Bánh đa nem làng Chiều
Lịch sử 700 năm tuổi
Làng Chều là tên gọi cổ xưa, cũng chẳng ai biết có từ bao giờ nhưng ngay cả những người già ở làng cũng không hiểu hết ý nghĩa của tên gọi cổ đó. Chỉ biết tên làng gắn liền với nghề làm bánh đa nem truyền thống từ rất lâu đời, khoảng 500 đến 600 năm về trước.
Bánh đa nem làng Chều xuất hiện khoảng năm 1349 (đời Trần Dụ Tông) với công lao đặt nền móng của cụ Tổ nghề Trần Ðình Hán. Gia đình cụ Trần Văn Hám làm nghề xay xát gạo. Lúc bấy giờ dân làng khó khăn, gạo làm ra tiêu thụ chậm nên cụ đã nghĩ ra một cách là ngâm gạo xong giã nhuyễn thành bột nước và hấp lên nồi nước sôi đến khi nước bột thành bánh. Khi chín, mang ra phơi khô, thái thành miếng nhỏ như bánh phở bây giờ, nấu lên ăn thấy thấy lạ miệng và ngon. Từ đó, mọi người cùng nhau làm theo và hoàn thiện dần thành món bánh đa truyền thống. Người đàn ông đó có tên là Trần Ðình Hãn, được dân làng suy tôn làm ông tổ nghề bánh đa, làm thành hoàng làng, thờ trong đình và hàng năm làng đều tổ chức lễ hội vào ngày 10 tháng 2 âm lịch để tưởng nhớ đến công lao của ông cũng như truyền thống nghề làm bánh đa. Ðó cũng là dịp những người làm nghề của làng do nhiều điều kiện khác nhau phải li tán khắp nơi về hội tụ và gặp gỡ bạn hàng.
Hiện nay, địa danh làng Chều chỉ còn là tên gọi trong dân gian, được truyền khẩu. Còn về đơn vị hành chính thì khu vực làng Chều trước kia, nay được biên chế thành xóm 1 và xóm 5 của thôn Mão Cầu (thôn có tất cả 5 xóm), xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Cả xã Nguyên Lý hiện cũng có tới 11 xóm (trên tổng số 20 xóm) có nghề làm bánh đa, từ bánh đa nem, bánh đa phở, miến…, nhưng bánh đa làng Chều vẫn được mọi người quanh vùng nhắc đến như một đặc sản riêng, chỉ có ở vùng quê này. Năm 2008, xóm 1 và 5 thôn Mão Cầu được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam công nhận là làng nghề “Bánh đa làng Chều”.
Bánh đa nem làng Chều xuất hiện khoảng năm 1349 (đời Trần Dụ Tông) với công lao đặt nền móng của cụ Tổ nghề Trần Ðình Hán. Ảnh: internet
Mỗi nhà một bí quyết
Người làng Chều làm bánh đa nem theo cách riêng của họ. Nguyên liệu của bánh đan nem làng Chều được làm từ gạo tẻ, được lựa chọn một cách kỹ lưỡng để chất lượng bánh được đảm bảo. Rồi trải qua nhiều công đoạn, từ ngâm gạo, cho vào cối xay, làm chín qua nồi áp suất, đem phơi trên những chiếc phên tre và cuối cùng là hoàn thiện sản phẩm.
Nhưng quan trọng là ở bí quyết pha chế nguyên liệu khi gạo được giã thành bột nước. Mỗi nhà, mỗi gia tộc đều có bí quyết riêng biệt, nhà thì dùng muối để bánh đa thêm mặn mà, nhà lại dùng rượu để sản phẩm dẻo hơn. Tuy nhiên, quan trọng nhất là ở khâu tráng bánh trên nồi nước sôi. Với kinh nghiệm, họ biết ở nhiệt độ nào thì sản phẩm chín tới và nhiệt độ nào để bánh đa nem có được màu sắc trắng sáng và giữ được hương thơm của gạo. … Bên cạnh đó, khâu phơi bánh cũng là một khâu hết sức quan trọng, khi đem phơi cần có đủ nắng, nếu không bánh sẽ ỉu và thiếu độ trắng cần thiết, nhưng nếu dư nắng, bánh sẽ cứng và nứt. Vì vậy, công đoạn phơi bánh đa nem là một công đoạn khá công phu, cầu kỳ. Những chiếc bánh đa nem dưới bàn tay của người “nghệ sỹ” làm bánh được làm ra với màu bánh trắng, mềm và có độ dẻo cao, thơm mùi gạo.
