Tục thờ trống đồng và Di tích thờ thần đồng cổ ở Đan Nê - Thanh Hóa

Ngay từ thời Hùng Vương dựng nước, trống đồng đã trở thành vị thần tối linh, để rồi sang đến các đời Lý, Trần, Lê – Nguyễn, truyền thống ấy vẫn được bảo lưu như một nét văn hóa vô cùng tốt đẹp trong đời sống cộng đồng, tạo nên sức mạnh lớn lao trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Cho đến nay, ít nhất đã có tới ba địa phương, với các di tích và cụm di tích khác nhau, có liên quan trực tiếp tới thờ thần đồng cổ, đó là Hà Nội với các di tích đền Đồng Cổ ở Đông Xã và cụm di tích ở Nguyên Xá. Ở Vĩnh Phúc có các dấu tích thờ thần đồng cổ ở quanh núi Tam Đảo và ở Thanh Hóa, có các di tích thờ thần đồng cổ ở Đan Nê và Mỹ Đà. Tôi sẽ có dịp giới thiệu tổng quan hay lần lượt các di tích, nhưng bài viết số này, xin tập trung ở đền đồng cổ Đan Nê (Thanh Hóa) -  nơi được xem là quê hương của văn hóa Đông Sơn, của trống đồng.

Di tích Đan Nê nằm trên độ cao 19m, so với mực nước biển, phân bố trong một thung lũng hẹp, thuộc phạm vi ba trái núi đá - dân gian gọi là Tam Thai hay núi Đồng Cổ, thuộc phía Bắc thôn I, làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Đền dựng theo hướng Tây Nam, gồm nhiều đơn nguyên: nghi môn - hồ bán nguyệt - sân tiền đường - chính tẩm - hậu cung - nhà cầu.

Kiến trúc nghi môn theo kiểu tò vò bằng đá khối, kích thước mỗi viên 0,55m x 0,30m x 0,2m, được ghép với nhau để thành cổng cuốn vòm, giống cổng Thành nhà Hồ. Niên đại nghi môn khoảng thế kỷ 18 - 19 (cuối Lê - đầu Nguyễn). Chiều rộng cổng 3m, vòm cao 4m, sâu 4m. Trên vòm cuốn là vọng lâu 2 tầng, 8 mái được xây bằng gạch bìa thời Lê – Nguyễn, ngói lợp mũi hài.

Cổng đền Đồng Cổ (Ảnh: TL)

Nghi môn có mặt bằng gần vuông, kích thước 3,75m x 3,06m, tường cuốn 4 cửa vòm, theo 4 hướng. Những cối đá còn lại trên tường mách bảo về một bộ cửa gỗ vững chắc xưa kia, nay không còn.

Phía trước đền là hồ bán nguyệt, được xây dựng trên cơ sở tự nhiên của thung lũng Tam Thai. Ven hồ có nhiều cổ thụ tỏa bóng, tạo vẻ uy nghi tĩnh mịch cho không gian đền.

Phía trước tiền đường là sân đền, có hai dãy nhà của 6 “phe” trong làng, dùng làm nơi nghỉ ngơi, chờ đợi trong những ngày tế lễ. Ở dãy nhà của phe bên trái, dành một gian thờ ông Nguyễn Văn Giai và Trịnh Minh Lương. Hai ông có nhiều công lao với dân, với nước. Chung quanh đền có tường vây kín, có cổng hậu.

Nhà tiền đường kết cấu 5 gian, kiến trúc theo kiểu chồng diêm, hai tầng mái. Các vì kèo bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài, tường đầu hồi xây gạch. Trong đền có các bức chạm Long - Ly - Quy - Phượng - hoa lá. Tiền đường có hương án, một số đồ tế khí, là nơi cử hành đại tế. Ở đây cũng đặt bàn thờ Nhị vị tôn công.

Qua tiền đường là chính tẩm, ba gian, kết cấu giáp mái với tiền đường. Ở đây, các vì kèo làm bằng gỗ lim, chạm trổ đẹp. Chính tẩm là nơi đặt Long Ngai, Bài Vị của thần và một chiếc trống đồng.

Liền kề chính tẩm có hai gian nhà dọc nối liền chính tẩm với hậu cung. Kiến trúc nhỏ, đơn giản vì chức năng của nó đơn giản chỉ là che nắng, mưa khi khách chiêm bái đi từ chính tẩm vào hậu cung.

Sau cùng là hậu cung, lưng dựa vào vách núi. Nơi đây thờ đá trắng cao hơn 1m, hình dáng như một Linhga. Nó được đặt trên một tảng đá lõm giữa như một Yooni. Đó là tục thờ có liên quan tới tín ngưỡng phồn thực, mà sách “Tam Thai sơn linh tích” ở đền này gọi là đá âm - dương.

