Tái hiện tổ hợp Hang đá trên đường Trường Sơn trong không gian trưng bày chuyên đề “Khúc ca hòa bình”
Hoạt cảnh tái hiện câu chuyện về công tác cứu hộ 8 thanh niên xung phong tại đường 20 Quyết Thắng thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bị mắc kẹt trong hang đá vào năm 1972 khiến nhiều người xem xúc động
Không gian trưng bày “Khúc ca hòa bình” gồm 3 nội dung: Tất cả cho tiền tuyến, Mở đường thống nhất và Đất nước trọn niềm vui.
Nội dung "Tất cả cho tiền tuyến" đưa người xem về những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc, dốc toàn lực chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”, hàng triệu thanh niên với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã lên đường chiến đấu, để lại sau lưng hoài bão tuổi trẻ và những ước mơ còn dang dở. Trong phạm vi trưng bày giới thiệu một số tư liệu, hình ảnh thể hiện nhiệt huyết của những thanh niên tham gia phong trào “Ba sẵn sàng”.
Nội dung thứ hai là "Mở đường thống nhất", trong kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã giành được nhiều thắng lợi quân sự quan trọng. Từ năm 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã tạo bước ngoặt lớn, chuyển chiến tranh cách mạng miền Nam sang thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Chiến địch Đường 9 - Nam Lào, Chiến dịch Trị - Thiên và nhiều chiến dịch khác đã tạo thế và lực mới cho cách mạng miền Nam Việt Nam. Tháng 12/1972, Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” giành thắng lợi, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ký kết Hiệp định Paris. Hiệp định Paris, tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, là tiền đề để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Một số tư liệu và hiện vật tại Trưng bày
Nội dung thứ ba mang tên "Đất nước trọn niềm vui" với những tư liệu, hình ảnh về thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng góp phần quan trọng làm thay đổi thế và lực trên chiến trường miền Nam, tạo điều kiện để đẩy mạnh cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giành thắng lợi. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đã quyết định đặt tên cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã giành thắng lợi hoàn toàn, kết thúc cuộc kháng chiến cứu nước lâu dài, gian khổ trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam. Trên khắp phố phường ngập tràn sắc đỏ cờ hoa.
Tái hiện tổ hợp Hang đá trên đường Trường Sơn
Điểm nhấn trong không gian trưng bày là tái hiện tổ hợp Hang đá trên đường Trường Sơn. Những hiện vật được giới thiệu trong trưng bày là minh chứng cho câu chuyện của những con người đã đi qua chiến tranh với tất cả lòng dũng cảm, niềm tin và nỗi nhớ. Khi đứng trước những hiện vật ấy, ta như nghe được tiếng vọng từ quá khứ, nhắc nhở rằng hòa bình hôm nay là sự đánh đổi bằng máu xương, nước mắt của biết bao thế hệ đi trước.
Ngoài ra, hoạt cảnh tái hiện câu chuyện về công tác cứu hộ 8 thanh niên xung phong tại đường 20 Quyết Thắng thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bị mắc kẹt trong hang đá vào năm 1972 khiến nhiều người xem xúc động.
Ông Lê Văn Tuyên, Hội Cựu Thanh niên xung phong quận Thanh Xuân, Hà Nội, xúc động bày tỏ: "Nhìn hình ảnh, hiện vật, lại xem hoạt cảnh tái hiện câu chuyện về công tác cứu hộ tám thanh niên xung phong tại đường 20 Quyết Thắng bị mắc kẹt trong hang đá, tôi vô cùng xúc động, không cầm được nước mắt. Chiến tranh đã lùi xa, tôi mong thế hệ trẻ phấn đấu học thật tốt, vững bước trên con đường bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước”.
Trưng bày “Khúc ca hòa bình” sẽ diễn ra đến hết ngày 31/5/2025 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bài và ảnh: Quỳnh Hương