Bút tích của thân phụ Đại Thi hào Nguyễn Du tại Đền thờ Quận công Phạm Huy Đĩnh
Bia “Tiên Hưng phủ Thần Khê huyện các xã từ vũ bi ký” có kích thước cao 2m, thân bia cao 1,1m, chu vi 2,25m, kiểu dáng trụ tròn, được làm trên chất liệu đá thanh, khắc chữ quanh thân bia. Nội dung văn bia do Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm (thân phụ Đại Thi hào Nguyễn Du) soạn vào năm Cảnh Hưng thứ 33 (1772).
Nội dung văn bia Tiên Hưng phủ Thần Khê huyện các xã từ vũ bi ký (do Phạm Minh Đức - Viện Hán Nôm phiên âm và dịch nghĩa )
Phiên âm:
Tiên Hưng phủ Thần Khê huyện các xã từ vũ bi ký. Ký viết: Thái thượng quý đức, kỳ thứ vụ thí báo. Cổ chi hiền thú sở chí hữu lập từ vũ giả đương quan huệ chính chi báo dã. Chí ư tình kiêm lý hãn huệ thiếp hương lư, bất duy tư thế tư nhân chiêm kỳ hậu ốc, tức sổ thập bách thế chi hậu, thả tương mộc kỳ dư ba, tắc phù hiền kỳ hiền nhi thân kỳ thân, lạc kỳ lạc nhi lợi kỳ lợi. Kỳ vi báo dã, hựu ninh trực tạm thời huệ chính chi bễ tai. Quyến tư Đương triều Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Suy trung Tuyên lực Tráng liệt công thần, Phụng sai Dao lĩnh Thái Nguyên xứ Trấn thủ kiêm Đề lĩnh tứ thành quân vụ sự Trung thắng Tiền dực đẳng doanh Cơ trưởng Doanh quan, Thiêm quản Thị hầu thị trù Nội thủy Trung hầu Tả trạch Ưu tiền đẳng đội thuyền, Nội sai Ngũ phủ phủ liêu Tri thị nội Thư tả Hộ phiên Tư lễ giám Trung quân Đô đốc phủ Tả đô đốc, Thái Tể Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh dĩ tiềm để tòng long chi cựu, vi phúc tâm trướng ác chi thần. Nội lĩnh tứ thành, ngoại kiêm trọng trấn. Phát trích nhĩ tiêu tường chi biến, cầm phòng thanh Lăng mãng chi trần, cố dĩ giản Thần trung ưng thiên sủng khung giai thượng tước, bất thứ siêu thiên nhất thời huân vọng, tại nhân nhĩ mục hữu bất khả đạn thuật giả, nhi kỳ thiên tính khải đễ phiếm ái thân nhân, trạch đàm ư nhất ấp nhi ba cập ư tứ bàng. Dĩ cố quần cư huyện nội vô lự vạn dư khẩu nhi thùy thiều đới bạch giai ái mộ hân hân yên. Nhĩ thời bản huyện các xã tương dữ mưu viết: “Hạ lý hưởng kinh phong hội vật lực song truất, lại hữu Thái tể tiên công phong tặng Đặc Tiến phụ quốc Thượng tướng quân Nam quân Đô đốc phủ Tả đô đốc Cao đình hầu đề khiếu áo muội, dĩ hữu kim nhật kịp công khắc thừa tiên chí, an chi hoài chi, hưng tiện trừ hại tế cấp giải phân, hạp cảnh quân thụ kỳ tứ, kiêm chi uy vọng tố phu, hào giảo niên tập. Phần du bách lý, hi nhiên xuân đài. Ngô nhân ái chi như phụ mẫu, vọng chi như tuế tinh. Thác kiều mộc chi ấm nhi hoài thốn thảo chi tâm, đồ hữu dĩ báo công nhi vị năng dã. Dữ kỳ Vệ Phong chi Quỳnh Giao, hạt nhược vi an thành chi hương hỏa”. Dữ mưu kỳ hiệp, viên bốc kinh doanh quyết cư lý hữu sảng khải giả. Trung trĩ nhất tinh, tiền trừ bán nguyệt, sầm uất hứa cửu linh huy ẩn nhiên […]. Tức kỳ địa quy nhi từ chi, vi thất tam gian, đường ngũ gian, ngoại vi nghi môn, hoàn dĩ liêu tường thức quách nhất tân, thứ công phi tác. Công cức văn kỳ sự bất dục phiền dân, tức huệ dĩ cổ tiền nhị thiên dư quan vi đan hoạch chi phí, phì điền nhị thập dư mẫu vi tần tảo chi nhu. Từ vũ ký thành định vi điều ước, đệ niên vi bái thọ tức thử vi tụng đảo chi trường, bách tuế nhi ngưng thần tức thử vi hưởng tự chi sở. Đồng ước chi hậu dịch thế bất vong, dục đắc sổ ngôn dĩ truyền bất hủ. Tựu [.....] dư nhã tri phù công tri vi nhân thả gia cai huyện chi tri đức dã. Tắc ngữ chi viết:
