Các đền thờ Thánh Mẫu Bạch Ngọc, Huy Chân và Trang Từ ở Đức Thọ, Hà Tĩnh

Thánh mẫu Bạch Ngọc tên thật là Trần Thị Ngọc Hào, con gái ông Trần Công Thiệu, quê ở làng Tri Bản, huyện Hương Khê. Bà là một nhân vật lịch sử có thực sống vào giai đoạn cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, là người tài sắc vẹn toàn nên được tuyển vào cung vua Trần Duệ Tông (1373-1377), đồng thời là nhạc mẫu của Vua Lê Lợi, thường được gọi với những tên là Hoàng hậu Bạch Ngọc, Hoàng Thái hậu Trần Thị Ngọc Hào, Thánh mẫu Bạch Ngọc, Bà Hoàng đi tu…

Bà cung Vua Trần sinh được một cô con gái tên là Trần Thị Ngọc Hiên, hiệu Công chúa Huy Chân. Khi quân Minh kéo sang dày xéo nước ta, Vua tử trận tại thành Đồ Bàn. Gặp buổi loạn ly, Bà cùng con gái trốn về quê cha đất tổ sinh sống. Thời gian ở ẩn, Bà nén đau thương, lo lắng khai dân, lập ấp. Bà được hai viên tướng thân tín của Nhà Trần là Trần Quốc Trung và Nguyễn Thời Kính ra tay giúp đỡ. Nghe tin Lê Lợi khởi nghĩa, hai tướng này đều xin gia nhập nghĩa quân. Lê Lợi gặp hai mẹ con bà Bạch Ngọc, thấy Huy Chân xinh đẹp, lại thuỳ mị, Vua bèn lựa làm Cung phi. Từ đó, uy tín của Lê Lợi càng cao, ông thu nạp được thêm nhiều con cháu, bề tôi nhà Trần vào tụ nghĩa. Công chúa Huy Chân, sau khi lấy Lê Lợi, sinh được một con gái, đặt tên là Ngọc Châu, tức Trang Từ Công chúa. Về sau, Trang Từ kết duyên với Minh Quận công Bùi Ban, con ông Bùi Bị. Lấy nhau chưa có con, Bùi Ban bị thương rồi mất tại làng Thổ Hoàng, huyện Hương Khê. Hết tang chồng, Trang Từ lại tái giá cùng Khôi Quận công Trần Hồng, người làng Đồng Lạc, phủ Đức Thọ. Năm 1428, đuổi xong giặc Minh ra khỏi bờ cõi, Vua Lê Thái Tổ lên ngôi chí tôn. Để lánh xa trần tục, bà Trần thị xin lập chùa Diên Quang tự (chùa Am) để sớm hôm vui cùng kinh kệ, trong cảnh gió núi trăng ngàn. Huy Chân cũng về tu cùng mẹ tại chùa này. Năm năm sau, Công chúa Trang Từ bỏ Trần Hồng, cùng về tu tại chùa Am cùng mẹ và bà.

Căn cứ vào “Nham cảo” còn lưu giữ được tại chùa Am và đền Liên Minh, tư liệu trong sách Le Viex An -Tinh (An Tĩnh cổ lục) của học giả H.Le Breton người Pháp và các tài liệu liên quan, chúng ta có thể khẳng định, Hoàng Thái hậu Trần Thị Ngọc Hào đã có cống hiến đáng kể đối với Vương triều Lê. Đặc biệt, Bà cùng với con gái và cháu ngoại đã tích cực ủng hộ quân lương cùng nhiều của cải vật chất, góp phần vào thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống giặc xâm lược Minh do Lê Lợi lãnh đạo ở thế kỷ XV; cùng nhân dân khai khẩn rất nhiều ruộng đất tại những vùng núi hoang vu tạo nên nhiều xóm làng trù phú tại các huyện Hương Khê, Hương Sơn, huyện Đức Thọ, huyện Can Lộc. Họ là những người phụ nữ đoan trang, tài sắc, mang ý chí quật cường chống ngoại xâm, giữ yên sự hưng thịnh thái bình cho muôn dân trăm họ; hơn hai mươi năm trời, tiếp nối việc thiện, tu nhân tích đức, được nhân dân tôn thờ là các vị Thánh mẫu, ngày đêm hương khói phụng thờ. Sau đây là một số chùa, đền thờ các Thánh mẫu: Bạch Ngọc, Huy Chân và Trang Từ tại huyện Đức Thọ.

