1770 năm cuộc khởi nghĩa Bà Triệu và những giá trị lịch sử trường tồn
Kết quả của cuộc khởi nghĩa này đã có ảnh hưởng lan rộng trong cả Giao Châu, thúc đẩy tinh thần phản kháng, chống đồng hóa của cả dân tộc và thực sự đã làm thức tỉnh nhân dân cả nước, tạo ra những bước chuyển biến mới trong nhận thức tư tưởng và hình thái đấu tranh giải phóng dân tộc trong tiến trình lịch sử Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 1770 năm cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, chúng ta có dịp nhìn lại cuộc khởi nghĩa này trên cơ sở những ghi chép của các nhà sử học Việt Nam và Trung Quốc thời phong kiến với những hướng tiếp cận và nhận thức khác nhau, đặc biệt trong đó có những nhận định thiếu cơ sở khoa học và sự thật khách quan của một số nhà sử học Trung Quốc đương đại: “Khởi nghĩa của Triệu Phu Nhân (tức chỉ cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu) mang tính chất thần thoại truyền kỳ, không đủ tin cậy”(1).
Ngày nay, chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật là yêu cầu của nhân dân, của đất nước. Chính vì vậy, chúng ta chẳng những phải đặt cho mình nhiệm vụ khám phá chân lý lịch sử mà còn phải tỏ rõ khả năng đạt được sự thật khách quan, bằng cách đó chứng minh rằng khởi nghĩa Bà Triệu là một thực tế lịch sử và là sự thật khách quan.
Lần giở lại những trang sử cũ, trước hết ở trong thư tịch cổ Trung Quốc, phần Ngô thư trong Tam Quốc chí của tác giả Trần Thọ khi chép về truyện Lục Khải, có phụ chép truyện em của Khải là Lục Dận cho biết: Năm Xích Ô thứ 11 (Triều Ngô Tôn Quyền - năm 248), bọn giặc ở Cửu Chân, Giao Chỉ tấn công thu được thành ấp, vùng Giao Châu rối loạn. (Vua Ngô) sai (Lục) Dận làm Thứ sử Giao Châu, Hiệu úy An Nam. Khi Dận vào trong nước Nam (chỉ Giao Châu), chiêu dụ bằng ơn huệ và tin phục, chủ yếu tôn sùng việc chiêu mộ, thu nạp. Phe đảng của bọn Hoàng Ngô cừ soái vùng Cao Lương hơn 3.000 nhà đều ra hàng. Dận đưa quân vào nước Nam, chú trọng tuyên dương giáo hóa, chân thành, dùng bằng tiền bạc. Hơn trăm viên tướng soái, hơn 5 vạn nhà dân ở vùng sâu xa không bị ràng buộc, không ai không khâm phục, vùng đất Giao Châu thanh bình. (Vua Ngô) gia phong (cho Lục Dận) làm An Nam tướng quân. Dận lại tiếp tục đi đánh giặc ở Kiến Lăng, quận Thương Ngô, phá tan chúng. Trước sau (Dận) đưa hơn 8.000 binh lính xuất trận, để dùng vào việc quân(2).
Lễ hội Đền Bà Triệu
Thư tịch Trung Quốc chép trực tiếp về Bà Triệu chỉ có sách Giao Châu ký của Lưu Hân Kỳ biên soạn vào thế kỷ V, sau đó thất truyền, một số đoạn được các tác giả đời sau ghi lại vào trong tác phẩm của mình như Nhạc Sử, người đời Tống biên soạn Thái Bình hoàn vũ ký. Phần viết về Bà Triệu không được ghi thành một mục riêng, mà chỉ ghi lại nội dung vắn tắt lẫn vào trong bối cảnh xã hội chung của Giao Châu như sau: “Xưa ở quận Cửu Chân, có người con gái gọi là Triệu Ẩu, vú dài 5 thước không lấy chồng, thường tụ họp bè đảng ở trong núi, đánh cướp quận huyện. Triệu Ẩu thường mặc áo giáp vàng, đi guốc ngà cưỡi voi mà chiến đấu, dùng hơn 10 kẻ thiếu nam mà hầu cận. Sau Thứ sử Lục Doãn (Dận) bình được”(3).
