10 sự kiện di sản văn hóa Việt Nam 2019

Tạp chí Thế giới Di sản trân trọng giới thiệu 10 sự kiện di sản văn hóa tiêu biểu năm 2019 do Tạp chí bình chọn.

1. Nhiều hoạt động Kỷ niệm 50 năm thực hiện Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên khắp cả nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu khởi thảo Di chúc ngày 10-5-1965 và hoàn thành vào tháng 5-1969. Được xếp hạng bảo vật quốc gia, Di chúc của Người là sự kết tinh tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại; chứa đựng những giá trị lý luận - thực tiễn vượt thời gian; là sự tiên liệu những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. 50 năm qua, Di chúc của Người vẫn còn nguyên những giá trị và đang được Đảng, nhân dân ta tích cực thực hiện trong quá trình xây dựng đất nước. 

2. Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Vào hồi 15 giờ 23 phút ngày 12 tháng 12 năm 2019 giờ địa phương (3 giờ 23 phút ngày 13 tháng 12 năm 2019 theo giờ Việt Nam), tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại Bogotá, thủ đô nước Cộng hòa Colombia, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

3. Hội An được bình chọn là thành phố tuyệt vời nhất thế giới, được Google đưa lên trang chủ; Lễ kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới diễn ra với nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa.

4. Hà Nội chính thức trở thành thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Ngày 30-10-2019, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã ký Quyết định công nhận 66 thành phố trên thế giới tham gia ứng cử chính thức gia nhập vào mạng lưới Các thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó có thành phố Hà Nội (lĩnh vực Thiết kế). Tham gia mạng lưới Các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội.

5. Hai chùa Việt Nam được đưa vào danh sách Kiến trúc Phật giáo đẹp nhất thế giới.

Chùa Trấn Quốc (Hà Nội) và Thiền viện Tổ Đình Bửu Long  (TP. Hồ Chí Minh) được Tạp chí Mỹ Natinonal Geographic đưa vào danh sách 20 kiến trúc Phật giáo đặc sắc nhất thế giới.

National Geographic là Tạp chí uy tín của Mỹ,  ra mắt lần đầu năm 1888, có độ phủ sóng trên toàn thế giới với gần 40 phiên bản ngôn ngữ khác nhau.

6. Lăng Tự Đức trong Quần thể Di tích Cố đô Huế đã trở thành di sản văn hóa đầu tiên xuất hiện trong Dự án Di sản mở (open Heritagae) do Tổ chức Nghệ thuật và Văn hóa Google (Google Arts & Culture) phối hợp với CyArk thực hiện.

Nhân ngày Di sản Thế giới 18-4, Google Arts and Culture mở rộng Di sản Mở (Open Heritage) bằng việc bổ sung thêm vào nền tảng này một bộ sưu tập các câu chuyện về những di tích đang có nguy cơ biến mất trên toàn thế giới. Với dự án này, Lăng Tự Đức trở thành di sản đầu tiên của Việt Nam được đưa vào bộ sưu tập những di tích quý để Google Arts and Culture giới thiệu tới toàn thế giới. Đúng 15h ngày 18-4, phiên bản số hóa 3D Lăng Tự Đức chính thức cùng với phiên bản 3D của 29 di sản nổi tiếng thế giới khác được ra mắt công chúng toàn cầu.

7. UNESCO thông qua Hồ sơ kỷ niệm 650 năm ngày mất của danh nhân Chu Văn An (1292-1370)

Ngày 16-4-2019, khóa họp Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 206 tại Paris, Pháp đã thông qua danh sách các hồ sơ để đề nghị Đại hội đồng UNESCO ra Nghị quyết cùng kỷ niệm các sự kiện, nhân vật kiệt xuất do các quốc gia đề cử. Tại khóa họp này, hồ sơ kỷ niệm 650 năm ngày mất của danh nhân Chu Văn An cùng với 48 hồ sơ khác, được lựa chọn từ 71 hồ sơ do 41 quốc gia đề cử, đã được thông qua. 

