Di tích Lịch sử Văn Hóa: Nhà thờ Hồ Phi Tích

Nhà thờ họ Hồ Phi Tích cách trung tâm thành phố Vinh - tỉnh Nghệ An 63km về phía Bắc. Đi theo Quốc lộ 1A hướng ra Bắc (Vinh - Hà Nội), đi qua thị trấn Cầu Giát 2km đến ngã ba Quỳnh Hậu, rẽ phải theo đường liên xã, đi khoảng 3km là đến di tích (di tích tọa lạc ở đầu làng thuộc xóm 3, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) là một công trình kiến trúc còn giữ được khá nguyên vẹn kiến trúc cổ kính thời Nguyễn, nơi tôn thờ và tưởng niệm chính Quỳnh Quận Công Hồ Phi Tích - danh nhân lịch sử tiêu biểu đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của quê hương đất nước trong mấy chục năm đầu thế kỷ XVIII. Ngoài ra, còn phối thờ các phu nhân và hậu duệ Hồ Phi Tự, Hồ Phi Huyền.

Theo gia phả của họ Hồ đại tộc xã Quỳnh Đôi cho biết: Hồ Phi Tích là hậu duệ đời thứ 9 của Hồ Kha thuộc trung chi II của dòng họ Hồ đại tộc, tức là chi họ Hồ Phi, một chi họ đời nối đời khoa bảng, trung quân ái quốc. Cha là Hồ Thế Anh (còn gọi là Hồ Sĩ Anh) một người văn chương đức hạnh, thi đậu Giải nguyên hai lần, từng làm Tri huyện, huyện Kỳ Hoa, Hương Sơn, sau giữ chức Tham Chính xứ Thái Nguyên được tặng Thị Lang Bộ Hộ, phong tước Diễm Trạch Hầu. Mẹ là người họ Hồ tên là Từ Đức người làng Bèo Hậu (nay là xã Quỳnh Hậu), huyện Quỳnh Lưu.

Ông Hồ Phi Tích tên húy là Kỳ, sinh ngày 15 tháng 7 năm Ất Tỵ đời Vua Lê Huyền Tông, niên hiệu Cảnh Trị năm thứ 3, tại thôn Quỳnh Đôi, xã Hoàn Hậu, (nay là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Ngay từ nhỏ đã thể hiện là người thông minh mẫn tiệp, có chí khí. Tuổi thơ của Hồ Phi Tích đầy khó khăn vất vả, tuy cha làm quan nhưng là vị quan thanh liêm nên gia cảnh cũng bần hàn. Đặc biệt, là sau khi mẹ mất gia đình càng khó khăn hơn. Hồ Phi Tích đã vượt qua khó khăn để vươn lên học hành đậu đạt và từng bước khẳng định tên tuổi của mình trên con đường học vấn khoa danh.

Năm Giáp Tý, đời Vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hoà năm thứ 5 (1684) ông tham gia kỳ thi Hương và đỗ đầu xứ. Để có tiền trang trải việc học ông đã khăn gói lên đường ra Kinh đô Thăng Long tìm nơi dạy học, trong vòng 12 năm vừa học tập để tiếp tục thi Hội, thi Đình, lại vừa dạy học kiếm tiền, học trò theo học có đến 500 người. Lúc học tại Trường Quốc Tử Giám, ông là một trong bốn học trò đất Quỳnh Lưu thay nhau đứng đầu bảng và được suy tôn là “Quỳnh Lưu tứ hổ”. Năm Đinh Sửu (1697), đời Vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 18, Hồ Phi Tích tham gia thi Hội đậu Giải Nguyên và được bổ dụng làm quan Huấn Đạo phủ Quốc Oai.