Sách Nam Việt chí do Thẩm Hoài Viễn người đời Nam Tống soạn cũng chép nội dung tương tự về Bà Triệu: Khoảng năm thứ 11 niên hiệu Xích Ô (của Ngô Tôn Quyền), ở quận Cửu Chân, “Người con gái là Triệu Ẩu huyện Quân Yên (An), thường câu kết bè đảng trong núi, đánh cướp quận huyện, thường mặc áo sắc vàng, đi guốc ngà, hay ngồi đầu voi mà đánh nhau với quân địch”(4).
Thư tịch cổ Việt Nam chép về Bà Triệu và cuộc khởi nghĩa năm 248 được đề cập đến đầu tiên là Sách Việt sử lược, tác giả khuyết danh đời Trần cuối thế kỷ XIV, không có tư liệu nào liên quan đến cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, nhưng trong danh sách Các quan cai trị các đời có viết: Lục Doãn, người nhà Ngô. Theo chú thích của dịch giả Trần Quốc Vượng: Có sách chép là Lục Dận, thay Lã Đại làm Thứ sử, đàn áp cuộc khởi nghĩa của nhân dân Cửu Chân và cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu cũng ở Cửu Chân tiếp sau đó (Tam Quốc chí, Ngô thư, Lục Khải truyện, phụ truyện: em là Dận)(5).
Sách An Nam chí lược của Lê Tắc trong quyển 7 cũng có chép về Lục Dận, nhưng lại chép nhầm thành Lục Duệ với nội dung như sau: “Lục Duệ, tự là Cung Tông, em của Lục Khải, Trong năm Xích Ô thứ 11 (248) nhà Ngô, hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân nổi giặc công hãm thành ấp, vua Ngô bèn dùng Duệ làm Thứ sử quận Giao Châu. Khi tới nơi, Duệ dụ dỗ bằng những điều ân nghĩa, tín thật, cho tiền của, lụa là, bọn giặc và dân chúng đều cúi đầu phục mệnh, toàn cảnh Giao Châu yên lặng vui vẻ. Duệ bèn được thăng chức An Nam tướng quân. Đầu năm Vĩnh An (1258) được phong tước Đô Đình hầu”(6).
Lễ hội Đền Bà Triệu
Sách Đại Việt sử ký toàn thư, do nhóm sử thần Triều Lê biên soạn có 2 đoạn viết về Bà Triệu và Cuộc khởi nghĩa năm 248, đồng thời trích dẫn tư liệu từ các thư tịch cổ Trung Quốc: “Mậu Thìn (248), Hán Diên Hi, năm thứ 11, đời Hán, Hậu chúa Lưu Thiện; Ngô Vĩnh An năm thứ 1). Người Cửu Chân lại đánh hãm thành ấp, châu quận rối động. Ngô Vương cho Hành Dương đốc quân Đô úy Lục Dận (có sách chép là Lục Thương) làm Thứ sử kiêm Hiệu úy. Dận đến nơi, lấy ân đức tín nghĩa hiểu dụ, dân ra hàng phục đến hơn 3 vạn nhà, trong châu lại yên. Sau, người con gái ở quận Cửu Chân là Triệu Ẩu tập hợp dân chúng đánh chiếm các quận huyện (Ẩu vú dài 3 thước, vắt ra sau lưng, thường ngồi trên đầu voi đánh nhau với giặc. Sách Giao Châu chí chép: “Trong núi ở quận Cửu Chân có người con gái họ Triệu, vú dài 3 thước, không lấy chồng, họp đảng cướp bóc các quận, huyện, thường mặc áo ngắn màu vàng, chân đi giày mũi cong, ngồi đầu voi mà chiến đấu, sau chết làm thần”(7).
