Bảo tồn và phát huy giá trị múa Bóng rỗi tại Nam Bộ

Tín ngưỡng thờ nữ thần (hay gọi là tục thờ Bà, thờ Thánh Mẫu) đã sinh ra nghi lễ múa hát để dâng thần những vật (dù là vật tượng trưng) mà người đời cho là quý giá. Nghi lễ múa hát ấy thường được gọi là hát bóng hay hát bóng rỗi.

Hát bóng thường có hát và múa. Múa bóng là một tiết mục của hát bóng rỗi - một hình thức diễn xướng dân gian được thực hành ở các miếu thờ nữ thần, miếu thờ Thổ - Địa hay lễ tạ trang của các gia đình có thờ Bà, thờ ông Độ Mạng.

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức biên soạn vào đầu thế kỷ XIX cho biết: ở Nam Bộ “hay dùng cô bóng múa hát, lấy làm vui thích”, như vậy, trước thế kỷ XIX ở Nam Bộ, trong đó có Tiền Giang đã có tục thờ Bà và hình thức hát bóng rỗi.

Có thể thấy tục thờ nữ thần của người Việt ở miền Trung những thế kỷ trước có quan hệ giao lưu với tục thờ Thiên Y A Na, Pô Inư Nagar (bà mẹ Xứ Sở) của người Chăm, được thể hiện rõ nhất ở Huệ Nam điện trên núi Hòn Chén tại Huế và tháp Bà tại Nha Trang. Ở Hòn Chén có hầu bóng hát chầu văn theo tục thờ Tam tòa Thánh Mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ và múa bóng của Chiêm Thành. Ở Tháp Bà Nha Trang có một xóm nghệ nhân múa bóng được gọi là Xóm Bóng để có câu ca dao: “ Ai về Xóm Bóng thăm nhà/ Hỏi xem điệu múa dâng Bà còn không?”. Càng vào phía Nam Bộ, múa bóng càng đậm yếu tố Chăm và Việt, rõ nhất là múa thăng bằng được cải biên trong múa bóng. Nếu các vũ công, bà bóng Chăm (tức các Mư Pajao) múa lễ và dâng lễ vật ở các tháp Chăm đội các lễ vật trên đầu từ ngoài vào đến bệ thờ mà không được phép đổ thì nghệ nhân múa bóng Việt cũng tuân thủ nguyên tắc này. Người phụ nữ Chăm đội các vò, bình đựng nước là công việc thường ngày nên khi múa đội lễ vật không quá khó đối với họ. Bài tụng trong lễ tắm Nữ thần Pô Inư Nưgar có đoạn: “Tôi đi lấy nước sông, đội lên đầu lên đầu mà đi, đội lên đầu mà mang đến/ Tôi đi lấy nước để rửa chân rửa tay thần”, hình ảnh đội đầu và giữ thăng bằng là hình ảnh quen thuộc của phụ nữ Chăm. Người Việt ở Nam Bộ tiếp thu nghi lễ này cùng Nhạc lễ vùng đồng bằng Bắc Bộ và nghi thức cúng tế của người Hoa để biến đổi cho phù hợp với điều kiện vật chất và phong tục Việt như múa dâng bông, múa dâng đèn, múa dâng mâm vàng mâm bạc, múa đồ chơi, Địa – Nàng…

Ở Nam Bộ, múa bóng rỗi được hình thành trong quá trình di cư và tập tục thờ Bà của người Việt. Thường bên các khúc sông có sóng dữ, ghe thuyền đi lại dễ bị chìm, hoặc ở vùng hẻo lánh dễ bị tai họa, cư dân Việt lập các miếu thờ Bà, miếu thờ Thổ Địa để phù hộ cho người trong vùng và người đi sông  biển. Hàng năm, thường vào mùa xuân, dân làng có miếu thờ Bà được sống lại không khí múa bóng rỗi đầy tính nghệ thuật.

Múa bóng rỗi với ý nghĩa là dâng lễ vật lên các vị thần, thường là dâng bông, dâng mâm vàng, tiếp đó là múa đồ chơi để góp vui trong lễ hội.

