Chùa Bà Già

Tọa lạc ở làng Phú Gia, phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội, chùa Bà Già là một công trình kiến trúc Phật giáo, có niên đại hơn 1.000 năm. Được nhiều thế hệ người dân làng Phú Gia xây dựng, giữ gìn và bồi đắp, ngôi chùa đã trở thành một địa chỉ văn hóa – du lịch của Hà Nội ngày nay.

Một số tài liệu nói chùa nằm trong thôn Bà Già nên được gọi là chùa Bà Già. Nhưng cái tên “Bà Già” có nghĩa là gì, huyền tích về “Bà Già” như thế nào thì ít sách báo nói đến, thậm chí việc tìm ra địa danh “thôn Bà Già” đã gặp phải khó khăn trong một thời gian dài.

Cố Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc là một trong những người dày công tìm lai lịch “thôn Bà Già”. Năm 1985, ông Nguyễn Vinh Phúc được đọc “Bản xã thần ký” ghi chép về thần của làng Phú Gia. Nhờ đó mà nghi vấn “thôn Bà Già” đã được làm sáng tỏ.

Cũng theo các bậc cao niên, từ những năm 1980, một cố lão làng Phú Gia là Công Nghĩa Lẫm đã dịch cuốn “Bản xã thần ký”. Nội dung thần tích có nói thuở xa xưa, làng quê này có tên là Bà Già hương (hương Bà Già). Đến thời kỳ nước ta bị nhà Đường đô hộ (thế kỷ VIII), hương Bà Già được đổi là An Dưỡng phường. 

Thế kỷ XIII, Vua Trần huy động dân phường An Dưỡng đến sửa chữa bến Đông Bộ Đầu và đắp thành Đại La để chống quân Nguyên xâm lược, Vua đã cho đổi gọi là An Dưỡng thành Phú Gia. Ở Phú Gia, từ thời Bắc thuộc đã có nhiều miếu thờ thổ thần và đền thờ, có một đền thờ thổ thần từ lâu đời. Đến năm Thiệu Long đời Trần Thánh Tông (1258-1272), Thiền sư Văn Thao đã sửa lại đền, đổi thành chùa An Dưỡng. Sau chùa bị hư hỏng nhiều, đã dời về gò Con Quy. 

(Ảnh: TL)

Vẫn theo thần tích xã Phú Gia, vào thời Hồng Đức (1470-1497) nhà Lê, người Phú Gia có ông Nghĩa Đạt đã đỗ Nhất giáp Tiến sĩ, làm quan Phó đô ngự sử, đã hưng công cho chuyển ngôi đình làng từ chỗ giáp làng Quán La về thân đất, ông gọi là hình nhân bái tướng, còn chùa An Dưỡng (chùa Bà Già) tọa lạc cạnh đình, trên gò Con Quy.

Theo sách “Đại Việt Sử ký Toàn thư”, thôn Bà Già là nơi các vua nhà Trần từng đến ở. Một bộ phận tù binh Chiêm Thành (Champa) được đưa từ phía Nam ra đây đã dựng nên ngôi chùa mà trong sách phiên âm là Đa-da-li. Thái úy Trần Nhật Duật (1254-1330) thường cưỡi voi tới đàm đạo với vị sư trụ trì người Champa. Có thể cái tên Bà Già đã bắt nguồn từ Đa-da-li mà ra.

Ngoài cách lý giải cái tên Bà Già xuất phát từ gốc tích Chăm, còn có một truyền tích thế này: “Mảnh đất này xưa kia có chùa An Dưỡng tọa lạc.

Khi chùa An Dưỡng bị thời gian, mưa nắng hủy hoại, có 2 bà già đã phát tâm bồ đề bỏ tiền riêng ra tu tạo chùa, dựng thêm tượng Phật, đúc chuông đồng, dựng gác chuông. Quả chuông đúc năm 1665 đó hiện còn lưu giữ tại chùa, có khắc chữ “Trùng tạo trú hồng chung”. Để ghi nhớ công đức của hai bà, dân làng có đặt tượng thờ tại chùa, gọi là tượng hậu phật.

Ngày nay, chùa Bà Già và đình Phú Gia nằm ở phố Phú Gia, thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Năm tháng qua đi, làng Phú Gia đã lên phố, giao thông nối với trung tâm thành phố rất thuận tiện nhưng mảnh đất này vẫn cổ kính, thanh bình như chưa hề bị đô thị hóa. 

(Ảnh: TL)

Ngôi chùa toạ trên một khuôn viên không rộng nhưng cây cối xum xuê, không khí trong lành, yên tĩnh. Chùa quay mặt về hướng Nam, phía bên trái cổng là một hồ nhỏ. Trong chùa có tấm bia khắc năm 1638 cho biết chùa từng được trùng tu lớn vào năm Dương Hòa thứ 2 (1636). Như vậy ngôi chùa đã tồn tại ít nhất là từ đầu thế kỷ 16.

Ngoài bức hoành phi, quả chuông và tấm bia, ở chùa làng Phú Gia hiện còn lưu giữ 58 pho tượng tròn, trong đó có 46 pho tượng Chư Phật, La Hán, Đế Thích và Phạm Thiên, được tạo tác công phu theo nghệ thuật Lê – Nguyễn, sơn thiếp lộng lẫy. Đó là những di vật lịch sử quý, giúp cho hậu thế hiểu được lịch sử sâu xa của một làng quê và vẻ đẹp thiền tịnh của chùa Bà Già.

Chùa Bà Già được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa vào năm 1996. Năm Nhâm Thìn 2012 chùa đã được trùng tu, tôn tạo theo phong cách đương thời với mặt bằng xây dựng theo kiểu chữ “Công” như truyền thống. Sau tam quan là một sân rộng, tiếp theo là tiền đường, thiêu hương, thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu và các công trình kiến trúc phụ

(Ảnh: TL)

Ngay phía trước chùa Bà Già là đình Phú Gia. Hàng năm, vào mùng 8 đến 11 tháng Giêng (chính hội là 10-1 Âm lịch), dân làng mở hội tại đây. Theo thần phả, một tướng có công đánh giặc giữ nước thời Hùng Vương thứ 6 là Khai Nguyên từ lâu đã được suy tôn làm Thành hoàng. Ngài còn trị nạn hồng thủy, đem lại bình yên, hạnh phúc cho dân lành, nên được các đời vua sau ban 12 đạo sắc phong với 12 chữ “Cứu nước, cứu dân, âm phù, dương trợ, dân tình yên ổn”.

Với hệ thống giáo lý khuyến thiện trừ ác, chùa là trung tâm sinh hoạt văn hoá tinh thần của một cộng đồng dân cư, một địa chỉ văn hoá khá hấp dẫn về nội dung lịch sử và vẻ đẹp cổ kính thâm nghiêm chùa Bà Già, góp vào nền văn hoá ngàn năm Thăng Long - Hà Nội.

Trần Hoàng

Top