Cung tiến chiêng, trống vào Đền thờ An Dương Vương

Sáng 10/2/2025, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt Nam cùng các đơn vị Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục AES, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ cung tiến chiêng, trống vào Đền thờ An Dương Vương, xóm Chùa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Hoạt động mang ý nghĩa đặc biệt trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh lịch sử dân tộc. Buổi lễ diễn ra với các nghi thức trang trọng như dâng hương, tế lễ và nhiều nghi thức khác nhằm tôn vinh Đức Vua An Dương Vương, người có công lập nước Âu Lạc, xây thành đắp lũy, dạy nhân dân trồng trọt, ổn định đời sống.

Tham dự Lễ cung tiến có các đại diện: PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam; ThS Tô Văn Động, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam; TS Phạm Quốc Quân, Uỷ viên BCH Hội Di sản Văn hoá Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Tám, Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh; Ông Ngô Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội; Ông Hoàng Công Huy, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý Khu Di tích Cổ Loa; TS Nguyễn Thị Thu Hường - Giám đốc công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục AES; đồng chí Nguyễn Khả Nghị -  Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Loa cùng các thành viên khác.

ThS Tô Văn Động, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phát biểu tại sự kiện

ThS Tô Văn Động, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ nhấn mạnh trong phát biểu tại buổi lễ: “Chiêng đồng và trống là lòng tôn kính, sự ngưỡng mộ với các bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước, hy vọng và tin tưởng là kỉ vật góp phần phát huy giá trị của di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa”.

Đền thờ An Dương Vương tại Cổ Loa có vị trí đặc biệt không chỉ với người dân địa phương mà còn trong tâm thức của người Việt Nam nói chung. Đây là vùng đất thiêng liêng, gắn liền với bao sự kiện oanh liệt và thăng trầm lịch sử nước nhà. Việc cung tiến chiêng, trống không chỉ thể hiện lòng tri ân đối với bậc tiền nhân mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của khu di tích mà đồng thời lan tỏa và gìn giữ truyền thống đặc biệt của dân tộc.

Lễ phẩm chiêng, trống do Công ty CP Công nghệ Giáo dục AES cung tiến

Chiêng đồng cung tiến có đường kính 90cm, nặng 51kg, được chế tác tinh xảo bởi các nghệ nhân Làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, Thanh Hóa, mang đậm dấu ấn nghệ thuật làng nghề truyền thống.

Trống có cùng kích thước đường kính 90cm, là sản phẩm công phu từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng nghề Đọi Tam, Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam – vùng đất nổi danh với nghề làm trống hàng trăm năm.

Từ xa xưa, chiêng và trống luôn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, gắn liền với đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Âm thanh của chiêng, trống không chỉ thể hiện sự uy nghi, linh thiêng trong các nghi lễ mà còn là biểu tượng của sự kết nối giữa con người với thần linh, tổ tiên.

Ông Hoàng Công Huy, Phó trưởng ban phụ trách Ban quản lý khu di tích Cổ Loa, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đại diện tiếp nhận chiêng và trống tại buổi lễ, cho hay: “Chiêng và trống là hiện vật văn hóa, linh hồn của các nghi lễ truyền thống và là cầu nối giữa quá khứ và hiện đại, giữa thế hệ đi trước và các thế hệ mai sau. Đặc biệt, trong nền văn hóa dân gian Việt Nam, chiêng và trống mang trong mình một ý nghĩa sâu sắc của sự linh thiêng kết nối cộng đồng và nên tự hào dân tộc”.

Lễ cung tiến chuông, trống vào đền thờ An Dương Vương không chỉ thể hiện lòng tôn kính, tri ân bậc tiền nhân mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây cũng là sự kỳ vọng vào việc bảo tồn và lan tỏa đạo nghĩa tươi đẹp “Uống nước nhớ nguồn” lâu đời của dân tộc ta đến thế hệ mai sau.

P.V