Cách biểu đạt tuổi tác của người Trung Quốc thời xưa

Cách biểu đạt tuổi tác của người Trung Quốc thời xưa thật phong phú đa dạng và không kém phần phức tạp, khi đọc sách cổ ta cần tìm hiểu kỹ về điển cố cũng như văn hóa và tập quán sử dụng để hiểu và dịch cho chính xác. Xin nêu một số trường hợp.

Trong sách Luận ngữ Khổng Tử có một câu nói về mình như sau: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí Vu học; tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc; ngũ thập nhi tri thiên mệnh; lục thập nhi nhĩ thuận; thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ (Ta 15 tuổi dốc sức vào sự học; 30 tuổi thì vững vàng; 40 tuổi thì không còn mê hoặc; 50 tuổi thì biết được mệnh trời; 60 tuổi thì tai thuận; đến 70 tuổi thì dẫu theo lòng ta muốn cũng chẳng có điều gì trái khuôn phép
(吾十有五而志于學,三十而立, 四十而不惑,五十而知天命,六十而耳順,七十而從心所欲,不踰矩). Người đời sau đã vận dụng câu nói trên của Khổng Tử bằng cách rút gọn để chỉ tuổi tác:

Chí học(志學) chỉ tuổi 15, nhi lập (而立) hoặc nhi lập chi niên chỉ tuổi 30, bất hoặc (不惑) hoặc bất hoặc chi niên chỉ tuổi 40, tri thiên mệnh (知天命) tri mệnh chi niên chỉ tuổi 50….. Người ta còn dùng chữ ngải (艾) để chỉ tuổi 50 (ngũ thập viết ngải - Lễ Ký, Khúc lễ thượng), 60 tuổi được gọi là hoa giáp (花甲)hoa giáp chi niên, hoặc kỳ (耆). Kỳ và ngải thường đi liền nhau để chỉ chung người già (ngày xưa 50-60 tuổi đã coi là già). Sách Tuân Tử có câu “Kỳ ngải nhi tín khả dĩ vi sư” (耆艾而信,可以為師)Người ở tuổi 50-60 thường giữ được chữ tín và được coi là bậc thầy.

Người ta dựa vào câu thơ của Đỗ Phủ trong bài Khúc giang II “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” (人生七十古來稀) để gọi tuổi 70 là cổ hy chi niên (cổ lai hy). Ở Việt Nam từ này cũng được thông dụng, nhất là sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa câu thơ trên vào bản Di chúc của Người.

Khi đã bước sang tuổi 80, 90 thì dùng chữ mạo (耄): “Bát thập, cửu thập viết mạo” (Lễ ký). Ngoài ra còn có những kết hợp như mạo kỳ (耄耆): lão mạo (老耄)để diễn đạt tuổi già cao: “Vị lão mạo đã da mồi tóc bạc, việc nâng khăn sửa túi biết nhờ ai” (Văn tế - Nguyễn Bá Xuyến). Kỳ di (耆頤) dùng cho người hưởng thọ 100 tuổi.

(Ảnh: TL)

Cách nói chẵn chục cộng thêm chữ hữu (有) để chỉ số lẻ cũng thường gặp trong văn cổ :

- Ngô thập hữu ngũ (ta 15 tuổi - Luận ngữ).

- Thần Mật kim niên tứ thập hữu tứ, tổ mẫu kim niên cửu thập hữu lục (Trần tình biểu - Lý Mật. Mật tôi năm nay 44 tuổi , bà tôi 96 tuổi).

- Khuyển mã chi xỉ thất thập hữu lục (Tuổi của bày tôi là 76 - Tả truyện).

- Nhân sinh thất thập cổ lai thiểu, nhi ông tắc thất thập hữu nhất hỉ (Người ta sống ở trên đời thọ bảy mươi xưa nay hiếm, nhưng ông đã thọ bảy mươi mốt tuổi (Văn tế - Nguyễn Bá Xuyến)

Có khi còn dùng số nhân để chỉ tuổi.

Hồng trang nhị bát (2x8) niên (cô gái 16 tuổi)

Trong bài Long thành cầm giả ca Nguyễn Du cũng dùng cách nói này đối với người nữ nhạc công đất Long thành:

Dư ức thiếu niên tằng nhất kiến

Giám hồ hồ biên dạ khai yến

Kỳ thời tam thất (3x7) chính phương niên

(Hồi trẻ ta đã từng gặp cô một lần ở bên hồ Giám trong một cuộc dạ yến, hồi ấy cô còn trẻ, tuổi chừng 21). Trong câu trên Nguyễn Du còn dùng từ phương niên để chỉ người trẻ tuổi. Ngoài ra còn có những từ như diệu niên (妙年), diệu linh (妙齡) để chỉ tuổi thanh niên tuyệt diệu hoặc từ thịnh niên (盛年), để chỉ thời kỳ sung mãn đầy sức lực và nhiệt huyết: “Thịnh niên bất tái lai, nhất nhật nan tái thần” (Đào Uyên Minh) có nghĩa là Những năm tháng sung mãn trẻ trung không bao giờ trở lại cũng như một ngày không thể có hai buổi bình minh.

Cách dùng số nhân để chỉ tuổi cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng làm tiêu đề cho bài thơ Thất cửu (7 x 9 = 63) của mình (Sáu mươi ba tuổi): Ngã kim thất cửu chính khang cường (Sáu ba, mình nghĩ vẫn là đương trai - Xuân Thủy dịch).

(Ảnh: TL)

Cách chỉ tuổi tác cũng còn dựa vào một số tập tục lễ nghi của người xưa.

Chẳng hạn dùng từ tổng giác (總角) (tóc để chỏm) để chỉ trẻ em khoảng 10 tuổi. Đào Tiềm có câu thơ “Tổng giác văn đạo, bạch thủ vô thành” (Hồi nhỏ nghe giảng đạo đến già cũng chẳng thành).

Chữ kết phát (結髮) nghĩa là kết tóc, búi tóc để chỉ con gái đến tuổi búi tóc, cài trâm, ý nói đã đến tuổi trưởng thành có thể xây dựng gia đình, ngày xưa thường quy định ở tuổi 15, bởi vậy nên mới có cụm từ kết phát phu thê để chỉ trai gái đến tuổi thành hôn “Kết tóc xe tơ”. Trong bài Tân hôn biệt của Đỗ Phủ có câu Kết phát vi quân thê (vấn tóc về làm vợ chàng) là với ý nghĩa đó. Còn có một từ để chỉ con gái 15 tuổi là cập kê (及笄) kê là cái trâm cài đầu. Sau khi búi tóc cài trâm chính là lúc cô thiếu nữ đợi ngày xuất giá. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu: “Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê”. Con trai thời xưa đến 20 tuổi thì bắt đầu đội mũ. Đó là một nghi lễ báo hiệu đã đến tuổi trưởng thành, nên người xưa dùng từ quán tuế (冠歲)để chỉ con trai 20 tuổi (quán là cái mũ, còn đọc là quan). Có khi gọi là “nhược quán chi niên”(弱冠之年) để chỉ chàng trai mới chớm tuổi 20 khi thân thể còn chưa hoàn toàn phát dục.

Trên đây là một số từ thường dùng để xác định tuổi tác trong các tác phẩm xưa viết bằng chữ Hán ta cần lưu ý để tránh sự nhầm lẫn khi đọc và dịch như đã có những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Thế Anh

Top