8. Cuộc “di dân lịch sử” khỏi Kinh thành Huế.

Sau nhiều năm đợi chờ, hàng ngàn hộ dân “sống treo” ở khu vực 1 di tích Kinh thành Huế được tỉnh Thừa Thiên-Huế di dời đến khu tái định cư để bảo tồn, tu bổ di tích. Cuộc di dân này được đánh giá là “có một không hai” trong lịch sử địa phương.

9. Phú Thọ yêu cầu dừng cướp phết khi Lễ hội phết Hiền Quan đang diễn ra.

Trong ngày đầu của Lễ hội phết Hiền Quan (xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, Phú Thọ) ngày 16-2 (12 tháng Giêng), người tham gia lễ hội đã lao vào cướp phết, gây rối an ninh trật tự, không tuân theo kịch bản và phương án đã được phê duyệt. Các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ và huyện Tam Nông đã yêu cầu BTC dừng tục cướp phết trong ngày chính hội, ngày 17-2 (ngày 13 tháng Giêng). Đây được coi là bài học hữu ích về công tác tổ chức, quản lý và thực hành lễ hội cho các địa phương trên cả nước.

10. 15 năm thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

Ngày 14-12, tại Hà Nội, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập (2004-2019). Tại buổi Lễ này, Hội DSVH Việt Nam đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Di sản Văn hóa Việt Nam (đợt 2).

Hội Di sản Văn hóa Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tự nguyện của công dân và tổ chức Việt Nam đã và đang hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa và tâm huyết với di sản văn hóa. Mục đích hoạt động của Hội là tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.

                                                                                                    TGDS

 

5 vấn đề nóng” về di sản văn hóa tạo sự chú ý của dư luận trong năm 2019

1. Bức tranh bảo vật quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc” bị hư hỏng gióng lên hồi chuông báo động về cách ứng xử thô bạo, thiếu hiểu biết về các tác phẩm nghệ thuật.

“Vườn xuân Trung Nam Bắc” được vẽ khoảng 1969 đến 1988 trên chất liệu sơn mài, mô tả không khí ngày xuân, hình ảnh thiếu nữ ba miền trong trang phục truyền thống trẩy hội; tác phẩm được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2012. Năm 1991, UBND TPHCM mua bức tranh tặng Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM ký hợp đồng với một nghệ nhân sơn mài để vệ sinh tác phẩm. Do không hiểu biết về nghệ thuật hội họa sơn mài nên đã sử dụng nước rửa chén và bột cho giấy ráp 2000 can thiệp quá mức khi làm vệ sinh về mặt bức tranh, làm cho tác phẩm bị hư hại. Phương án sửa chữa bức tranh thế nào, thậm chí có nên làm hay không vẫn là những vấn đề còn có ý kiến trái chiều trong giới chuyên môn, họa sĩ sơn mài.

2. Thông tin Nhà thờ Bùi Chu sẽ được hạ giải để đại tu đã làm “nóng” các trang báo và mạng xã hội về một công trình 134 năm tuổi.

