“Tôi về. Về nhẹ nhàng, trầm lặng”.
Mùa thu năm 1946, trên chiến hạm Dumont d’Urville, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước, mang theo hành trang quý giá không chỉ là bản dự thảo Hiệp định chưa kịp ký kết, mà còn là niềm tin được nhen lên nơi những trí thức Việt kiều đã lựa chọn đi theo Người. Họ là những bác sĩ, kỹ sư từng được trọng vọng ở châu Âu, lẽ ra có thể sống yên ổn trong danh vọng và tiện nghi cá nhân. Nhưng họ đã chọn về Việt Nam, một đất nước nghèo đói, tan hoang sau chiến tranh để cống hiến và dựng xây. Với họ, trở về không chỉ là một chuyến đi, mà là hành trình trở về với dân tộc, với lý tưởng phụng sự đất nước.
Trong số những người từ Pháp theo Bác Hồ về nước có bác sĩ Trần Hữu Tước. Ông tốt nghiệp Đại học Y khoa Paris năm 1937, là một bác sĩ Tai mũi họng nổi tiếng từng được mời hợp tác giảng dạy, điều trị tại nhiều bệnh viện ở Pháp. Nhưng khi nghe tin nước nhà độc lập, ông đã không đắn đo: “Năm 1945, được tin Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà độc lập, một niềm hân hoan tuyệt đối đã đến với tôi… Tôi vẫn nhớ những ngày tháng được gặp Bác. Cho nên tôi về. Về nhẹ nhàng, trầm lặng”(1).
Chiến hạm Dumont d’Urville đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh và các trí thức trở về nước, tháng 9/1946
Bác sĩ Trần Hữu Tước không đơn độc. Cùng chuyến tàu còn có kỹ sư Võ Quí Huân, kỹ sư mỏ Võ Đình Quỳnh và kỹ sư Phạm Quang Lễ (sau này mang tên Trần Đại Nghĩa). Từ bỏ mức lương tương đương 22 lượng vàng, kỹ sư Phạm Quang Lễ chỉ có một mong muốn tột bậc duy nhất là “được trở về Tổ quốc cống hiến hết năng lực và tinh thần”(2). Trường hợp của kỹ sư Võ Quí Huân lại đặc biệt hơn cả: Ông tốt nghiệp ba bằng kỹ sư (cơ điện, đúc và kỹ nghệ chuyên nghiệp), đang là kỹ sư trưởng tại nhà máy nghiên cứu sản xuất máy bay và đã yên bề gia thất. Khi ông quyết định về nước, bà Irène - vợ ông đang đi bảo vệ luận án tiến sĩ ở thành phố khác. Mặc dù trong lòng lo lắng và day dứt khôn nguôi, nhưng ông đành gửi con gái hai tuổi cho bạn giữ hộ với lời hẹn vài ba tháng sẽ trở lại. Không ngờ, đó là cuộc chia ly mãi mãi của gia đình ông.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Việt Nam tại Pháp 1946 (kỹ sư Võ Quí Huân ngoài cùng, phải)
Trên chuyến tàu trở về, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò: Đất nước còn nghèo, kháng chiến gian khổ, mọi thứ đều thiếu. Nhưng Người tin tưởng rằng những kiến thức các trí thức mang về sẽ góp phần bù đắp những thiếu thốn ấy. Nhìn ánh mắt tin yêu của Bác, ai cũng hiểu điều quý giá nhất không nằm trong hành lý, mà chính là trí tuệ và tấm lòng của họ dành cho Tổ quốc.
Từ giảng đường đến rừng sâu kháng chiến
Không chỉ những nhà khoa học theo Bác Hồ về nước năm 1946, nhiều trí thức đang sống và làm việc tại Hà Nội hay những đô thị phồn hoa cũng đã lựa chọn dứt khoát: Bỏ hết vinh hoa để “lên rừng” khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. “Chúng tôi bỏ hết nhà cửa sang trọng, tiện nghi để đi theo tiếng gọi vào rừng”(3) - Giáo sư Tôn Thất Tùng, bác sĩ tài hoa từng là giảng viên Đại học Y Đông Dương, đã chia sẻ quyết tâm của mình.