Chùa Am, được Hoàng hậu Bạch Ngọc dựng vào niên hiệu Thuận Thiên (1428-1433). Ảnh: internet

* Chùa Diên Quang Tự: Chùa này còn được gọi là chùa Am, được Hoàng hậu Bạch Ngọc dựng vào niên hiệu Thuận Thiên (1428-1433), trên sườn núi An Sơn ở xã Phụng Công, nay là xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ. Chùa hình chữ Công gồm 9 gian nhà lớn nhỏ, 8 mái bằng gỗ mít lợp ngói, tường gạch; mặt trước chạm Lượng, Long chầu nguyệt; Đến đời Duy Tân thứ 3 (1908) cho trùng tu lại. Mặt trước, phía tả có câu chữ Hán: Hà Sa công đức giang trường” và phía hữu có câu: “Quảng đại cung trường am lĩnh bạt”. Dưới sân có hồ sen và “Bái phật tăng” (hình người ngồi lạy). Hai bên chùa phía trước có 2 ngôi mộ của 2 vị sư tự thiêu sống sau một đời tu hành đắc đạo. Trong thượng điện nguy nga lộng lẫy, bên trái thờ Hoàng hậu Bạch Ngọc bằng tượng đồng đen phủ vàng; ở giữa thờ Tam thế Phật, Tam tô a di đà, Phật Thích ca, Phật Bà quan âm..; bên phải thờ các vị tăng ni. Chùa Am được công nhận Di tích LSVH cấp quốc gia 1995.

* Đền Ngũ Long: Đền Ngũ Long còn được gọi là đền Thánh Mẫu. Đền thờ Hoàng Thái hậu Bạch Ngọc, Hoàng hậu Huy Chân và Công chúa Trang Từ. Đền được dựng trên núi Phúc Sơn, làng Hòa Yên, tổng Đồng Công, nay là thôn Quyết Thắng, xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ. Sau đền có “xứ Mộ vua”, tương truyền là nơi đặt mộ Huy Chân, Trang Từ. Đền chưa rõ được xây dựng vào lúc nào, theo “nham cảo” thì đền đầu tiên bị giặc đốt cháy từ đời Lê. Sau đó, đền được trùng tu lại và đến đời Đồng Khánh (1885) lại bị giặc thiêu hủy. Sách: “An Tĩnh cổ lục”còn lưu hình ảnh về Đền Ngũ Long và nói rõ: Năm 1928, GS. H.Le Breton đưa học sinh Trường Quốc học Vinh lên đây tham quan, đã tìm thấy một vài mẫu chạm trổ, kiến trúc của đền xưa, ông đánh giá hẳn trước đây là một ngôi đền đẹp. Đền bây giờ đã trở thành phế tích.

Gần đây, ông Lê Doãn Thăng, đại diện Quỹ công đức Lê - Phạm cùng nhiều người dòng họ Trần, họ Lê,… đã về khảo sát để tôn tạo nhưng còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tư liệu, huy động kinh phí và sự đồng thuận của chính quyền địa phương nên chưa thực hiện được.

