Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Lễ hội Gióng

Lễ hội là một sinh hoạt văn hoá của nhân dân, theo phong tục tập quán và bản sắc văn hoá của từng làng quê. Từ lâu, các lễ hội Việt Nam nói chung trong đó có Lễ hội Gióng xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã đi vào tiềm thức không những của người dân đất Việt mà còn của đông đảo nhân dân trên thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, Nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Giáo dục đã viết “Hội Phù Đổng là một trong những lễ hội kỳ thú nhất và cổ nhất. Đó cũng là hội được người ta biết đến nhiều nhất, có tính đại chúng nhất”.

Hội Gióng diễn ra trong thời gian 5 ngày từ mùng 5 đến mùng 10 tháng 4 Âm lịch hàng năm, với không gian diễn ra từ đầu đến cuối xã, lực lượng tham gia diễn hội trên 1.300 người. Trong những ngày hội mở đã có hàng vạn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham dự. Đây cũng là đề tài rất phong phú mà nhiều nhà khoa học trong nước và thế giới dày công nghiên cứu, tìm hiểu. Hội Gióng đã khắc họa được truyền thống chống giặc ngoại xâm của cha ông ta, đặc biệt là chiến tranh nhân dân mang tính toàn cầu, toàn diện.

Ngựa gỗ tượng trưng cho ngựa sắt của Thánh Gióng năm xưa. ảnh: Hoàng Quang Hà

Qua các tài liệu nghiên cứu và thực tế diễn ra lễ hội, có thể khẳng định, Hội Gióng là lễ hội lớn của cả nước, miêu tả lại toàn bộ cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm của ông cha ta (từ lúc chuẩn bị vũ khí lực lượng, lương thảo cho đến khi kết thúc trận đánh, tướng giặc bị bắt và được tha, đây là tính nhân đạo của người dân Việt Nam). Do vậy, Hội Gióng khác xa so với các lễ hội khác, lễ hội đã được nhân dân địa phương lưu truyền từ đời này qua đời khác mà không mất đi nét độc đáo của nội dung lễ hội.

Bảo tồn và phát huy Lễ hội Gióng là nhiệm vụ cần được đầu tư, quan tâm không chỉ của chính quyền, nhân dân địa phương mà cần có sự giúp đỡ của các bộ, ban ngành của Trung ương và thành phố, tạo điều kiện để đưa Hội Gióng trở thành lễ hội của cả nước và Phù Đổng - quê hương của Thánh Gióng sẽ là điểm đến của khách tham quan du lịch.

Tái hiện hình ảnh đội quân Thánh Gióng đóng khố cởi trần, làm lễ trước giờ ra trận. ảnh: Trần Huấn.

Năm 2010, được sự đồng ý của các cấp, các ngành, Đảng, chính quyền địa phương xã Phù Đổng đã tổ chức Lễ hội Gióng với quy mô lớn, đây là một nội dung trong chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cũng là dịp để quảng bá Lễ hội Gióng với bạn bè thế giới, làm cơ sở đề nghị công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Hoàng Đức Cường

Top