Cổ chi di ái giả Thiệu công chi đường, Khấu công chi trúc. Tổng chi truy tư kĩ mộ vị thân thân kiến. Nhược phù ấp thai quang, chiêm chi vũ đột nhiên miếu mạo. Nhân nhi thần chi tắc kỳ cập nhân chi công đức cự khả trắc lượng tai. Duy công chi công tại xã tắc đức tại hương lư, thị nghi hữu thử vô cùng chi báo. Kim nhật nhi cai huyện kính phụng chi thành, tắc vi báo đức, dị thời nhi triều đình bao sùng chi điển tắc vi báo công, bất diệc du cửu nhi du vi dã da. Kim nhi hậu lăng cốc tức khả thiên nhi thai công tại nhân chi đức tắc bất thiên; mộc thạch khả hoại nhi cai huyện sùng đức chi nghi tắc vật hoại. Hiếu nhân hiếu nghĩa bách thế lưu phương, cai huyện kỳ miễn chiên. Quy dĩ thử ngôn lặc chư thạch vĩnh thùy lai kính.
(Ảnh: TL)
Dịch nghĩa:
Bia ghi về đền thờ của các xã thuộc huyện Thần Khê , phủ Tiên Hưng
Bài kí viết rằng: Cái cao quý nhất là đức, thứ đến là việc cho ơn và đền báo. Các quan hiền tài ngày xưa được lập đền thờ là để báo đáp những chính sách tốt của các vị lúc đương triều vậy. Còn như việc tình cảm thấm đượm trong ngoài, ơn sâu khắp cả thôn xóm, không chỉ người nay, đời nay được hưởng ân huệ đó mà đến trăm nghìn đời sau vẫn còn không hết, vua chúa noi theo hiền đức của các ngài, bắt chước cách đối xử thân thiết của các ngài, người dân thường hưởng cảnh an lạc, hưởng những lợi ích mà các ngài đã để lại cho, đó cũng là để báo đáp có thể đem ví với những chính sách tốt vậy. Xét thấy có Thái tể Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh vốn là Đương triều Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Suy trung Tuyên lực Tráng liệt công thần, Phụng sai Dao lĩnh Thái Nguyên xứ trấn thủ kiêm Đề lĩnh tứ thành quân vụ sự Trung Thắng Tiền Dực đẳng doanh Cơ trưởng Doanh quan, Thiêm quản Thị hầu thị trù Nội thuỷ Trung hầu Tử trạch Ưu tiền đẳng đội thuyền, Nội sai Ngũ phủ phủ liêu Tri thị nội thư tả, Hộ phiên Tư lễ giám Trung quân Đô đốc phủ Tả đô đốc, quen biết chúa từ khi còn ở ngôi thế tử được làm bề tôi tâm phúc ở nơi màn trướng. Bên trong trông coi cung điện, bên ngoài trấn thủ những nơi trọng yếu. Phát giác sự nổi loại trong cung, đề phòng và quét sạch những bọn phản loạn như Vương Mãng, vì thế được sủng ái ban cho tước lớn không ai bằng, huân vọng lớn nhất một thời, nhiều công lao không sao kể xiết, ông có tính hiếu đễ, yêu rộng rãi mọi người lại thân với điều nhân, ân trạch ở một ấp mà chan chứa khắp bốn bề thôn xóm. Vì thế mọi người trong huyện hơn một vạn người từ già đến trẻ đều yêu mến, ngưỡng mộ ông. Lúc này các xã trong