Đại lễ Phật Đản - hoạt động được tổ chức hàng năm ở Chùa Am - Diên Quang Tự. Ảnh: internet

* Đền Phượng Hoàng: Đền còn gọi là Điện Phượng Hoàng, được Lê Lợi xây dựng cho hai mẹ con Hoàng hậu Bạch Ngọc ở, sau khi ông lấy Công chúa Huy Chân làm Cung phi. Đền được xây dựng trên ngọn núi Phượng Hoàng thuộc làng Kính Kỵ, nay thuộc xóm 1, xã Đức Long. Đền hướng ra phía trước, dưới chân núi là Hồ Phượng Thành và cách Chùa Am khoảng 200m về hướng Nam. Trước đây còn có hai cột nanh đồ sộ, chạm trổ tinh xảo; nền móng đền được xây bằng vật liệu đá ong và đá núi, sau này bị phá hủy. Hiện còn dấu vết nền móng bằng đất và đá núi ghép thành từng bậc trên một khuôn viên rộng bằng phằng theo sườn đồi hướng về phía Tây Nam. Nay trên mặt bằng tòa điện xưa, nhân dân địa phương trồng màu và cây lấy gỗ.

* Đền Cả Mỹ Xuyên: Đền này còn gọi là đền Cả hay đền Thánh mẫu Mỹ Xuyên. Đền được xây dựng tại làng Mỹ Xuyên, thuộc xã Đức Lập, dưới chân núi Dẻ. Đền thờ Hoàng hậu Bạch Ngọc và vợ chồng Trần Quốc Trung - Phạm Thị Nương, là hai cận thần trung tín của bà Bạch Ngọc. Trước đây, đền Cả có quy mô to lớn, bao gồm cổng cột nanh, tắc môn, nhà hạ điện, trung điện và thượng điện, phía trước đền là một dãy hành cung có cột cờ, sân bãi nguy nga tráng lệ. Hàng năm, ngày giỗ bà Bạch Ngọc (22-6 Âm lịch), nhân dân đưa hương án, long ngai, bài vị của Bà để thắp hương tế lễ trên nền đất cũ, là ngôi nhà chính thượng điện đền Cả. Trong đền có kiệu rồng, hương án cùng nhiều đồ tự khí khác sơn son thiếp vàng. Bức hoành phi ghi bốn đại tự “Thánh cung vạn tuế” và nhiều câu đối có giá trị.

* Đền Tứ Phi: Đền trước đây có tên “Ngũ long điện”. Đền được xây dựng ở Thượng thôn, xã Thịnh Quả, nay là làng Diên Phúc, xã Đức Châu, huyện Đức Thọ. Đền thờ 4 vị nữ thần thời Lê (Hoàng hậu Bạch Ngọc và Công chúa Huy Chân; hai cung phi của Vua Lê Thánh Tông là Trần Thị Ngọc Dương và Phùng Thị Thục Giang (cháu gái Trần Duy). Trước đây, đền cao lớn, uy nghiêm, có nhiều di vật cổ như: kiệu rồng, hương án, hoành phi, câu đối cùng nhiều đồ tự khí khác. Phía trước đền có cột nanh, cổng tam quan đồ sộ, có hồ bán nguyệt đẹp. Là một trong những ngôi đền cổ kính và linh thiêng nhất của tổng Thịnh Quả trước 1945. Sau này đền bị phá chỉ còn lại hai cột nanh và một phần tam quan. Hiện nay, đền đã được phục hồi tôn tạo và đã được xếp hạng Di tích quốc gia với tên gọi là đền thờ Trần Duy.

* Đền Cả xã Liên Minh: Đền thờ Bạch Ngọc Hoàng Thái hậu, nhân dân địa phương thường gọi là Đền thờ Thánh mẫu. Đền được dựng trước năm 1945 tại thôn Yên Mỹ, nay là thôn Đại Minh, xã Liên Minh, huyện Đức Thọ. Hiện nay, toàn bộ mặt bằng ngôi đền và đền Văn Thánh đã là đất canh tác của nhân dân địa phương. Đền Liên Minh đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ngoài các chùa đền trên, ở tổng Công Đồng ngày trước còn có nhiều am miếu thờ ba vị Thánh mẫu nhà Trần. Hiện nay, hầu hết các di tích đều nằm trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Việc phục dựng, tôn tạo các nơi thờ tự để ghi nhận công lao của các bậc tiền bối có công với quê hương, đất nước, một đạo lý tốt đẹp của các bậc hậu thế cần được phát huy.

Phan Thư Hiền

Top