có bộ môn Cờ Người trong các lễ hội dân gian, nhưng chơi Cờ Người ở Bình Định có những nét độc đáo riêng. Cờ Người ở Bình Định hấp dẫn và sống động vì nó là sự đấu trí, tài thao lược của người cầm quân trong trận đánh thật, quân lính thật với tổng cộng 32 quân cờ, mỗi bên 16 quân. Độc đáo Cờ Người là ở chỗ, mỗi quân cờ do các võ sinh đảm nhận. Hai quân cũng là Tướng, Sỹ, Bồ (Tượng), Xe (Xa), Pháo, Mã, Tốt (Chốt), nhưng các quân cờ này là do các võ sỹ mặc hai màu đỏ và đen (hoặc xanh); trên áo, trên nón ngựa có đính tên quân cờ. Bàn cờ được thiết kế vuông vức ở giữa khoảng đất rộng, có kẽ ô như bàn cờ tướng. Trong mỗi trận cờ luôn có một người bình cờ đứng giữa quan sát; người này giỏi cờ và có năng khiếu diễn giả. Sau mỗi nước đi của các quân cờ, người này lại ngâm một câu thiệu hoặc hát một khúc thơ. Nhưng ở những trận so tài quan trọng, người diễn giả lại chính là người cầm quân tướng chỉ huy của mỗi bên.
Bắt đầu một trận Cờ Người
Vào trận đấu, khi hiệu lệnh đưa ra, quân cờ sẽ xuất tiến, tấn công quân cờ đối phương bằng các thế võ như đứng tấn, múa đao, giáo, mác, côn, roi, hay đi một bài quyền, một thế cước; hoặc giáp la cà dùng binh khí đánh ngã đối phương. Khi quân của một trong hai bên bị sát hạ thì hồi trống cũng vang lên theo nhịp trống sát; còn khi một trong hai kỳ thủ rơi vào thế bí, không chịu xuất quân, hồi trống thúc giục sẽ vang lên liên hồi, nếu kỳ thủ không thể xuất quân sẽ bị xử thua...
Tùy theo quy chế thi đấu của giải đưa ra, nhưng thường mỗi ván đấu Cờ Người thường được kéo dài không quá 2 giờ. Nếu sau 2 giờ vẫn chưa kết thúc, Ban tổ chức sẽ căn cứ số quân, thế cờ để định thắng thua, hoặc cho bốc thăm để phân chia thắng bại. Các đội thi đấu dưới hình thức vòng tròn, thường thì có 4 đội tham gia. |
Đại sứ võ sư Bùi Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Võ thuật Cổ truyền Bình Định, giải thích: :Mỗi nước cờ được gắn liền với thế võ tương ứng khác nhau. Điển hình như khi quân xe sát quân pháo, võ sinh đứng ngay quân cờ đánh phủ đầu từ trên xuống; hoặc quân pháo sát quân mã, võ sinh đứng ngay quân cờ từ dưới đánh lên trên bằng những trận múa võ độc đáo... Chính vì vậy, để thực hiện được điều này đòi hỏi các võ sinh không chỉ am hiểu võ cổ truyền mà còn thành thục từng thế võ; đương nhiên trước đó các võ sinh, võ sĩ phải luyện tập với nhau hàng tháng trời.
Một trận Cờ Người đang diễn ra tại thị xã An Nhơn do Võ đường Lê Xuân Cảnh đảm nhiệm
Sự hấp dẫn của mỗi trận đấu cờ còn phải kể đến vai trò người điều khiển trận đấu. Lão kỳ thủ Minh Trưng (TP Quy Nhơn), người từng giành ngôi vô địch cờ tướng quốc gia, thường được tín nhiệm giao cho trọng trách này. Dù ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng vốn kiến thức cao siêu, sự dí dỏm sẵn có, ông đã làm ván đấu tăng phần kịch tính bằng những lời bình vừa sâu về chuyên môn vừa pha chút hài hước, khiến người xem phải mê mẩn. Ngày nay những kỳ thủ trẻ tuổi cũng nối nghiệp ông Trưng thủ vai người điều khiển các trận đấu Cờ Người một cách xứng đáng.