Trống đồng thờ tại Thượng điiện đền Đồng Cổ (Ảnh: TL)

Những di vật tiêu biểu của ngôi đền này dường như đã được phục hồi lại. Tuy nhiên, những chi tiết trong sử cũ đã được tôn trọng, với tinh thần của một ngôi đền thờ trống đồng. Đáng chú ý là tấm biển gỗ của Tuyên công Nguyễn Quang Bàn - em Vua Quang Trung, quan đặc sai đốc trấn Thanh Hóa viết vào năm Nhâm Tuất, niên hiệu Bảo Hưng 2 (1802), với nội dung ca ngợi cảnh đẹp nơi phụng thờ thần Đồng cổ. Tài liệu có nhắc đến việc đền này, trước đây có trống đồng, nhưng lúc Tuyên công đến thì trống đã mất, không còn biết sự tích ra sao, sau này ông mang chiếc trống đồng tìm thấy ở bờ Nam, tặng vào miếu. Nguyễn Quang Bàn đã có ý thức tìm hiểu trống đồng khá kĩ: đo đạc, đánh giá kỹ thuật chế tạo, thử âm thanh… Ngoài ra, trong đền còn lưu giữ cuốn “Tam Thai sơn linh tích” của Lam Kiều Nguyễn Nhật Sáng với những ghi chép tỉ mỉ về quá trình xây dựng, tu bổ. Ở đây cũng còn lại một tấm bia cổ, dựng năm Thịnh Đức 4 (1656) thời Vua Lê Thần Tông (1649 -1662) với nội dung ca ngợi cảnh đẹp non nước Tam Thai do ông Nguyễn Văn Giai biên soạn. Năm 2006, Quỹ Việt Nam - Thụy Điển phát triển văn hóa cùng nhân dân địa phương đã công đức hai chiếc trống đồng phục dựng, mô phỏng loại I Heger làm đồ thờ tự.

Trước khi trùng tu, tôn tạo ngôi đền Đồng cổ, năm 2007, các nhà khảo cổ học địa phương đã phối hợp với Viện Khảo cổ học, khai quật Khu Di tích này với diện tích 138,5m2. Qua các hố khai quật, đã phát hiện ra các lớp văn hóa giai đoạn lịch sử, chủ yếu thuộc thời Hậu Lê và Nguyễn. Lớp văn hóa tiền – sơ sử phía dưới là khu di tích cư trú – mộ táng thời Đông Sơn, cách đây hơn 2000 năm. Các di tồn giai đoạn tiền - sơ sử phát hiện được khá phong phú, gồm đồ gốm, đồ sắt, đồ đá. Đó là những rìu, bôn, bàn mài,  công cụ cuội nguyên, công cụ ghè đẽo, mảnh vòng… Các di tồn giai đoạn Hậu Lê và Nguyễn là những nền móng kiến trúc, các vật liệu kiến trúc bằng đá và đất nung tương đối dày đặc và phong phú, có liên quan nhiều tới ngôi đền Đồng cổ thời đại ấy.

Công trình kiến trúc trong đền (Ảnh: TL)

Kết quả khai quật năm 2007 cho hay, Đan Nê là một vùng văn hóa cổ. Cư dân đã lập nghiệp ở đây từ khá sớm, hơn 2000 năm trước. Việc ghi chép đền Đồng cổ có từ thời Lý – Trần, dấu tích khảo cổ học không, hoặc chưa thể khẳng định, theo đó, rất có thể, ngôi đền này, vào thời Lý – Trần mới ở quy mô nhỏ, được cất dựng bằng tre, nứa, nay không còn vết tích. Giai đoạn Hậu Lê là đậm đặc và quy mô nhất.

Giới thiệu kết quả khai quật một cách tóm lược, chúng tôi muốn đưa ra một nhận xét rằng, đền Đồng cổ có mối quan hệ với cư dân Đông Sơn ở vùng đất này và nó phát triển đến thời Lý – Trần – Lê -  Nguyễn, rồi tồn tại đến ngày nay như một truyền thống văn hóa của cư dân bản địa. Tuy nhiên, sự hoành tráng, quy mô của nó, phải đến thời Hậu Lê – Quang Trung, phản ánh đúng vị thế của ngôi đền này đã được ghi trong sử sách, bia ký và những tài liệu văn hóa dân gian.

Quanh đền Đồng cổ Đan Nê còn nhiều câu chuyện liên quan tới văn hóa phi vật thể, những lễ hội và hoạt động của cộng đồng, nhưng bài viết ngắn này không thể bao chứa hết, mong những người quan tâm, khách hành hương hãy một lần về đây để trải nghiệm qua một bài giới thiệu còn hết sức đơn sơ như thế này.

Phạm Hồng Hải

Top