Cũng trong sách trên, Sử thần Lê Tung trong phần Việt giám thông khảo Tổng luận đã ca ngợi chiến công của Bà Triệu như sau: “Triệu Ẩu là người con gái ở quận Cửu Chân, họp quân trong núi, đánh phá thành ấp, các bộ đều theo như bóng theo hình, dễ hơn trở bàn tay. Tuy chưa chiếm giữ được đất Lĩnh biểu như việc cũ của Trưng Vương, nhưng cũng là bậc hùng tài trong nữ giới”(8).
Đại Việt sử ký tiền biên, bộ Quốc sử được xuất bản dưới Triều Tây Sơn cũng đã có những dòng chép với nội dung tương tự như Đại Việt sử ký toàn thư: Có chi tiết hơi khác, đó là: “Người con gái tên là Triệu Ẩu ở huyện Ninh Hóa, quận Cửu Chân, tụ tập nhiều người đánh phá quận huyện”(9).
Quốc Sử quán cơ quan biên soạn Quốc sử Triều Nguyễn đã biên soạn và cho xuất bản Khâm định Việt sử thông giám cương mục - bộ Quốc sử lớn nhất và phản ánh được nội dung nhiều mặt của lịch sử Việt Nam từ thời kỳ Hùng Vương đến năm 1789 (đời Vua Lê Chiêu Thống). Phần viết về Bà Triệu và khởi nghĩa năm 248 cũng được các sử thần Triều Nguyễn ghi chép khá đầy đủ như các bộ Quốc sử trước đó: “Mậu Thìn (248), Ngô, năm Xích Ô thứ 11, Hán, năm Diên Hi thứ 11, Ngụy, năm chính Thủy thứ 9).
Bà Triệu Ẩu, người quận Cửu Chân họp dân chúng đánh phá các quận huyện. Thứ sử lục Dận đí đánh, dẹp yên.
Người quận Cửu Chân lại đánh phá thành ấp. Các châu quận ấy đều náo động. Chúa nhà Ngô cho Đốc quân Đô úy châu Hành Dương là Lục Dận làm Thứ sử kiêm chức Hiệu úy. Lục Dận đến nơi, dùng ấn tín hiểu dụ, hơn 3 vạn nhà ra đầu hàng; Đất Giao Châu lại được yên. Bấy giờ, có người con gái quận Cửu Chân là Triệu Ẩu tụ họp dân chúng, giành cướp các quận huyện. Lục Dận đi đánh, dẹp yên”(10).
Riêng phần lời chua thông tin kỹ hơn về thân thế, tiểu sử của Lục Dận: Người đất Ngô quận, cháu họ Lục Tốn, người nước Ngô. Lục Dận trước làm Tuyển tào lang, sau làm Đốc quân Đô úy Hành Dương. Đến khi giặc Man di đánh và hạ được các thành ấp, Giao Châu náo động, chúa nước Ngô dùng Lục Dận làm Thứ sử Giao Châu. Các sử thần còn cho biết: Đền thờ Bà Triệu ở xã Phú Điền, huyện Mỹ Hóa, tỉnh Thanh Hóa(11).
Quốc sử quán Triều Nguyễn còn biên soạn bộ Đại Nam nhất thống chí, viết về các mặt diên cách, khí hậu, phong tục, sản vật, danh nhân…của các tỉnh thuộc Việt Nam đương thời. Trong hai phần Đền thờ và Liệt nữ của tỉnh Thanh Hóa, đều có chép về Bà Triệu: “Đền Triệu Ẩu ở xã Phú Điền, huyện Mỹ Hóa. Đời Lê phong tặng, đến bản triều lại gia phong, lại có đền thờ ở huyện Yên Hóa, tỉnh Ninh Bình”(12) và: “… Quảng Đông tân ngữ nói: "Triệu Ẩu là anh hùng trong phụ nữ". Lại có thuyết nói, Triệu Ẩu người huyện Quân Yên, quận Cửu Chân, tập hợp đồ đảng trong núi Bồ Điền. Nay xét: Huyện Quân Yên xưa tức huyện Yên Định bây giờ và Bồ Điền xưa tức xã Phú Điền bây giờ (nguyên thuộc huyện Hậu Lộc, nay thuộc huyện Mỹ Hóa), đền thờ Bà ở chân núi ấy”(13).