Chung chí hướng với GS Tôn Thất Tùng, cả gia đình GS Nguyễn Văn Huyên và GS Hồ Đắc Di cũng cùng một lựa chọn. Trong cuốn hồi ký Để tâm hồn được thanh thản GS Hồ Đắc Di nhớ lại: “Rừng núi hoang vu, nhìn quanh chỉ thấy một màu xanh rợn, tưởng chừng chỗ nào cũng đầy muỗi sốt rét, thú dữ. Mùi lá mục ẩm ướt bốc lên. Trên cỏ cây, hàng đàn vắt vươn vòi chực hút máu… Cả một vùng hoang vu, trơ trọi một ngôi nhà”. Tuy vậy, họ vẫn giữ niềm tin, chữa bệnh bằng những phương tiện thô sơ, dạy học không cần bảng đen và nghiên cứu trong những căn nhà tranh.
Ba gia đình GS Tôn Thất Tùng, GS Hồ Đắc Di, GS Nguyễn Văn Huyên tại chiến khu Việt Bắc, 1948
Năm 1947, khi chiến sự lan rộng và thực dân Pháp ráo riết truy lùng các cơ quan đầu não của kháng chiến, gia đình ba Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di và Tôn Thất Tùng đã cùng nhau lên đường tản cư về Chiêm Hóa theo yêu cầu của cách mạng. Trong một đợt càn quét gắt gao của địch tại Tuyên Quang, cả ba gia đình với hơn chục con người, trong đó có nhiều trẻ nhỏ buộc phải ẩn náu tại một khu rừng hẻo lánh. Họng súng địch chỉ cách nơi họ trú ẩn vài bước chân. Bất kỳ một âm thanh nào cũng có thể dẫn đến tai họa khôn lường.
Giữa khoảnh khắc im lặng nghẹt thở ấy, tiếng khóc bất chợt của cậu con trai út mới hơn hai tuổi của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên vang lên. Không chút do dự, ông bất ngờ vung tay tát con, một cái tát thật mạnh khiến đứa trẻ sững lại, nín bặt. Và rồi, kỳ diệu thay, toán lính đi qua mà không phát hiện ra bất kỳ dấu vết nào. Sau này, người thân vẫn nhắc lại khoảnh khắc ấy như một minh chứng cho sự bình tĩnh, quả cảm và đặt lợi ích của đất nước lên trên tất cả của vị Bộ trưởng. Đó là lần duy nhất trong đời ông dùng đến bạo lực với con. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, cái tát không phải vì giận dữ, mà là một hành động cứu sinh. Nhờ sự quyết đoán ấy, ba gia đình an toàn và quan trọng hơn, ba trí tuệ lớn tiếp tục đồng hành cùng đất nước trong chặng đường trường kỳ kháng chiến.
Những người trở về muộn nhưng đầy quyết tâm
Lời kêu gọi nhân tài giúp nước của Bác Hồ từ năm 1946 vẫn tiếp tục lay động hàng nghìn trái tim trí thức Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Chiến khu Việt Bắc là điểm mà các nhà khoa học, trí thức yêu nước tìm về. Sau khi hoàn tất nghiên cứu vi trùng học tại Nhật Bản, năm 1949 GS Đặng Văn Ngữ đã tìm mọi cách để về Việt Nam, từ cảng Yokohama (Nhật Bản) ông đáp tàu thủy sang Bangkok (Thái Lan), sang Lào rồi đi bộ vượt dãy Trường Sơn về nước, đem theo vốn tri thức quý báu để xây dựng ngành y học thực nghiệm Việt Nam.
