Cây cầu sắt cổ tuyệt đẹp trên kênh Bến Nghé
Từ cây cầu kiên cố đầu tiên ở Sài Gòn xưa …
Khi người Pháp xâm lược Nam Kỳ, họ đã quy hoạch Sài Gòn thành đô thị trung tâm của Nam Kỳ bởi vị trí thuận lợi của nó bên sông Sài Gòn. Họ đã bắt tay vào xây dựng bến cảng, xây dựng chợ, quy hoạch thành phố và xây dựng các công trình khác.
Công ty vận chuyển hàng hải Messageries Maritimes là một trong số những công ty Pháp sớm có mặt tại Sài Gòn, họ được nhà cầm quyền giao cho việc xây dựng khu thương cảng Sài Gòn. Tòa nhà trụ sở của hãng vận tải biển này tại Sài Gòn được xây dựng ở hữu ngạn sông Sài Gòn, ngay ngã ba với rạch Bến Nghé, chính là tòa nhà Bến Nhà Rồng ngày nay.
Cầu Mống nhìn ra ngã ba sông
Họ cũng chính là đơn vị đã xây cột tín hiệu cho tàu bè ra vào khu vực thương cảng Sài Gòn, chính là Cột cờ Thủ Ngữ ngày nay, đối diện với tòa nhà trụ sở của hãng.
Trước nhu cầu ngày càng cao của việc qua lại giữa hai bên bờ kênh Bến Nghé cũng như sông Sài Gòn, năm 1893 Công ty Messageries Maritimes đã đầu tư và Công ty Levallois Perret tiến hành xây dựng một cây cầu sắt kiên cố đầu tiên bắc qua kênh Bến Nghé cũng ở ngay ngã ba với sông Sài Gòn, cạnh trụ sở của Messageries Maritimes. Tên ban đầu của cây cầu là Messageries Maritimes Company Bridge nhưng người dân bản địa với thói quen gọi tên một cách dễ nhớ dựa theo hình dạng hoặc công năng của vật dụng, đã gọi nó một cách dân dã là Cầu Mống bởi vòm cầu sắt uốn cong cong như cầu vồng.
Cầu Mống nhìn về đường Pasteur, Q.1
Cầu được Công ty Levallois Perret (Eiffel cũ) thi công từ năm 1893 đến năm 1894 thì đưa vào sử dụng. Cầu dài 128 mét, rộng 5,2 mét, lề bộ hành mỗi bên 0,5 mét nối từ Khánh Hội sang Sài Gòn. Kiến trúc cây cầu mang đậm nét phương Tây với vòm cuốn cong cong bằng hệ khung thép tán đinh ri-vê tuyệt đẹp. Để hoàn thành cây cầu, đơn vị thi công đã tốn hàng trăm tấn sắt thép và hàng ngàn chiếc đinh tán. Đương thời, cây cầu dùng chung cho cả người đi bộ và xe cơ giới.
… Đến cây cầu đi bộ ngắm cảnh ngày nay
Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển, thành phố ngày càng mở rộng và số lượng những cây cầu của thành phố không ngừng tăng lên đến hơn 200 chiếc. Ngay trên kênh Bến Nghé - Tàu Hủ, số lượng cầu cũng tăng lên nhanh chóng theo nhu cầu của sự phát triển. Ngay từ đầu thế kỷ XX (năm 1904), người Pháp đã xây thêm cầu Khánh Hội ngay bên cạnh cầu Mống, và sau đó hàng loạt cầu khác cũng được xây dựng thêm.
Cầu Mống nhìn về đường Nguyễn Trường Tộ, Q.4
Đến nay, hầu hết những cây cầu ở Thành phố Hồ Chí Minh đều là những cây cầu bê tông cốt thép kiên cố, bề thế, những cây cầu thép ngày xưa biến mất dần bởi những hư hao sau hàng trăm năm dãi dầu mưa nắng. Sau khi cầu đường sắt Bình Lợi cũ bị dỡ bỏ năm 2020, cầu Mống trở thành cây cầu thép cổ xưa duy nhất còn được lưu giữ (trước đó, cầu Nhị Thiên Đường 1 cũng đã bị phá dỡ năm 2017). Giai đoạn xây dựng hầm đường bộ qua sông Sài Gòn (hầm đường bộ Thủ Thiêm), cầu Mống từng được tháo dỡ toàn bộ vào 2005 và sau khi hầm đường bộ Thủ Thiêm hoàn thành, cầu Mống lại được lắp ráp lại nguyên trạng ở đúng vị trí cũ ban đầu vào năm 2017.
Các bậc cấp để đi bộ lên cầu ở đầu Q.1
Ngày nay, cầu Mống trở thành cây cầu đi bộ, bởi sau khi được lắp ráp lại sau thi công Đại lộ Đông Tây và hầm Thủ Thiêm, người ta đã gia cố lại hệ móng, bỏ các đường dẫn cho xe cơ giới ở hai đầu cầu, xây hệ thống bậc cấp hai bên đầu cầu để đi bộ lên cầu, xây dựng những công viên cây xanh và bồn hoa ở hai bên đầu cầu, sơn lại giàn khung thép của cầu Mống từ màu đen cũ thành màu xanh ngọc tuyệt đẹp. Hiện tại cầu Mống nối Quận 1 với Quận 4 tại giao lộ Pasteur - Võ Văn Kiệt (phía Quận 1) và giao lộ Nguyễn Trường Tộ - Bến Vân Đồn (phía Quận 4).
Khi chiều xuống và phố xá lên đèn, cây cầu xanh ngọc tuyệt đẹp soi bóng xuống dòng kênh xanh trong vắt trở thành điểm hẹn của đông đảo người dân thành phố, đặc biệt là giới trẻ bởi vẻ đẹp và cảnh quan thơ mộng của nơi này. Thậm chí một số cặp đôi đã treo những ổ khóa lên thành cầu để biểu lộ tình yêu bền vững - theo trào lưu ở một số nước phương Tây.
130 năm đã qua, Sài Gòn đã vươn mình phát triển, trở thành thành phố lớn nhất cả nước với rất nhiều công trình hiện đại xứng tầm quốc tế, nhưng cây cầu thép xinh đẹp và cổ xưa ở khu vực trung tâm thành phố vẫn ngày đêm soi bóng dòng kênh Bến Nghé, tô điểm cho thành phố mang tên Bác. Cầu Mống được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa của Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 11-2015.
Bài và ảnh: Ngô Hòa Nam