Vào cuối thế kỷ XIX, hai tác giả Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái khi biên soạn cuốn Đại Nam quốc sử diễn ca viết bằng chữ Nôm năm 1870 đã giành một ít dòng để viết về Khởi nghĩa Bà Triệu với tiêu đề Bà Triệu Ấu đánh Ngô như sau:
“Binh qua trải bấy nhiêu ngày,
Mới sai Lục Dận sang thay phiên thần.
Anh hùng chán mặt phong trần,
Nữ nhi lại cũng có lần cung đao.
Cửu Chân có ả Triệu kiều,
Vú dài ba thước tài cao hơn người.
Gặp cơn thảo muội cơ trời,
Đem thân bồ liễu theo loài bồng tang.
Đầu voi phất ngọn cờ vàng,
Sơn thôn mấy cõi chiến trường xông pha.
Chông gai một cuộc quan hà,
Dù khi chiến tử còn là hiển linh” (14).
Tập trung tư liệu đầy đủ nhất về Bà Triệu và cuộc khởi nghĩa năm 248 được chép trong cuốn Thanh Hóa kỷ thắng do Tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh biên soạn bằng chữ Hán vào đầu thế kỷ XX.
Nguyên bản cuốn Thanh Hóa kỷ thắng khoảng 27.000 từ Hán, mô tả khá đầy đủ các di tích lịch sử, cảnh đẹp, danh lam của Thanh Hóa thời bấy giờ, gắn với tên tuổi một số vị anh hùng, danh nhân đất nước, cũng như bút tích, thơ ca họ còn để lại. Cuốn sách này hoàn thành vào ngày 25 tháng 5 năm Thành Thái 15 (1903)(15).
Vương Duy Trinh đã giành khoảng 1090 chữ Hán để chuyển tải nội dung phong phú về Bà Triệu, đây là những tư liệu được chắt lọc qua thư tịch cổ của Việt Nam, Trung Quốc, cùng nhiều tư liệu dân gian, truyền miệng, được thu thập sưu tầm tại các địa phương trong Thanh Hóa. Nội dung tóm tắt của Thanh Hóa kỷ thắng như sau: Có người con gái họ Triệu tên húy là Trinh, lúc nhỏ có tên tự là Nữ Ẩu, là em gái của Triệu Quốc Đạt ở Trung Sơn, Nông Cống. Triệu Thị Trinh có dung nhan đẹp, lại thêm sức khỏe, võ nghệ cao cường. Cha mẹ mất sớm nên Triệu Ẩu ở với anh trai. Chị dâu rất ác độc, Triệu Ẩu giết chết, rồi chuyển nhà vào trong rừng ở, tự mưu sinh bằng sức của mình. 20 tuổi rồi mà chưa lấy chồng, có chí lớn mưu lược, thường đem của cải nhà mình ra đãi khách, chiêu tập bạn bè, số lượng có tới vài nghìn người, đều là trai tráng đương thời. Triệu Ẩu từng có câu nói nổi tiếng: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển đông, làm cho trời yên biển lặng, cứu vớt dân lành, chứ đâu giống như người đời cúi đầu khom lưng làm tỳ thiếp cho người ta chứ!”
Triệu Quốc Đạt cùng Triệu Thị Trinh tập hợp lực lượng, tiến hành khởi nghĩa tại vùng núi Quân Yên, Nông Cống, chỉ trong thời gian ngắn, quân đội lên đến vài vạn người. Không may, Quốc Đạt mắc bạo bệnh mất. Quân lính tiến cử Triệu Thị Trinh lên nắm quyền đánh nhau với quân Ngô. Khi ra trận Bà thường vắt vú ra sau lưng, dùng lụa bạch quấn lại, mặc áo vàng ngồi trên đầu voi, uy phong lẫm liệt, quân lính gọi Bà là “Nhụy Kiều tướng quân”.