Năm Canh Thìn (1700), đời Vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 21, ông tham gia thi Hội đậu Tiến sĩ, tên xếp thứ 7. Vào thi Đình, ông đỗ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp), được bổ nhiệm chức Hàn lâm viện Hiệu lý. Sau 2 năm, ông được bổ làm quan ngoại nhiệm, giữ chức Đốc đồng trấn Hải Dương, An Quảng. Khi về làm Đốc đồng tại đây vì chính sự giản thanh (đường lối làm việc giản dị, không phiền nhiễu nhân dân) mà trộm cắp yên, rồi hợp với Súy Mạc, trước bắt bọn cầm đầu trộm cướp ở đất liền, sau bắt phá giặc bể lập được nhiều công tích đã được Nhà vua ban thưởng. Ông được giao cho 5 đạo thủy binh để giữ gìn An Quảng, cố hết lòng chiêu dụ, nên xa gần đều khâm phục, một giải duyên hải mới được bình yên. Năm Mậu Tý (1708), ông được điều vào Nghệ An, giữ chức Phó Đốc Thị, phụ trách công việc tham mưu quân sự, cùng với Đốc trấn Nghệ An xử lý mọi việc quân, dân ở Nghệ An và Châu Bố Chánh. Năm Kỷ Sửu (1709), ông được điều về Kinh thành làm việc và thăng chức Lại khoa Cấp sự trung.

Năm Tân Mão (1711), đời Vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 7, ông dâng lên Vua một bản điều trần nói về đường lối trị dân bao gồm 8 chương với lý lẽ rành mạch, kế sách ích nước, lợi dân nên được Vua Lê Dụ Tông khen ngợi và ban thưởng cho nhiều bạc và gấm lụa. Sau đó, ông được thăng lên chức Hộ khoa Cấp sự trung.

Năm Quý Tỵ (1713), đời Vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 4 “Trời hạn hán kéo dài, mất mùa dân phải ăn vỏ cây, rễ cỏ, người chết đói đầy đường”. Đặc biệt là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình bị đói nghiêm trọng, ông được cử đi phát chẩn những vùng này. Vào đây, ngoài kho gạo của quốc gia ông còn kêu gọi sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, mở các cuộc quyên góp thóc gạo của nhà giàu cùng với quỹ “nghĩa thương”, được bao nhiêu ông phát chẩn hết cho dân. Mặt khác ông khuyến khích nhân dân trồng cây ngắn ngày để nhanh chóng có cái ăn qua nạn đói. Vì vậy, nạn đói nhanh chóng được đẩy lùi, nhân dân 3 vùng này viết sớ tâu lên Triều đình ân thưởng cho ông xứng đáng là vị “Nhân quan”.

Lãnh đạo sở Văn hóa và huyện Quỳnh Lưu trao Bằng Di tích cấp quốc gia mộ và nhà thờ Hồ Phi Tích

Năm Ất Mùi (1715), ông được nhân dân 4 huyện, châu thuộc Nghệ An, Bố Chánh tường thuật lại những việc làm của ông trong đợt đi phát chẩn vừa qua và ca ngợi ông là vị quan thanh liêm, cần cán, giỏi chính sự nên ông được vào hầu Vua và được phong Cấp Trị Phiên Ngụ Dân Lộc rồi thăng Đại Lý Tự Khanh. Năm Đinh Dậu (1717), ông được thăng chức Ngự Sử Đài Thiêm Đô Ngự Sử, lúc nhận chức thì lấy liêm mà răn mình, lấy công mà xử sự, khi xét xử một việc gì cũng lấy lẽ công bằng tránh điều oan khuất, nên ông được nhiều người tin yêu.

Năm Tân Sửu (1721), đời Vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Bảo Thái năm thứ hai ông được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc. Với tài ngoại giao sắc sảo và trí tuệ uyên bác, Hồ Phi Tích đã chứng minh cho Vua Khang Hy nhà Thanh thấy được nước Nam: Trong thì yên ổn, lễ nhạc thì rõ ràng, đầy đủ, ông được Vua nhà Thanh khen ngợi và trọng thưởng. Sau khi đi sứ về, ông được thăng lên chức Lại bộ Tả thị lang, tước Quận Công. Bằng trí tuệ, đạo đức của một nhà ngoại giao kiệt xuất, Hồ Phi Tích đã thắt chặt thêm tình nghĩa bang giao giữa nhà Lê và nhà Thanh lúc bấy giờ. Ông là một trong 2 sứ thần là người con xuất sắc của dòng họ Hồ ở đất Quỳnh Đôi được Vua Khanh Hy ca ngợi.

