Lễ hội hoa anh đào

Hoa anh đào - Sakura được tôn vinh là quốc hoa của xứ sở Phù Tang. Đặc điểm của hoa là rơi trong khi còn đương độ tươi thắm. Hoa anh đào tượng trưng cho tinh thần võ sĩ đạo - samurai. Cây hoa anh đào đem tặng được xem như biểu tượng hòa bình của đất nước Nhật Bản với các quốc gia khác trên thế giới.

Lễ hội hoa anh đào còn được gọi là Hanami theo tiếng Nhật, nghĩa là “ngắm hoa”, là phong tục truyền thống của Nhật Bản, nghệ thuật thưởng thức vẻ đẹp của hoa anh đào vào mùa xuân. Được coi là quốc lễ và là nét đẹp không thể thiếu trong văn hóa Nhật Bản, lễ hội hoa anh đào bắt đầu từ khoảng cuối tháng 3 đến đầu tháng 4. Hoa anh đào trên khắp nước Nhật đồng loạt nở rộ trong khoảng 2 tuần rồi tàn nên thời điểm này được xem là thời điểm đẹp nhất để thưởng thức vẻ đẹp của hoa anh đào và cảm nhận không khí mùa xuân đang đến gần. Khắp nơi đâu đâu cũng thấy những tán hoa anh đào nở rộ, bừng sáng cả một khoảng trời, từng đợt gió thổi qua khiến muôn vàn cánh hoa anh đào chao lượn trong gió tạo nên một cảnh sắc đẹp lãng mạn, rung động lòng người. Hoa anh đào tượng trưng cho sự thanh khiết, mong manh và trong trắng. Tục lệ chơi và ngắm hoa anh đào được hình thành từ thời Nara, bắt đầu bằng việc một số quân thần mang cành hoa đang nở dâng Thiên Hoàng nhân dịp đầu xuân. Nhưng phải đến đầu thế kỉ XVII thời Edo, hoa anh đào mới được trồng phổ biến tại các công viên tạo thành các Satora-Kura- làng hoa anh đào, nơi thường diễn ra các lễ hội hoa anh đào cho đến ngày nay.

Khi mùa xuân về, hoa anh đào nở rộ trên khắp đất nước Nhật, đâu đâu cũng diễn ra những lễ hội ngắm hoa, nhất là ở các đô thị lớn như Tokyo, Osaka, Yokohama...Chỉ tính riêng Tokyo đã có 21 điểm chính thức được tổ chức lễ hội hoa anh đào tại các công viên lớn như: Công viên Ueno ở quận Taito, Công viên Shinjuku Goen ở quận Shinjuku, Công viên Yoyogi Koen ở quận Harajuku... Đầu tháng 4 hàng năm, tại Tokyo, Chính phủ Nhật chính thức cử hành lễ hội thưởng thức hoa anh đào, họ mời các quan chức, những người có địa vị trong xã hội Nhật và các vị khách quốc tế tới cùng tham dự, đích thân Thủ tướng chủ trì lễ hội này.

Trong tiết trời xuân ấm áp, người dân Nhật thường chọn cho mình những địa điểm trồng nhiều hoa anh đào như công viên, dọc bờ sông để tổ chức dã ngoại, ngắm hoa, trò chuyện, ca hát thâu đêm suốt sáng. Họ thưởng thức những món ăn truyền thống như sushi, cơm hộp bento, uống rượu sake hay một loại rượu thường uống khi ngắm hoa được gọi là Hanamizake.

Do sự khác nhau về khí hậu giữa miền Nam và miền Bắc, nên ở Nhật hoa anh đào nở dần từ phía Nam lên phía Bắc, kết thúc ở 4 hòn đảo ở biển Bắc. Tháng 3 đến, tiết trời ấm dịu là thời điểm hoa anh đào bừng nở khoe sắc từ công viên, trường học cho đến khắp các con phố lớn nhỏ. Có rất nhiều loại hoa anh đào khác nhau với đủ màu sắc: trắng, hồng nhạt, đỏ… Trong khoảng thời gian lễ hội, nhân dân cả nước đều đồng loạt cử hành các hoạt động thưởng thức hoa anh đào, tất cả mọi người, từ người già cho tới các em nhỏ đều đến công viên hoặc một nơi nào đó để thưởng hoa.

