Chùa Bạch Hào
Chùa được xây dựng vào thời nhà Lý. Năm 1011 nhân dân trong ấp đã dựng một ngôi chùa 3 gian bằng tranh tre lợp lá gồi, lá cọ để thờ Phật cầu khấn cho trời Phật độ bình an. Đến đời Trần ngọc phả còn ghi: “Khi Trần Nhân Tông làm vua thì vợ chồng cụ ông Nguyễn Danh Doãn và cụ bà là Phạm Thị Phương quê ở Hoan Châu- Thanh Hóa sinh hai người con trai là Nguyễn Danh Quang, Nguyễn Danh Nguyên, lớn lên hai ông học giỏi lại khôi ngô tuấn tú, tuổi học trò hai ông kết bạn với Lý Đình Khuê cùng lớp cùng tuổi, họ coi nhau như anh em ruột, cả 3 ông đều học giỏi thi đỗ tuyển vào cung làm Học sĩ chuyên lo việc giáo huấn trong cung. Khi Thoát Hoan đem quân sang xâm lược nước ta, 3 ông theo vua đi đánh giặc ở Phả Lại, Vạn Kiếp. Giặc tan vua hết lời ca ngợi, bia đá còn ghi lời vua nói: “Từ ngày nước nhà xảy ra chiến sự Tam Công ngày đêm miệt mài tu thân luyện chí tìm phương kế cứu nước, cứu dân”. Khi đất nước thanh bình, Vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con và đi tu ở chùa Yên Tử lập ra Thiền Phái Trúc Lâm, ba ông cũng theo vua đi đầu Phật tu luyện, lúc nhàn rỗi ba ông cùng Trần Nhân Tông dành thời gian đi du ngoạn, một chuyến du ngoạn qua Hạ Hào Trang (Thanh Xá, Hào Xá ngày nay), Trần Nhân Tông dừng lại ngắm cảnh, thấy sông nước hữu tình, địa mạch thế hình cảnh quan tuyệt sắc, vua liền hạ lệnh cho dựng lại chùa, làm hoành phi câu đối, lập bệ thờ bằng đá hình tòa sen để thờ Phật và giao cho 3 ông ở lại tu tại chùa, đặt tên gọi là chùa Hào. Dựa thế hình khu đất với dáng hình đại bàng xòe cánh, đầu có một số lông trắng nên tên hiệu là Bạch Hào. Ba ông tu tại chùa dạy cho dân hiểu Kinh Phật và tăng gia sản xuất cấy trồng lúa nước, dạy cho dân trồng dâu nuôi tằm. Khi nông nhàn ba ông dạy dân thi bơi trải, thi nấu cơm, bắt vịt, thi đấu vật... Khi ba ông thác, vua hạ lệnh cho dân làng lập miếu thờ và phong thành hoàng đại vương, và khắc vào đại tự “Tướng Hào tỏa sáng”.
Lễ hội chùa Bạch Hào (Ảnh: TL)
Vào những năm 1540, Tăng phó Trần Như Thừa đã quyên góp tiền của công đức xây dựng lại chùa gồm 60 gian lớn nhỏ theo kiểu nội công ngoại quốc. Do mai một bởi thời gian, thiên nhiên, bão lũ cũng như các cuộc chiến tranh thời Lê, thời Mạc, thời Nguyễn, chùa cũng được tu sửa nhưng kiến trúc cổ không còn được giữ lại bao nhiêu. Đến những năm đầu thế kỉ 19-20 chùa Hào lại phải kinh qua cuộc chiến tranh ác liệt của thực dân Pháp, chùa phải tiêu thổ kháng chiến, bom đạn Pháp bắn thả quanh chùa nên các nét độc đáo, vật cổ giữ lại quá ít. Vào những năm cuối thập kỉ 90, đầu những năm 2000 các Tăng Ni, chư tôn Thiền đức trụ tại chùa, các tín đồ Phật tử và nhân dân đã tôn tạo chùa. Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ tam tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông và 3 vị cư sĩ là Nguyễn Danh Nguyên, Nguyễn Danh Quang và Lý Đình Khuê. Ba ông có công đánh giặc Mông Nguyên thời Trần. Khi thắng trận Vạn Kiếp vua hết lời ca ngợi, khi nước nhà xảy ra chiến sự tam công (Nguyễn Danh Nguyên, Nguyễn Danh Quang, Lý Đình Khuê) cùng ta đánh giặc cứu nước cứu dân.
Lễ hội chùa Bạch Hào (Ảnh: TL)
Ngôi chùa hiện nay bao gồm Tiền đường 5 gian, Hậu cung 2 gian, Nhà tổ 3 gian. Tiền đường, được xây dựng theo kiểu chồng rường đấu sen. Các vì kèo đều có chạm khắc hoa lá, trúc hoá long, kỳ 4 thuât chạm bong kênh. Trong chùa, có nhiều hiện vật quý, trong đó, có hệ thống tượng Phật, bệ đá hoa sen thời Trần. Đặc biệt, có 10 bia đá ghi lại công lao của 3 vị cư sĩ, trong đó, có 3 bia đá thời Lê, 7 bia đá thời Nguyễn, vườn tháp 7 mộ sư, có ao cá, vườn cây ăn quả.
Lễ hội chùa Bạch Hào, xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương được tổ chức ngày mồng 5 - 6 tháng Giêng Âm lịch hằng năm. Đây là lễ hội đầu tiên trong năm và cũng là lễ hội lớn của huyện Thanh Hà với nhiều trò chơi dân gian độc đáo.
Lễ rước trước đây là rước “long đình” của các dòng họ. Ngày nay, lễ hội rút ngắn trong thời gian hai ngày, việc rước “long đình” được thay bằng rước “cỗ” do long đình của nhiều dòng họ bị hỏng, không thể di chuyển. Cỗ là các mâm quả, được bày theo các tích khác nhau, tạo nên các thế vừa uy nghiêm, vừa đẹp mắt. Ngoài 5 cỗ của 5 thôn, người ta còn rước bài vị của 3 vị thành hoàng, cũng là 3 vị tướng đời Trần có công dẹp giặc, mở ấp, dựng làng và dạy dân Thanh Xá nghề tằm tơ thuở trước. Lễ rước từ đình Sụn tới sân chùa. Sau đó là các nghi lễ khác của lễ hội như dâng hương, tế tổ... được thực hiện ngay tại chùa.
Lễ hội chùa Bạch Hào (Ảnh: TL)
Lễ hội chùa Hào thu hút được nhiều khách thập phương đến dự còn bởi phần hội có rất nhiều trò chơi dân gian độc đáo. Trong đó hội bơi thuyền truyền thống mà người dân quen gọi là bơi chải là một nét đẹp văn hoá. Hội đua thuyền được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng Giêng (ngày chính hội) kỷ niệm ngày Vua Trần Nhân Tông trong lần Kinh lý tại Hải Dương đã dừng lại thăm chùa. Ngoài các hoạt động thể thao, vào buổi tối mồng 5 tháng Giêng, Lễ hội chùa Hào còn diễn ra các hoạt động văn nghệ. Những tiết mục “cây nhà lá vườn” do đội văn nghệ các thôn tự biên tự diễn mang đến giao lưu trong đêm hội chung của xã hết ức rôm rả…
Trần Hoàng