Năm Ất Tỵ (1725), đời Vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Bảo Thái năm thứ 6, Hồ Phi Tích được cử lên Tuyên Quang, Hưng Hoá gặp viên quan Phái Ủy của nhà Thanh là Phan Doãn Mẫn để điều tra khảo sát địa giới. Trước đó hai châu Vị Xuyên và Thủy Long bị Tổng trấn Vân Nam xâm chiếm, ta trình với Vua nhà Thanh và được nhà Thanh cho quan Ủy Sai đến hội khám. Thực hiện chuyến đi này vượt qua bao gian nan khổ ải, đường xa thế núi hiểm trở, hơi lam chương khí nhưng ông vẫn kiên trì để chứng minh cho quan Ủy Sai nhà Thanh thấy được thực chất đây là vùng đất của nước Nam. Sau chuyến đi này nhà Thanh phải chấp nhận trả lại mỏ đồng Tụ Long cho ta và cắm lại các mốc biên giới chấm dứt sự tranh chấp giữa đôi bên.

Năm Đinh Mùi (1727), ông được cử vào Nam phân giải cương giới bờ cõi, sau chuyến đi về ông được thăng chức Thượng Thư Tả Tào. Năm Kỷ Dậu (1729), ông được giao trực tiếp trông coi công việc của Hữu Ty, thu đơn kiện, xét hỏi. Tháng 7 năm đó có trận lụt lớn nước sông Nhị Hà tràn ngập, nhiều đoạn đê bị vỡ cuốn trôi hoa màu, nhà cửa, Triều đình cử ông đi chỉ đạo việc đào sông Nghĩa Trụ (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội) để lưu thông thế nước chống lụt và lấy lương thực trong kho dự trữ quốc gia ở Vị Hoàng (nay thuộc huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) cấp cho dân bị nạn. Năm Canh Tuất (1730), đời Vua Lê Duy Phường niên hiệu Vĩnh Khánh năm thứ 2, ông được thăng làm Thượng Thư Bộ Công và ban ân cho một trăm quan tiền. Năm Giáp Dần (1734), đời Vua Lê Thuần Tông, niên hiệu Long Đức năm thứ 3, ông được thăng Thượng Thư Bộ Hình.

Đến năm Ất Mão (1735), đời Vua Lê Thuần Tông, niên hiệu Long Đức năm thứ 4, tuổi đã cao ông xin về trí sĩ tại quê nhà. Vua Lê Thuần Tông cho thăng lên Thượng Thư Bộ Binh và chuẩn cho về trí sĩ, ân ban cờ sái. Vua cho ông được hưởng ân lộc 2 làng Quỳnh Đôi và Bèo Hậu nhưng ông đã giao khoán khoản hoa lợi này cho hương lý 2 làng đó tự thu và lập quỹ chung ban phát cho dân nghèo.

Do tuổi cao sức yếu, ông lâm bệnh nặng và tạ thế ngày 16 tháng Giêng năm 1734 trong sự tiếc thương vô hạn của dòng tộc và nhân dân, hưởng thọ 70 tuổi, sau khi mất ông được ban tặng: Lại Bộ Thượng Thư Thiếu Bảo và Vua tặng cho thụy hiệu lúc mất là Đoan Cẩn. Mộ ông an táng tại huyệt cát địa trên đỉnh Hòn Thè (nay thuộc xã Quỳnh Diễn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), đến năm 1950 con cháu đã cải táng và đưa hài cốt của ông về xây mộ phía sau nhà thờ.

Hồ Phi Tích là danh nhân lịch sử tiêu biểu đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông là vị quan thanh liêm, đức độ, tài cao, giỏi chính sự, sống hết lòng vì dân, vì nước., nhất là đối với quê hương Quỳnh Đôi ông và gia đình đã có nhiều đóng góp lớn như: Bỏ tiền ra cưới chợ Bèo Hậu và cải tạo chợ Nồi, ban biếu làng Quỳnh Đôi 20 mẫu và làng Bào Hậu (nay là xã Quỳnh Hậu) 10 mẫu ruộng lộc điền. Đắp con đường từ làng Bào Hậu đi vào làng Quỳnh Đôi. Ngoài ra ông còn xây dựng, chỉnh sửa và bổ sung bản hương ước, khoán ước của làng với mục đích giáo dục tinh thần tôn sư trọng đạo, giữ lễ công bằng, thương yêu đoàn kết. Nhờ có hương ước mà mấy trăm năm nay dân làng Quỳnh sống có kỷ cương, đoàn kết, giữ gìn thuần phong mỹ tục. Vợ chính thất của ông bà Đàm Thị Quỳnh đã đưa nghề dệt lụa Hà Đông về truyền dạy cho dân làng Quỳnh, dân Quỳnh Đôi có câu thơ: Làng Quỳnh tơ lụa, thủ khoa ba đời.

