Tham dự sự kiện có đại diện lãnh đạo Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội đồng Quản lý Quỹ, Cục Di sản Văn hóa Việt Nam, Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Bộ VHTTDL), ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, đại diện các cơ quan, nhà trường có liên quan cùng nhiều chuyên gia và các nhà sáng tạo nội dung.
TS Nguyễn Thị Thu Hường - Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam và ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc TikTok Việt Nam ký văn bản hợp tác.
TS Nguyễn Thị Thu Hường và ông Trịnh Ngọc Chung - Điều hành Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Bộ VHTTDL) ký văn bản hợp tác.
TS Nguyễn Thị Thu Hường và ông Cao Minh Thắng - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông CDIT ký văn bản hợp tác.
Đại diện các bên ký kết hợp tác chụp ảnh lưu niệm
Tại sự kiện, các bên đã ký kết nhiều văn bản hợp tác, tập trung vào các sáng kiến: Chiến dịch hashtag challenge #DiSanVietNam trên TikTok, kêu gọi cộng đồng sáng tạo nội dung về di sản nước nhà; Trải nghiệm di sản bằng công nghệ thực tế ảo (VR), giúp người dùng khám khá các địa danh, bảo tàng và tác phẩm nghệ thuật thông qua không gian số; Chuyến đi thực tế cùng các nhà sáng tạo nội dung để ghi hình và quảng bá di sản địa phương trên nền tảng TikTok.
Thay mặt Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam, TS Nguyễn Thị Thu Hường - Phó Giám đốc Quỹ, đã lần lượt ký kết các văn bản hợp tác với Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Bộ VHTTDL), Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông CDIT, TikTok Việt Nam.
Ông Tô Văn Động - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ, Giám đốc Quỹ phát biểu tại sự kiện
Ông Tô Văn Động - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ, Giám đốc Quỹ khẳng định: Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa là tổ chức được thành lập với sứ mệnh hỗ trợ bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam tới cộng đồng. Quỹ không chỉ tập trung bảo vệ những giá trị truyền thống, lâu đời mà còn không ngừng tìm kiếm các giải pháp mới để đưa di sản văn hóa hòa nhập vào dòng chảy phát triển của thế giới hiện đại. Việc bảo tồn di sản văn hóa cần sự chung tay đồng lòng của cả cộng đồng, Quỹ đảm nhận vai trò là cầu nối quan trọng gắn kết các tầng lớp trong xã hội, từ các nhà quản lý, các chuyên gia văn hóa đến các doanh nghiệp, cá nhân, kêu gọi sự đồng lòng hợp tác để cùng chung tay thực hiện các giải pháp sáng tạo, đổi mới nhằm bảo vệ và phát huy giá trị sản văn hóa dân tộc.
“Trong kỷ nguyên mới, chúng ta có cơ hội lan tỏa di sản văn hóa đến nhiều người hơn, vượt qua rào cản không gian và thời gian. Quỹ khởi động Chương trình Đổi mới và Bảo tồn di sản trong thế giới số nhắm tập trung đưa các giá trị di sản lan tỏa trong không gian số, từ đó tiếp cận gần hơn với cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ...” - ông Tô Văn Động nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Lâm Thanh phát biểu tại sự kiện
Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc TikTok Việt Nam, chia sẻ: “TikTok tự hào khi được đồng hành trong hành trình bảo tồn và tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam, đưa di sản dân tộc đến gần hơn với thế hệ trẻ trong kỷ nguyên số. Thông qua nền tảng TikTok, chúng tôi tin rằng, thế hệ trẻ sẽ là những người góp phần lan tỏa giá trị di sản một cách mạnh mẽ, kết nối quá khứ với hiện tại và truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng trong nước cũng như quốc tế”.
Trong khuôn khổ chương trình, còn có buổi toạ đàm với chủ đề “Công nghệ, giới trẻ và di sản” với sự tham gia chia sẻ của các diễn giả uy tín, bao gồm đại diện TikTok Việt Nam, đại diện Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, đại diện Viện công nghệ Thông tin và Truyền thông CDIT, đại diện gương mặt trẻ nổi bật.
Các diễn giả tham gia Toạ đàm: “Công nghệ, giới trẻ và di sản” (Từ phải sang): Ông Nguyễn Lâm Thanh; TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam; TS Nguyễn Đức Hoàng - Giảng viên Học viện Bưu chính Viễn thông Việt Nam ; ca sĩ Hà Myo.
Các diễn giả cùng thảo luận về cách đưa di sản đến gần hơn với giới trẻ, khơi dậy tình yêu di sản trong thế hệ mới và khai thác tiềm năng của công nghệ, nền tảng số trong việc kết nối giới trẻ với văn hóa truyền thống. Tọa đàm cũng mang đến những góc nhìn mới mẻ, giải pháp sáng tạo giúp lan tỏa giá trị di sản qua nội dung trực tuyến, từ đó xây dựng một cộng đồng trẻ đam mê văn hóa, chủ động tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản Việt Nam.
Cũng trong chương trình, những người yêu di sản được khám phá, chiêm ngưỡng bộ sưu tập tranh Di sản Việt Nam, là những tác phẩm xuất sắc lưu giữ những khoảnh khắc, câu chuyện đầy cảm xúc về vẻ đẹp và giá trị di sản văn hóa của đất nước; được tận mắt chiêm ngưỡng những bảo vật, vật phẩm quý hiếm có giá trị văn hoá, lịch sử lớn.
Các đại biểu dự sự kiện chụp ảnh lưu niệm
Tiết mục hát Xẩm của nhóm Xẩm 48H
Đặc biệt, khách mời còn được sử dụng kính thực tế ảo (Virtual Reality Glasses – VR) để trải nghiệm hình ảnh 3D của các di sản nổi bật như đình, chùa, hoặc các tác phẩm hội họa cổ, khám phá các bảo tàng ảo, khám phá sinh động về di sản qua bộ thẻ flash di sản tích hợp công nghệ thực tế ảo (AR)… mang lại trải nghiệm mới lạ, chiêm ngưỡng di sản văn hóa truyền thống với công nghệ hiện đại cho cảm nhận thêm gần gũi và thú vị hơn.
Bài và ảnh: Hoàng Quỳnh Hương