Chè Thái nguyên - Nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực Việt Nam

Văn hoá chè (trà) có vai trò nổi bật trong di sản văn hoá Việt Nam, vì trà là đồ uống phổ biến nhất, có thể coi là “quốc thủy”, là chỗ dựa tâm linh của cộng đồng các dân tộc nước ta.

Thú uống nước trà đã có từ lâu trên đất nước ta, cho đến nay nó vẫn là một trong những điểm nổi bật trong văn hóa ẩm thực của dân tộc. Người Việt xưa đã tìm ra cách thưởng trà độc đáo của riêng mình. Đó là phong cách thưởng trà giao hoà với tâm linh. Người Việt bao giờ cũng có phong tục pha trà đặt trên bàn thờ ngày giỗ, ngày Tết hay ngày Rằm, mồng Một để dâng cúng và mời ông bà, tổ tiên về với cháu con...

Chúng ta thấy cách thưởng trà cũng thường mang những phong cách truyền thống, cùng những nghi thức mang đậm nét văn hoá dân tộc mà chỉ khi đối ẩm, thưởng trà, ta mới có dịp thể hiện được những điều đó.

Trà là đồ uống phổ biến nhất, có thể coi là “quốc thủy”, là chỗ dựa tâm linh của cộng đồng các dân tộc nước ta. (Ảnh: TL)

Uống trà như một sở thích, một thói quen, người ta khi gặp nhau, việc đầu tiên là hân hoan pha trà mời khách, rồi mới bắt đầu câu chuyện. Qua việc mời trà, thể hiện sự tinh tế, lòng mến khách của gia chủ và còn là biểu hiện của một tấm lòng mong ước sự hòa hợp, sự kết giao, tri kỉ...

Thưởng trà đã trở thành một nét tao nhã. Phong cách này cũng khá cầu kỳ: từ cách chọn trà ngon, kén nước tinh khiết, ấm chén sạch sẽ, pha trà đúng cách. Chủ khách đều dùng hai tay nâng nhẹ chén trà rồi nhấp môi uống từng ngụm nhỏ, vừa uống vừa thưởng thức hương vị và cái thần của chén trà... Phong cách thưởng trà đã mang đậm phong vị dân gian.

Cánh đồng trà bát ngát trên đất Thái Nguyên (Ảnh: TL)

Thứ trà được người dân mọi miền yêu thích là trà Tân Cương, Thái Nguyên. Trà Tân Cương có hương vị thơm rất riêng, có sức quyến rũ ẩm khách gần xa mà các loại chè khác khó bề sánh kịp, bởi nước trà Thái ngát hương, vị chát dịu, nước trong xanh, để lại dư vị ngọt ngào và thoảng hương mùi cốm mới, khiến cho ai được thưởng thức cũng sẽ còn nhớ mãi. Chẳng thế mà Nhà thơ Dương Thuấn từ nơi xa đến thăm, sau khi nhấp chén trà, cũng đã phải thốt lên trong bài thơ: Trà Thái Nguyên

“Trà Nhật, trà Tầu, trà năm châu bốn bể

Uống bao thứ trà của nghìn muôn sứ sở

Chẳng đâu ngon thơm như trà Thái Nguyên”

Nhờ thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp, nên đâu đâu trên miền đất Thái Nguyên cây chè cũng phát triển tốt tươi. Đã có những vùng chè nổi tiếng như chè La Bằng (Đại Từ), chè Khe Cốc (Phú Lương), chè Trại Cài (Đồng Hỷ) nhưng nổi tiếng hơn cả là trà Tân Cương (T.P Thái Nguyên). Quả thật trà Tân Cương Thái Nguyên đã sánh ngang được với trà Atxam nổi tiếng của Ấn Độ hay trà đặc sản Long Tỉnh của Trung Quốc. Bao nhiêu du khách qua đây đều nói: “Đến Thái Nguyên mà chưa được thưởng thức một chén trà Tân Cương, hay chưa mua được vài lạng chè móc câu sao suốt, mang về làm quà thì chưa có thể gọi là đã đến Thái Nguyên”!...

Bản thân chè Thái Nguyên đã là một sản phẩm văn hóa, bởi đó phải được coi là tác phẩm của những con người nơi đây. (Ảnh: TL)

Bản thân chè Thái Nguyên đã là một sản phẩm văn hóa, bởi đó phải được coi là tác phẩm của những con người nơi đây, thông qua cách tạo tán luống chè, làm cây trẻ lại, nhẹ tay hái búp, vò chè sao suốt, điều tiết ngọn lửa, đến lấy hương pha chế, để sao có được những mẻ trà ngon, đáp ứng được yêu cầu thưởng thức của khách sành trà... Tất cả hình thành “văn hoá chè Thái” để trở nên một nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực Việt Nam.

NGND Trịnh Trúc Lâm

Có thể bạn quan tâm

Top