Sau khi ông mất được nhân dân rước vào tế ở nhà thánh huyện và rước bài vị vào tòng tự tại Tư Vũ Văn Hội bản huyện và bản thôn, nơi tưởng nhớ công ơn những người học hành đậu đạt, có công với dân với nước. Hồ Phi Tích là một văn thần thời Lê Trung Hưng, làm quan hơn 30 năm, trải qua 3 đời vua (Lê Dụ Tông, Lê Duy Phường, Lê Thuần Tông) được tin yêu, được giao nhiều chức vụ quan trọng trong triều, làm quan ở nhiều nơi đến đâu cũng được nhân dân yêu quý. Ông là một trong 4 Thượng Thư có trí tuệ uyên thâm lúc bấy giờ, là một trong những thầy đồ xứ Nghệ nổi tiếng kinh kỳ có đông học trò theo học. Con cháu ông đời nối đời khoa bảng góp phần làm rạng danh cho dòng tộc họ Hồ Phi làng Quỳnh Đôi.

Lăng mộ Hồ Phi Tích

Chính thất phu nhân Đàm Thị Quỳnh. Theo gia phả chi nhánh Hồ Phi thì ông có 5 người vợ: Chính thất là bà Đàm Thị Quỳnh người Hà Đông, các bà trắc thất: Châu Thị Bát, Hồ Thị Tăng, Trần Thị Nhâm, Hồ Thị Quy và 2 tiểu thiếp tên là Lê Thị Tưởng và Chị Đôi. Trong số đó có 2 người vợ nổi tiếng đất Quỳnh Lưu và đã đi vào sử sách đó là bà chính thất họ Đàm và bà trắc thất họ Châu.

Bà Đàm Thị Quỳnh người xã Thanh Oai, huyện Hà Đông. Bà là con gái của giám sinh Đàm Lâm. Tuy là phận gái nhưng bà vẫn được cha cho ăn học nên bà là người có học thức và tinh nghề đoán dạng chữ. Qua nét chữ viết bà có thể đoán được tương lai, hậu vận của con người. Lúc tuổi đôi mươi, nghe tiếng ở kinh kỳ có các thầy đồ xứ Nghệ rất nổi tiếng học trò theo học rất đông. Cô Đàm đã xin cha cho phép ra Kinh đô mở quán bán hàng cơm để giao lưu với tầng lớp nho sĩ nhất là các thầy đồ Nghệ. Cô Đàm là người xinh đẹp lại văn hay chữ tốt nên các Nho sinh ở kinh kỳ thường qua lại nơi đây. Một hôm hai thầy đồ vào quán của cô Quỳnh. Cô Quỳnh hỏi chuyện: “Tôi biết hai cậu đây là học trò xứ Nghệ, tiếng đồn chữ tốt văn hay, tôi cũng biết đoán chữ, xem hậu vận, hai cậu viết vào bàn tay mình 1 chữ xem đường công danh sau này ra sao?”

