Chỉnh lý nội dung và hình thức trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia là cần thiết và cấp bách
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã nghe ông Nguyễn Quốc Bình và bà Trần Thị Thu Hà, đại diện Bảo tàng Lịch sử quốc gia, báo cáo thực trạng hệ thống trưng bày và những đề xuất định hướng chỉnh lý. Theo đó, Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện có 02 hệ thống trưng bày tại Tràng Tiền và Trần Quang Khải, đang lưu giữ, trưng bày hơn 10.000 hiện vật, tài liệu gốc, trong đó có nhiều sưu tập, hiện vật quý, nhiều bảo vật quốc gia gắn liền với tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Hệ thống trưng bày thường trực phần cận - hiện đại đã tiến hành ba lần chỉnh lý lớn về nội dung và hình thức vào các năm 1966 - 1967 - 1968, 1977 và 1994 - 1995. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm vận hành, khai thác, phục vụ, hệ thống trưng bày Bảo tàng đã xuống cấp, bộc lộ nhiều bất cập. Từ thực trạng này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia xây dựng Kế hoạch chỉnh lý, nâng cấp hệ thống trưng bày (phần cận-hiện đại) tập trung vào 3 vấn đề: Nội dung, kiến trúc và mỹ thuật trưng bày.
Toàn cảnh Tọa đàm
Các nhà quản lý, nhà nghiên cứu đều thống nhất đánh giá thực trạng hệ thống trưng bày Bảo tàng hiện nay còn mang tính manh mún và khẳng định việc đổi mới trưng bày là cần thiết và cấp bách trên cơ sở kế thừa, tiếp thu các yếu tố hợp lý hiện có và tiếp cận cái mới. Tiền thân của Bảo tàng là Trụ sở làm việc Sở Thương chính Đông Dương, có tuổi thọ đã 101 năm nên xuống cấp trầm trọng; vì vậy cần trùng tu, sửa chữa, cải tạo cả nội và ngoại thất, có giải pháp, kịch bản trưng bày cụ thể, hợp lý, tiếp cận hiện đại cả về trang thiết bị, các phương tiện nghe nhìn trong trưng bày sao cho bắt nhịp kịp thời xu thế 4.0 để kết hợp được cả yêu cầu bảo quản, bảo vệ và phát huy giá trị hiện vật; giải quyết sự chồng chéo giữa Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng trước đây, đảm bảo sự thống nhất, xuyên suốt, liên thông; tạo hành trình tham quan cho khách hợp lý, rõ ràng hơn.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm
ThS Triệu Văn Hiển, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm
TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh phát biểu tại Tọa đàm
Ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) phát biểu tại Tọa đàm
TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổng kết Tọa đàm
Kết thúc Tọa đàm, TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia ghi nhận những góp ý của các nhà quản lý, khoa học về giải pháp chỉnh lý nội dung, mỹ thuật và trang thiết bị trưng bày; coi đây là cơ sở để Bảo tàng điều chỉnh, hoàn thiện Kế hoạch, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, phê duyệt dự án cải tạo, chỉnh lý nội dung và hình thức hệ thống trưng bày này.
P.V