Trân quý nét đẹp văn hóa
Trước đây, Hội Cờ Người phổ biến khắp các làng quê Bình Định; nhưng phổ biến nhất là làng Phú Đa, thôn Tân Dân, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn. Cờ Người đã từng có thời bị mai một, nhất là khi đất nước còn chiến tranh. Đến đầu những năm 2000, võ sư Lê Xuân Cảnh (ngụ tại phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn) có ý tưởng khôi phục lại trò chơi dân gian độc đáo này. Từ đó, Hội Cờ Người thường diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán ở các địa điểm như: Trung tâm thị xã An Nhơn, Quảng trường Chiến Thắng (TP Quy Nhơn), Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn), Hội Chợ Gò (Tuy Phước)… nhằm phục vụ nhu cầu giải trí của đông đảo bà con nhân dân, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương.
Đánh Cờ Người
Để chuẩn bị phục vụ tốt cho thi đấu Cờ Người, ban đầu võ sư Lê Xuân Cảnh đã tuyển chọn 50 nam, nữ đệ tử trong CLB Võ thuật Nhơn Hưng để tham gia đội Cờ Người. Dù đã có nền tảng võ thuật nhưng võ sư Cảnh và học trò vẫn phải tập luyện ròng rã trong vài tháng trời mới thành bài, thành thế. Các loại quân cờ tùy theo đối thủ mà có những miếng đòn riêng. Cứ như vậy, những bộ pháp di chuyển được đúc kết thành 81 bài rất đặc sắc và phong phú.
Còn đối với người cầm quân trong Hội Cờ Người, là người sử dụng thành thạo Thập đại nguyên lý của binh pháp áp dụng cờ Tướng. Riêng chỉ trong thế cờ nghịch pháo, các kỳ thủ có thể thiên biến vạn hóa ra các thế công thủ linh hoạt, như: Thí xe oanh kích; Song xe truy sát; Nhị pháo sát chiêu; Sĩ tượng tan hoang; Sát chiêu đại pháp; Công sát liên hoàn; Mã nhử quan tham… Cho nên Hội Cờ Người lôi cuốn nhiều giới, hoặc là người xem vừa sành cờ tướng, vừa am hiểu võ thuật, hoặc có người chỉ đơn thuần xem biểu diễn võ, nhưng cũng không ít người mê mẩn trận cờ bởi những đấu pháp của người cầm quân hai bên.
Lão kỳ thủ Minh Trưng đang điều khiển một trận đấu Cờ Người
Võ sư Đinh Văn Tuấn (77 tuổi) - Nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, gốc người Bình Định, hiện sống ở TP Vũng Tàu, đánh giá: “Cờ Người Bình Định có nét độc đáo riêng ở phần hồn cốt, nó mang đậm nét dân dã nhưng khí phách của quân tử. Điểm hay là các võ sư đã huy động được lực lượng võ sinh nhập vai từng quân cờ rất đạt, đánh những động tác võ thuật cổ truyền bám sát đặc điểm chiến đấu riêng của từng quân cờ; khiến người xem có những lúc không phân biệt là mình đang thưởng thức trận đấu võ hay cờ”.
Một thế cờ xe bắt mã
Không chỉ biểu diễn ở địa phương, những ngày Tết, đội Cờ Người còn được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi để phục vụ bà con vui Xuân. “Đi biểu diễn nhiều, đội Cờ Người của Nhơn Hưng ai cũng mệt nhưng vui. Chúng tôi chỉ lấy thù lao tượng trưng chút ít vì mục đích chính là đi biểu diễn giới thiệu, gìn giữ, quảng bá trò chơi văn hóa dân gian độc đáo và phong trào luyện tập võ cổ truyền Bình Định”, võ sư Lê Xuân Cảnh chia sẻ thêm.
Bài và ảnh: Minh Châu