Hồ Phi Tích viết vào tay mình chữ Sử, còn Hồ Sĩ Tôn viết chữ Dụng Cô  Quỳnh xem chữ xong nói: “Hai cậu đều văn hay chữ tốt, tiền vận gian nan, hậu vận thanh nhàn, sau này tất làm nên nghiệp lớn”. Về nhà cô bàn với cha mời Hồ Phi Tích về nhà làm gia sư kèm cho em trai học, đồng thời tạo điều kiện giúp Hồ Phi Tích ổn định chỗ ở để theo học Trường Quốc Tử Giám. Cô Quỳnh biết người viết chữ Sử hậu vận sáng sửa hơn, người viết chữ Dụng tuy tài những khoa danh lận đận. Vài năm sau cô kết hôn cùng Hồ Phi Tích, hành trang về nhà chồng của cô còn có thêm khung dệt. Quỳnh Đôi quê chồng là một vùng thuần nông, quanh năm chỉ trông vào mấy sào ruộng nên cuộc sống vô cùng vất vả, để giúp đỡ cho nhân dân vùng này Quỳnh phu nhân đã đưa nghề dệt lụa Hà Đông truyền dạy cho dân làng Quỳnh. Bên cạnh đó bà còn tạo điều kiện cho những người nghèo không có tiền mua khung cửi được mượn khung cửi của gia đình bà về dệt. Nghề dệt lụa của Quỳnh Đôi được hình thành và phát triển từ đây. Lụa Quỳnh Đôi nổi tiếng cả vùng về chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nhưng nổi tiếng hơn từ nghề phụ mà các chị, các mẹ đã nuôi chồng, nuôi con ăn học thành tài, nhân dân Quỳnh Đôi lưu truyền câu: “Làng Quỳnh tơ lụa thủ khoa ba đời” hay câu “Ông cử, ông tú cũng từ khung cửi mà ra”. Nhờ khung cửi mà các chị, các mẹ nuôi chồng, nuôi con ăn học thấp thì Tú tài, cao thì Hoàng giáp, Tiến sĩ.

Sau khi bà mất, nhớ công ơn người đem nghề dệt về cho dân làng, nhân dân Quỳnh Đôi đã rước bà vào tế tại đình làng như một vị Tổ sư nghề dệt lụa làng Quỳnh. Năm 1732, đời Vua Lê Thuần Tông, niên hiệu Long Đức năm thứ nhất, bà được ban tặng sắc phong là Quận phu nhân. 

 Bà trắc thất Châu Thị Phát là con gái út của ngài Kiệt Tiết tướng quân Quế lộc hầu ở làng Đông Liệt, huyện Đông Thành (ngày nay là Yên Thành). Cha bà từng xuất 3.000 quan tiền để xây cầu Tiên Lý trên đường cái quan. Châu Thị Phát cũng nức tiếng xinh đẹp, tính tình hiền hậu đoan trang. Quận Quỳnh hỏi làm vợ, sinh được hai trai. Ông Quận mất, bà còn trẻ tuổi thủ tiết thờ chồng.

Châu Thị Phát sau này còn nổi danh sự tích có liên quan đến Nguyễn Hữu Cầu, tục gọi quận He. Trong thời gian Nguyễn Hữu Cầu đóng quân ở Nghệ An, khi đi qua vùng Quỳnh Đôi thấy Châu Thị Phát nhan sắc còn đậm đà muốn lấy bà làm vợ. Không thể khước từ, trước lúc bị bắt đi, bà xin phép được đến nhà thờ để thắp hương vái lạy chồng. Nguyễn Hữu Cầu cho thủ hạ đưa bà đến nhà thờ. Bà đã khéo dấu kín con dao ở trong người, sau khi lạy khóc chồng liền rút dao đâm mình tự vẫn. Đời Vua Tự Đức bà được sắc phong “Tiết Phụ khả phong” và bà được rước vào tế ở đình làng Quỳnh Đôi, là người phụ nữ tiết hạnh thờ chồng,

Ông Hồ Phi Tự. Theo hệ phả chi Hồ Phi cho biết: Hồ Phi Tự là hậu duệ đời thứ XIII của chi Hồ Phi. Ông tên húy là Ngơi, tên chữ là Phi Tự, hiệu là Thang Tôn, là con trai thứ 2 cụ Tú tài Hồ Phi Hội, sinh ngày 17 tháng 3 năm Thiệu Trị thứ IV (1844). Tính hào khoáng mà cương quả, văn chương thì tứ khí lưu động. Năm Đinh Mão đời Vua Nguyễn Dực Tông, niên hiệu Tự Đức năm thứ 20, ông tham gia kỳ thi Hương và đậu Tú tài (đậu tam trường), đến năm Tân Mùi (1871) ông tiếp tục tham gia kỳ thi Hương lần thứ hai và đậu Cử nhân (đậu cả 4 trường). Sau khi thi đậu, ông được bổ nhiệm làm Tri huyện, huyện Hương Khê. Ông Hồ Phi Tự là người hiếu phụng với tiên tổ. Trong thời gian làm Tri huyện ở đây ông đã mua gỗ mít về tu lý nhà thờ Cụ Quỳnh Quận Công đến năm 1883 ông bỏ tiền mua đá về dựng bia mộ tổ từ bốn đời trở xuống.