Lúc đầu, quân Ngô coi thường, vì thấy Bà chỉ là phận gái, liễu yếu đào tơ, nhưng khi lâm trận thấy Bà luôn thân chinh đi đầu, chỉ huy quân lính, đánh giặc như vào chỗ không người, chúng lo sợ, không dám đối đầu, thấy Bà xuất hiện thường bỏ trốn. Quân Ngô ca ngợi Bà là “Lệ Hải Bà Vương”, truyền nhau câu nói:
Vung tay đánh cọp xem còn dễ,
Đối diện Bà Vương mới khó sao.
Từ đó, uy danh của Bà Triệu ngày càng lớn, Vua Ngô là Tôn Quyền phải vội vàng cử ngay Lục Dận là Đốc quân Đô úy Hành Dương giữ chức Thứ sử Giao Châu, đem đội quân hùng mạnh để trấn áp khởi nghĩa do Bà Triệu lãnh đạo. Trong vòng 5, 6 tháng đối đầu, đã diễn ra hơn 70 trận đánh, phần lớn quân Ngô đều thua chạy tan tác. Lục Dận phải đưa quân cố thủ trong thành. Bà Triệu cho quân vây thành, mấy tháng trời không sao hạ nổi. Sau đó, Lục Dận tìm hiểu biết được Bà Triệu là người ưa chuộng sạch sẽ, tinh khiết, trong một trận chiến hắn đã dùng kế bỉ ổi, cho quân lính khỏa thân, Bà Triệu nhìn thấy xấu hổ, phi ngựa chạy thẳng đến vùng Bồ Điền (nay là xã Phú Điền), huyện Hậu Lộc, lên núi Hối Sơn rồi hóa, khi đó mới 23 tuổi.
Lễ hội Đền Bà Triệu
Đến thời Tiền Lý Nam đế (544-548), Bà Triệu hiển thánh âm phù Nhà vua đánh giặc Lâm Ấp, thắng trận trở về, Lý Nam Đế lập miếu thờ tại xã Phú Điền, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, phong Bà là “Bật chính Anh liệt Hùng tài Trinh nhất phu nhân”.
Ngoài hệ thống thư tịch cổ cùng các sách sử được ghi chép bằng Hán Nôm, hiện tại còn có hệ thống tư liệu Hán Nôm như Sắc phong các triều đại, câu đối, thần tích, sự tích…, cùng nhiều truyện kể dân gian được lưu giữ tại trong dân gian tại các địa phương tỉnh Thanh Hóa, nhất là ở ngay đền thờ Bà Triệu ở xã Phú Điền, cũng cung cấp cho chúng ta một khối lượng sử liệu phong phú để tìm hiểu về Bà Triệu và cuộc khởi nghĩa năm 248.
Hiện còn 10 đạo sắc phong của các triều đại vua từ Triều Lê đến Triều Nguyễn, trong đó có 1 Đạo sắc vào năm thứ 9 Triều Vua Khải Định (1924) ban cho xã Phú Điền, tổng Đại Lý, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, nơi vốn phụng thờ Dực bảo Trung hưng linh phù Triệu Ẩu tôn thần, được tăng thêm trật lên Thượng đẳng thần.
Có 9 đạo Sắc phong ban cho vị tôn thần có mỹ tự là Hối sơn uy linh hiển ứng…, niên đại sớm nhất của Sắc phong vào năm Đức Long thứ 6 Triều Vua Lê Thần Tông (1634), tính đến nay (2018) đã được tròn 384 năm. Theo Sự tích về ba ông họ Lý hiện lưu giữ tại đình làng Phú Điền cho biết: Triệu Trinh Nương sau khi hóa tại núi Hối Sơn vào ngày 24 tháng 2, lập tức các côn trùng đùn thành mộ lớn, từ đó đặt tên là Hối Sơn thần. Vào triều vua Lý Thái Tông niên hiệu Càn Phù (1039-1041), thần Hối Sơn âm phù chiến thắng giặc Chiêm. Sau khi dẹp xong giặc, Vua trở về làm lễ tạ ơn tại Miếu thiêng, cấp cho 7 khu ruộng, 700 quan tiền, miễn binh dịch tạp dịch cho dân làng, ban phong là Thượng đẳng thần, Đương cảnh Thành hoàng Hối Sơn phương anh, trợ thuận tôn linh Công chúa.