huyện cùng nói rằng: “Xóm dưới có công việc cần làm thì nhân tài vật lực đều thiếu may được nhờ Thái tể tiên công được phong tặng Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Nam Đô đốc phủ Tả Đô đốc cao đình hầu quan tâm giúp đỡ nên mới có ngày hôm nay. Nối tiếp chí của người xưa làm cho người già được yên ổn, trẻ nhỏ được chăm sóc, đùm bọc, giúp dân các việc tiện lợi, trừ bỏ những việc tệ hại khắp nơi đều nhận được ơn đức của ông, thêm vào đó uy vọng của ông làm mọi người đều thuần phục. Xóm làng trăm dặm rực rỡ như đài xuân vực thọ. Dân ta yêu như cha mẹ, ngước nhìn như sao thái tuế. Được nhờ bóng mát của cây cao mà nhớ đến tấc lòng cỏ dại phải nghĩ đến việc báo đáp ân đức của ông, mà chưa thể được. Việc đền ơn đáp nghĩa như bài thơ Quỳnh Dao ở chương “Vệ Phong” trong Kinh Thi sao bằng đặt lệ hương hoả phụng thờ nơi lăng mộ”. Bàn mưu đã hợp bèn chọn nơi xây dựng, chọn nơi rộng rãi. Chỗ đó nổi lên một mô đất, phía trước có ao hình bán nguyệt, có gò, cây cỏ tươi tốt, có nhiều ánh sáng lấp lánh ẩn hiện. Tiến đến khu đất ấy quy hoạch xây dựng đền thờ, xây ba gian thất hai gian đường, bên ngoài là nghi môn, xung quanh có tường bao quanh, quy mô một phen đổi mới, trăm loại thợ cùng làm. Ông chợt nghe được việc này, không muốn phiền dân liền bỏ ra hơn hai nghìn quan làm chi phí xây dựng, hơn hai mươi mẫu ruộng tốt làm nhu phí tần tảo.
(Ảnh: TL)
Từ đường xây dựng xong liền định điều ước hàng năm có ngày bái lễ, chỗ này là nơi để ca ngợi chúc tụng công đức của ông, đến khi ông trăm tuổi chầu trời thì đây sẽ là nơi hưởng tự, cùng nhau quy ước muôn đời không được quên. Muốn có mấy lời để truyền đời bất hủ, đến xin ta bài ký, ta vốn biết ông là người có tấm lòng nhân đức mà cả huyện đều biết. Nói rằng việc để lại những niềm ưu ái của người xưa thì có truyện: “Cây đường của Thiệu công, cây trúc của Khấu công”. Tóm lại ghi nhớ đến công lao nhưng chưa được trực tiếp nhận biết. Ánh sáng rực rỡ, ngôi nhà thơm tho nhận ánh sáng của ngài, bỗng nhiên xây dựng miếu mạo. Nay vốn là người mà sẽ thành thần, thế thì công đức của ông đối với dân sao có thể kể hết. Công lao của ông với xã tắc, đức độ của ông với xóm làng là như thế, khó báo đáp hết được. Hôm nay bản huyện kính phụng lòng thành là để báo đáp ân đức, ngày khác triều đình phong thưởng là để báo đáp công lao, chẳng phải càng để lâu thì càng mờ đi ư? Hôm nay và ngày sau gò đống có thể đổi mà công đức của ông trong lòng mọi người không đổi; gỗ đá có thể nát mà nghi thức tôn sùng đức của huyện này không nát. Thích điều nhân chuộng điều nghĩa trăm đời lưu tiếng tốt, huyện này cần gắng gỏi lên. Đem những lời này khắc vào đá để mãi mãi muôn đời làm gương.
Những đóng góp và đức độ của Quận công Phạm Huy Đĩnh đối với quê hương, đất nước đã được xã tắc, xóm làng đền ơn đáp nghĩa bằng việc lập đền thờ, dựng bia cũng như đặt lệ hương hoả phụng thờ. Điều đó thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.
Đỗ Văn Thanh