Năm Quý Mùi (1883) ông được cử làm Bang biện phủ Nho quan. Sau đó thăng lên chức quyền Tri phủ, Phủ Nho Quan. Năm Ất Dậu (1885), Kinh thành thất thủ ông bèn bỏ quan về làng cùng nhân dân bảo vệ thôn xóm nhưng việc không thành. Cuối năm đó Cụ lên phủ Quỳ Châu định theo Vua Hàm Nghi sang Trung Hoa. Vua trao cho ông chức Hình bộ viên ngoại lang, lưu lại nhậm chức Tham biện phủ Quỳ Châu. Thời cuộc ngày càng rối ren, giặc Pháp kéo lên chiếm đóng Phủ Quỳ. Cụ ẩn vào trong núi và mất ngày 23 tháng 3 năm 1887.

Ông Hồ Phi Huyền tên huý là Cẩn, tự là Phi Thống, sau đổi là Phi Huyền, hiệu là Tử Văn, là con trai trưởng cụ Tri huyện Hồ Phi Tự, sinh vào năm Kỷ Mão (1879). Bản tính thông minh lại hiếu học, được cậu ruột là cụ ấm sinh Văn Đức Thùy hết lòng dạy bảo, nên khoa thi Canh Tý (1900), ông thi Hương trúng nhất cử, lúc ấy mới 22 tuổi. Nhưng vì thời cục rối ren ông bèn xếp lều chõng, rẽ sang nghề dạy học và chuyên tâm nghiên cứu nho, ý, lý, số, cắt thuốc chữa bệnh cứu người.

Những năm dạy học ở nhà thường tham dự vào việc họ, việc làng, cũng có nhiều công. Thường khinh rẻ quan lại, lảng tránh công môn, mà hay dự vào việc hương chính nên không tránh được có lúc mâu thuẫn với cường quyền! Về học thuật, cụ viết cuốn Nhân đạo quyền hành bằng chữ nho, cụ muốn đem tư tưởng Khổng Mạnh áp dụng vào một thời thế mới: Thời dân chủ, thời cơ khí, lại dịch ra quốc ngữ. Về y học, cụ soạn cuốn “Y như toát yếu” bằng chữ nho, quyển “Hồ Quỳnh y án” bằng quốc ngữ, lại dịch một quyển “Dược tính”, quyển “Y phương giải” và quyển “Ôn dịch luận”... Ông mất vào ngày mồng 3 tháng Chạp năm Bính Tuấn 1946.

Đến với Di tích Nhà thờ Hồ Phi Tích, chúng ta ai cũng cảm nhận được nét linh thiêng, cổ kính. Tuy đã trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng nhà thờ họ Hồ Phi vẫn được con cháu bảo tồn, tôn tạo và giữ được khá nguyên vẹn kiến trúc gốc, tôn nghiêm. Hiện tại di tích còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật quý có giá trị cho công tác nghiên cứu khoa học và biên soạn lịch sử địa phương như: Gia phả, bia đá, câu đối, đại tự, biển gỗ...là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh, nơi cố kết tình cảm của những con cháu trong dòng họ. Hàng năm diễn ra nhiều kỳ lễ trọng, tiêu biểu là lễ giỗ của Hồ Phi Tích vào ngày 16 tháng Giêng Âm lịch đã trở thành ngày lễ truyền thống tốt đẹp, khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Và cũng là dịp để  con cháu, dâu rể xa gần hội tụ về đây thắp nén tâm hương tri ân với các bậc tiên tổ, cầu mong được tổ tiên che chở, phù hộ cho cuộc sống của con cháu ngày càng tốt đẹp hơn.

Với những nội dung giá trị về truyền thống lịch sử của dòng họ, về các nhân vật tiêu biểu nêu trên, nhà thờ Hồ Phi Tích xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An xứng đáng được tôn vinh là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Hồ Thanh Khương