Còn có nhiều câu đối ca ngợi Bà Triệu và chiến công đánh thắng giặc Ngô của Bà đang hiện diện tại đền thờ Bà Triệu, trong đó tiêu biểu như:
Phiên âm:
Tượng đầu kim hạt sanh Ngô tướng,
Cổn vũ long chương hộ hộ quốc thần.
Dịch nghĩa:
(Lúc bình sinh), áo vàng cưỡi trên đầu voi, là Tướng đánh đuổi giặc Ngô,
(Khi hóa đi), trên mình khoác áo Long Cổn, là Thần bảo vệ đất nước.
1770 năm đã trôi qua, biết bao đổi thay của lịch sử trên đất nước chúng ta nhưng những giá trị về sử liệu viết về cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu và hình ảnh người con gái diễm lệ, kiên trung bất khuất, ngồi trên đầu voi với trang phục đẹp đẽ đánh đuổi kẻ thù xâm lược vẫn còn in đậm mãi trong tâm khảm mỗi người dân, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam. Sức sống trường tồn của cuộc khởi nghĩa này đánh dấu bước trưởng thành của phong trào đấu tranh vũ trang giành độc lập của nhân dân ta đương thời; tiếp tục chứng minh vai trò khả năng to lớn của người Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, sáng ngời trong lịch sử dựng nước, giữ nước thần kỳ của Việt Nam. Ý thức độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam trên con đường hình thành, phát triển, đã được tôi luyện và trưởng thành trong những thử thách khốc liệt nhất, mà tiêu biểu là khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 và tiếp theo là cuộc khởi nghĩa Bà Triệu năm 248. Tinh thần quật cường bất khuất mãi được tiếp nối và âm ỉ nung nấu trong lòng mỗi người dân đất Việt, để rồi có dịp bùng lên, biến thành bão táp quét sạch ngoại xâm, giành lại chủ quyền dân tộc, khai sáng kỷ nguyên độc lập, tự chủ của Việt Nam ở thế kỷ X./.
TS Phạm Văn Tuấn
Chú thích:
(1) Trung Quốc Thông Sử, Quách Chấn Đại, Trương Thiếu Mai (chủ biên), xuất bản năm 2001, TS. Nguyễn Hữu Tâm, Viện Sử học Việt Nam dịch.
(2) TS. Nguyễn Hữu Tâm, Viện Sử học dịch.
(3) Lịch sử Việt Nam, từ khởi thủy đến thế kỷ X, Đỗ Văn Ninh (chủ biên), Sđd, tr. 283.
(4) Nam Việt chí, dẫn theo Trung Quốc thông sử, Quách Chấn Đạc, Trương Tiếu Mai chủ biên. TS. Nguyễn Hữu Tâm, Viện Sử học dịch.
(5) Việt sử lược, Trần Quốc Vượng phiên dịch và chú giải, Nxb.Văn Sử Địa, H, 1960, tr.24.
(6) Lê Tắc, An Nam chí lược, Viện Đại học Huế, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Huế, tr.148.
(7) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb.Khoa học xã hội, H, 1998, tr.167-168.
(8) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Sđd, tr.167-168.
(9) Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb.KHXH, H, 1997, tr.88.
(10) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 1, Nxb.Giáo Dục, H, 1998, tr.142.
(11) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 1, Sđd, tr.143.
(12) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2 (tái bản lần thứ hai), Nxb.Thuận Hóa, Huế, 2006, tr.339.
(13) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2 (tái bản lần thứ hai), Sđd, tr.378-379.
(14) Lê Đình Toái và Phạm Ngô Cát, Đại Nam quốc sử diễn ca, Tựa và Dẫn của Hoàng Xuân Hãn, Nxb.Sông Nhị, Hà Nội, 1952, tr.70-71.
(15) Hương Nao, Vương Duy Trinh và các tác phẩm của ông, xuthanhnet.wordpress.com, 1-03-2012