 Múa dâng bông được coi là điệu múa nghi lễ nên ít biến đổi. Trước bàn tiên, người ta trải vài tấm chiếu cho vũ công thực hiện bài múa. Bông được đựng trong tộ (thường là bông trang, cúc, vạn thọ…), vũ công hát bài Dâng bông, rồi đặt tộ bông vào lòng bàn tay xoay người vài lần trước khi đặt tộ bông lên đầu và nhảy múa theo nhạc bóng. Nhạc bóng ít bó buộc vào bài bản nào, nhạc công tự chọn bản, miễn sao phù hợp với điệu múa.

Sau múa dâng bông thường có múa dâng mâm vàng, mâm bạc. Mâm vàng hoặc mâm bạc là chiếc mâm có gắn ngôi tháp (tựa như tháp Chăm) làm bằng giấy vàng hoặc giấy bạc (đồ mã). Tuy nhiên có tháp được làm bằng giấy ngũ sắc sặc sỡ với ý nghĩa dâng lên 5 bà Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Mở đầu điệu múa thường có hát, trong đó có đoạn: “Lạy lịnh Bà ở chốn miếu trung/ Cho nữ sứ đáo lai hiến vỏ”. Vỏ là nhà, tức hiến ngôi nhà (tháp). Điệu múa này pha tạp kỹ nên nhiều vũ công trổ tài biểu diễn bằng nhiều động tác hấp dẫn người xem. Mâm được lật qua lật lại nhiều lần như bị dính vào bàn tay làm nhiều người thán phục.

Múa đồ chơi không nằm trong lễ thức, là điệu múa nhằm phục vụ người xem nên nặng về tạp kỹ, chủ yếu là biểu diễn thăng bằng. Đơn giản là múa hoa  huệ, múa dù. Vài cành huệ hoặc một chiếc dù được đặt trên mũi, giữa nhân trung, ở hốc mắt, ở vành tai, trên trán… vũ công ngữa mặt nhảy múa theo điệu nhạc mà bông huệ hoặc dù không bị rơi. Khó hơn là múa trống chầu, múa lu, múa khạp, múa lục bình, múa ghế đẩu, múa xe đạp, múa dao phay … các đạo cụ nặng nề ấy được đặt trên đầu, trên vai, thậm chí được lăn từ vai này qua vai khác, vũ công phải là những người “cứng đầu cứng cổ” để có thể đặt chiếc lu, chiếc khạp hay chiếc xe đạp lên đầu mình, vừa múa vừa giữ thăng bằng. Đây thực sự là một thứ xiếc dân gian được gắn với nghi lễ cúng tế thần linh nên có cảm giác như có sự huyền bí trong múa bóng rỗi.

Để có các tiết mục múa bóng rỗi tại các miễu Bà, các vũ công đã có sự khổ luyện. Không ít vũ công được đi du diễn nhiều nơi ở Trung Bộ và Nam Bộ. Năm 2005, tại Bảo tàng Tiền Giang có một cuộc thi múa bóng rỗi thu hút nhiều vũ công của các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre tham gia, tạo ra một sân chơi cho các “diễn viên xiếc” không chuyên. Cuộc thi thố tài năng xiếc ấy đã đem đến cái nhìn khác về múa bóng rỗi, khi các tiết mục xiếc – múa ấy không do thần linh mang lại.

Hiện nay, tại Nam Bộ, đặc biệt tại vùng châu thổ sông Cửu Long, múa bóng rỗi vẫn chưa bị mai một. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế và xã hội đã có nhiều thay đổi, quan niệm về thế giới bên kia, về tâm tinh, về sức mạnh huyền bí không từ thế giới vật chất đã có nhiều thay đổi. Cư dân nông nghiệp không còn phải cầu cứu kiểu “Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy đầy bát cơm/ Lấy rơm dun bếp” nữa. Công nghiệp hóa, đặc biệt là công nghiệp thời 4.0 đã làm thay đổi những quan niệm cũ. Đối với múa bóng rỗi cũng thế, công chúng sẽ tước bỏ những thủ tục rườm ra, huyền bí và chỉ giữ lại phần giải trí bằng nghệ thuật tạp kỹ của các vũ công. Bằng nghệ thuật tạp kỹ này, múa bóng rỗi thời hiện đại đáp ứng được nhu cầu giải trí của các tầng lớp nhân dân ở vùng quê hẻo lánh. Chính điều này đang đặt ra cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam bộ hướng bảo tồn và phát triển một loại hình nghệ thuật đi kèm với tâm linh vùng quê Nam Bộ phù hợp với đời sống hiện đại.

Nguyễn Ngọc Minh

 

Top