Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp là Di sản Văn hóa Thế giới

Vào hồi 13 giờ 02 phút ngày 12 tháng 7 năm 2025 (giờ Paris), tức 18 giờ 02 phút ngày 12 tháng 7 năm 2025 (giờ Việt Nam), tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) diễn ra từ ngày 06 đến 16 tháng 7 năm 2025 ở Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp, Giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria) - Chủ tịch Kỳ họp đã chính thức gõ búa công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc (thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Văn hóa Thế giới. Đây là Di sản thế giới thứ 9 ở Việt Nam được UNESCO công nhận và là Di sản thế giới liên tỉnh thứ 2 ở Việt Nam, cùng với Di sản thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng).

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới theo các tiêu chí (iii) và (vi).

Tiêu chí (iii): Là sự kết hợp hài hòa giữa Nhà nước, tôn giáo và cộng đồng nhân dân được phát triển từ vùng đất quê hương miền núi Yên Tử, đã tạo ra một truyền thống văn hóa độc đáo có ý nghĩa toàn cầu, định hình bản sắc dân tộc, thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực rộng lớn hơn.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là minh chứng đặc biệt về Phật giáo Trúc Lâm, một truyền thống Thiền độc đáo của Việt Nam được thành lập vào thế kỷ XIII bởi các vua nhà Trần, hoàng gia và các nhà tu hành thông tuệ, đặc biệt là Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị quân chủ duy nhất được biết đến ở châu Á đã từ bỏ vương vị để trở thành một nhà tu hành, có công khai sáng nên một dòng Thiền mang đậm triết lý nhân sinh, cốt cách Việt Nam. Tích hợp Phật giáo Đại thừa với Nho giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng bản địa, Phật giáo Trúc Lâm đã góp phần định thành nền tảng tinh thần của quốc gia Đại Việt, tạo động lực cho sự trỗi dậy của một quốc gia tự chủ, tự cường, đồng thời thúc đẩy đối thoại văn hóa, tinh thần hữu nghị hòa bình giữa các dân tộc. Trong suốt nhiều thế kỷ, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc luôn là nơi có vai trò quan trọng trong việc thực hành, trao truyền và lan tỏa, sáng tạo văn hóa. Tinh thần khoan dung, sáng tạo của Phật giáo Trúc Lâm đã truyền cảm hứng và giá trị nhân bản cho cộng đồng trong nước và quốc tế.

Tiêu chí (vi): Phật giáo Trúc Lâm là một minh chứng có ý nghĩa toàn cầu về cách thức một tôn giáo, xuất phát từ nhiều tín ngưỡng, bắt nguồn và phát triển từ quê hương Yên Tử, đã ảnh hưởng đến xã hội thế tục thúc đẩy một quốc gia mạnh mẽ, bảo đảm hòa bình và hợp tác khu vực.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc liên quan trực tiếp đến sự sinh thành và lan tỏa giá trị sáng tạo, nhân văn của Phật giáo Trúc Lâm. Việc liên tục tổ chức các nghi lễ, lễ hội, hoằng dương Phật pháp và hành hương đến các điểm di tích - cả ở Việt Nam và các tổ chức Phật giáo Trúc Lâm quốc tế - chứng minh sự liên quan toàn cầu bền vững của triết lý nhân sinh, giá trị sống, tinh thần cộng đồng xã hội, sống hài hòa với thiên nhiên, yêu chuộng hòa bình và lòng nhân ái.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc thể hiện đầy đủ truyền thống Phật giáo Trúc Lâm, từ việc thành lập tại vùng núi thiêng Núi Yên Tử được chứng minh trong các đền cổ, di tích khảo cổ, đến di tích Chùa Vĩnh Nghiêm và Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc; và sự hệ thống hóa các triết lý thể hiện qua các văn bia, di vật liên quan và thực hành nghi lễ. Các di tích này cung cấp đầy đủ đại diện về các chiều kích lịch sử, tinh thần và địa lý của Phật giáo Thiền Trúc Lâm, thể hiện rõ quá trình hình thành, phát triển, mối quan hệ bền vững của các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu trong các không gian lịch sử, văn hóa.

Yên Tử được mệnh danh là kinh đô của Phật giáo Việt Nam. Ảnh: Báo Quảng Ninh 

Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, với Phật giáo Trúc Lâm làm cốt lõi - được thành lập vào thế kỷ XIII bởi các vua nhà Trần, đặc biệt là vai trò của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Phật giáo Trúc Lâm đã sáng tạo nên nhiều giá trị, đóng góp đặc biệt, bền vững cho di sản văn hóa và tinh thần của nhân loại. Bắt nguồn từ cảnh quan núi thiêng Yên Tử, Phật giáo Trúc Lâm đại diện cho một hệ thống triết lý và tinh thần khoan dung, vị tha của Phật giáo. Phật giáo Trúc Lâm cũng là minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo Đại thừa với đạo đức Nho giáo, vũ trụ quan Đạo giáo và tín ngưỡng bản địa Việt Nam. Các giá trị tư tưởng, văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm hoàn toàn phù hợp với mục tiêu cơ bản của UNESCO trong việc duy trì, làm phong phú các giá trị chung của nhân loại: Giáo dục, xây dựng văn hóa hòa bình; tinh thần tự chủ, kết hợp hài hòa giữa con người và thế giới tự nhiên, tôn trọng quy luật của tự nhiên.

Thông qua các đền thờ, am thất, tuyến hành hương, bia đá, mộc bản và các di tích được bảo tồn nghiêm cẩn phân bố trên một không gian rộng lớn từ Yên Tử đến Vĩnh Nghiêm và Côn Sơn - Kiếp Bạc, di sản phản ánh đầy đủ các giai đoạn phát triển của Phật giáo Trúc Lâm: từ việc thành lập và thể chế hóa đến sự phục hưng và tiếp tục lan tỏa giá trị sáng tạo, nhân văn. Các điểm di tích này, được hình thành từ nhiều thế kỷ trước đây, luôn thể hiện sự phát triển tiếp nối, đóng vai trò là trung tâm tôn giáo, văn hóa tâm linh, là điểm đến hành hương của hàng triệu du khách mỗi năm.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc bao gồm hệ thống di tích thuộc các di tích quốc gia đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng (gồm: Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Khu di tích Nhà Trần ở Đông Triều, Chùa Vĩnh Nghiêm, Chùa Bổ Đà, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương), các di tích quốc gia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng (Chùa Thanh Mai…) và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội truyền thống trong khu vực… cùng cảnh quan với hệ thống núi rừng và không gian văn hóa Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc sẽ được bảo vệ lâu dài, bền vững và phát huy giá trị theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và Công ước 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới của UNESCO.

P.V