          Nhà thờ Bùi Chu thuộc xã Xuân Ngọc (Xuân Trường, Nam Định) bắt đầu được xây dựng năm 1884, bởi Giám mục người Tây Ban Nha Wenceslao Onate Thuận. Công trình được tu sửa hai lần năm 1974 và 2000. Thông tin Nhà thờ Bùi Chu sẽ được hạ giải vào ngày 13-5 để đại tu đã làm “nóng” các trang báo và mạng xã hội. Ngày 10-5-2019, Tổng đại diện, Trưởng Ban Xây dựng Nhà thờ chính tòa Bùi Chu đã ký văn bản thông báo về việc tạm hoãn hạ giải Nhà thờ Bùi Chu. Trong một diễn biến tiếp theo, theo phân công của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Viện Bảo tồn di tích đã gửi báo cáo đề xuất Bộ VHTTDL hai phương án trùng tu Nhà thờ Bùi Chu. Theo ông Micheal Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Hà Nội, UNESCO cảm nhận được sự trân trọng, tỉ mỉ, lòng thành kính lớn lao của cộng đồng với nhà thờ. UNESCO bày tỏ sự ủng hộ với phương án giữ lại những kết cấu kiến trúc quan trọng của nhà thờ cũ trong công trình mới của Nhà thờ Bùi Chu và đưa thêm gợi ý rằng nhà thờ có thể làm thêm một bảo tàng để trưng bày hiện vật, kể lại câu chuyện của nhà thờ cũ. Tuy nhiên, ngày 1-6-2019, nhóm tác giả kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư, bảo tồn di sản (Thuộc Save Heritage VietNam - Bảo vệ Di sản Việt Nam, viết tắt SHV) đã gửi Thư ngỏ tới bà Audrey Azouley, Tổng Giám đốc UNESCO và ông Micheal Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, cho rằng phát biểu của ông Micheal Croft có khả năng gây hiểu nhầm, có nguy cơ ảnh hưởng đến các công trình tôn giáo của Việt Nam nói riêng và các di sản nói chung. Từ đó nhóm tác giả hy vọng UNESCO có văn bản trả lời cũng như tìm ra giải pháp tốt nhất cho công trình di sản có giá trị đặc biệt này. Ngày 10-7-2019, trên Báo điện tử Nguoidothi.net.vn (Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam) đăng tải bài viết: Phá dỡ nhà thờ Bùi Chu: Báo cáo kiểm định mới chưa đủ tin cậy, của một nhóm tác giả. Từ một số lập luận, nhóm tác giả này cho rằng, các số liệu khảo sát kiểm định mà Viện Bảo tồn di tích trình Bộ VHTTDL chưa được thực hiện đúng quy định pháp luật nên không có giá trị pháp lý, do vậy, các phương án đề xuất của Viện cũng không có đủ cơ sở để xem xét đánh giá.

3. Trùng tu bằng cách “xây mới” bờ kè Di tích Hộ Thành Hào (Kinh thành Huế).

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt Dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế” với tổng mức đầu tư hơn 1.280 tỉ đồng. Trong đó, có hạng mục “Tu bổ, tôn tạo hệ thống kè Hộ thành hào” có tổng chiều dài gần 20km (gồm 2 mặt hào). Phương án tu bổ là “Bảo tồn nguyên trạng những đoạn kè còn tốt; hạ giải, tu bổ, phục hồi những đoạn kè bị hư hỏng nặng; gia cố, tu bổ những đoạn kè hư hỏng vừa và nhỏ”. Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung là đơn vị thi công. Tuy nhiên, trong thời gian mới tu bổ chỉ tầm 1 km bờ kè từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài vào tháng 4-2019, dư luận đã bức xúc cho rằng đơn vị thi công đã đưa các phương tiện cơ giới phá bờ kè gốc của hào nước sau đó xây kè gần như mới bằng bê tông, cốt thép. Ngay sau đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẩn trương cho dừng và rà soát vụ việc. Ngày 17-7-2019, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện công tác đánh giá lại chất lượng, tình trạng kĩ thuật toàn tuyến kè Hộ thành hào; tham vấn các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử, khảo cổ học, bảo tồn di tích, đề xuất điều chỉnh biện pháp thi công (nếu cần thiết). Đồng thời, có phương án tái sử dụng vật liệu gốc hợp lí, bảo đảm đúng nguyên tắc, quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; thông tin dự án theo đúng quy định trước khi tiếp tục triển khai và có báo cáo định kì quá trình tổ chức thực hiện dự án. Đồng thời, giao Bộ VHTTDL kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện và yêu cầu chủ đầu tư có báo cáo theo từng giai đoạn thực hiện cụ thể của dự án. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức họp xử lý, khắc phục một số hạn chế tồn tại, thiếu sót trong quá trình thi công. Kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm những đơn vị liên quan để xảy ra sai sót trong quản lý, thi công dự án...

