Tham dự Lễ có Nhà sử học Lê Văn Lan; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Phạm Tuân - nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp - Quốc phòng (Bộ Quốc phòng); Ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm UB VHXH của Quốc hội; ông Lê Văn Điện, Vụ trưởng Vụ địa phương VP TW Đảng; ông Thang Văn Phúc - Chủ tịch Hội Kỷ lục gia, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; nhạc sĩ Hồ Hữu Thới, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Về phía tỉnh Hưng Yên có ông Nguyễn Tuấn Phong - Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hưng Yên; ông Đỗ Hữu Nhân - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VHTTDL Hưng Yên; các đồng chí lãnh đạo huyện Kim Động và xã Phú Thọ; đại diện các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên và huyện Kim Động…
Phát biểu tại buổi Lễ, đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cho biết, Nhà thờ Tổ họ Phạm Nguyễn có diện tích 235m2, được làm bằng 70m3 gỗ hương Lào (Khối lượng gỗ hương Lào chỉ tính riêng ngôi nhà thờ trên tầng 2) và trang trí, điêu khắc vô cùng độc đáo với các hoạ tiết hoa văn Tùng – Cúc – Trúc – Mai, do doanh nhân Phạm Toàn Thắng cung tiến, đầu tư xây dựng. Với những giá trị đặc biệt trên, Tổ chức Kỷ lục đã chính thức xác lập Kỷ lục độc bản Việt Nam cho ngôi nhà thờ tổ.
Tổ chức Kỷ lục đã chính thức xác lập Kỷ lục độc bản Việt Nam cho ngôi nhà thờ tổ
Ông Trần Văn Mạnh – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay, chia sẻ, sau khi xem xét hồ sơ, tài liệu, Liên hiệp các Hội UNESCO đã thành lập hội đồng thẩm định. Đoàn đã có những chuyến thăm tận nơi, trực tiếp khảo sát, cảm nhận từng góc nhỏ của ngôi Nhà thờ họ Phạm Nguyễn.
Theo đó, về kiến trúc và giá trị nghệ thuật, Nhà thờ họ Phạm Nguyễn là một kiệt tác kiến trúc, được kiến tạo theo lối tân cổ điển, kết hợp hài hòa với nét đẹp truyền thống thờ tự của vùng Bắc Bộ. Sự giao thoa giữa cổ điển và hiện đại, được thể hiện qua từng chi tiết, từ kiến trúc bên ngoài cho tới nội thất bên trong, tạo nên không gian bề thế, đồ sộ, nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp tinh xảo và sang trọng. Mỗi đường nét, mỗi chi tiết của công trình đều được chăm chút tỉ mỉ, thể hiện sự tài hoa và tâm huyết của những người thợ, những người con của dòng họ. Không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn ẩn chứa những ý nghĩa tâm linh sâu sắc, kể lại câu chuyện lịch sử và những giá trị tinh thần của dòng họ.
Về giá trị lịch sử và tâm linh, Nhà thờ họ Phạm Nguyễn không chỉ là một công trình kiến trúc tâm linh, mà còn mang trong mình giá trị lịch sử sâu sắc, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của cụ tổ Nguyễn Thế Mỹ – một vị tướng tài ba dưới triều đại Tây Sơn.
"Căn cứ báo cáo kết quả làm việc tại chỗ và đánh giá của Đoàn khảo sát, của Liên hiệp các Hội UNESCO về Nhà thờ họ Phạm Nguyễn, nhất trí với đề nghị của Hội đồng Bảo trợ Di tích Lịch sử, Văn hóa và Người tài Việt Nam của Liên hiệp các Hội UNESCO, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã quyết định cấp Bằng bảo trợ cho Nhà thờ họ Phạm Nguyễn – Thờ Tướng quân Nguyễn Thế Mỹ - nhà Tây Sơn, là công trình văn hoá tín ngưỡng có giá trị giáo dục truyền thống dân tộc Việt Nam. Đây cũng là việc làm có ý nghĩa, qua đó, khuyến khích tất cả mọi người gìn giữ và bảo vệ cho đời sau những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của cha ông, từ đó góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp” – ông Trần Văn Mạnh nhấn mạnh.
Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, cho biết: Nhà thờ họ Phạm Nguyễn là công trình kiến trúc độc đáo, mang đậm nét văn hóa truyền thống của Việt Nam. Đây không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là nơi giáo dục truyền thống, nơi con cháu có thể học hỏi và kế thừa những giá trị văn hóa tốt đẹp của Tổ tiên. Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giúp lan tỏa những giá trị văn hóa, tinh thần đến với cộng đồng và là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam, là biểu tượng của sự kiên trì, lòng kính trọng và tình yêu dành cho quê hương. Sau khi xem xét hồ sơ, tài liệu và đề nghị của ông Phạm Toàn Thắng, đại diện Gia tộc họ Phạm Nguyễn, chủ quản Nhà thờ họ Phạm Nguyễn, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã thành lập hội đồng thẩm định, đánh giá và thống nhất công nhận hội viên tập thể: Không gian di sản văn hóa cho Nhà thờ họ Phạm Nguyễn.
Đại diện dòng họ, ông Phạm Toàn Thắng bày tỏ lòng cảm ơn tới các cơ quan hữu quan. Ông chia sẻ, những danh hiệu cao quý đạt được hôm nay không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực, tâm huyết của biết bao thế hệ dòng họ trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, mà còn là niềm tự hào, là động lực to lớn để tiếp tục phấn đấu hơn nữa trên con đường bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
“Việc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam công nhận Không gian di sản Di sản Văn hóa Nhà thờ Tổ Phạm Nguyễn là hội viên tổ chức thuộc Hội, Hội Kỷ lục gia Việt Nam tặng Bằng khen Kỷ lục độc bản Việt Nam, Liên hiệp các Hội UNESCO cấp Bằng Bảo trợ di tích văn hóa tâm linh – Nhà thờ họ Phạm Nguyễn, là minh chứng cho thành công của công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị của dòng họ Phạm Nguyễn. Bên cạnh vinh dự và tự hào đó cũng đặt ra những trách nhiệm to lớn, đó là cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, cùng nhaui vun đắp, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống để nhà thờ luôn là biểu tượng của lòng hiếu thảo, tinh thần đoàn kết, là điểm tựa tinh thần vững chắc cho các thế hệ mai sau...” – ông Phạm Toàn Thắng chia sẻ.
Ông Phạm Toàn Thắng, đại diện Gia tộc họ Phạm Nguyễn, chủ quản Nhà thờ họ Phạm Nguyễn, phát biểu tại buổi Lễ
Cũng tại buổi Lễ, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng trao tặng Bằng khen cho ông Phạm Toàn Thắng, đại diện Gia tộc họ Phạm Nguyễn, chủ quản Nhà thờ họ Phạm Nguyễn, vì đã có thành tích trong việc đóng góp xây dựng nhà thờ dòng họ Phạm Nguyễn, đóng góp xây dựng quê hương góp phần xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp hơn, văn minh hơn. Doanh nhân Phạm Toàn Thắng – hậu duệ đời thứ 9 của cụ tổ Nguyễn Thế Mỹ. Dù lập nghiệp xa quê nhưng ông luôn dành những tình cảm đặc biệt hướng về quê hương, bằng những việc làm thiết thực. Không chỉ xây dựng Nhà thờ họ Phạm Nguyễn để tri ân tổ tiên, ông còn tích cực đóng góp vào công tác an sinh xã hội và các hoạt động thiện nguyện tại quê hương.
Hoàng Vân