Cũng trong năm 1949, GS Lê Văn Thiêm - người Việt Nam đầu tiên nhận bằng tiến sĩ toán học tại Pháp - rời Paris bay đến Bangkok, rồi từ Bangkok bộ hành qua Campuchia về rừng U Minh, khu 9 miền Nam tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1950, theo sự điều động của chính phủ, ông lại vượt Trường Sơn ra Việt Bắc chuẩn bị thành lập Trường Khoa học cơ bản và Trường Sư phạm cao cấp trung ương. Ông đã đặt nền móng cho ngành Toán học Việt Nam hiện đại, sáng lập Viện Toán học, các trường chuyên toán và đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất sắc.
Còn hàng trăm nhà khoa học, trí thức khác mà bài viết chưa điểm hết tên. Dù mỗi người một hoàn cảnh: người đang học, người đã thành danh, người đang sống trong điều kiện lý tưởng… nhưng điểm chung là họ đều chọn trở về vào thời điểm đất nước đang chiến tranh khó khăn. Họ trở về không phải vì lời hứa hẹn danh lợi, mà vì họ được chạm tới một lý tưởng cao đẹp - từ phong cách lãnh đạo giản dị, sâu sắc và chân thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có người chỉ gặp Bác một lần, có người chỉ đọc một bức thư nhưng đều cảm nhận được ở Người một niềm tin mãnh liệt. Họ trở về, bởi họ không thể đứng ngoài khi đất nước đang cần. Họ trở về vì họ tin: tri thức phải phục vụ nhân dân, phải kiến tạo một xã hội nơi người Việt có thể tự chủ vận mệnh bằng chính khối óc của mình.
Sự trở về và hòa mình vào kháng chiến của các nhà khoa học không chỉ để lại công trình, bài giảng, hay sáng chế mà đã để lại một di sản vô giá: tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến và niềm tin bền bỉ vào giá trị trí tuệ Việt. Họ sống giản dị, họ hy sinh, nhưng chưa bao giờ từ bỏ lý tưởng. Như ông Đặng Nhật Minh con trai của GS Đặng Văn Ngữ đã viết: “Cha tôi đã chia sẻ đến tận cùng số phận của đất nước, của nhân dân mình cho đến khi ông ngã xuống trên rừng Trường Sơn dưới mưa bom B-52, như bất cứ người lính nào đã ngã xuống trên dải đất này vì sự nghiệp cao cả và thiêng liêng của Tổ quốc”(4).
* *
*
Từ những phòng thí nghiệm sơ sài trong rừng, những lớp học di động, những công binh xưởng dã chiến... những trái tim rực lửa yêu nước ấy đã từng bước xây nên nền móng đầu tiên cho các ngành mũi nhọn của khoa học Việt Nam: y học, vật lý, toán học, quân sự quốc phòng, luyện kim... Hôm nay, trong thời đại toàn cầu hóa, khi nhiều bạn trẻ đứng trước ngã rẽ học xong nên đi hay ở, thì câu chuyện của một “thế hệ vàng” vẫn là ánh sáng soi đường. Và nếu hôm nay Việt Nam đã và đang dần khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thế giới ở một số lĩnh vực y tế, khoa học tự nhiên… thì đó là nhờ những hạt giống mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gieo bằng trái tim và bằng cả niềm tin.
TS Trần Bích Hạnh
Lê Thị Phương Chi
(1) Phạm Mạnh Hùng (Chủ biên), Trần Hữu Tước - Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Y học, Hà Nội, 2013
(2) Nguyễn Văn Đạo, Ba nhà khoa học kiệt xuất, Nxb Lao động, 2006.
(3) Phỏng vấn GS Tôn Thất Tùng, 1981 do hãng Open Vault (Pháp) thực hiện. https://www.youtube.com/watch?v=pV_yrqqkGFE
(4) Hàm Châu, Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại - Một số chân dung, Nxb Trẻ, 2014, Trang 380.