Đối với người Nhật, mùa hoa anh đào nở cũng chính là thời điểm một năm tài chính kết thúc, mở ra một năm mới với nhiều hy vọng mới. Chính vì thế đây là thời điểm thích hợp cho việc tụ họp bạn bè, gia đình, người thân, hay đồng nghiệp. Có nhiều cách để thưởng thức hoa. Giống như “rượu ngon phải có bạn hiền” nên đôi khi ngắm hoa phải có cả nhóm bạn tri kỷ, chén tạc chén thù bên gốc cây anh đào mới là vui, song đôi khi chỉ cần một mình rảo bước trên con đường mà hai bên là hai hàng cây anh đào rợp một màu hồng nhạt cũng khiến lòng người trở nên nhẹ nhõm, xao xuyến lạ thường.

Ngắm hoa theo kiểu người Nhật phổ biến nhất là việc người ta sẽ trải những tấm ni-lông dưới gốc cây anh đào và cùng nhau quây quần ăn uống, chuyện trò rôm rả và ngắm hoa. Kiểu hanami này được phép tổ chức trong những công viên có diện tích lớn như Ueno, Inokashira, Koganei… Đồ ăn có thể là những món ăn kiểu Nhật được mua ngay tại các quán nhỏ thường trong công viên, cũng có thể là những hộp bento được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng từ đêm trước hôm đó. Tuy nhiên, để có một chỗ ngồi lý tưởng trong công viên thì lại không đơn giản. Có khi bạn phải lên chuyến tàu sớm nhất trong ngày hôm đó, hoặc thậm chí phải đến từ đêm hôm trước, trải nylon lấy chỗ, chưa kể đến việc có thể sẽ phải mang chăn nệm ngủ qua đêm ở đó để giữ chỗ cho sáng ngày hôm sau.

Ngoài cách thưởng thức hoa truyền thống như trên, người ta có thể tản bộ ngắm những phố hoa anh đào dọc bờ sông hoặc dọc những con đường nhỏ trong công viên. Tản bộ qua những con đường này là cách ngắm hoa phổ biến đối với những đôi bạn bè thân thiết hoặc những cặp tình nhân lãng mạn. Nếu chọn cách ngắm hoa thì nên đi vào thời điểm hoa anh đào vừa qua độ mankai. Khi ấy bạn có thể ngắm được sakura fubuki, hay còn gọi là sakura rơi. Từng làn gió thổi sẽ cuốn theo những cánh hoa nhẹ nhàng, mỏng manh bay lất phất.

Giới trẻ Nhật Bản thường chuộng hình thức bơi thuyền ngắm hoa. Có thể là hai, ba, hoặc bốn người cùng trên một chiếc thuyền, vừa thư thả chuyện trò, vừa thả tầm mắt ngắm sakura hai ven bờ sông. Bên cạnh đó có một kiểu ngắm hoa cao cấp hơn, đó là từng nhóm người lên một con thuyền lớn là loại du thuyền chuyên dùng cho lễ hội hanami. Ở trên du thuyền có thể vừa thưởng thức những món ăn ngon, vừa thong thả chuyện trò và ngắm hoa anh đào. Tuy nhiên, nếu đi theo kiểu này thì du khách cần phải đặt chỗ trước, nếu không thì khả năng hết chỗ là rất cao.

Hoa anh đào không chỉ đẹp về ban ngày, mà còn trở nên lộng lẫy và kiêu sa hơn dưới ánh đèn lấp lánh vào ban đêm. Người ta gọi đây là lễ hội hoa anh đào đêm. Ánh đèn sẽ được chiếu sáng từ những tán hoa anh đào, khác với ban ngày, không gian trở nên huyền hoặc hơn, lãng mạn hơn.

Ngày nay, người dân Nhật Bản tiếp tục truyền thống của hanami độc đáo này, lễ hội không những được tổ chức ở cấp quốc gia tại Nhật mà còn diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới như: Việt Nam, Mỹ, Australia...Đây là dịp để mọi người có thể thưởng thức vẻ đẹp thanh khiết của hoa anh đào cũng như là cơ hội để nước Nhật quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của mình.
 

Thu Hà

Top