Độc đáo búp bê Matryoshka
Bộ búp bê Matryoshka đầu tiên do nhà sản xuất búp bê Vasily Zvyozdochkin thực hiện vào năm 1890 theo thiết kế của Sergey Malyutin - một họa sĩ Abramtsevo chuyên vẽ đồ thủ công dân gian sinh sống tại điền trang của S. I. Mamontov. Bộ búp bê này do chính Malyutin vẽ gồm 8 con búp bê. Búp bê ngoài cùng là hình một cô gái trong bộ trang phục truyền thống đang cầm một con gà trống. Những con búp bê nhỏ hơn nằm trong lòng búp bê lớn nhất, là các cô gái và chỉ có một búp bê hình bé trai duy nhất. Búp bê nhỏ nhất là hình một em bé sơ sinh và không rỗng ruột như các búp bê lớn hơn. Zvyozdochkin và Malyutin đã lấy cảm hứng để làm bộ búp bê Matryoshka từ bộ búp bê gỗ Thất phúc thần - 7 vị thần may mắn trong thần thoại Nhật Bản. Năm 1900, vợ của S. I. Mamontov đã mang những con búp bê tới trưng bày tại Triển lãm Universelle ở Paris và giành được Huy chương Đồng tại đây. Ngay sau đó, những con búp bê Matryoshka đã bắt đầu được sản xuất ở nhiều nơi trên khắp nước Nga và được giao hàng trên toàn thế giới.
Matryoshka còn được gọi là búp bê lồng nhau, búp bê làm tổ. Hình tượng búp bê Matryoshka truyền thống thường là các cô gái đeo khăn trùm đầu. Mỗi búp bê Matryoshka được vẽ rất chi tiết, cầu kỳ và thường được làm theo nhiều chủ đề khác nhau. Một bộ búp bê Matryoshka bao gồm những con búp bê làm bằng gỗ có kích thước từ nhỏ đến lớn. Lần lượt, búp bê nhỏ được đặt trong lòng búp bê lớn, búp bê lớn lại được đặt trong lòng búp bê lớn hơn và cứ tiếp tục như thế, con búp bê lớn nhất sẽ chứa đựng tất cả các con búp bê còn lại trong bộ.
Một bộ búp bê Matryoshka thường có ít nhất là 5 con và có những bộ búp bê đặc biệt do các nghệ nhân khéo léo tạo ra với số lượng búp bê lên đến vài chục con. Ngày nay, một bộ búp bê hiện đại thường được làm theo số lẻ nhưng đây cũng không phải là quy tắc tuyệt đối, vì bộ búp bê ban đầu do Zvyozdochkin tạo ra có tất cả 8 con búp bê. Theo truyền thống, con búp bê nhỏ nhất ở lớp trong cùng thường là hình một cô bé con, các con búp bê lớn hơn bao bên ngoài, hình vẽ mô phỏng cô bé trưởng thành dần theo thời gian và búp bê lớn nhất ở lớp ngoài cùng là hình tượng một người phụ nữ. Hình dạng búp bê thường giống như một chiếc bình với phần đầu búp bê hơi tròn và phần thân thuôn bầu; rất ít có chi tiết lồi ra ngoài - ví dụ như búp bê không có tay và thường các nghệ nhân cũng không vẽ hình cánh tay lên bề mặt búp bê.
Các chi tiết trang trí trên búp bê Matryoshka được thiết kế theo một chủ đề cụ thể, thường là các cô gái trong trang phục truyền thống. Các nghệ sĩ hiện đại đã sáng tạo ra nhiều phong cách mới cho búp bê Matryoshka truyền thống. Những chủ đề phổ biến được thể hiện trên búp bê Matryoshka như hoa, lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh, tôn giáo, gia đình, chân dung biếm họa của các chính trị gia nổi tiếng, nhạc sĩ, vận động viên, phi hành gia, diễn viên điện ảnh, động vật... Những búp bê Matryoshka được bố trí theo nguyên tắc khác nhau để đáp ứng mục đích cụ thể - một món quà. Ví dụ như, bên trong búp bê Matryoshka “Cô dâu, chú rể” cũng đồng thời có đủ không gian chứa đựng cả những người họ hàng gần xa và chúng được hoàn thành đúng vào những ngày nhất định. Ngoài ra, loại búp bê này còn được sản xuất để minh họa các câu chuyện cổ tích như “Repka”, “Cá vàng”, “Hoàng tử Ivan”, “Chim lửa” và nhiều truyện khác cũng được búp bê Matryoshka minh họa hết sức sinh động. Búp bê Matryoshka còn được sản xuất để phục vụ những sự kiện đặc biệt, điển hình như nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn N.V.Gogol những con búp bê Matryoshka miêu tả các nhân vật trong các tác phẩm của ông đã ra mắt đông đảo công chúng. Năm 1912, nhân dịp kỷ niệm 100 năm trận đánh Borodino, những búp bê mang hình tượng Kutuzov và Napoleon cũng đã được hoàn tất. Bên trong những con búp bê này là những hình ảnh nhỏ dần của các chiến hữu, thành viên ban tham mưu của hai vị tướng tài ba cùng những người tham dự trận chiến lịch sử này.
