Có một bảo tàng như thế!
Dù đã cố gắng tìm hiểu qua các nguồn tư liệu, nhưng khi đến đây, những điều mắt thấy, tai nghe, vẫn cảm thấy có sự khác biệt khá xa so với sự hình dung trước đó, càng hiểu, càng cảm phục và càng yêu quý hơn chủ nhân của Bảo tàng này; khiến tôi thích thú, đi từ ngạc nhiên này, tới ngạc nhiên khác.
Câu chuyện về Bảo tàng Cội Nguồn Phú Quốc là một câu chuyện khá dài, với những cung bậc thăng trầm khác nhau, mà người “làm nên lịch sử” không ai khác là Huỳnh Phước Huệ, chàng trai sinh năm 1973, hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng và vợ anh, Nguyễn Thị Phương Đài - người đồng hành, người chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, cộng sự đắc lực với anh ngay từ buổi đầu sơ khai.
Bảo tàng Cội Nguồn Phú Quốc được thành lập ngày 23-2-2009, theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang và khánh thành ngày 30-4-2009, trên cơ sở phát triển và nâng cao Phòng Trưng bày nghệ thuật mang tên “Cội Nguồn” ra đời từ 12-2002. Ảnh: internet
Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Dương Đông, chính tại mảnh đất đặt Bảo tàng hiện nay, trong một gia đình có 3 đời cư ngụ tại đây; từ thuở thiếu thời, Huỳnh Phước Huệ luôn luôn đau đáu một điều là dù ở đâu, cương vị gì, cũng phải cố gắng làm được điều gì đó hữu ích để giới thiệu mảnh đất, con người, lịch sử và văn hóa của quê hương mình đến với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà 2 chữ “Cội Nguồn” đã hình thành và được lặp đi, lặp lại ở nhiều hạng mục công trình, có quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau trong một tổng thể thống nhất của cả khu vực rộng gần 60.000m2 này: Bảo tàng Cội Nguồn, Khách sạn Cội Nguồn, Nhà hàng Cội Nguồn…
Trở về “Cội Nguồn” chính là mơ ước và là cái đích mà chủ nhân Bảo tàng hướng tới, cùng với thời gian, giờ đây đã trở thành thương hiệu.
Có tới 90% khách du lịch đến với Phú Quốc đều ghé thăm Bảo tàng Cội nguồn. Ảnh: internet
Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Quản trị kinh doanh, để lại bao điều hứa hẹn tốt đẹp về về công danh, sự nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất Việt Nam, đầu tàu kinh tế, một trong những trung tâm văn hóa, khoa học, giáo dục quan trọng nhất cả nước; Huỳnh Phước Huệ quyết tâm trở về Phú Quốc để thực hiện mơ ước của mình, bắt đầu bằng công việc của một hướng dẫn viên du lịch. Những chuyến đi đi, về về, lên rừng, xuống biển, lăn lộn với thực tiễn và yêu cầu của công việc, khiến cho tình yêu, niềm đam mê, lòng nhiệt huyết vốn có trong anh đối với lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ tuyệt vời của Phú Quốc ngày càng trở nên sâu sắc, giúp anh khám phá ra nhiều điều mới mẻ của hòn đảo này. Qua năm tháng, với bao trăn trở, lao động không mệt mỏi, khắc phục những khó khăn về tài chính, về kinh nghiệm…, sự hiểu biết của anh về vùng đất có gần 3.000 năm lịch sử này ngày càng lớn dần lên, các bộ sưu tập hiện vật về vùng đất và con người Phú Quốc do anh sưu tầm trong nhiều năm, bằng nhiều phương pháp khác nhau, ngày càng đa dạng và phong phú. Nhờ đó, anh đã trở thành một doanh nhân thành đạt từ hoạt động văn hóa, một chuyên gia về lịch sử, văn hóa Phú Quốc, một nhà sưu tập về Phú Quốc có tên tuổi. Bảo tàng hiện lưu giữ hàng ngàn hiện vật độc đáo, quý hiếm, thuộc nhiều loại hình và giai đoạn phát triển khác nhau của Phú Quốc.
Ảnh:internet
Nằm trong diện tích khoảng 60.000m2, nhà Bảo tàng Cội Nguồn cao 5 tầng, rộng gần 1.200 m2, trưng bày từ tầng 1 đến tầng 5, với hơn 5.000 hiện vật trong đó có hơn 50% là cổ vật; đã giới thiệu một cách hệ thống, khái quát về Phú Quốc, từ điều kiện tự nhiên; lịch sử hình thành và phát triển của Phú Quốc, qua các giai đoạn, từ xa xưa đến hiện nay; về sưu tập cổ vật sưu tầm được trên đảo Phú Quốc; mô hình tầu đắm, được ngư dân tìm thấy ở vùng biển phía Đông đảo Phú Quốc vào năm 2006, với rất nhiều hiện vật quý hiếm, có nguồn gốc từ Thái Lan vào khoảng thế kỷ 16 - 17 và cuộc sống đời thường của cư dân trên đảo Phú Quốc.
Bảo tàng Cội Nguồn đúng là một Phú Quốc thu nhỏ, đem lại cho người thăm nhiều điều bổ ích. Từ trên tầng thượng của tòa nhà Bảo tàng, phóng tầm mắt ra xa, có thể bao quát toàn cảnh biển trời bao la, mê ly của Đảo Ngọc, lòng ta càng thêm yêu Tổ quốc.
Thăm Bảo tàng, khách tham quan còn có dịp chiêm ngưỡng những bộ sưu tập về ngành nghề ở địa phương, các bộ sưu tập phong phú, sống động về giống chó xoáy, chim ó biển, đại bàng của vùng biển Phú Quốc… mà chủ nhân Bảo tàng dầy công sưu tầm trong nhiều năm.
Ra về, lòng bâng khuâng, lưu luyến. Nhớ mãi Bảo tàng Cội Nguồn Phú Quốc.
PGS. TS Đỗ Văn Trụ