4. Di sản ở Hà Giang trở thành điểm nóng vì các sai phạm diễn ra tại Mã Pì Lèng, Lũng Cú, Đồi Cao.

Ngày 3-10, mạng xã hội xôn xao bài đăng tải kêu gọi hãy cứu lấy đỉnh Mã Pì Lèng. Chỉ một ngày sau khi đăng tải, bài đăng đã nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ và sự quan tâm của dư luận. Theo đó, một khách sạn 7 tầng đã được xây dựng trái phép trên đỉnh Mã Pì Lèng (Mèo Vạc). Sau khi báo chí phản ánh,UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành có liên quan kiểm tra. Ngày 8-10, UBND tỉnh Hà Giang có Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ. Bộ VHTTDL cũng có Công văn thống nhất quan điểm và phương hướng giải quyết của UBND tỉnh Hà Giang liên quan đến công trình Panorama, đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật; tham vấn ý kiến chuyên gia để có giải pháp khắc phục phù hợp theo hướng: Cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho khách du lịch với quy mô, kiến trúc phù hợp, không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn toàn cảnh, đảm bảo an toàn, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, không gây tác động tiêu cực đến môi trường, phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc ở Hà Giang; đồng thời phải thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án theo đúng quy định của pháp luật trước khi triển khai thực hiện... Công trình Panorama trên Mã Pì Lèng đã tạm dừng hoạt động kinh doanh vào sáng 14-10-2019 trong khi chờ các chỉ đạo của cấp trên, nhưng vẫn mở cửa cho khách du lịch vào nghỉ chân, ngắm cảnh, chụp ảnh hẻm Tu Sản. 

Sau công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama Mã Pì Lèng phá vỡ cảnh quan ở huyện Mèo Vạc, Hà Giang lại hâm nóng dư luận vì cho phép bạt núi ở hai dự án: Khu Du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng CúThang máy ngắm cảnh, tham quan Di tích Đồn Cao. Theo Bộ VHTTDL, Dự án Khu Du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú đề xuất sử dụng một phần diện tích đất thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ của Di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú và Dự án Thang máy ngắm cảnh, tham quan Di tích Đồn Cao nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Di tích Phố cổ Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Vị trí của hai Dự án này nằm trong lòng Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO ghi danh trong danh mục Công viên địa chất toàn cầu năm 2010. Hai dự án này đã triển khai mà chưa tuân thủ Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu Du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, đến năm 2030. Bộ VHTTDL đề nghị UBND tỉnh Hà Giang tuân thủ đúng các nội dung tại 2 Quy hoạch nêu trên; tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành trong việc thực hiện Dự án này cũng như các Dự án có liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói chung.

Ngày 18-11, Văn phòng Chính phủ cho biết vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý thông tin báo chí nêu hàng loạt công trình dự án xây dựng sai phép, xâm phạm các di sản miền núi như: Nhà hàng trên đỉnh Mã Pì Lèng, thang máy ở Đồng Văn, khu du lịch tâm linh Lũng Cú (Hà Giang) trạm dừng chân trái phép trên đèo Đại Ninh (Bình Thuận)… Những công trình, dự án này có nhiều sai phạm như chưa được cấp chứng nhận đầu tư, chưa được cấp phép xây dựng, nằm trong vùng bảo vệ di tích nhưng vẫn xây dựng khi chưa có ý kiến của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, xây dựng trên đất rừng... Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, nghiên cứu, xử lý.

5. Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối bị xâm phạm

Ngày 23-4-2019, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 1470/QĐ-BVHTTDL về việc thăm dò, khai quật khảo cổ, trong đó cho phép Sở VHTT TP Hà Nội và Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật Di chỉ Vườn Chuối (bao gồm di chỉ Vườn Chuối, di chỉ Rền Rắn và di chỉ Mỏ Phượng), xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Ngày 22-10 đoàn khai quật tại di chỉ Vườn Chuối đã có cuộc hội thảo công bố kết quả khai quật khảo cổ học sơ bộ, đề xuất phương án bảo vệ. Thế nhưng trong ngày 4 - 5.11, đơn vị thi công đã cho máy ủi cào bằng 90% diện tích gò Mỏ Phượng, 50% gò Rền Rắn, khu Vườn Chuối bị đào trộm nhiều hố. Hiện tượng đào trộm cổ vật xảy ra ở di chỉ Vườn Chuối diễn ra một cách công khai sau khi đoàn khai quật khảo cổ vừa dừng khai quật. Ngày 6-11, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) và Viện Khảo cổ học tiếp tục kiểm tra hiện trạng khảo cổ; đánh giá mức độ di sản bị xâm hại. Ngày 12-11, Sở VHTT Hà Nội có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội về giải pháp bảo vệ di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối. Sở VHTT thống nhất với nội dung đề nghị của Viện Khảo cổ học tại văn bản số 370/TTr-KCH; Sở VHTT sẽ phối hợp Viện Khảo cổ học có văn bản gửi UBND huyện Hoài Đức về việc đưa 6.000 m2 phía Đông di chỉ vào khu vực bảo vệ, làm cơ sở triển khai các công việc tiếp theo; tiếp tục khai quật phần còn lại để nghiên cứu. Sở VHTTcũng đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo chủ đầu tư các dự án tại khu vực Vườn Chuối có biện pháp bảo vệ di chỉ; chỉ đạo UBND huyện Hoài Đức phân công các đơn vị thường xuyên bảo vệ, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi đào trộm cổ vật. Trường hợp thấy có khả năng có di tích hoặc di vật, cổ vật, chủ dự án phải tạm ngừng thi công và thông báo kịp thời cho UBND huyện Hoài Đức, BQL Di tích Danh thắng Hà Nội để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bộ VHTTDL cũng đã có văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đưa di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối vào danh mục kiểm kê di tích của thành phố Hà Nội, tiến hành lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích để bảo vệ theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; Chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch mở đường 3.5 tránh ra khỏi khu vực di chỉ Vườn Chuối theo kết quả khai quật khảo cổ; Yêu cầu UBND huyện Hoài Đức, chủ đầu tư dự án, đơn vị thi công có biện pháp bảo vệ di chỉ trong quá trình thi công, đảm bảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan văn hóa theo dõi và dừng thi công khi phát hiện di tích theo đúng quy định tại Khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội có văn bản yêu cầu các đơn vị tổ chức khảo sát, xác định vị trí, ranh giới, diện tích chính xác ba khu di chỉ Vườn Chuối, Dền Rắn và Mỏ Phượng (huyện Hoài Đức) để có phương án bảo tồn phù hợp. UBND TP giao Sở VHTT chủ trì, phối hợp với các Sở: Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường cùng UBND huyện Hoài Đức và các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, xác định vị trí, ranh giới, diện tích chính xác ba khu di chỉ gò Vườn Chuối, gò Dền Rắn và gò Mỏ Phượng; trên cơ sở xác định vị trí, ranh giới, diện tích chính xác, đối chiếu với bản đồ quy hoạch khu vực, các đơn vị đề xuất phạm vi khảo cổ, phương án bảo tồn, khai quật di dời thích hợp từng địa điểm, bảo đảm vừa bảo tồn di sản vừa phát triển bền vững. Các đơn vị phối hợp Sở Tài chính đề xuất kinh phí thực hiện đúng quy định, báo cáo UBND thành phố trước ngày 30-3-2020.

TGDS

 

 

 

 

 

Top