Matryoska được làm từ gỗ Bạch dương hoặc gỗ cây lipa. Người thợ làm Matryoshka giỏi phải là người tìm ra được loại gỗ để làm sao khi thành phẩm không để lại những vết xước, những lỗ thủng trên sản phẩm của mình. Con Matryoshka nhỏ nhất luôn được làm trước tiên sau đó mới đến các con khác lớn hơn. Sau đó các con Matryoshka được chuyển đến tay các hoạ sĩ và được trang trí áo sarafan, đội khăn và các bông hoa. Gương mặt mỗi con Matryoshka được vẽ theo một kiểu khác nhau. Có gương mặt buồn, trầm tư, nghiêm khắc, vui vẻ...Có lẽ điều hấp dẫn nhất trong mỗi con Matryoshka bằng gỗ này chính là tính biểu cảm trên mỗi gương mặt. Việc trang trí cho búp bê được các nghệ nhân hết sức coi trọng và nó được xem như là một nghệ thuật, thể hiện trình độ của các nghệ nhân làm búp bê. Chỉ cần nhìn vào mỗi con Matryoshka, người xem có thể cảm nhận được tình cảm mà người nghệ sĩ gửi gắm trong từng con búp bê, sự hài hòa về màu sắc, nghệ thuật trang trí điêu luyện của các hoạ sĩ, tất cả tạo nên một tổng thể hợp nhất, một tác phẩm nghệ thuật đích thực.
Búp bê Matryoshka phong phú không chỉ nhờ các hình vẽ mà cả bởi số lượng búp bê lồng vào nhau. Đầu thế kỷ 20, tại Sergiev Posad, những con búp bê Matryoshka có tới 24 con lồng vào nhau, đến năm 1913 người thợ tiện Nikolai Bulychev đã phá kỷ lục với số lượng búp bê là 48. Nghề làm búp bê gỗ đã mang lại công việc cho nhiều ngôi làng của Nga.
Những năm 1900, búp bê Matryoshka đầu tiên được bán với giá khá đắt nhưng vẫn thu hút được rất nhiều người mua và một số lượng lớn đơn đặt hàng. Việc sản xuất búp bê Matryoshka sau đó nhanh chóng được mở ra khắp vùng Sergiev Posad. Xung quanh Sergiev Posad là những khu rừng, còn ngay tại vùng này có rất nhiều thợ tiện gỗ giàu kinh nghiệm.
Đầu thế kỷ XX, búp bê Matryoshka được xuất khẩu hàng loạt ra nước ngoài. Các hình vẽ trên Matryoshka do đó cũng đẹp hơn và đa dạng hơn. Búp bê Matryoshka ngay lập tức được truyền bá rộng rãi và bắt đầu mở rộng cơ sở sản xuất vượt ra ngoài biên giới Sergiev Posad - tới vùng Semenovsky thuộc tỉnh Nizhegorod. Búp bê tại vùng mới này có những nét giống và những nét khác biệt so với búp bê tại Sergiev Posad. Nếu tại Sergiev Posad, búp bê Matryoshka mũm mĩm và tròn trịa, đầy đặn thì tại các xưởng thủ công ở Semenovsky sản xuất Matryoshka có thân hình cân đối và thon thả hơn, miêu tả hình ảnh người thiếu nữ đẹp, hoạt bát ...
Ban đầu chỉ là một món đồ chơi của trẻ em, búp bê Matryoshka đã được nâng tầm thành một sản phẩm văn hóa đặc biệt, phổ biến trên toàn thế giới như một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Nga, mang đậm tâm hồn Nga, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa và tinh thần không chỉ của người dân Nga mà của tất cả những người yêu đất nước Nga tươi đẹp.
Thu Hà