Giờ đây đi vào bất cứ hộ dân nào ở làng Chều, người lạ cũng dễ bắt gặp những khu bếp dành riêng để chế biến bánh đa nem. Từ cụ già đến trẻ em đều ngồi quây bên những bếp lò ngập khói để tráng bánh. Và cứ khoảng 5 giờ chiều mỗi ngày, trên mọi ngả đường thôn quê ấy người ta nô nức đi thu lượm những phên tre phơi bánh để bóc tách hoàn thiện sản phẩm.
Nguyên liệu của bánh đan nem làng Chều được làm từ gạo tẻ, được lựa chọn một cách kỹ lưỡng để chất lượng bánh được đảm bảo. Ảnh: internet
Bánh đa làng Chều truyền thống xưa kia chỉ có một kích thước hình tròn với đường kính khoảng 20 centimet, dày như bánh phở, sau được cải tiến dần thành bánh đa nướng với độ tráng mỏng hơn, rồi gần đây mới cải tiến thành bánh đa nem với nhiều kích cỡ, hình dáng, độ dày mỏng khác nhau, tuỳ theo mục đích sử dụng như bánh đa nem rán, bánh đa nem cuộn… Với công thức riêng chỉ được truyền nghề trong làng, bánh đa ở đây ăn một lần không thể nào quên, không thể lẫn vào bất cứ bánh đa nơi nào khác được. Ðó là vị thơm của gạo, giòn tan nhẹ nơi đầu lưỡi, vị ngon ngấm dần vào thực quản và đặc biệt là chất lượng bánh đa làng Chều có thể lâu bền với thời gian, lâu biến chất, dù được bảo quản ở những nhiệt độ và độ ẩm khác nhau.
Hằng năm, cứ vào tháng 11 âm lịch là thời điểm bánh được chuyển đi khắp mọi miền đất nước để người dân sắm sửa, chuẩn bị cho những món ăn ngon trong dịp Tết; giá bán lại rất rẻ, chỉ 10.000đồng/100 lá bánh. Mỗi ngày làng Chều xuất ra thị trường trên 100 tấn bánh đa nem. Làng cũng giải quyết cho tất cả lao động địa phương và thu hút nhân công từ nhiều vùng khác. Từ làng Chều, hiện nay nghề làm bánh đa nem đã phát triển tới 13/20 xóm ở xã Nguyên Lý, đem lại cho làng nghề gần 200 tỷ đồng/năm.
Nhằm bảo vệ kết quả của quá trình khôi phục và giữ gìn nghề truyền thống cho địa phương, doanh nghiệp… Năm 2010, Sở KH - CN tỉnh đã triển khai thực hiện dự án: “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể bánh đa nem làng Chều”. Dự án thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.
Thành phẩm ngon giòn từ chiếc bánh đa nem làng Chiều. Ảnh: internet
Năm 2011, Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh bánh đa nem làng Chều đã được thành lập với 52 hội viên là các hộ, cơ sở sản xuất của xã Nguyên Lý, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm bánh đa nem. Hiệp hội đã nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Bánh đa nem làng Chều” tại Cục Sở hữu trí tuệ. Ngày 18/10/2011, Cục đã ra Quyết định số 40489/QÐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể số 173772 cho nhãn hiệu tập thể “ Bánh đa nem làng Chều kinh doanh (mua và bán) sản phẩm bánh đa nem. Theo đó, tất cả các thành viên của Hiệp hội sản xuất và kinh doanh bánh đa nem làng Chều thuộc địa bàn xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam sẽ được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể “bánh đa nem làng Chều” cho sản phẩm bánh đa nem.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử bánh đa nem Nguyên Lý vẫn tồn tại và phát triển, đây cũng là nét đẹp văn hoá của một làng nghề truyền thống. Với những giải pháp và sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương, hi vọng rằng trong thời gian tới sản phẩm bánh đa nem làng Chều sẽ còn vươn xa trên trường quốc tế.
Thanh Huyền