Tập huấn triển khai Chương trình hỗ trợ bảo vệ di sản văn hóa cộng đồng
Toàn cảnh buổi Tập huấn triển khai Chương trình hỗ trợ bảo vệ di sản văn hóa cộng đồng
ThS Nguyễn Đức Tăng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa cho biết, buổi tập huấn được tổ chức với mục tiêu hỗ trợ các cộng đồng nắm giữ, thực hành di sản nhận diện di sản văn hóa phi vật thể và những thách thức trong quá trình bảo vệ hướng đến sự phát triển bền vững. Đây cũng là dịp để cộng đồng tham gia có cơ hội nâng cao năng lực trong việc bảo vệ di sản văn hóa, vừa là cơ hội để cộng đồng có thể tự giới thiệu, chia sẻ thông tin cũng như mở rộng các cơ hội hợp tác và kết nối.
ThS Nguyễn Đức Tăng phát biểu tại Chương trình
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - đại diện Hội đồng Anh tại Việt Nam phát biểu tại Chương trình
Rất nhiều ý kiến đã được trao đổi, thảo luận, chia sẻ trực tiếp tại Chương trình từ những người đại diện cho cộng đồng, tập trung về những vấn đề đang đặt ra như: phát triển di sản bền vững, mở rộng thị trường cho những sản phẩm địa phương, phát triển và quản lý du lịch di sản, và các vấn đề xuyên suốt như bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, tính xác thực về văn hóa, quyền sở hữu địa phương và ra quyết định... trong công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa.
Rất nhiều ý kiến đã được trao đổi, thảo luận, chia sẻ trực tiếp tại Chương trình từ những nghệ nhân đại diện cho cộng đồng
Nghệ nhân trẻ Nguyễn Công Đạt chia sẻ với Chương trình Dự án “Phục hồi nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu (Thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương”. Theo đó, nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu đã xuất hiện tại Hải Dương đến nay đã được gần 600 năm. Tuy nhiên, giống với đa số các nghề truyền thống khác, nghề in khắc mộc bản ở Thanh Liễu cũng đối mặt với nguy cơ mai một. Những nghệ nhân làng Thanh Liễu đang cố gắng gìn giữ và tiếp nối nghề của cha ông để lại, thông qua việc nhận khôi phục các mộc bản cổ, phục chế các ván in cổ, khắc mới kinh sách Phật giáo theo lối cổ cho các ngôi chùa như chùa Trăm Gian (Hải Dương), chùa Cổ Loan (Ninh Bình), chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)... Các nghệ nhân của làng còn nhận khắc in tranh mộc bản, thập vật, phù bùa, ấn triện cho thầy Pháp, Thanh đồng; khắc in tranh dân gian cho các nhà sưu tập, người yêu văn hóa, phục vụ các hoạt động trải nghiệm... Hay Nghệ nhân Đặng Văn Hậu chia sẻ về hành trình bảo tồn và phát triển nghề con giống bột Xuân La; Nghệ nhân Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ về Dự án “Phôtvoice – Ghi lại văn hóa địa phương của người Thái ở bản Hoa Tiến (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An)...
TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng DSVH quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam chia sẻ về những tiêu chí nhận diện di sản, những người bảo vệ di sản cũng như những thuận lợi, thách thức trong quá trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản tại cộng đồng
Theo TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng DSVH quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, tiêu chí để nhận diện di sản văn hóa phi vật thể phải là di sản đang tồn tại, đang sống trong cộng đồng; được cộng đồng sáng tạo, duy trì và chuyển giao từ đời này sang đời khác; được cộng đồng xem là một phần quan trọng trong đời sống tạo nên bản sắc của họ; và di sản đó phản ánh sự đa dạng văn háo và tôn trọng lẫn nhau giứ các cộng đồng và nhóm người.
TS Lê Thị Minh Lý cũng chỉ ra đội ngũ những người bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, cách thức để đảm bảo sự tham gia của cộng đồng cùng những thách thức trong quá trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản tại cộng đồng.
“Đại chúng hóa di sản, thể thao hóa các trò diễn tâm linh; hoành tráng hóa, hiện đại hóa di sản, kỷ lục Guinness hay hiện tượng hành chính hóa, du lịch hóa di sản là những thách thức mà cộng đồng và đội ngũ những người bảo vệ di sản đang gặp phải...” - TS Lý nhấn mạnh.
Từ chia sẻ của các chuyên gia, cộng đồng được trang bị kiến thức nhận diện, lựa chọn di sản để giới thiệu. Thực hành kỹ năng ghi, thu, biên tập, kết nối hình ảnh, âm thanh, lời giới thiệu để hình thành các câu chuyện kể về đời sống văn hóa các dân tộc bằng cách nhìn của chính họ. Mặt khác, Chương trình tập huấn cũng trang bị cho các học viên nhiều kỹ năng nhằm tự phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng nơi cư trú như: nhận diện, phân tích, lựa chọn để giới thiệu các di sản văn hoá mà chính họ là chủ thể. Trong đó, nổi bật nhất là kỹ thuật photovoice - cộng đồng tự kể các câu chuyện văn hóa của chính mình…
Được biết, trong năm 2025, Chương trình hỗ trợ 9 nhóm dự án trên khắp cả nước:
1. Tổ chức lớp tập huấn “Nâng cao kỹ thuật dệt - may” cho thợ dệt thổ cẩm Buôn Buôr, xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột;
2. Nâng cao năng lực cho phụ nữ Hmong ở Pà Cò, Mai Châu, Hòa Bình từ kỹ thuật thủ công truyền thống;
3. Kỹ thuật dệt truyền thống “Tằm Hục Màn” của người Thái Dọ tại các bản làng người Thái, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An;
4. Sưu tầm và lưu trữ truyện cổ các dân tộc Chăm, Thái, Khmer, Tày ở Bình Thuận, Điện Biên, Sóc Trăng và Thái Nguyên;
5. Nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu (thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương);
6. Phát triển du lịch cộng đồng làng Tà Lài (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai);
7. Văn hóa địa phương của người Thái ở Hoa Tiến (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An);
8. Trao truyền nghệ thuật chạm khắc vật dụng thiêng bằng kim loại trong nghi lễ cho thế hệ trẻ Chăm (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận);
9. Nghề làm Hoa giấy Thanh Tiên (huyện Phú Vang, thành phố Huế).
Bài và ảnh: Hoàng Vân